’Đánh cho đúng trống, đừng nên bỏ dùi...'
- Để đánh giá giảng viên có hiệu quả, các trường đã thực hiện bằng nhiều cách. Nhưng hiệu quả tới đâu, khó ai có thể đánh giá được.
Giảng viên tự điều chỉnh
Khi đưa ra vấn đề sinh viên (SV) đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên (GV), nhiều GV lo ngại, thậm chí tỏ ý không đồng tình. Nhà trường thì lo rằng phản ứng từ GV sẽ làm mất hòa khí.
Lễ tuyên dương giảng viên, giáo viên trẻ tiêu biểu TP.HCM tối ngày 19/11. Ảnh: An Bang. |
Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, khi thực hiện việc này, biện pháp khen thưởng, kỷ luật đều không thể áp dụng.
Cuối cùng, trường đành phải để GV tự giác nhận thức cách giảng dạy của mình và tự điều chỉnh. Kết quả đánh giá được gởi đến từng GV bằng đĩa CD.
Một giảng viên ở Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, nếu khi bị SV đánh giá không hay, không tốt điểm nào đó, ông sẽ cố gắng chỉnh sửa cho phù hợp. Thế nhưng ông từ chối nêu tên vì cho rằng không phải GV nào cũng đồng tình với ý kiến này.
Một GV khác ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bày tỏ quan điểm, nếu bị đánh giá không tốt, việc đầu tiên của bà là kiểm chứng thông tin, xem nguồn gốc đến từ SV nào và gặp ban giám hiệu để đối chất.
Như vậy, việc để GV tự điều chỉnh, hiệu quả sẽ có, chất lượng sẽ tăng nhưng không ai đảm bảo rằng, việc này sẽ diễn ra đồng đều ở tất cả các GV.
Biệp pháp chế tài liệu có tốt?
Trên thực tế, nhiều trường coi việc để GV tự điều chỉnh không phải là hoàn hảo nên đã sử dụng biện pháp chế tài đối với GV.
Như Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, có 3 nấc A, B, C để đánh giá GV.
Nếu GV nào đạt loại A thì được hưởng thù lao dạy học cao hơn. Và trong vòng 5 học kỳ thực hiện việc này, có 2 GV đã ngưng giảng dạy ở trường vì rớt xuống loại C.
Theo bà Nguyễn Thị Sáu, Phó phụ trách Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, việc chế tài này sẽ làm GV phải cố gắng tự điều chỉnh mình. Tuy nhiên, chủ trương của trường là kích thích nâng cao chất lượng giáo dục chứ không nhằm loại bỏ.
Kết quả đánh giá được phổ biến đến các khoa, đến từng GV và giữa các GV với nhau. Thậm chí bên cạnh điểm A, B, C còn có biểu đồ thể hiện mức độ cao thấp của từng người.
GV Trần Thị Thanh Mai, Khoa Điện - Điện tử ở trường cho biết, việc SV đánh giá là bình thường, GV biết mình yếu chỗ nào, chỉnh chỗ đó là một việc tốt. Biệc pháp chế tài cũng là cách để GV cố gắng nhiều hơn và mỗi GV cũng phải tự cạnh tranh để phát triển.
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM lại chọn biện pháp lấy kết quả đánh giá GV từ SV làm một trong những tiêu chí xét thi đua khen thưởng GV.
Đã có GV của trường rằng họ không được biết đến kết quả sau khi đánh giá. Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chỉ GV nào bị đánh giá không tốt mới được mời riêng lên gặp lãnh đạo khoa để trao đổi về biện pháp chỉnh sửa. Ai “được mời” nhiều thì việc xét thi đua vì thế cũng sẽ ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, kết quả SV đánh giá hoạt động GV cùng với việc trường tổ chức dự giờ để kiểm chứng cũng chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin cho GV chứ chưa thể có biện pháp khen thưởng hay kỷ luật vì đây được coi là vấn đề nhạy cảm.
Mỗi trường, một kiểu “hiệu quả”
Để nói đến hiệu quả của việc lấy ý kiến SV về hoạt động giảng dạy của GV, mỗi trường có một cách thể hiện hiệu quả khác nhau.
Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM có bản thống kê loại A, B, C qua từng học kỳ để xác định hiệu quả quá trình đánh giá.
Ví dụ, năm học 2008 - 2009, Khoa Ngoại ngữ có 9 GV xếp loại B ở HKI thì sang HK2 giảm còn 6 GV; Khoa CNTT có 3 GV xếp loại B ở HKI và sang HKII chỉ còn 1.
Còn Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, khi hỏi về minh chứng cho hiệu quả việc đáng giá này, ông Hùng nêu: Những năm đầu thực hiện, nhà trường lấy mốc 70% để xét mức độ hài lòng của SV với hoạt động của GV, những năm gần đây, mốc này tăng lên 75% tức chất lượng đã tăng. Hầu hết GV đều có kết quả tốt hơn trong những lần đánh giá sau.
Ông Phước cũng khẳng định: Ở lần đánh giá sau, mỗi giảng viên đều đạt tỉ lệ hài lòng của SV cao hơn (?).
Và ông Phước cũng hy vọng Bộ GD - ĐT sẽ có văn bản định hướng cụ thể, cơ sở pháp lý để trường dựa vào đó thực hiện. Có vậy, mới tạo được sự đồng thuận giữa trường này với trường khác và đặc biệt là giữa GV với nhà trường.
- Minh Quyên
No comments:
Post a Comment