Tại chợ Tân Thanh (Lạng Sơn), nhiều thương lái chuyên bán “cái ngàn vàng” nhân tạo khẳng định: nó đã có mặt ở Việt Nam ít nhất là 4 năm nay...
|
Màng trinh nhân tạo đang gây ra những cuộc tranh luận gay gắt trong xã hội coi trọng tiết hạnh của người con gái trước khi lấy chồng (Ảnh: Ly Ly) |
Các thẩm mỹ viện ở Hà Nội mua hết
Từ phía cửa khẩu về Lạng Sơn, chúng tôi tiếp cận một số gian hàng “nhạy cảm” nằm bên trong các trung tâm thương mại. Những cái lắc đầu giữa đám đông nhộn nhạo khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Kiếm tìm màng trinh nhân tạo ở đây không hề dễ so với Hàng Chiếu, khu phố được mệnh danh là chợ “sung sướng” tại đất Hà thành. Chúng tôi đành trở ra phía trước bãi đỗ xe cửa khẩu Tân Thanh để tìm người môi giới. “Em cần tìm màng trinh giả để “cứu nguy” cho người yêu cũ chuẩn bị lấy Việt kiều”, giọng điệu có phần quyết tâm của tôi khiến người phụ nữ tên Nga lập tức tiếp cận, rồi dẫn chúng tôi vào một gian hàng bày đủ thứ ngay trên vỉa hè.
Chị Hà, chủ hàng ngồi giữa lô lốc kính thời trang, đèn pin, dao, kéo Trung Quốc, nhưng được sắp xếp khá gọn gàng. Không để chúng tôi đợi lâu, chị Hà nói: “Các anh mua thì để tôi gọi đứa em mang ra. 700 nghìn không bớt”. Ba phút sau cái gật đầu của một trong số chúng tôi, người phụ nữ tên Hằng len ra khỏi dòng người tấp nập, bước tới, chìa chiếc hộp trên tay, nói: Em lấy giá buôn là 328 tệ! (tương đương hơn 900 nghìn đồng - PV). - Sao chị Hà nói 700 nghìn? - Các anh thiết mua thì lấy, chị em đã nói với các anh thế thì 700 nghìn, đúng giá, không bớt. Thích thì mua, không thì để em cất. Bọn em dại gì mà bán ở đây, thứ này an toàn gì đâu. Người phụ nữ tên Hằng đáp lại bằng thứ giọng không mấy hiếu khách, rồi bỏ đi.
Đến lượt chị Hà tiếp tục: “Lấy được thì lấy. Bán lẻ lãi lời gì đâu. Các anh tìm được ai bán rẻ hơn thì quay về trả lại, không vấn đề gì. Hàng này có bao nhiêu chuyển về cho các cửa hàng thẩm mỹ ở Hà Nội, chứ bán lẻ ở đây dễ bị tóm lắm!”.
Màng trinh nhân tạo có tác dụng chữa vô sinh (?!)
Khi chắc chắn “cá đã cắn câu”, người phụ nữ tên Hằng lần nữa xuất hiện để… thanh toán tiền. Cầm đủ 700 nghìn đồng trong tay, Hằng tiếp tục: “Phụ kiện còn có thêm 1 hộp dung dịch để hỗ trợ màng trinh, giá 380 nghìn đồng. Nhưng chỉ người đứng tuổi một tí mới cần, bạn anh cứ yên tâm mà dùng, đảm bảo ngon lành. Yên tâm hàng chuẩn. Danh thiếp đây”. - Phụ nữ đứng tuổi thì cần màng trinh giả để làm gì? Mà sao hộp lại có những 2 màng trinh? - Sao biết được, cái hộp nó có 2 cái, mua 1 cái thế nào được. Anh chịu khó đọc hướng dẫn ở vỏ hộp!
Vỏ hộp màu nâu vàng, được làm từ gỗ ép. Một mặt bên ghi số hiệu sản phẩm “701145, hạn sử dụng 2 năm”. Phía bên trong hộp gỗ là 2 túi ni-lông màu bạc, xếp trên tấm vải màu tím, không hề có giấy hướng dẫn sử dụng, không có những dấu hiệu đặc trưng của một sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Mặt trên của hộp có dòng chữ lớn: Joan of ARC Red (Joan of ARC là hình tượng thánh nữ đồng trinh, tiếng Pháp Jeanne d’ ARC - PV). Mặc dù trên vỏ gỗ in rõ “Made in Japan”, mặt bên ghi nhà sản xuất “Hợp tác xã anh em doanh nghiệp liên minh Thiên Diệp, Nhật Bản”, với tên gọi (tạm dịch) Trinh Hồng Đức, nhưng người bán lại nhất mực khẳng định: “Hàng Quảng Châu đấy, Nhật thì làm gì có giá này”.
Trinh Hồng Đức được hướng dẫn sử dụng như sau: “Dùng ngoài da cho phụ nữ trong 4 trường hợp: Vận động mạnh (thể thao, điền kinh, võ thuật); Quan hệ tình dục trước khi kết hôn (chủ động, bị động); Khi có con, tổn thương vật cứng; Dùng cho phụ nữ khiếm khuyết, màng trinh mỏng, cho người thủ dâm hoặc mất màng trinh bẩm sinh. Tuy nhiên, theo tài liệu được đăng tải trên các website quảng bá sản phẩm này bằng tiếng Trung, thật khó hiểu khi màng trinh nhân tạo này lại được quảng cáo là “có tác dụng với những người không may bị vô sinh”.
Một người đàn ông tự giới thiệu tên Tuyền - có lẽ là một môi giới khác đi theo chúng tôi nói nhỏ: “Còn loại rẻ nhất là 200.000 đồng em cũng có. Lần sau có nhu cầu thì anh alô cho em”, nói xong Tuyền trao số điện thoại. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, ngoài sản phẩm mang nhãn hiệu Joan of ARC Red kể trên, màng trinh “made in China” còn có các nhãn hiệu khác như Virtuous Girl Red, Night Red… Tất nhiên, giá cả khác nhau tùy loại, thậm chí tùy người bán.
Phải mua đến tận… 2 cái màng trinh giả có thể khiến bất cứ ai bất đắc dĩ là khách hàng của mặt hàng này đều nóng mặt. Nhưng theo hướng dẫn thì cần “đặt thử lần đầu để thấy hiệu quả rồi miếng thứ 2 mới dùng khi chính thức”.
Bên trong chiếc hộp không có gì khác ngoài 2 túi nhôm bé hơn chiếc card visit, đúng như lời quảng cáo “nhỏ gọn và dễ mang theo”. Bên trong, “cái ngàn vàng” được gấp gọn nhỏ lại làm 6. Để đưa nó trở lại kích thước thật, phải xé theo vết dập nổi dọc mép. Màng trinh giả rất khác so với tưởng tượng của chúng tôi, nó hình chữ nhật (6,5cm × 3,5cm), được làm bằng chất liệu rất mỏng có thể nhìn xuyên qua. Ngâm vào nước nóng rồi nhấc lên, “cái ngàn vàng” teo nhỏ rồi dần dần tan chảy (giống như khi hơ ni-lông trên ngọn lửa).
Vô số những nguy cơ
Trên trang web Gigimo (Trung Quốc), một trong số ít những trang web công khai bán màng trinh nhân tạo có viết: công nghệ sản xuất màng trinh nhân tạo với thành phần chủ yếu là “albumin tự nhiên”, cộng với thành tố bơm phồng dùng trong ngành y, một loại dược thảo cũng được sử dụng trong y khoa; màng tan trong nước và không gây tác dụng phụ.
Albumin - được quảng cáo là thành phần chủ yếu của màng trinh nhân tạo là một protein hình cầu, tính hòa tan cao, đảm nhận việc tạo ra 70-80% áp suất keo của huyết tương. Vì vậy, albumin đóng vai trò quan trọng nhất trong việc điều hòa áp suất thẩm thấu của huyết tương. Albumin cũng là tên một loại thuốc rất sẵn hàng giả tại Trung Quốc. Ví dụ, năm 2007, báo chí Trung Quốc công bố 2.000 lọ albumin giả được phát hiện tại 18 bệnh viện và 39 hiệu thuốc sỉ và lẻ ở Cát Lâm nhưng đã có 3/4 lượng thuốc đó đã tiêu thụ.
Trong khi đó màng trinh nhân tạo, ngay cả trang web Gigimo, nơi bán công khai sản phẩm này cũng không đưa ra bất kỳ tên của nhà cung cấp nào. Rồi nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận y tế của sản phẩm cũng không có nốt. Chất dịch lỏng màu đỏ có sẵn trong màng trinh giả là chất gì đến nay vẫn là bí mật của nhà sản xuất.
Về tác hại của màng trinh “made in China”, theo Báo Khoa học Đời sống Online dẫn nguồn tin từ Trung Quốc: chuyên gia y tế của Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy của việc sử dụng những chiếc màng trinh không rõ nguồn gốc này. Theo đại diện của Cục Quản lý chất lượng dược phẩm Cáp Nhĩ Tân, những loại sản phẩm này không được coi là thuốc và cũng không được coi là công cụ hỗ trợ mà chỉ là một sự lách luật của nhà sản xuất. Những nguy cơ nhiễm trùng, các bệnh truyền nhiễm như: bệnh viêm gan C, các bệnh viêm nhiễm hay dị ứng... và có thể gây vô sinh là điều không thể dự đoán trước. Do vậy người có ý định dùng phải cảnh giác!
Theo Ly Ly - Hoàng Minh Đức
No comments:
Post a Comment