Thoát Á mới có thể 'Thoát thân'
Dưới góc nhìn của lịch sử, đối với trình độ phát triển của chúng ta hiện nay còn cách Nhật Bản hàng trăm năm thì phải "thoát Á" mới có thể "thoát thân" để hóa Rồng - TS Phạm Gia Minh bàn tiếp về "Thoát thân luận" của TS. Giáp Văn Dương.
Nếu không tính đến những điều kiện tự nhiên và tâm linh thì thông thường những quyết định do con người đưa ra hoặc ít hoặc nhiều đều chịu ảnh hưởng chi phối của hai yếu tố quan trọng đó là Văn hóa và Lịch sử.
Chính vì lẽ đó trong cuốn 'Tư bản luận', mặc dù đã nghiên cứu khá công phu và kỹ lưỡng xã hội Phương Tây (chủ yếu là các nước Tây Âu có nhiều đặc điểm Văn hóa và Lịch sử tương đồng) nhưng do chưa có nhiều dữ kiện về các nước Phương Đông nên K.Mark vẫn còn phải để ngỏ một hướng tìm tòi quan trọng liên quan đến "phương thức sản xuất kiểu châu Á" (một số nhà nghiên cứu còn đặt tên là "phương thức sản xuất nhà nước") (1)
Phương thức sản xuất này ra đời cùng với sự hình thành của nhà nước tập quyền nắm trong tay đặc quyền chiếm hữu và phân phối của cải xã hội. Đó là một dạng quyền lực tối thượng, rất khác với khái niệm tư hữu tài sản chưa trở thành phổ biến vào cái buổi sơ khai của thể chế nhà nước. Thứ quyền lực đó đã tập trung một sức mạnh to lớn vào tay những cá nhân do các hoàn cảnh lịch sử khác nhau lại may mắn được đặt vào vị trí "ngồi trên" để nắm giữ quyền ban phát.
Trong phương thức sản xuất kiểu châu Á này, quyền lực đã biến những ai gắn liền với nó, từ cấp thấp cho đến cấp cao, thành những chủ nhân ông đích thực đối với toàn bộ khối của cải xã hội (2)
Trung Quốc nỗ lực vượt lên. Ảnh Reuters
Cùng vào giai đoạn lịch sử đó trong lòng xã hội Hy - La cổ đại ở Tây âu dưới tác động hòa quyện (rất hiếm khi xảy ra đồng thời) của những yếu tố văn hóa, kinh tế và xã hội đã giúp hình thành nên mô thức phát triển kinh tế- xã hội và một nền hành chính rất khác với Phương Đông. Trong mô thức này đã xuất hiện quyền tư hữu được luật pháp bảo vệ và thị trường tự do trao đổi hàng hóa không bị nhà nước chi phối. Cùng với đó là chủ sở hữu tài sản - những cá nhân có đủ các quyền công dân mà Phương Đông chưa hề được biết đến, dù chỉ là khái niệm.
Như vậy lần đầu tiên trong lịch sử loài người ở Hy lạp và La mã cổ đại đã hình thành nên nhà nước bảo vệ quyền tư hữu tài sản và các quyền công dân (3).
Tuy có nhiều biến tướng để thích ứng trong quá trình tiến hóa nhưng cho đến nay về nguyên tắc trên thế giới vẫn tồn tại hai mô thức phát triển và đi cùng với nó là hai dạng thể chế nhà nước: Tập trung - quan liêu - bao cấp và thị trường tự do. Dạng nhà nước thứ nhất đã thống trị hàng ngàn năm bên ngoài châu Âu, còn dạng nhà nước thứ hai chỉ tồn tại chủ yếu ở Tây Âu.
Sự khác biệt giữa hai mô thức phát triển nói trên trong lịch sử cùng thể chế quản lý xã hội của chúng thường được mọi người nhắc đến trong khái niệm Phương Đông - Phương Tây, hàm ý một sự khác biệt tương phản.
Nếu so sánh với châu Âu năng động nơi mà thể chế thị trường tự do và quyền tư hữu đã khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, văn minh v.v... giúp hình thành nên khái niệm về bốn hình thái kinh tế- xã hội cơ bản của loài người là nô lệ, phong kiến, tư bản và XHCN thì Phương Đông luôn luôn là biểu tượng của truyền thống ngàn năm, ổn định tới mức trì trệ, bền vững và chậm thay đổi.
"Phương thức sản xuất nhà nước" bắt rễ sâu trong lòng xã hội châu Á từ hàng ngàn năm cho đến ngày nay vẫn mặc nhiên tồn tại vì một lý do đơn giản: tính cố hữu của những kìm hãm trong xã hội vẫn còn sức sống đã làm suy giảm động lực nội tại cho sự "vượt rào" ra khỏi những cấu trúc đã quá quen thuộc.
Những biến động xã hội, tôn giáo, chính trị - quân sự v.v... có thể phút chốc làm thay đổi bộ mặt của một đất nước, một khu vực, có khi xóa sổ cả một quốc gia nhưng kết cục lại là sự tái hình thành những cơ cấu và thể chế quản lý xã hội theo mô thức tập trung - quan liêu - bao cấp.
Trong lịch sử tồn tại của mình, Phương Đông không hề biết đến mô thức phát triển nào khác ngoài mô thức đã nêu trên và cũng không thể dễ dàng chấp nhận con đường của Phương Tây ngoại trừ có sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ bên ngoài ( 2).
Phải đợi cho tới khi CNTB Phương Tây với kinh tế thị trường và xã hội dân sự phát triển đến giai đoạn cần vươn ra chinh phục thị trường thế giới thì sự xâm nhập của nó vào trong lòng xã hội Phương Đông mới thực sự là khởi đầu cho một cuộc chuyển biến lớn lao trong cơ cấu xã hội và nhà nước nơi đây. Quá trình này đối với Phương Đông có ý nghĩa như một cuộc cách mạng xã hội vĩ đại, nó đã diễn ra hàng trăm năm và gần như ngày nay vẫn còn đang tiếp diễn.
Nhật Bản là một minh chứng cho con đường hiện đại hóa đất nước theo mô thức phát triển của Phương Tây. Với chủ trương "Thoát Á" để phục hưng, cải cách toàn diện năm 1868 thời Minh trị Thiên Hoàng đã tạo ra những tiền đề thuận lợi cho sự giải phóng những tiềm năng khổng lồ của đất nước mặt trời mọc.
Quyền tư hữu của người dân lần đầu tiên được luật pháp bảo vệ và năm 1873 ngân hàng quốc gia được thành lập theo mô hình của Mỹ. Cho đến tận sau khi bại trận trong chiến tranh Thế giới lần II năm 1945, để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu do Mỹ chủ xướng các ngành công nghiệp của Nhật vẫn bị Mỹ gây sức ép phải thực thi toàn diện mô hình "quản lý chất lượng tổng thể" do nhà tổ chức sản xuất nổi tiếng người Mỹ Deming phát minh ra. (5) Chính điều này đã tạo tiền đề cho Nhật Bản vươn lên dẫn đầu thế giới về chất lượng sản phẩm và thương hiệu quốc gia.
Ấn Độ cũng đang trỗi dậy
Đối với Hàn Quốc, ảnh hưởng mạnh mẽ từ bên ngoài của mô thức phát triển Phương Tây cũng không là ngoại lệ. Từ năm 1876 "phái đoàn hữu hảo Hàn Quốc" đã được gửi sang Nhật để "học hỏi kinh nghiệm Tây Phương". Sau đó đã hình thành một phong trào xã hội mạnh mẽ và rộng khắp trong giới trí thức và quan lại có mục đích trau dồi kỹ thuật sản xuất, cách tổ chức xã hội của Phương Tây.
Một loạt thỏa thuận đã được ký kết với Hoa Kỳ (năm1882) Canada (1884) và nhiều quốc gia Phương Tây khác như Anh, Đức (1893), Pháp (1886), Nga (1864, 1888)...
Chịu tác động của tầng lớp trí thức và quan lại cấp tiến, Hàn Quốc đã giác ngộ sâu sắc việc phải nhanh chóng từ bỏ cấu trúc kinh tế - xã hội truyền thống đã phá sản của phương thức phát triển kiểu châu Á để hội nhập với các nước tư bản Phương Tây, tương tự như Nhật Bản đã thực hiện thành công.(3)
Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á khác như Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan đều có những cải cách tương tự trong nửa sau thế kỷ 20.
Đối với Việt Nam, những năm tháng phát triển theo mô thức tập trung - quan liêu - bao cấp , không coi trọng kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân về thực chất là chúng ta đã đi theo quán tính và truyền thống ngàn đời của phương thức sản xuất kiểu châu Á.
Ở đây lý do có nguồn gốc văn hóa đóng vai trò quan trọng vì chúng ta thoát thai từ một xã hội Á Đông phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, dân trí và quan trí đều thấp, nơi mà quyền tư hữu, thể chế thị trường cũng như quyền công dân cơ bản không được dư luận xã hội và pháp luật khuyến khích.
Bên cạnh đó là lý do mang tính lịch sử - những nước đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ quốc tế và trợ giúp cho chúng ta lúc đó cũng chính là những quốc gia phát triển theo mô thức phi thị trường và nặng tính tập trung - quan liêu - bao cấp, chưa có xã hội dân sự phát triển và nhà nước pháp quyền. Chúng ta đã không có những cơ hội lịch sử như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan hay Singapore ...
Công cuộc hội nhập và tham gia phân công lao động quốc tế mà Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi kể từ khi có chính sách Đổi Mới năm 1986, đặc biệt là sau khi trở thành thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới năm 2006 vì thế, xét trong bối cảnh lịch sử hiện nay có ý nghĩa rất lớn lao. Đó chính là tiền đề để Việt Nam có thể hoàn thành quá trình từ bỏ cấu trúc kinh tế - xã hội đã phá sản của phương thức sản xuất kiểu châu Á và giành lấy một vị trí xứng đáng trong hàng ngũ các dân tộc văn minh, hiện đại.
Nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta cũng đang phải tự thay đổi một cách triệt để và sâu sắc như một quá trình "thoát thân" để tồn tại và đi lên dưới áp lực của hội nhập và toàn cầu hóa rất mạnh từ bên ngoài, mạnh hơn rất nhiều thời Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore tiến hành cải cách hiện đại hóa vì ngày nay, trong thế kỷ 21, thế giới đã trở nên "phẳng" và cạnh tranh khốc liệt hơn xưa (4)
Nhưng dưới góc nhìn của lịch sử, đối với trình độ phát triển của chúng ta hiện nay còn cách Nhật Bản hàng trăm năm thì phải "thoát Á" mới có thể "thoát thân" để hóa Rồng.
Thăng Long - Hà Nội 8/1/2009
----
(1). Kovalev.I.N Lịch sử kinh tế và các học thuyết kinh tế. NXB Feniks.Rostov on Don. 2008.( tiếng Nga).
(2). Vasiliev. L.C. Cuộc cách mạng thứ hai . Tạp chí " Thời mới". No 45 Moscow.1990.( tiếng Nga).
(3). Phạm Gia Minh, Okrut.Z.M Mô hình phát triển kinh tế Hàn quốc- con đường hướng tới sự phồn vinh.NXB " Tài chính- Thống kê" Moscow 1993. ( tiếng Nga).
(4). Friedman.Thomas.L. Thế giới phẳng.Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ 21. NXB Trẻ 2005.
(5). Kaoru Ishikawa. What is Total Quality Control?. The Japanese Way.Prentice Hall 1985.
No comments:
Post a Comment