Lương và Tâm
TP - Phàm ở đời, nhận hay cho đều gắn với chữ Tâm. Chữ Tâm tròn hay khuyết, mỏng hay dày đều xuất phát từ tâm thế, mục đích của người cho và nhận vậy. Lương (thu nhập, nhận) cũng không ngoài sự ràng buộc ấy. Soi chiếu việc này với việc một số sếp của các doanh nghiệp nhà nước nhận lương cao tới mức gây sốc cho dư luận, lại băn khoăn đi tìm vị trí chữ Tâm.
Năm 2008, kinh tế cả nước khó khăn, Thủ tướng kêu gọi tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu nhưng lương của tổng giám đốc một đơn vị kinh doanh của Nhà nước mỗi tháng lên tới gần 100 triệu đồng.
Nhận lương như thế, để lỗ, lúc đó chữ Tâm có ngủ yên? Kinh doanh nguồn tiền khổng lồ của nhà nước, “buôn tài không bằng dài vốn”, nhưng “vốn dài” mà lợi nhuận thu về ngắn, có khi lại âm, thế nhưng lương tháng chẳng âm bao giờ. Lúc đó chữ Tâm trong họ có ngọ nguậy, tỉnh thức?
Vừa mới đây, báo chí lại thông tin Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu Kiên Giang nhận lương mỗi tháng 232 triệu đồng trong khi cả năm Cty này chỉ nộp ngân sách 4,7 tỷ đồng! Và lương công nhân chỉ bằng mươi cân cá kèo. Lúc đó chữ Tâm trong họ chắc đang ngủ yên?
Lương không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với Tâm. Tiền Phong đã từng phản ánh câu chuyện các cô giáo mầm non ở xã Long Thành, huyện Yên Thành nhận mức lương mỗi tháng sáu trăm nghìn đồng, có khi lương được trả bằng lúa, bằng lạc, bằng cả ổ chó con. Nhưng các cô vẫn say nghề, yêu trẻ vô điều kiện.
Biết bao cán bộ công nhân viên chức đang nhận những đồng lương khốn khó mà vẫn hăng say lao động, đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Lương chịu sự điều chỉnh của cơ chế, chính sách nhưng lương cũng chịu sự chi phối của chữ Tâm. Tâm thể hiện ở việc đưa ra một chế độ tiền lương công bằng, nhân sinh của những người hoạch định chính sách.
Tâm thể hiện ở cách ứng xử mang tính đạo lý: chỉ nhận những gì tương xứng với sự đóng góp của mình. Càng quyền cao chức trọng càng phải có trách nhiệm thể hiện chữ Tâm khi ứng xử với lương.
Tổng thống Mỹ B. Obama đã mắng các CEO của một số ngân hàng Mỹ là “thiếu lương tâm” khi để cho ngân hàng mà mình lãnh đạo lâm vào nguy cơ phá sản nhưng vẫn vô cảm nhận mức lương thưởng hàng triệu USD.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak lại cam kết dành toàn bộ lương của nhiệm kỳ tổng thống 5 năm để tặng người nghèo.
Hồi đang ở cương vị Phó Thủ tướng, ông Vũ Khoan tâm sự: “Các bạn nghĩ rằng lương của tôi được bao nhiêu? Mới đây, tôi có đi thăm Cty sữa Việt Nam, hỏi chuyện anh em công nhân mới hay là lương của mình còn thua lương anh em. Dẫu sao, tôi cũng thấy mừng vì chuyện này...
Tôi biết lương của các nguyên thủ nước ngoài rất cao. Thế nhưng quan điểm của Chính phủ là một viên chức nhà nước không thể hưởng lương quá cao so với những người đã hy sinh xương máu của mình vì sự độc lập và thống nhất của tổ quốc”. Một quan điểm về lương hợp lý và thấu đạo.
Trong cơ chế thị trường, lương Phó Thủ tướng thua lương công nhân cũng là bình thường, nhưng sẽ không bình thường nếu như lương quá cao hoặc quá thấp so với sự đóng góp. Nhất là đối với những công bộc của dân, những người “Lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ”.
Khi chiết tự chữ Tâm, Nguyễn Du viết “Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời”. Để đắp đầy một chữ Tâm, nhất là đối với những người lãnh đạo, khó lắm thay!
Phùng Nguyên
No comments:
Post a Comment