Đừng đánh giá giảng viên kiểu hình thức
ThS Tiến cho rằng việc đánh giá GV là việc phải làm, nhưng làm như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất hay chỉ là hình thức đối phó qua chuyện để rồi phản ánh sai sự thật. Ông nói: “Tôi muốn đóng góp một vài ý kiến của mình mong rằng từ báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT sẽ đề ra những tiêu chuẩn nhất định để đánh giá đúng hơn về chất lượng đào tạo của các GV”.
ThS Lê Minh Tiến kể: “Tôi may mắn học khóa đầu tiên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nên được những giáo sư đầu ngành giảng dạy. Họ là những người vừa có kinh nghiệm lại có kiến thức chuyên môn tốt nên những bài giảng thường sinh động và hấp dẫn. Các trường không có nhiều lớp, nhiều khoa như bây giờ nên thầy cô cũng dành nhiều tâm huyết cho bài giảng hơn. GV và SV thường gần gũi và trao đổi bài một cách tự nhiên. Ngày đó chất lượng của GV phần lớn được đánh giá từ tình cảm của SV dành cho họ”.
ThS Tiến phân tích thêm: “Trên thực tế, nhiều trường ĐH tổ chức cho SV đánh giá chất lượng GV còn mang nặng tính hình thức, qua loa, thiếu phương pháp khoa học như kiểu cưỡi ngựa xem hoa làm kết quả điều tra thiếu hiệu quả. Việc lấy ý kiến phản hồi của SV ở một môn học nào đó về chất lượng giảng dạy của một GV thì chưa thật sự hợp lý. Bởi vì năng lực của một GV cần phải được đánh giá qua một quá trình và qua nhiều tiêu chí khác nhau”.
ThS Tiến từng làm khảo sát về mức độ yêu thích của SV đối với các môn học thì môn triết học, tâm lý, xác suất thống kê... bao giờ cũng ở tốp cuối. Nên ông cho rằng nếu cứ dựa vào những con số thống kê để đánh giá chất lượng thì sự so sánh này quả là hết sức khập khiễng.
Theo ThS Tiến, sau bài viết đó ông nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của các đồng nghiệp và SV. “Người VN chúng ta có truyền thống tôn sư trọng đạo và nghề giáo là một nghề cao quý, vì vậy khi có một kết luận đánh giá cần phải khách quan, bình tĩnh, không nên nóng vội để công sức và đóng góp của chúng tôi được nhìn nhận một cách công bằng hơn” - ông Tiến tâm sự.
MỸ THƯƠNG
No comments:
Post a Comment