Công tác dân số năm 2009 được xem là một năm thành công ngoài dự kiến. Theo Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, sau nhiều năm, tốc độ giảm sinh trong cả nước năm 2009 đã giảm xuống còn 1,2%, hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh do Quốc hội giao. Đây là thành tựu lớn nhất của ngành dân số trong 10 năm qua.
Đặc biệt chỉ số phát triển con người (HDI) tăng cao ở 3 yếu tố thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ trung bình và giáo dục, đạt mức 0,73 điểm, vượt mục tiêu của Chiến lược Dân số giai đoạn 2001 - 2010 đã đề ra. Dự kiến, năm 2010 chỉ số HDI của Việt Nam là 0,75 điểm.
Cũng theo TS Dương Quốc Trọng, hiện nay Việt Nam đang bước vào giai đoạn “dân số vàng” với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt giá trị cực đại và tỷ lệ dân số phụ thuộc dưới 50%. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam sẽ có cơ hội “cất cánh” như một số nước châu Á trước đó.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng hiện công tác dân số trong cả nước vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Hiện nay tuổi thọ bình quân người Việt Nam dã đạt 72 tuổi, nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ là 62 tuổi. Người khuyết tật vẫn chiếm trên 6% dân số, trong đó có tới 1/3 khuyết tật bẩm sinh, tỷ lệ dân số thiểu năng trí tuệ và thể lực chiếm 1,5%.
Mức sinh đã giảm nhiều nhưng còn chênh lệch lớn giữa các vùng, số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao, hải đảo vẫn còn cao; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã bước vào mức cao với tỉ lệ 112 bé trai/100 bé gái.
Cơ cấu dân số nước ta bắt đầu chuyển từ giai đoạn “cơ cấu dân số trẻ”, bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” và “già hoá dân số”. Sự chuyển đổi này đưa đến nhiều cơ hội thuận lợi nhưng đồng thời đặt ra những thách thức gay gắt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết năm 2010, ngành y tế sẽ tập trung các giải pháp vào nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, triển khai các chương trình ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi, kết hợp với việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình thuận tiện cho người dân…
Công tác này nhằm thu hẹp khoảng cách mức sinh giữa các vùng trong cả nước, nhằm duy trì mức sinh thay thế trong toàn quốc. Nhân rộng các mô hình về tư vấn và kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh; các giải pháp nhằm can thiệp tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở một số vùng và một số dân tộc ít người.
Ngoài ra, một nỗi lo lớn làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách là theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 vừa được Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở T.Ư công bố vào ngày cuối cùng của năm 2009: Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam ở mức tương đối cao (111 bé trai/100 bé gái).
Mặc dù con số này không có sự khác biệt lớn giữa thành thị và nông thôn, nhưng lại đặc biệt cao ở vùng Đồng bằng sông Hồng (115/100). Số liệu này cho thấy những quan ngại về tình trạng mất cân bằng về giới tính khi sinh ở Việt Nam là có cơ sở.
No comments:
Post a Comment