Phát ngôn ấn tượng: không nên cấm hôn ở công viên
Yêu cầu Trung Quốc trả lại tàu cho ngư dân Việt Nam
Ngày 7 và 8/12, phía Trung Quốc đã bắt giữ 3 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thu giữ hai tàu cùng thiết bị, tài sản và hải sản của ngư dân.
Phản ứng trước hành động này, ngày 14/12, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động bắt giữ ngư dân Việt Nam và phải đền bù thiệt hại cho ngư dân. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối, có phản ứng quyết liệt để phía Trung Quốc chấm dứt tình trạng này”. (VietNamNet, 14/12)
Như vậy, cũng như nhiều trường hợp tương tự trong thời gian gần đây, đối với việc Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam, Hội Nghề cá (và cạnh đó, chính quyền địa phương) đã lên tiếng phản đối rất sớm.
Đây là một điểm son, khi một tổ chức nghề nghiệp và chính quyền địa phương có ý thức rõ rệt về việc bảo vệ thành viên của mình, cư dân của mình.
Bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ
Điểm đáng nói là trong lần này, những tiếng nói phản đối đã mạnh mẽ và ấn tượng hơn rất nhiều vì chỉ một ngày sau, đã có những phát ngôn từ cấp cao nhất, trên mặt trận ngoại giao:
Việt Nam quan ngại trước việc phía Trung Quốc nhiều lần bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam khi họ đang hoạt động bình thường tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, gây nguy hại tới tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam. (VnExpress, 15/12, dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga).
Đây là điều đông đảo người dân Việt Nam đã mong đợi từ bấy lâu nay: những phản ứng chính thức, những tiếng nói đồng loạt và mạnh mẽ trước vận mệnh của người dân và đất nước!
Lưu học sinh cần “được” quản lý để gia đình yên tâm!
Trước thắc mắc của dư luận về tính khả thi và độ hữu ích của quy chế quản lý lưu học sinh (dự thảo), ông Trương Duy Phúc, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), cho biết, quy chế yêu cầu lưu học sinh gửi báo cáo tình hình học tập qua e-mail về Văn phòng Cục Đào tạo với nước ngoài, để Văn phòng Cục tổng hợp.
Ông Trương Duy Phúc, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài. Ảnh: VNN |
Như vậy, nói ngắn gọn thì tính hữu ích của quy chế quản lý lưu học sinh nằm ở việc nó tạo cho lưu học sinh và gia đình của họ tâm lý “yên tâm” vì lưu học sinh đang được “quản lý” tốt. Điều này cũng giống như khi trẻ nhỏ đi học, các em, các cháu cần có sự “phối hợp quản lý giữa gia đình và nhà trường” vậy.
Nếu đây là suy nghĩ chung của các nhà làm chính sách thì nó đang phản ánh tư duy coi những sinh viên, nghiên cứu sinh – những nhà khoa học, nhà nghiên cứu tương lai của đất nước – như trẻ nhỏ, chưa có ý thức về hành vi của mình. Điều này chắc chắn chỉ gây phản cảm, bằng chứng là rất nhiều lưu học sinh đã lên tiếng, gửi thư kiến nghị phản đối dự thảo quy chế.
Muốn thu phục nhân tâm, chinh phục người tài, các nhà làm chính sách có rất nhiều cách khác để thể hiện sự “quan tâm” và “hỗ trợ” đối với lưu học sinh, thay vì yêu cầu họ gửi báo cáo kết quả học tập 6 tháng một lần.
Lại chuyện “kiểm soát” và “nhả” thông tin
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Công khai thông tin là quan trọng nhưng bất kỳ một thông tin nào về tài chính, tiền tệ đều ảnh hưởng đến xã hội… Tôi đồng ý là với trường hợp đặc biệt thì tổ chức tín dụng phải được đặt trong tình trạng đặc biệt, nhưng không phải cái gì cũng công khai, minh bạch”. (VietNamNet, 17/12)
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Ngân sách QH. Ảnh: VNN
Việc giữ kín thông tin để không gây hoang mang dư luận, ổn định tâm lý người dân, luôn được giới hoạch định chính sách ở ta coi như một lý do hoàn hảo nhằm biện minh cho hành động “bảo mật”, và sau đó tới khi không giữ được nữa thì công bố chính thức theo kiểu “đùng một cái”.
Thật ra, chính cái sự “giật cục” trong chính sách mới là nguyên nhân gây hoang mang dư luận, tạo sự bất ổn trong tâm lý người dân. Còn nếu nói cần “ghìm” thông tin, cân nhắc thời điểm công bố… để giữ yên lòng dân, thì lại phải đặt vấn đề: Chúng ta có đảm bảo các thông tin chính sách sẽ được bảo mật tuyệt đối? Những ai thì được biết, những ai thì không, làm cách nào để phân biệt giữa các nhóm này?
Hay là trên thực tế, sẽ có một số ít đối tượng biết trước các thông tin về chính sách, và tận dụng điều đó để trục lợi trước đám đông?
Câu trả lời chắc hẳn là: Khó mà đảm bảo kiểm soát thông tin tuyệt đối, đặc biệt khó mà công bằng khi xác định ai có quyền được biết, ai không.
Nói như Chủ tịch Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền: “Thực tế là chúng ta không thể giấu thông tin được… Bưng bít hoàn toàn là không phù hợp xu hướng hiện nay”.
Ồn ào chuyện lương thưởng ở SCIC
Kết quả kiểm toán tại Tổng công ty vốn Nhà nước SCIC đã làm dấy lên trong dư luận nhiều ý kiến trái ngược. Nhiều người cho rằng lương của lãnh đạo ở SCIC lên tới gần 80 triệu đồng là quá cao trong khi hiệu quả hoạt động của SCIC không cao tương ứng. Ý kiến khác lại nói, với một đại công ty quản lý nguồn vốn hàng chục nghìn tỷ đồng thì lương cho TGĐ dưới 1 tỷ đồng/năm là quá ít.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. Ảnh: vneconomy.vn |
“Việc dư luận cho rằng, lương của lãnh đạo SCIC gần 80 triệu đồng/tháng là quá cao cũng cần phải được nhìn nhận từ nhiều góc độ, phải có số cụ thể của các doanh nghiệp khác... Nếu để so sánh với lương của lãnh đạo của các doanh nghiệp khác thì cũng khó bình luận, vì so sánh như thế là vô cùng”. (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 16/12)
Cách giải thích công khai và ít cảm tính của Bộ trưởng Tài chính tất nhiên là có tác dụng tốt trong việc xoa dịu sự bức xúc của một bộ phận dư luận về chế độ thu nhập cho các lãnh đạo công ty có vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nói thêm: “Vụ việc của SCIC cũng là một bài học cho những người liên quan về công tác thông tin bởi một khi bát nước đã hất ra thì không bao giờ vớt lại đầy được”, bởi “Kiểm toán Nhà nước đã “vào cuộc” rồi nên không thể giấu được”.
Về điểm này, có lẽ nên hiểu ngược lại, theo nghĩa tích cực, mới đúng: Chính nhờ Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, và tình hình lương thưởng cho các lãnh đạo công ty vốn Nhà nước “bị” công khai hóa, mà dư luận mới có ý kiến.
Và cũng từ đó, Bộ trưởng đã “chỉ đạo anh em làm ngày, làm đêm để có báo cáo phản hồi dư luận”, hay “yêu cầu cắt giảm hết các khoản làm thêm giờ, lương tăng theo doanh thu... của lãnh đạo. Chỉ có người lao động được nhận thôi”.
Tóm lại, những kết quả mà kiểm toán công bố là biểu hiện rõ của sự công khai và minh bạch (phần nào) thông tin tại khu vực kinh tế quốc doanh. Đây là điểm đáng được khuyến khích. Ở khía cạnh khác, các kết quả kiểm toán cũng cho dư luận thấy sự phức tạp và bất cập trong chính sách lương thưởng của Nhà nước.
Có nên cấm… hôn ở nơi công cộng?
Báo chí vẫn hay phản ánh “hiện tượng” nhiều đôi nam nữ đưa nhau vào công viên tâm sự, đôi khi làm những hành động quá đà. Một trong những nơi nổi tiếng với danh hiệu “Đồi Hôn” hẳn là khu vực Núi Nùng ở Vườn Bách thảo Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, có nên cấm thanh niên vào công viên để hôn không, bà Nguyễn Thị Thạch, Giám đốc Vườn Bách thảo Hà Nội, cho biết ý kiến: “Tôi nghĩ không nên cấm. Đây là quyền tự do của mỗi người”. (Khoa học và Đời sống Online, 16/12)
Bà Nguyễn Thị Thạch, Giám đốc Vườn Bách thảo Hà Nội. Ảnh: bee.net.vn
Giá như tất cả các quan chức ở ta đều có được tư duy thoáng như bà Nguyễn Thị Thạch. Nói cách khác, giới làm chính sách rất nên học theo gương của vị giám đốc Vườn Bách thảo Hà Nội, để thay đổi tư duy “không quản được thì cấm” bấy lâu nay.
Tất nhiên, bà Thạch cũng không có ý tạo điều kiện cho những hành động quá đà làm chướng mắt người qua lại. Nhưng thay vì trương biển “cấm hôn”, bà cho biết: “Mình khắc phục bằng cách không cho họ có địa điểm đi quá giới hạn yêu đương. Ghế đá khu lẩn khuất được thu dọn hết. Không trồng các lùm cây. Buổi tối thì đèn điện chiếu sáng khắp nơi”.
Đó thực sự là cách suy nghĩ của một nhà quản lý có tư duy hiện đại, hướng tới tính hiệu quả của chính sách và sự tôn trọng quyền tự do cá nhân.
Khi “nhân thân xấu” nhưng “thân nhân tốt”
Theo đơn tố cáo của cụ bà Nguyễn Thị S. (huyện Quốc Oai, Hà Nội), từ mâu thuẫn với cháu ngoại cụ, thanh niên Phan Văn Tuấn đã… tụt quần ngồi lên đầu cụ, thực hiện nhiều hành vi đồi bại trước sự chứng kiến của bà con lối xóm.
Chuyện xảy ra vào ngày 11/11, cụ S. đã có đơn tố cáo gửi CA xã Nghĩa Hương. Tới nay, gần một tháng sắp trôi qua, bà cụ 82 tuổi vẫn gạt nước mắt tủi nhục, không thấy một lời hồi âm.
Cụ Nguyễn Thị S. gạt nước mắt... Ảnh: Dân Trí |
Ông Nhiên giải thích thêm: “Thực tế, Tuấn như một dạng “Chí Phèo” ở địa phương, thường rượu chè gây mất trật tự trong thôn xóm nhưng đến giờ chưa có tiền án, tiền sự. Nghề nghiệp của Tuấn là làm ruộng”. (Dân Trí, 17/12)
Tuy nhiên, đặc điểm quan trọng nhất của “Chí Phèo xã” này là, anh rể Phan Văn Tuấn là một công an viên của xã, còn em rể của Tuấn lại là anh trai của Phó Chủ tịch xã Nghĩa Hưng. Chẳng biết có phải vì thế mà cho đến giờ phút này, CA xã vẫn chưa triệu tập nhân chứng nào trong số đông đảo người chứng kiến sự vụ hôm đó.
Đấy quả là cái lợi của một người có “thân nhân tốt”, cho dù bản thân anh ta có thể “như một dạng Chí Phèo”, thường rượu chè gây mất trật tự ở địa phương.
Giáo viên cũng nên có “thân nhân tốt”
Cùng ngày 11/11, ở trường THCS Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình), em Nguyễn Ngọc Oai, học sinh lớp 8A, giật cầu dao điện để tắt quạt trần (do trời lạnh). Liền sau đó, em bị thầy giáo Nguyễn Đức Luân bạt tay, đánh, đá… đến chảy máu mũi và ngất xỉu.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an xã Quảng Hợp đã quyết định xử lý hành chính với ông Luân và gửi thông báo về Ban giám hiệu trường THCS Quảng Hợp. Tuy nhiên, đến nay Ban giám hiệu trường vẫn không đưa ra bất kỳ hình thức kỷ luật nào đối với ông Luân. Thậm chí, thầy Luân còn được chi bộ xếp loại “đảng viên tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Không biết kết quả đánh giá này có liên quan tới “thân nhân tốt” của thầy Luân không, bởi thầy chính là con rể của ông Lê Thương - Hiệu trưởng trường THCS Quảng Hợp.
Lý giải về hành động “Trương Phi” của chàng rể, ông Thương nói với phóng viên: “Chuyện thầy bạt tai, véo má trò là thường, nó là bệnh nghề nghiệp của giáo viên rồi. Chẳng qua thầy Luân rủi, khiến học trò bị chảy máu mũi nên mới sinh chuyện”. (Tiền Phong, 16/12)
Thôi, lại là vấn đề “thân nhân tốt” rồi! Thầy cô giáo nào mắc “bệnh nghề nghiệp” nói trên mà lại có “thân nhân tốt” nữa thì tha hồ hành xử như Trương Phi, không làm sao hết!
No comments:
Post a Comment