Nga giải quyết xung đột ở châu Á
Nga đánh giá cao hợp tác quốc phòng với các nước châu Á-Thái Bình Dương và cho rằng sự đóng góp của mình trong giải quyết các xung đột ở châu lục này là "đáng chú ý và hữu dụng".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Borodavkin tuần trước nói tại một cuộc họp báo ở Moscow: "Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các khủng hoảng và xung đột đã trở nên tồi tệ hơn (trong năm 2009)".
Ông đưa ra thí dụ tình hình ở Afghanistan và Bắc Triều Tiên.
"Kinh tế khu vực năm 2009 bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tuy không bằng ở Hoa Kỳ và châu Âu. Trung Quốc, Ấn Độ và Australia không những không giảm tăng trưởng mà còn tiếp tục phát triển kinh tế tốt."
Ông Borodavkin nhận định: "Các khuynh hướng này đòi hỏi nước Nga tham gia một cách tích cực hơn trong khu vực".
Ông cho rằng sự tham gia của Nga tại đây bắt đầu có "chất lượng mới".
Thứ trưởng ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng Moscow chủ trương phát triển hợp tác quốc phòng với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.
"Các kế hoạch hợp tác quốc phòng trên toàn cầu trong năm 2009 có tổng trị giá 8,5 tỷ đôla và các nước châu Á-Thái Bình Dương chiếm tỷ trọng lớn trong con số này."
Ông Borodavkin không nhắc tới, nhưng ai cũng nhớ chi tiết rằng Việt Nam vừa ký hợp đồng nhiều tỷ đôla để mua tàu ngầm và vũ khí của Nga.
Với chiều hướng này, Nga chắc chắn sẽ đóng vai trò lớn trong hợp tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.
Hợp đồng khổng lồ
Trong khi đó, báo Kommersant của Nga hé lộ chi tiết rằng hợp đồng tàu ngầm giữa Việt Nam và Nga có thể lên tới 4 tỷ đôla chứ không phải 2 tỷ như được tính toán trước đó.
Con số này dĩ nhiên không được các nguồn tin chính thức xác nhận.
Kommersant đăng trên website của mình rằng hợp đồng khổng lồ chế tạo tàu ngầm cho Việt Nam đã được nhà xuất khẩu vũ khí chính của Nga, công ty Rosoboroneksport (Rosoboronexport), trao cho xưởng đóng tàu Admiralty (Admiralteyskiye Verfi) tại St Petersburg.
Trước đó có đề xuất về sự tham gia của nhà máy Severodvinsk's Sevmashpredpriyatiye trong hợp đồng đóng mới sáu tàu ngầm hạng Kilo mà Nga gọi là project-636 cho Việt Nam, nhưng nay điều này đã được loại bỏ.
Kommersant trích lời ông Konstantin Makiyenko, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga, nói hợp đồng tàu ngầm cho Việt Nam có ý nghĩa quan trọng là thiết lập cả một quân chủng mới.
Chuyên gia này ước tính, hợp đồng đã ký bao gồm cả xây dựng cơ sở hạ tầng, căn cứ, trung tâm bảo trì, đài chỉ huy và cơ sở huấn luyện cùng chi phí huấn luyện sẽ lên tới 4 tỷ đôla vì mỗi chiếc tàu ngầm trị giá đã 350 triệu đôla rồi.
Trong khi đó, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã có chuyến thị sát hiếm hoi tới chính nhà máy đóng tàu Admiralty ở St Petersburg hồi tuần trước, chỉ hơn một tuần sau khi Việt Nam ký hợp đồng tàu ngầm với Nga.
Ông Putin yêu cầu phát triển ngành công nghiệp tàu chiến của Nga theo một lộ trình 30 năm nhằm xây dựng khả năng vượt trội trên thế giới.
Nga đã có chương trình phát triển thiết bị hải quân tới năm 2016 trị giá 135 tỷ rúp, trong đó 92 tỷ là từ ngân khố nhà nước.
No comments:
Post a Comment