Sunday, December 20, 2009

Có nên biện hộ không?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh mở lòng về SCIC và JP

>> Quan chức không nên kiêm nhiệm

TP - Trong cuộc trao đổi riêng với Tiền Phong, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, trong thời gian làm quản lý SCIC ông không nhận bất kỳ khoản thưởng nào. Về khoản lỗ tại JestarPacific Airlines (JP) thì đã thuê luật sư quốc tế để làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Nên nghiên cứu cơ chế để minh bạch hơn trong tiền lương và quản lý tiền lương - Ảnh: Hồng Vĩnh

Kỳ I: Không có đặc thù nào cho SCIC

Trong cuộc họp gần đây, Bộ trưởng có nói về kết quả kiểm toán tại SCIC do Kiểm toán Nhà nước thực hiện là đúng nhưng có điểm cần nói lại cho rõ. Vậy vấn đề cần nói lại là gì?

Tôi nói kết quả kiểm toán đưa ra là đúng nhưng có một vài chỗ cần giải thích cho rõ hơn nữa.

Điển hình, thu nhập của lãnh đạo SCIC 78,5 triệu đồng/tháng là đúng. Có người hiểu toàn bộ số tiền đó là lương nhưng thực ra bao gồm lương và thu nhập.

Ví dụ như khoản lương năm trước nhưng thanh toán trong năm nay. Đây là khoản đáng nhẽ phải cộng vào tính của năm trước chứ không phải của năm nay. Khoản tiền khoán điện thoại cũng vậy.

Trước đây, nếu không có khoán, tôi cứ gọi điện hàng tháng rồi văn phòng thanh toán. Đó là khoản chi phí quản lý của văn phòng hay của doanh nghiệp.

Bây giờ chuyển sang khoán, anh gọi nhiều thì thanh toán nhiều, anh gọi ít thì thanh toán ít. Nếu gọi vượt thì phải chi thêm, gọi ít thì được hưởng. Chính Kiểm toán không nói rõ điều đó nên ở bên ngoài mọi người hiểu số tiền đó là lương. Tôi muốn giải thích thêm như vậy.

Bộ trưởng có nói sau khi chia, nộp thuế các khoản thì thực tế lương của lãnh đạo SCIC còn 36,4 triệu đồng/tháng. Vậy tổng số tiền còn lại ngoài số tiền trên được chia cho các khoản gì và ai là người duyệt trực tiếp?

Trong văn bản trả lời của mình, tôi nói có hai khoản: Lương và thưởng. Khoản thưởng do lãnh đạo SCIC duyệt.

Có nghĩa là Tổng Giám đốc Trần Văn Tá ký, thưa ông?

Tôi không biết là Tổng hay Phó Tổng Giám đốc ký nhưng là do ban lãnh đạo ký. Cái đó là như thế này. Các khoản về lương thì phải trình duyệt theo quy định của Nhà nước. Còn khoản thưởng thì cũng được quy định rất rõ. Anh thực hiện như thế nào thì được trích bao nhiêu. Chế độ đã có rồi.

Ví dụ doanh nghiệp được trích ba tháng lương hay bao nhiêu đấy, quỹ phúc lợi thế nào, quỹ nọ quỹ kia như thế nào thì quy định rất rõ rồi. Căn cứ vào đó, lãnh đạo doanh nghiệp dựng các chế độ thưởng như thế nào.

Trong nội bộ của doanh nghiệp, lãnh đạo cũng phải đưa ra quy chế và quy chế phải công khai trong tập thể người lao động, trên cơ sở đó mới duyệt lương, thưởng.

Khi bóc tách các khoản, thấy xuất hiện khoản chi 6,1 triệu đồng hàng tháng tiền điện thoại, tiền quần áo… trong tổng số 78,5 triệu đồng kia. Như vậy có hợp lý?

Tiền trang phục thì tôi nhớ chỉ được chi một hay hai lần gì thôi. Cái này thực sự tôi nhớ không chính xác lắm, sẽ kiểm tra lại. Tôi không được nhận tiền trang phục đó, tiền điện thoại cũng không nhận. Chỉ có các thành viên ban lãnh đạo SCIC và cán bộ ở đó được nhận theo chế độ.

Ở đây cần phân tích thêm. Tiền điện thoại là thường xuyên. Như tôi nhớ tổng giám đốc được nhận 1,5 triệu đồng. Còn tiền trang phục thì đâu một lần gì đó nhưng người ta cộng vào chia bình quân thì ra kết quả đó.

Vậy từ trước đến nay tiền thưởng hàng năm cho các thành viên ban lãnh đạo SCIC là như thế nào, thưa ông?

Ở đây có tiền làm thêm giờ chứ không chỉ có tiền điện thoại không đâu. Sau này sẽ yêu cầu anh em kê chi tiết ra. Việc thưởng là theo chế độ quy định.

Tổng tiền thưởng là theo chế độ. Còn tiền thưởng thế nào, thời điểm nào thì do bản thân nội bộ quyết định. Ví dụ, có thể chia ra hàng tháng nhưng cũng có thể bớt ra một ít để nhân ngày lễ, tết chi. Nhưng tổng tiền thưởng thì vẫn phải theo chế độ.

Vậy số tiền thưởng đó và những lần thưởng như vậy lãnh đạo SCIC có báo cáo lại cho ông?

Tôi cũng không duyệt cái này.

Bộ trưởng có nắm được số tiền thưởng cụ thể của một nhân viên hoặc một lãnh đạo của SCIC là bao nhiêu không?

Thực sự mà nói thì tôi cũng không nắm.

Bộ trưởng được giao giữ chức Chủ tịch HĐQT và là người lập chiến lược điều hành của SCIC. Vậy ngoài phụ cấp trách nhiệm hơn 2 triệu đồng/tháng, ông có được nhận khoản tiền thưởng nào khác?

Trụ sở SCIC tại Hà Nội - Ảnh: Hồng Vĩnh

Phải khẳng định một điều là tôi không nhận một khoản nào cả. Kể cả thưởng. Chỉ nhận duy nhất khoản phụ cấp thôi.

Nhưng cũng phải nói thế này. Anh em cũng có trích thưởng, và tôi nhớ có lần anh em cũng đưa cho tôi nhưng tôi bảo thư ký cầm sang nói lại đây là tiền thưởng của anh em thì để cho anh em, chứ tôi không nhận thế. Hơn một năm đảm nhiệm, tôi đều trả lại. Dịp lễ, tết cũng không nhận.

Khống chế lương của lãnh đạo để dễ kiểm soát

Với mô hình của SCIC trong thời gian qua, phải chăng đã đến lúc cần thay ban lãnh đạo?

Nếu đánh giá cái này thì phải phân tích kỹ, quan trọng là mô hình đó có hoạt động đúng quy định nhà nước hay không. Câu hỏi này rất nhạy cảm, về thẩm quyền thì còn nhiều chuyện lắm.

Việc điều chỉnh mức lương của các vị này xuống cho phù hợp thực tế liệu có thực hiện được không?

Cái này còn phụ thuộc chế độ nhà nước. Theo tôi, cũng nên nghiên cứu có cơ chế làm sao đó để minh bạch, rõ ràng hơn để người quản lý dễ kiểm tra kiểm soát và người làm doanh nghiệp cũng yên tâm trong việc minh bạch trong thực hiện.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ nghiên cứu. Nói về quan điểm thì tôi đã đề cập rất nhiều lần rồi. Nên nghiên cứu một cách thức gì đó và nên khống chế để dễ kiểm soát.

Kiểm toán cho biết tiền lương hằng tháng của lãnh đạo SCIC năm 2008 là 49,3 triệu đồng/tháng. Sau khi nộp thuế, số thực lĩnh là 36,4 triệu đồng/tháng. Vậy việc nộp thuế của các lãnh đạo SCIC thực hiện thế nào, thưa ông?

Nộp theo chế độ nhà nước hết.

Bộ trưởng có nắm được việc thực hiện đó không?

Có chứ.

Báo cáo kiểm toán cho thấy, SCIC chưa kê khai và nộp kịp thời, đầy đủ thuế thu nhập cá nhân của các lãnh đạo. Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc này?

Cái đó làm sao mà trốn được. Thực sự mà nói như thế. Anh em có báo cáo, tôi có xem lại, hàng tháng đều có tạm trích, tạm nộp. Cái đó là bình thường.

Anh em giải thích, có 40 người ở nơi khác chuyển về vào thời điểm tuyển người và phải đối chiếu với cơ quan cũ xem mức nộp thế nào. Vì vậy quyết toán thuế chậm hai tháng chứ không phải trốn nộp.

Cũng có ý kiến cho là thời gian làm thêm 400 giờ/năm, tương đương gần 17 ngày làm việc 24/24 giờ của lãnh đạo SCIC là hình thức vẽ việc để kiếm thêm tiền, tìm cách lách luật. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến?

Nghĩ thế là rất oan cho anh em. Cũng phải nhìn vào con người nữa. Làm gì đến nỗi phải kê khai khống mấy cái giờ đó lên. Bản thân các anh bên SCIC cũng làm được rất nhiều.

Ngay tôi cũng phải dành một thời gian nhất định ở bên đó để xử lý các việc. Nhiều khi hết giờ hoặc đi họp bên đó thì sang làm việc. Xử lý xong thì về. Còn bảo thế thì tôi khó nói quá.

Theo báo cáo kiểm toán, đến 31-12-2008, trong tổng số 808 doanh nghiệp mà SCIC quản lý vốn, SCIC mới đối chiếu xác nhận công nợ với 530 đơn vị. Vậy có phải SCIC đang bị quá tải về công việc, về cách quản lý?

Cũng cần nói lại, 87% số doanh nghiệp mà SCIC quản lý vốn là những doanh nghiệp rất nhỏ. Khi nhận về, có anh tốt anh xấu, cũng có những anh nợ nần từ trước.

Trong số này hầu hết phải bán chứ không cần giữ lại. Nói thật, bán cũng không phải dễ. Có cái bán cũng sợ.

Ví dụ, khi bàn giao về SCIC thì SCIC được coi là cổ đông sáng lập. Theo Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, cổ đông sáng lập phải 3 năm sau mới được bán. Mà SCIC là một định chế rất đặc biệt. Khi đó mình có nghĩ ra được đâu.

Giả dụ một doanh nghiệp đáng lẽ ra, theo kế hoạch, phải bán 30% hay 49% vốn nhưng trên thực tế chỉ bán được 10%. Vietcombank lúc đầu định bán 30% nhưng chỉ bán được 10%, chuyển giao về SCIC lại bán tiếp. Mà bán thì bị vướng quy định, không bán được.

Có trường hợp không dám bán do được trả thấp hơn giá trị. Ai dám bán. Cũng sợ mang tiếng đổ vốn nhà nước đi.

Còn về số lượng nhiều thì tôi cũng nói, các doanh nghiệp nằm rải rác trong 63 tỉnh, thành phố. Khi nộp tiền về không nói rõ nộp khoản gì (cổ tức, bán cổ phần...) thì lại phải đối chiếu, công văn đi, đến. Có cái phải đến tận nơi đối chiếu. Nên cũng có cái khó.

Bộ trưởng có cho rằng có nên áp dụng mô hình SCIC như hiện nay hay cần một cuộc cải tổ toàn bộ?

Mô hình SCIC đang trong quá trình hoàn thiện. Vốn nhà nước nằm ở các doanh nghiệp mà SCIC quản lý thực tế này cho thấy quá trình mới chỉ bắt đầu.

Quá trình làm thì vừa làm vừa cổ phần hóa. Giá như cổ phần hóa xong rồi mới chuyển về thì khác. Kể cả lúc hình thành SCIC, mình cũng không hình dung hết cái đó. Nếu lùng nhùng thế này cũng chả nhận về làm gì. Vẫn phải vừa làm vừa thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, cơ cấu lại.

Trong quá trình thực hiện chúng tôi đã phát hiện ra và đã trình Thủ tướng để tháo gỡ dần. Có những cái nữa phải sửa luật. Thực sự mà nói, phải làm từng bước rồi mới hoàn thiện được.

Hoạt động của SCIC đến nay chưa có luật nào quy định nên nhiều người cũng chưa biết lương của SCIC được xác định căn cứ trên văn bản nào của Chính phủ?

Việc trả lương này được căn cứ theo ba nghị định của Chính phủ. Có hai quyết định: Thành lập tổng công ty và quy chế hoạt động của tổng công ty.

Đối chiếu mức lương của lãnh đạo SCIC với các doanh nghiệp nhà nước khác đang sử dụng hàng chục nghìn lao động, Bộ trưởng thấy điều gì được, điều gì chưa được?

So sánh với các tổng công ty thì tôi chưa đủ thông tin. Nhưng có một điều, các nghị định đó là áp dụng chung cho các tổng công ty nhà nước, trong đó có SCIC. SCIC không được hưởng đặc thù riêng nào cả.

Qua câu chuyện thua lỗ của JP và hoạt động của SCIC, theo ông trong thời gian tới, việc công khai lương thưởng ở đơn vị này có nên thực hiện?

Tôi nghĩ có thể làm được vì bản thân trong nội bộ đã phải công khai lương thưởng.

(Còn nữa)

Phạm Tuyên
Thực hiện

No comments: