Hết mập mờ công chức, viên chức
Dự án Luật Viên chức đang được công bố trên mạng để lấy ý kiến nhân dân (tại website http://www.moha.gov.vn của Bộ Nội vụ) và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2010 để có hiệu lực từ 1-1-2011.
Mục tiêu của việc ban hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là rạch ròi trách nhiệm giữa công chức và viên chức.
Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Ngọc Đào, Phó Trưởng khoa Đào tạo bồi dưỡng công chức - tại chức, Học viện Hành chính quốc gia, thành viên Ban Soạn thảo dự án Luật Viên chức
. Ngoài phân định rõ trách nhiệm, theo ông việc tách bạch giữa công chức - viên chức còn có ý nghĩa nào khác?
+ Có luật riêng sẽ giúp quản lý viên chức thoáng hơn, không ràng buộc bởi những quan hệ về công quyền. Ví dụ, viên chức có thể chuyển đổi vị trí làm việc. Họ có thể yêu cầu phụ cấp, đồng lương theo tác nghiệp, theo chức năng, nhiệm vụ của họ. Trong thời gian làm việc và sau khi về hưu họ có thể tham gia làm việc ở những nơi khác, một người làm việc ở hai lĩnh vực khác nhau tùy theo khả năng. Nhưng là công chức thì không được. Ví dụ, công chức khi về hưu không được tham gia công việc ở lĩnh vực mình đã quản lý 3-5 năm.
Theo dự luật, các viên chức như thế này sẽ được quản lý thông thoáng hơn, không ràng buộc bởi những quan hệ về công quyền. Ảnh: HTD
Trong lúc chưa có Luật Viên chức thì Pháp lệnh Cán bộ, công chức vẫn có hiệu lực ở mảng viên chức.
Quản lý thoáng hơn
. Trong lĩnh vực tuyển dụng thì sao, thưa ông?
+ Sẽ thoáng hơn nhiều tùy thuộc vào vị trí của viên chức. Quy trình tuyển dụng cũng khác. Ví dụ, thủ trưởng một đơn vị có thể chọn viên chức mà không qua cấp lãnh đạo nào cả. Nhưng đối với công chức thì quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm rất chặt chẽ.
Theo dự luật, viên chức cũng không nhất thiết phải có quốc tịch Việt Nam hoặc phải đủ 18 tuổi trở lên như quy định của Luật Cán bộ, công chức. Người nước ngoài, Việt kiều cũng có thể đăng ký tuyển dụng vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập…
Làm tốt thì hưởng nhiều
. Sau khi tách khối viên chức, đồng thời khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập có thu tự chủ tài chính, liệu ngân sách nhà nước rót cho khối này có giảm không, thưa ông?
+ Phân biệt công chức, viên chức không nhắm vào giảm nguồn ngân sách cấp cho viên chức để bổ sung cho công chức. Ngân sách vẫn cấp một cục cho đơn vị sự nghiệp có thu và các đơn vị tự cân đối. Ví dụ, tăng thu được từ các hoạt động khác nhau thì nội bộ tự xử lý khoản tăng thu ấy, còn họ vẫn được hưởng mức lương nhà nước chi trả theo ngân sách. Chỉ có thể tăng thêm thu nhập cho họ chứ không giảm đi ngân sách và trách nhiệm từ phía nhà nước. Anh làm tốt hơn thì được lương thưởng nhiều hơn.
.Vừa rồi, báo chí đưa tin một giám đốc trung tâm đào tạo của một trường đại học ở TP.HCM lãnh lương hơn 80 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu là viên chức thu nhập có thể gấp nhiều lần công chức?
+ Quan điểm của tôi, một đơn vị sự nghiệp có thu trả lương trong nội bộ thì về nguyên tắc phải bảo đảm sự bình đẳng. Không thể trả cho nhân viên 1 triệu đồng trong khi thủ trưởng, giám đốc 80 triệu đồng. Anh làm quản lý, điều hành có một mức phụ cấp chứ không thể có mức lương gấp 50-60 lần lao động bình thường trong đơn vị anh. Do đó, kể cả những đơn vị sự nghiệp có thu, nhà nước nên có khống chế trần chi trả thu nhập.
. Cảm ơn ông.
Phân biệt “Công chức là những người thực thi công quyền - nhiệm vụ của nhà nước. Còn viên chức là người hoạt động trong lĩnh vực sự nghiệp mà không quản lý nhà nước. Viên chức có thể nhảy chỗ này chỗ kia nhưng công chức dứt khoát phải theo nhiệm kỳ, liên quan đến nhiệm kỳ của bộ máy nhà nước…”. PGS-TS Nguyễn Ngọc Đào. Nghịch lý Dự án Luật Viên chức cho phép viên chức - bác sĩ công được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư. Luật Khám, chữa bệnh (có hiệu lực từ 1-7-2010) thì không. |
VĂN TIẾN thực hiện
No comments:
Post a Comment