Thursday, January 7, 2010

Chém cha cái kiếp làm người - Làm thân trâu ngựa cho đời sướng vui - Haha

Dọn sẵn đường đời

Cập nhật lúc 05:48, Thứ Sáu, 08/01/2010 (GMT+7)

- Khi nhiều học sinh đang cố gắng đạt kết quả cao bằng chính năng lực của mình thì nhiều "cậu ấm", "cô chiêu" được bố mẹ "mua" cho những kết quả ấy bằng tiền.

Quen với "giả dối" từ nhỏ

Cậu bé Nguyễn Văn L. (thị xã Hà Đông) năm nay lên lớp 6. Hằng ngày, ngoài vệc học hai buổi trên trường, từ 5-7h, cậu lại "đánh vật" với bài vở của hai gia sư Văn và Toán được bố mẹ mời về dạy riêng.

Nguyên nhân là L. đang phải theo học ở một trường cấp 2 nổi tiếng của Hà Nội với toàn những học sinh có học lực khá giỏi.

Lẽ ra, với học lực trung bình năm lớp 5 và điểm thi 2 môn vào trường cấp 2 vừa tròn 6 điểm, L. phải học ở một trường bình thường. Nhưng bố mẹ quyết lo cho cậu con trai cưng duy nhất vào học trường điểm với hi vọng con sẽ bị sức ép mà cố gắng.

Thảo, gia sư Toán của L. cho hay, L. không làm được những bài tập trên trường, thậm chí là bài trong sách giáo khoa.

Còn Lê Văn C. (quận Cầu Giấy) mới học lớp 8 nhưng đã được mẹ dạy: “Không cần phải học, mẹ đã có tiền lo cho con tất cả”. Mặc dù bố của C không đồng tình với cách dạy con của vợ và đã mời gia sư về kèm cặp nhưng cậu bé ngày càng lười biếng và ỷ lại.

Những quan niệm thực dụng, những ảo tưởng, kỳ vọng quá sức đối với con của nhiều bậc cha mẹ đã khiến các em có những suy nghĩ và hành động lệch lạc. Nếu tiếp tục được dạy dỗ như vậy, các em sẽ có nguy cơ coi sự "giả dối" là bình thường, và ngày càng trở nên chai lỳ, “miễn dịch” với việc dùng tiền để mua kết quả học tập.

"Dọn" sẵn đường đời

Mô tả ảnh.
Nhiều học sinh, sinh viên cố gắng đạt kết quả cao bằng chính năng lực của mình

Gia đình của Hoàng Minh Q. (Bắc Giang) là một "đại gia" trong giới buôn bán ở đây.

Thấy "cậu ấm" khó có thể thi đậu vào một trường đại học có tiếng cho xứng với “tầm vóc” của gia đình, lại sẵn có người thân là quan chức lớn trong lực lượng vũ trang, gia đình Q. đã đầu tư ngót trăm triệu cho cậu có một suất ngon lành trong một trường quân sự.

Đã tính "đầu vào" rồi thì phải có "đầu ra". Sau 5 năm để Q chịu “gian khổ”, gia đình lại tiếp tục "dọn đường" để cậu được về làm giảng viên của một trường đại học. Trong những năm học đại học, thỉnh thoảng bố mẹ Q. lại phải lên Hà Nội để trả những món nợ lên đến cả trăm triệu đồng, kết quả từ sự ham mê đỏ đen của cậu ấm.

Trường hợp của Hoàng Hải V. (Thanh Hóa), con gái của một quan chức giáo dục thì được "lo" cho vào học trường cấp 3 hàng đầu của tỉnh.

Hết cấp 3, V. không vào đại học bằng con đường thi cử như những bạn bè khác, mặc dù cô có thi cũng chỉ là cho có lệ. Gia đình đã chọn cho cô con đường vào đại học “vinh quang” bằng một giải quốc gia. Là một học sinh luôn bị thầy cô than phiền về sức học nhưng năm lớp 12, V. vẫn vào Đội tuyển Quốc gia và “khuân” về một giải 3. Nghiễm nhiên, cô được một suất tuyển thẳng vào một trường đại học danh tiếng bậc nhất ở Hà Nội.

Còn Nguyễn Thị H. là con gái của một "đại gia" kinh doanh ở thành phố Thanh Hóa. Ngoại hình ưa nhìn, từ những năm cấp II, H. đã nổi tiếng ăn chơi đua đòi, sớm có bạn trai. Nhưng cô không được “may mắn” như V. Dù có tiền, bố H. cũng không có được những mối quan hệ lớn như bố V. để lo cho con một suất tuyển thẳng. Sau khi thi quốc gia và ra về tay trắng với điểm số 8/20, bố H. đã cố gắng lo cho cô vào học hệ dự bị đại học của một trường kinh tế để tránh bị mang tiếng.

Hầu hết những bậc cha mẹ đều coi việc đầu tư cho con là một đầu tư không bao giờ lỗ. Những gia đình khá giả không dễ chấp nhận cho con học một trường ít tiếng tăm hay để con đi học nghề.

Không đủ bản lĩnh để tìm một hướng đi riêng cho mình, những người con thuận theo gia đình như một điều tất yếu.

H., cho đến năm thứ 2 gặp lại bạn bè, cô còn tâm sự một cách hết sức ngây thơ: Mình muốn ở nhà buôn bán nhưng bố bảo: “Mày mà không học được đại học là bôi tro trát trấu vào mặt tao đấy!”. Học bên kinh tế chẳng hiểu gì cả, chán lắm rồi. Nhưng bây giờ chẳng biết làm sao để chuyển sang bên sư phạm như ý bố nữa!”

Theo Thạc sỹ Lê Thái Thị Băng Tâm, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, chuyên ngành Xã hội học về giới và gia đình, hiện tượng bố mẹ dùng tiền mua bán bằng cấp và nghề nghiệp cho con không còn là cá biệt.

Bà cũng cho rằng: “Điều đó không chỉ làm mất đi sự công bằng trong xã hội, mà còn để lại hậu quả xấu đến cuộc đời sau này của các em. Bởi xã hội cần những con người có năng lực thực sự. Quy luật của sự đào thải sẽ đánh bật những người không đủ năng lực. Một điều nguy hiểm hơn nữa là việc làm của cha mẹ có thể khiến con cái ứng xử với cuộc đời nó như những gì bố mẹ đã làm, tạo thành một vòng luẩn quẩn, một căn bệnh di truyền của xã hội”.

Thanh Hường

No comments: