“Tinh thần dân tộc là lý tưởng duy nhất“
LTS: Nhân dịp 80 năm ngày thành lập Đảng, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với các tác giả, lớp nhạc sỹ đã tham gia kháng chiến chống pháp từ những ngày đầu và đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, trong đó có những ca khúc rất hay về Đảng. Tuy có lúc vẫn còn băn khoăn từ những mảng màu sáng tối đan xen của xã hội, từ những thiếu sót khuyết điểm của một bộ phận đảng viên ở những giai đoạn cụ thể... song niềm tin đối với Đảng trong các nhạc sỹ vẫn tươi nguyên và mãnh liệt.
Ca khúc: Đảng đã cho ta một mùa xuânNhạc sĩ: Phạm Tuyên
Trình bày: Tốp ca
- Thưa nhạc sĩ Phạm Tuyên, trong những năm đánh Mỹ, Đảng đã động viên được sức mạnh toàn dân, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, tập hợp quanh mình những trái tim chói ngời sắc đỏ, rừng rực tinh thần cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc. Điều đó luôn thể hiện trong các tác phẩm âm nhạc của thời kỳ này. Theo ông, đó có phải là một sự "may mắn" của giai đoạn lịch sử rất khó lặp lại?
Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Theo tôi thì không có sự may mắn nào cả, mỗi giai đoạn của đất nước có một khó khăn và nhiệm vụ khác nhau, tất cả đều quan trọng trong quá trình khẳng định và tiến tới.
Cái gọi là sự may mắn có thể là các ca khúc về Đảng của tôi, dù là những bài rất khó hát nhưng sau này không phải chỉ có đảng viên hoặc ca sĩ chuyên nghiệp mới quan tâm, thể hiện mà rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đã cùng hát.
"Sự hồn nhiên đã cho tôi những tình cảm quý giá với Đảng, với Tổ quốc." Ảnh: Hòa Bình |
Thật ra, từ chuyện theo đuổi lý tưởng của Đảng đến chuyện sáng tác, tất cả đều đến một cách rất tự nhiên. Xung quanh mình lúc đó có biết bao nhiêu tấm gương lao lên phía trước, chấp nhận mọi sự hy sinh, kể cả tính mạng, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ là những ngọn lửa cháy lên rực rỡ khiến trái tim của cả dân tộc cùng nóng ấm. Cũng như bất cứ một thanh niên nào trong những ngày đầu của Cách mạng Tháng tám (1945), tôi mong muốn được chiến đấu vì đất nước.
Hồi đó, tôi đỗ Đại học Pháp lý nhưng được hai năm thì tiếp cận với lý tưởng của Đảng và giác ngộ. Sách viết về chủ nghĩa cộng sản khi ấy in bằng tiếng Pháp, tôi đọc được những câu thơ của Aragon: "Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng", thấy giống tâm trạng của mình quá, gắn Đảng với tình yêu nước, y như một anh trí thức tâm hồn trong sáng và nhiệt huyết, hình ảnh đó đã động viên tinh thần yêu nước của tôi rất nhiều.
Vậy là bỏ Đại học Pháp lý đầu quân vào trường sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn (khóa 5, năm 1950). Cả một chặng đường dài phấn đấu vì lý tưởng giải phóng dân tộc, rất vô tư, hồn nhiên, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc là lý tưởng duy nhất để tôi theo đuổi. Ca khúc "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" ra đời năm 1959. Như câu nói của một triết gia: "Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại", tôi đã thực sự bị ảnh hưởng bởi điều đó. Năm 1960, tôi viết được thêm "Đảng đã cho ta cả một mùa xuân", nhưng lần này sự sáng tạo có ý thức hơn, không chỉ là tình cảm của riêng mình nữa mà còn nói hộ tình cảm của cả một thế hệ.
- Là con thứ 9 của học giả Phạm Quỳnh (chủ bút tạp chí Nam Phong), gia đình ông từng bị đối xử thiếu công bằng trong một giai đoạn, tại sao ông vẫn có thể cống hiến cho sự nghiệp chung với toàn bộ nhiệt tâm, nhiệt huyết mà không chút tì vết?
- Có một điều an ủi gia đình tôi là vào khoảng mùa thu năm 1945, Hồ Chủ tịch có nói: "Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng".
Nhưng dẫu sao, sự sửa chữa của lịch sử thì cần thời điểm, không phải nói là làm được ngay. Cho nên, điều quan trọng nhất vẫn là cả gia đình tôi đều thống nhất được rằng không nên nghĩ một cách xơ cứng. Chúng tôi thuộc gia đình trí thức, có văn hóa chứ không xuất phát từ tầng lớp công nhân lao động, nhưng tình yêu nước thì dù ở bất cứ tầng lớp nào vẫn cứ giống nhau và đều có thể cống hiến hết mình cho đất nước. Đành phải chấp nhận sự trớ trêu, manh động của lịch sử, vì điều đó xảy ra với tất cả mọi quốc gia chứ không riêng gì chúng ta. Cuộc sống vốn không công bằng, phải tìm cách thích nghi và vượt lên nó. Người nào cứ đòi hỏi cuộc sống phải theo ý của mình thì không bao giờ đạt được cả.
Sự hồn nhiên đã cho tôi những tình cảm quý giá với Đảng, với Tổ quốc, chứ nếu trong giai đoạn cam go, đầy những biến động hiểm nguy đó mà rơi vào tình trạng bất mãn, chửi đổng thì không những không có lợi cho đất nước mà cũng bất lợi cho chính mình vì cộng đồng sẽ không bao giờ thông cảm.
- Cũng với tâm thế đó, ông đã thăng hoa khi viết ca khúc nổi tiếng: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"?
- Đúng vậy, ca khúc đặc biệt này ra đời đúng ngày giải phóng đất nước 30/4/1975. Đó là bài hát về một Việt Nam được soi sáng dưới thời đại Hồ Chí Minh.
- Ngày nay, làm gì để Đảng lại huy động tập hợp được sức mạnh toàn dân như giai đoạn oanh liệt đó? Làm gì để người dân Việt Nam lại say sưa hứng khởi hát từ đáy lòng mình những ca khúc như "Đảng đã cho ta cả một mùa xuân"?
- Đúng là điều kiện xã hội nay đã khác đi nhiều thật. Trước kia còn chiến tranh, chỗ nào cam go nhất, ác liệt nhất thì có đảng viên. Bây giờ thời bình, mọi thứ khác rồi nhưng không thể vì thế mà phôi pha hết mọi thứ.
Nhiều người cũng nói với tôi rằng không hiểu sao anh viết được bài hát "Đảng đã cho ta cả một mùa xuân" chứ bây giờ nhìn ra xung quanh thấy quá nhiều tham nhũng, tệ nạn, nhiều đảng viên có chức có quyền cũng tham nhũng, khiến người ta dễ hiểu nhầm về Đảng.
Anh em nhạc sĩ gặp tôi đều băn khoăn thời bình viết cái gì về Đảng bây giờ. Nhưng chúng tôi bàn nhau là vẫn phải viết. Năm 1980, Diệp Minh Tuyền đưa cho tôi một bài thơ để tôi xem, đó là bài "Màu cờ tôi yêu". Ngay từ lúc ngồi trên máy bay rời TP.HCM, đọc qua bài thơ, tôi đã thấy đó là sự đồng cảm rất lớn. Và lúc về đến Hà Nội, tôi đã phổ nhạc xong.
"Hồng như màu của bình minh, đỏ như màu máu của mình tim ơi! Búa liềm vàng rực giữa trời, là niềm hy vọng chói ngời tim ta. Trong đêm tối, lúc mưa sa, màu cờ đỏ vẫn sáng lòa hồn tôi..."
Đó là về phía cá nhân những người nhạc sĩ như chúng tôi. Còn về phía Đảng, người lãnh đạo cần phải khách quan trước những biến động của lịch sử, sáng suốt dẫn đường cho quần chúng đi theo và thích nghi với hoàn cảnh xã hội mới, chấn chỉnh những sai phạm của các cá nhân.
Tôi luôn tin vào khát vọng của tuổi trẻ, có niềm tin vững chắc, họ sẽ hướng về phía ánh sáng. Điều quan trọng nhất của giai đoạn cam go này là "Đường dài muôn dặm, chớ rời tay nhau". Phải đứng dậy, xiết chặt tay nhau và cùng đi qua.
Thực tế xã hội bây giờ là cơ chế thị trường. Thế hệ trẻ có nhiều thuận lợi song cũng dễ đánh mất mình. Cần xây dựng ý thức bám lấy gốc rễ của mình cho chắc, khi đó, muốn tiếp nhận thêm điều gì cũng được, miễn là phù hợp với điều kiện xã hội mới.
Cả một đời sáng tác, có hai vị giám khảo khó tính và công minh nhất chính là: công chúng và thời gian. Những bài hát về Đảng đâu phải chỉ là sự hô hào khô cứng. Vừa ra đời, tất cả các ca khúc này đều đã được đông đảo thanh niên hưởng ứng. Tuổi trẻ rất thích. Thanh niên các thành phố ở Việt Nam đều hát. Điều đó chứng tỏ sức mạnh của âm nhạc ghê gớm lắm. Nhưng trước hết chính từ trong tâm người nhạc sĩ cần phải có một lý tưởng sâu sắc, trong sáng thì mới có thể chuyển tải được lý tưởng đó đến với công chúng. Tôi rất thích câu nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu: "Đi đến tận cùng của dân tộc, ta sẽ gặp nhân loại".
No comments:
Post a Comment