Sunday, December 6, 2009

Hay nhất là câu nói của GS Hồ Ngọc Đại

Sinh viên đánh giá giảng viên: Ngại nói thật!
Giadinh.net - Nằm trong số các biện pháp để phát triển đội ngũ giảng viên, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ bắt đầu triển khai việc sinh viên đánh giá giảng viên qua môn học từ cuối năm 2009. Bộ sẽ chọn một số trường thực hiện thí điểm trong học kỳ 1, đến học kỳ 2 năm học 2009-2010 tất cả các trường đều phải triển khai việc sinh viên đánh giá giảng viên.

Mỗi trường một phách

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đã gửi các trường thực hiện thí điểm sinh viên tham gia đánh giá giảng viên trước đó, hiện đã có nhiều trường gửi báo cáo kết quả triển khai. Mỗi trường có cách làm khác nhau nhưng chủ yếu là sinh viên đánh giá về chương trình, về việc giảng viên dạy đã đảm bảo chương trình chưa, cách dạy của giảng viên có phù hợp không...

Tuy trong năm học này, Bộ GD&ĐT mới triển khai việc đánh giá ở một số trường nhưng trước đó một số trường ĐH, CĐ công lập cũng như ngoài công lập đã thực hiện thí điểm. Kết quả đánh giá này để các cơ sở giáo dục sàng lọc lại đội ngũ giảng viên. Nhưng có trường chỉ sử dụng kết quả này để xem lại phương thức đào tạo đã thích hợp chưa.

Đã triển khai việc cho sinh viên đánh giá giảng viên từ năm học 2008 – 2009, ông Đoàn Văn Vệ, Phó phòng đào tạo, Đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) cho biết, với hơn 40.000 lượt phiếu được phát ra, hầu hết sinh viên đánh giá đúng về chất lượng giảng viên. Năm học này, trường tiếp tục triển khai với 100.000 phiếu được phát cho sinh viên. Theo ông Vệ, phiếu hỏi được thiết kế với 30 câu hỏi về phương pháp giảng dạy của giảng viên và sự quan tâm của giảng viên tới lớp học.

Sinh viên ngại nói thật khi đnáh giá giảng viên. Ảnh minh họa.
Theo ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, các nhận xét của sinh viên về cách giảng dạy của giảng viên chỉ nhằm nhà trường thúc đẩy hoạt động dạy và học được tốt hơn và cũng chỉ là một kênh tham khảo của Ban giám hiệu. Ông Lê Văn Toàn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, phiếu đánh giá của trường được thực hiện dưới dạng trắc nghiệm gồm 7 - 8 câu hỏi, không yêu cầu sinh viên phải ký tên. Phiếu đánh giá tập trung vào 3 nội dung chính: Giảng dạy có phong phú không, có mở rộng vấn đề khỏi giáo trình hay không; Phương pháp truyền thụ có gợi mở, hấp dẫn không; Trong quá trình lên lớp, giảng viên có bao quát lớp không...

Tại TP HCM, Trường ĐH Bách khoa đã tổ chức cho sinh viên đánh giá giảng viên được gần 4 năm, thực hiện theo hình thức trắc nghiệm và một phần nhận xét, ngay khi kết thúc môn học đó. Còn ĐH Sư phạm Kỹ thuật lại đánh giá theo mức độ thang điểm từ 1 đến 5, với 5 là số điểm cao nhất, thể hiện qua việc giảng viên dạy tốt hay chưa, được thực hiện vào cuối mỗi học kỳ.

Kết quả: Không được tổn hại uy tín (?!)

Ở những trường đã triển khai như ĐH Luật Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Dân lập Thăng Long, nhiều sinh viên cho rằng việc làm này ít tác dụng, và đây là vấn đề hết sức tế nhị, bởi đáng ra thầy là người đánh giá năng lực của trò nhưng nay sinh viên lại có thể đánh giá ngược lại. Trong khi sinh viên còn nhiều lo lắng thì các giảng viên cũng không ít e ngại về việc sinh viên đánh giá có đúng, có công bằng không...
Hầu hết các giảng viên đều cho rằng việc sinh viên đánh giá giảng viên là đúng nhưng cần thực hiện theo lộ trình. Bởi việc đánh giá về phương pháp giảng dạy của giảng viên là rất khó. Hơn nữa, tâm lý chung của các giảng viên đều muốn kết quả được “xử lý nội bộ”.

Theo thông tin thu thập từ Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở (Bộ GD&ĐT), hầu hết các giảng viên cho rằng, kết quả đánh giá nên thông tin để giáo viên điều chỉnh hoạt động của mình. Còn phía sinh viên cho biết, khi đánh giá chỉ chú trọng vào cách giảng dạy và truyền đạt kiến thức tới sinh viên có hấp dẫn và làm cho sinh viên dễ tiếp cận vấn đề không chứ không, chú ý đến tiêu chí con người của giảng viên.

Trong khi đó, từ kinh nghiệm thực tế đang tiến hành đánh giá của các trường, ban giám hiệu các trường cho rằng cần phải hết sức thận trọng khi công bố kết quả để không làm tổn hại đến uy tín của những giảng viên đang công tác tại các trường. Bên cạnh đó, điều mà các trường muốn nhấn mạnh đến đó là, nêu cao vai trò của sinh viên cũng như yêu cầu các sinh viên phải có tính trách nhiệm cao khi làm bản đánh giá để tránh có những kết quả thiên lệch.

Cũng có vài ý kiến cho rằng đây là vấn đề hết sức tế nhị bởi việc công khai những nhận xét chưa hài lòng về trình độ, về phương pháp giảng dạy của giảng viên nếu làm không khéo sẽ phản tác dụng.Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, không nên công khai kết quả đánh giá cho sinh viên mà chỉ công khai cho giảng viên biết để họ tự điều chỉnh cách giảng dạy trên tinh thần cầu thị.

Châu Thanh- H. Nguyên

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: “Cách dạy giống nhau thủ tiêu sức sống cá nhân”

“Con người là sản phẩm quan trọng làm nên đời sống, xã hội. Nhưng hiện nay, từ đào tạo mẫu giáo đến đào tạo tiến sĩ phương pháp dạy đều giống nhau, cách làm này sẽ thủ tiêu sức sống cá nhân”.

PGS. TS Nguyễn Minh Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng, Giám đốc TT Đào tạo thường xuyên - Trường ĐH Xây dựng:

“Thầy dạy giỏi, sinh viên không muốn bỏ học”

“Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ nên để sinh viên đánh giá giảng viên. Quan trọng phải xây dựng bộ câu hỏi sao cho thật khéo với nhiều câu hỏi khác nhau. Tôi đã từng tham khảo bộ câu hỏi của một số trường, một số phiếu đánh giá ở nhiều nước trên thế giới thì thấy họ hỏi rất khéo. Chẳng hạn, người ta hỏi “Em có thích môn học đó không? Có đủ tài liệu không? Có bao nhiêu sinh viên đến lớp ở môn học đó?”. Như thế, kết quả đưa ra vẫn có thể đánh giá được giảng viên bộ môn mà không gây “sốc” cho thầy giáo. Điều đáng tiếc là hiện vẫn còn tâm lý giảng viên ngại “bị” sinh viên đánh giá. Nhiều người vẫn kêu ca, đổ lỗi cho sinh viên nhưng không nhìn lại chính mình mới là người quan trọng trong việc hình thành nhân cách và kiến thức của học sinh. Nếu giảng viên dạy giỏi, sinh viên sẽ không muốn bỏ giờ lên lớp”.

Ông Nguyễn Khánh Trung, giảng viên Khoa Kinh tế Luật- ĐHQG TP Hồ Chí Minh: “Giảng viên khắt khe bị đánh giá thấp”

“Tôi ủng hộ việc đánh giá này vì nó giúp đội ngũ giảng viên hoàn thiện nhân cách và phương thức giảng dạy. Ở trường tôi đã thực hiện việc đánh giá từ nhiều năm trước. Sau giờ giảng, sinh viên được phát bộ phiếu trắc nghiệm gồm các câu hỏi đánh giá về: phương pháp giảng dạy, cách truyền đạt, thông tin của bài giảng, mức độ cập nhật thông tin của giảng viên có thường xuyên không, vai trò của sinh viên như thế nào, giảng viên đến lớp đúng giờ không, có hay bỏ tiết không...

Kết quả đánh giá này được dùng để tham khảo và nhắc nhở giảng viên. Vì vậy, trước hết phải có định hướng thông tin để kết quả đánh giá của sinh viên chuẩn xác mới đánh giá đúng thực chất của giảng viên. Tôi từng biết một số trường hiện nay việc đánh giá còn theo cảm tính. Giảng viên nào dễ dãi, sinh viên đánh giá tốt. Giảng viên nào khắt khe, yêu cầu cao trong học tập, bị sinh viên đánh giá thấp. Như vậy, kết quả đánh giá sẽ không công bằng bởi thứ các em cần là tri thức và cần sự nỗ lực của cả hai phía trong học tập, giảng dạy”.

Châu Thanh - Lương Mỹ (ghi)

Ghét thì cho điểm kém!

Nói về phương thức đào tạo, thi cử và cho điểm ở các trường đại học (ĐH) hiện nay, nhiều sinh viên tỏ ra bức xúc. “Nếu để đánh giá giảng viên, chúng em chẳng biết đánh giá thế nào. Nên chăng, các trường cần có một diễn đàn và việc đánh giá sẽ được tiến hành ở đấy”. C.M- sinh viên Trường ĐH Điện lực cho biết.

Cũng là sinh viên của trường này, bạn Nguyễn K. A cho hay, hiện nay hầu hết các môn học đều không có thực hành, cách giảng dạy khô cứng, chủ yếu theo kiểu học chay, cơ bản vẫn là “thày đọc, trò chép”. Giáo viên lên lớp giảng cho xong tiết học, không có trách nhiệm gì với sinh viên. Với môn thể dục, từ đầu năm học đến nay đã hơn 3 tháng, chúng em mới học được 2 buổi nhưng vẫn thông báo thi. Ngày thi, thầy giáo không đến. Điểm được chấm theo kiểu đọc tên, nhìn mặt cho điểm.
Hay với môn Triết, bạn nào “dẻo mỏ” cô quý cho điểm tốt, bạn nào bị ghét thì bị điểm kém. Một bạn lớp phó từng bị xử lý vì bị cô giáo cho rằng “nhìn đểu” cô trong giờ kiểm tra. Hôm đó vào giờ kiểm tra môn Triết, cô giáo mắng bạn lớp phó: “Cậu có thích nhìn không”? Bạn lớp phó cãi: “Em có nhìn cô đâu”. Cô giáo bảo: “Cậu còn cãi à, rõ ràng tôi thấy cậu trao đổi bài với cậu ngồi bàn trước. Cậu ra khỏi lớp cho tôi”. Bạn lớp phó tức điên lên song cũng phải bỏ bài kiểm tra, ra khỏi lớp. Thực ra, Triết là môn học khó, không mấy sinh viên thích. Cách giảng bài khô khan, lại càng không cuốn hút được học sinh. Sau này, bọn em mới biết do bài khó, không làm được bài nên bạn ấy ngồi “đực mặt” ra chứ nhìn cô làm gì”.
“Thực tế, vẫn có những cô giáo trẻ, hoà đồng, hiểu tâm lý học sinh, nhưng số này rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay”, một sinh viên Học viện kỹ thuật Quân sự cho hay. Theo sinh viên này, ở trường có một cô giáo dạy môn chuyên đề đứng ra bảo lãnh trước nhà trường để sinh viên “cá biệt” được vào lớp tiếp tục học. Ngoài dạy thêm giờ cho sinh viên này theo kịp chương trình, cô giáo còn trao đổi với gia đình để hiểu rõ hoàn cảnh, tâm lý sinh viên...
Đ.H, sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền nhận xét, sai lầm lớn nhất trong giáo dục đại học hiện nay là bắt sinh viên làm theo ý thầy cô. Việc học và kiểm tra của sinh viên diễn ra một cách thụ động, giảng viên chấm điểm theo cảm tính... “Chúng tôi không nói là sinh viên cái gì cũng đúng nhưng nếu như chúng tôi sai, thầy cô nên tìm hiểu ngọn nguồn của vấn đề. Vì vậy, sinh viên và giáo viên luôn “vênh” nhau, luôn không hiểu và càng không thể cùng trao đổi về một vấn đề, kể cả vấn đề đó liên quan đến lợi ích của chúng tôi”, một sinh viên trường kinh tế bức xúc.
Ch. Thanh- H. Nguyên

No comments: