Thursday, January 7, 2010

Xây dựng niềm đam mê bất tận

Ghét toán, phải đọc...

Tên sách: 5 phương trình làm thay đổi thế giới (Five Equations That Changed The World)
Tác giả: Michael Guillen
Dịch giả: Phạm Văn Thiều - Trần Quốc Túy
Phát hành: NXB Trẻ
* * *

Tủ sách Khoa học và Khám phá vừa giới thiệu với bạn đọc Việt Nam thêm một cuốn sách tuyệt vời, lần này về toán học. Vẻ đẹp và sức mạnh của toán học được thể hiện hết sức tinh tế trong 5 câu chuyện về 5 phương trình nổi tiếng trong lịch sử nhân loại.

Có thể nói không quá rằng: Để làm học sinh ở các trường phổ thông của chúng ta không khiếp sợ môn toán, cách thuyết phục tốt nhất là khuyên các em đọc những cuốn sách khoa học phổ thông hấp dẫn như thế này.

Cách đây 7 năm, một cuốn sách rất nổi tiếng viết về toán học đã đến với độc giả Việt Nam, qua sự chuyển ngữ của hai dịch giả Phạm Văn Thiều và Phạm Việt Hưng. Đó là cuốn Định lý cuối cùng của Fermat, do nhà khoa học kiêm nhà báo người Anh Simon Singh viết. Tác phẩm này nổi tiếng thế giới, được tái bản tới 4-5 lần.

Ở Việt Nam, lần xuất hiện đầu tiên của nó chỉ được biết đến một cách hạn chế, tuy nhiên, sách cũng được các bạn trẻ chuyên toán khá yêu thích, đến mức có người bảo: "Phàm là dân chuyên toán, không thể không đọc Định lý cuối cùng của Fermat".

Cuốn 5 phương trình làm thay đổi thế giới này cũng xứng đáng là một món quà giá trị dành cho các bạn đọc mê toán, và không chỉ thế, còn cho cả các độc giả không hề thích toán nữa. Tương tự như Định lý cuối cùng của Fermat, nó cũng do một nhà khoa học kiêm phóng viên truyền hình danh tiếng viết: Tác giả là Tiến sĩ vật lý Michael Gullen, giảng viên về vật lý và toán học tại ĐH Harvard, biên tập viên khoa học của đài ABC News (Mỹ).

Lỗ hổng trong nền giáo dục của chúng ta

Bạn trẻ ghét toán? Sợ toán? Cuốn sách này không nhằm để nói rằng bạn sai, mà nó cho bạn thấy một điều: Với cách đào tạo khô khan, thậm chí mang tính "cưỡng bức", "đe dọa", thì bạn chán ghét và sợ toán là phải.

Vì vẻ đẹp của toán học không thể được truyền tải tới các bạn trẻ thông qua những bài giảng thiếu sinh động hay những bài toán "khó vỡ đầu" - những thứ chẳng có chút giá trị thực tế nào với bạn, hoặc ít nhất cũng không cho bạn thấy được giá trị thực tế của chúng. Cuộc đời này có biết bao nhiêu thứ bạn cần biết tại sao, chứ mớ công thức mà bạn cứ phải nhai nhải kia - ví dụ "sin cộng sin bằng hai sin cos" - thì có nghĩa gì với bạn?

Nếu đọc 5 phương trình làm thay đổi thế giới, bạn sẽ thấy được một cách hết sức rõ ràng tính hữu ích, sức mạnh, vẻ đẹp và chất thơ của toán học, và từ đó, chắc chắn bạn sẽ yêu thích nó.

Bạn sẽ được biết rằng phương trình vạn vật hấp dẫn của Newton chính là cái đã đưa đến một trong 100 sự kiện nổi bật của nhân loại thế kỷ 20: con người đổ bộ lên mặt trăng. Bằng cách nào mà một phương trình như thế của thế kỷ 17 lại dẫn tới sự kiện vĩ đại ấy, 300 năm sau? Câu trả lời cùng cách dẫn dắt, diễn giải vấn đề hết sức dễ hiểu, nằm trong câu truyện thứ nhất của cuốn sách, "Những quả táo rơi", nói về Isaac Newton và định luật vạn vật hấp dẫn.

Trong chương trình phổ thông, bạn cũng từng được "nhồi nhét" cả kiến thức về cơ học, quang học, âm học, điện? Chắc hẳn học xong, nếu không có việc dùng đến, 90% học sinh của chúng ta sẽ quên hết những gì được nạp vào bộ nhớ.

5 phương trình làm thay đổi thế giới sẽ giúp người đọc hiểu rõ một cách tổng hợp, nhanh nhớ và không quên, nhiều kiến thức căn bản về các lĩnh vực vật lý này: triết học Aristotle, học thuyết Copernicus, thí nghiệm Faraday... và hàng chục hàng trăm điều thú vị khác đã làm nên từng bậc thang nền tảng của khoa học.

Bởi vì sau khi tiếp nhận, để người ta có thể ghi nhớ, phải gắn kiến thức với các ví dụ cụ thể, thực tế và sinh động. Cuốn sách đã làm được điều ấy.

Trong hành trình cuốn theo lịch sử khoa học cùng tác giả Michael Gullen, độc giả cũng sẽ vui thích được biết về phương trình thủy động lực học của Bernoulli, một phương trình mà cuối cùng đã dẫn đến sự ra đời của máy bay. Hay là công thức E = m.c2 của Einstein, phương trình tuyệt vời nhưng lại là kẻ chịu trách nhiệm về bom hạt nhân hủy diệt.

Đối với học sinh, không có cách lý giải nào thuyết phục hơn, về giá trị của toán học nói riêng và các môn khoa học tự nhiên nói chung, bằng cách gắn nó với những ứng dụng thực tế. Đó chính là điều mà việc giảng dạy toán, lý, hóa, sinh ở các trường phổ thông của chúng ta còn thiếu, và là lỗ hổng mà các cuốn sách khoa học phổ thông như 5 phương trình làm thay đổi thế giới đã lấp đầy.

Những phát ngôn bất hủ

Như thường lệ với các tác phẩm khoa học phổ thông khác, bên cạnh toán học là lĩnh vực chính mà nó đề cập, cuốn sách còn cung cấp cho bạn đọc cả kiến thức về lịch sử khoa học, tiểu sử danh nhân.

Tác giả Michael Guillen. Ảnh: wchstv.com
5 câu chuyện trong sách kể lại cho chúng ta nghe, một cách tổng quát nhưng vẫn đầy chi tiết đáng nhớ, về cuộc đời của 5 nhà khoa học đã làm biến đổi thế giới. Vốn là một nhà báo, tác giả đã phác họa khéo léo chân dung của 5 con người vĩ đại đó với những đặc điểm, tính cách nổi bật của họ, khiến họ trở nên thật gần gũi với độc giả: Một Newton cô độc, khó tính do những ẩn ức về tình cảm, hay một Einstein luôn luôn tò mò vì ham hiểu biết, và chán ngấy những bài giảng ở trường tới mức bị thầy cô ghét bỏ.

Truyện có nhiều chi tiết rất thú vị: Khi còn là học trò, Einstein bị ghét tới mức từng có thầy giáo mắng cậu: "Rồi em sẽ chẳng nên cơm cháo gì đâu!". Enstein bị đuổi học, thi trượt, thất nghiệp, còn vĩ nhân Newton trước ông ba thế kỷ thì cũng không khá gì hơn: đã từng luôn đội sổ trong lớp, và chỉ chơi được với con gái nhờ biết cách làm đồ hàng (nói đúng hơn là không thằng con trai nào chịu chơi với Newton).

Nhưng ngay từ tuổi ấu thơ, các nhà bác học đã thể hiện một tình yêu sâu sắc đối với sự hiểu biết. Dù họ có thể là những học trò dốt ở trường, nhưng trong con người họ, luôn có trí tò mò sinh ra từ lòng khao khát tìm hiểu thế giới. Đây cũng chính là một bài học cho các nhà giáo dục: Phải làm gì để nuôi dưỡng sự ham hiểu biết của trẻ em?

Cuốn sách trích dẫn những lời bất hủ của các thiên tài. Einstein nói: "Sẽ là rất sai lầm khi nghĩ rằng niềm vui hiểu biết và tìm tòi có thể được thúc đẩy bằng cách ép buộc. Ngược lại, tôi tin rằng, bằng roi vọt để bắt phải ăn ngấu nghiến liên tục, ngay cả khi nó không đói, có thể sẽ cướp đi tính phàm ăn cố hữu của một con thú săn mồi khỏe mạnh".

Hay như Micheal Faraday thường nhấn mạnh: "Khoa học dạy chúng ta không được bỏ qua một điều gì, không được coi thường những sự khởi đầu bé nhỏ, vì cái nhỏ thường chứa đựng cái lớn về nguyên lý, trong khi cái lớn lại chứa đựng cái nhỏ".

Và cả câu nói nổi tiếng muôn đời của Isaac Newton: "Nếu như tôi đã nhìn được xa hơn, thì đó là bởi vì tôi đã được đứng trên vai của những người khổng lồ".

Có một câu nói khác, cũng khiêm nhường như vậy, của Albert Einstein: "Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Đơn giản tôi chỉ là một kẻ cực kỳ tò mò mà thôi". Phát biểu của nhà bác học vĩ đại này, một lần nữa, nhấn mạnh vấn đề lớn đặt ra cho ngành giáo dục: Phải làm gì để nuôi dưỡng trí tò mò, sự ham hiểu biết của trẻ em? Để rồi chúng ta sẽ còn có những Einstein nữa.

Trong lúc chưa làm được điều đó thì chúng ta cũng nên cố gắng để không để các em ghét bỏ khoa học, cho dù là xã hội hay tự nhiên. Mà muốn vậy thì nền giáo dục của chúng ta rất cần đem đến cho học sinh những thứ bổ ích như cuốn 5 phương trình làm thay đổi thế giới này đã mang lại.

No comments: