Rất cảm ơn bài viết với bút lực cực tốt của ông Thịnh. Với cố đô, từng ghé lại, từng tham quan, nhưng nhạt nhòa, ủ rũ, và có thể nói bèo bọt là cảm nhận của tôi. Còn ông Mãn, không biết có tự mãn hay không mà nổ vang trời, không lẽ được tuyên dương là phải nổ. Hãy nhìn thực tế mà nói chuyện. Dân chỉ thích ăn bánh thật nên ông không cần trổ tài họa sỹ để mà vẽ bánh.
Xin hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy
Sau phát biểu của bí thư tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn về những thành tích của địa phương được đăng tải trên một số tờ báo, một nhà Sử học muốn ông Mãn nói rõ hơn, cụ thể hơn về những thành tích đó.
Để rộng đường dư luận cũng là tôn trọng tính đa chiều của truyền thông, Tuần Việt Nam đăng ý kiến thể hiện quan điểm riêng của ông Hà Văn Thịnh, giảng viên trường Đại học Huế.
>> "Nguy cơ của Đảng cầm quyền là xa dân"
Trong mục Chào buổi sáng của báo Thanh Niên, số ra ngày 25.1.2010, có đăng tải những phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn. Ông Mãn cho rằng đầu nhiệm kỳ, người nghèo ở tỉnh TTH là 28%, nay còn 8%; tỉnh đã lo cho 31.000 đồng bào dân tộc có nhà "4 cứng" và; nhất là tỉnh TTH luôn "nói đi đôi với làm". Nếu đúng như thế thì thật là diệu tuyệt. Nhưng vì là một nhà sử học, nói cái gì cũng phải có sách, mách có chứng nên tôi muốn ông Bí thư Tỉnh ủy tỉnh TTH cho biết rõ - cụ thể hơn những thành tích rất đáng trân trọng ấy.
2. Chỉ cần ngồi ở một quán cóc trên đường Lê Hồng Phong - trung tâm thành phố, khoảng một giờ đồng hồ, bất kỳ ai cũng được "tiếp xúc" với 10-15 người ăn xin, bán vé số. Họ có phải là người nghèo hay không? Tại sao TTH có tỷ lệ ăn xin và bán vé số cao nhất nước trong khi người nghèo đã giảm nhanh đến như thế? Xin nhấn mạnh rằng cũng trong chừng ấy thời gian vào buổi chiều tối, sẽ "bị" không ít hơn 10 đứa trẻ chèo kéo mua đậu phụng rang, bánh phồng tôm. Những đứa trẻ đó chỉ khoảng 8-11 tuổi.
3. Tiêu chuẩn "nghèo" mà ông Bí thư Tỉnh ủy "xếp hạng" là dựa trên căn cứ nào? Theo các công trình nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Xã hội Nhân văn trường Đại học Khoa học Huế thì tỉnh TTH là một trong những địa phương có tỷ lệ người nghèo cao nhất nước. Xin nhớ rằng nếu thu nhập bình quân dưới 1.000 USD/người/năm, thì vẫn thuộc dạng nghèo; còn dưới 500 USD thì chắc chắn là thuộc diện đói nghèo. Cũng xin nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn nghèo mà tỉnh TTH đang cố tính là theo Thông tư số 170/TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 8.7.2005, trong đó quy định rằng mức nghèo là dưới 200.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 260.000 đồng/người/tháng ở thành phố. Cách tính đó đã lạc hậu vì ai cũng biết chẳng một ai (kể cả trẻ con) có thể sống nổi ở một thành phố với thu nhập nửa USD/ngày(!) Đó là chưa muốn nói rằng số liệu mà ông Bí thư Tỉnh ủy đã đưa ra là không chính xác (tuy vẫn theo cách tính để lấy thành tích của ông). Số liệu của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TTH cho biết năm 2009, TTH có 21.168 hộ nghèo với 75.945 nhân khẩu, chiếm 8,85% (ông Bí thư đã bớt đi 0,85%). Thế nhưng số người "cận nghèo" (một cách nói để giảm thiểu sự sút giảm của thành tích. Trên thực tế là chẳng khác gì nhau. Nghèo và không nghèo chứ không thể có chuyện "cận nghèo"), là 5,75%. Cộng lại, TTH, tuy tính toán khác rất xa với thực tế, vẫn có 14,6% người rất nghèo.
4. Các dân tộc ít người ở tỉnh TTH có gần 50.000 người. Ông Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn cho rằng "tỉnh đã lo cho 31.000 đồng bào dân tộc có nhà "bốn cứng" là chính xác hay không? Được biết, nhà của đồng bào được xây dựng theo Đề án 135 của Chính phủ và kinh phí để thực hiện là do nguồn từ Nhà nước và các cơ quan hợp tác quốc tế. Tại sao tỉnh TTH có thể nói là chính họ đã lo cho đồng bào? Mặt khác, 40% còn lại vẫn chưa có nhà "bốn cứng" là nghĩa làm sao khi chỉ có 8% người nghèo? Đó là chưa nói chuyện xây nhà xong nhưng trong đó chẳng có gì, thu nhập của người dân không thay đổi gì thì quả thật, chỉ mới đem cái áo khoác lên cho người nghèo bớt xấu một chút mà thôi!
5. Người viết bài này đã sống và làm việc ở tỉnh TTH 33 năm, đã chứng kiến sự thay đổi của nhiều lãnh đạo nhưng chưa hề thấy bất kỳ sự thay đổi thực sự nào từ ý tưởng, cách làm việc của những người lãnh đạo ấy. Tôi sẵn sàng tranh luận với bất kỳ vị lãnh đạo nào về đề tài này. Chỉ cần bước qua đèo Hải Vân là thấy xấu hổ vì mình là người Huế. Sự đủng đỉnh của Huế, tính bảo thủ muôn đời của nó là điều ai cũng biết. Thật là buồn khi mình gắn bó với một quê hương mà quê hương ấy chỉ thay đổi gọi là, phát triển gọi là...
Là người dân, rất ước mong rằng các vị lãnh đạo hãy nói được sau khi đã làm được. Xin ông Bí thư Tỉnh ủy tỉnh TTH trả lời những câu hỏi của tôi.
No comments:
Post a Comment