Tuesday, January 26, 2010

Tôi không tin vào nền giáo dục Việt Nam hiện tại dạy được người nên đành dựa vào đức tin trong tôn giáo

Vô Thường theo quan niệm Phật giáo PDF Print E-mail

Chúa Nhật, 17 Tháng 1 Năm 2010 21:06

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nhận thấy có rất nhiều vấn đề, rất nhiều biến đổi từ tinh thần đến vật chất.

Trong đạo Phật gọi la Vô Thường. Vô có nghĩa là không. Thường có nghĩa là luôn luôn thường còn. Vô Thường là không thường còn, luôn luôn biến đổi.

Trong thế gian, tất cả các pháp hữu vi đều sanh, diệt, biến đổi; không một phút nào ngừng nghỉ, yên trụ; thảy đều là Vô Thường.
Trong kinh Kim Cang có bài kệ:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bảo ảnh
Như lộ diệc như điện
Ứng tác như thị quán.

Như vậy, trong thế gian tất cả đều vô thường.

Cũng trong kinh Kim Cang đức Phật dạy: „Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nghĩa là tất cả mọi sự vật trên thế gian này có hình tướng: Nhỏ như cái kim, sợi chỉ, cái xe, cái nhà v.v... và lớn như núi cao, biển cả, tất cả đều là hư vọng! Không tồn tại vĩnh viễn với thời gian – mà có ngày rồi cũng biến hoại! Ngay như cái thân giả hợp tứ đại (đất, nước, gió, lửa) của con người – đến một ngày nào đó (?) rồi cũng tử vong, xa lìa cõi thế.

Trong kinh Bát Đại Nhân Giác:

- Thế gian vô thường.
Quốc độ nguy thúy.
Tứ đại khổ không.
Sinh diệt biến dị.

- Hoàn cảnh vô thường.
Ngũ ấm vô ngã.
Như thị quán sát.
Tiệm ly sinh tử.

Trong sách Đại Trí Độ Luận:

Thế gian biết mấy vô thường
Bóng trăng thân chuối giả nương hợp thành
Phước dù đến tận trời xanh
Gió vô thường đến hóa thành hư vô!

Như trường hợp một ông quan, người bạn của Ngài Liên Tri Đại Sư:

Ngày trước trên đường còn cỡi ngựa
Hôm sau trong quách đã chôn thây!

Quả thật: Nhứt tức bất hồi, thiên thu vĩnh biệt! Người trong thế gian chỉ vì tham đắm ngũ dục. Không làm việc thiện, ban bố cứu giúp cho những kẻ cơ hàn, bệnh hoạn. Mà chỉ do si mê tham dục thúc đẩy, nên bị trói buộc trong vòng phiền não, giải tỏa không ra, mải đoạt lợi danh, không chịu thức tỉnh. Khi quyền cao chức trọng, giàu có vinh hiển; lấy làm đắc chí, hài lòng, không biết nhẫn nhục, siêng tu, làm điều thiện. Đến khi oai quyền, thế lực tới hồi suy thoái, tất cả đều bị tiêu ma, điêu tàn, tan nát! Chỉ còn biết ngồi một chỗ khóc than, hối tiếc!...

Đúng là luật trời. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. Tự cổ chí kim hẳn nhiên là vậy. Xót xa biết mấy! Thương tâm biết bao!

Quả thật: Phú quí như phù vân. Cuộc đời như mộng ảo. Ngày tháng tựa thoi đưa... Có một biến cố rất bi thương, ai oán! Trong hoàn cảnh đột bất biến thường, không tưởng?! Đôi bạn chí thân. Ông A và ông B. Một hôm ông B đến chơi nhà ông A; hàn huyên tâm sự... Khi ông B từ giã ra về, hai ông vui vẻ tay nắm tay chào tạm biệt và hẹn gặp lại lần sau.

Nửa tiếng đồng hồ sau, ông A nghe tiếng điện thoại reo, nhấc ống nghe. Từ đầu dây bên kia, người nhà ông B báo hung tin: Ông B trên đường lái xe về nhà bị tai nạn xe cộ và đã tử thương! Xót xa là bao, đau khổ biết chừng nào ?!

Chuyện đời không ai biết trước được những gỉ sẽ xảy ra mai sau? Thật đúng với câu: Tri nhật bất tri lai. Cũng có trường hợp hai người bạn thân đã từ lâu giao du thắm thiết, giúp đỡ nhau tận tình, coi nhau như anh em ruột. Rồi bỗng một ngày, vì một lý do nào đó (?) đã quay mặt làm ngơ. Coi nhau như kẻ thù không đội trời chung.

Có một câu chuyện của nhà hiền triết Trung Hoa là Trang Tử. Một hôm, Trang Tử đi núi chơi, nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi quạt nấm mồ. Trang Tử lấy làm lạ, bèn đến hỏi thiếu phụ:

- Tại sao phải quạt mồ? Thiếu phụ trả lời:

- Chồng tôi mới chết! Trước khi chết, chồng tôi có dặn: Sau khi anh chết, chờ khi nào mồ khô, cỏ mọc, rồi em hãy đi tái giá. Hôm qua, có người đến hỏi tôi làm vợ, mà mồ chồng tôi chưa khô, nên tôi phải quạt cho mau khô; nếu không thì qua mất dịp may.

Nghe vậy, Trang Tử lấy làm xót xa cho tình đời đen bạc. Ông về nhà kể lại sự việc vừa chứng kiến cho vợ nghe.

Sau khi nghe ông kể. Bà vợ chê trách và chửi người thiếu phụ là kẻ bạc tình, bất nghĩa và nói:

Dù cho sông cạn đá mòn

Thì tôi vẫn giữ một lòng thủy chung.

Nghe vợ nói vậy, Trang Tử giả bộ để thử vợ. Ông bèn gọi một người đệ tử tín cẩn của ông. Ông dặn dò, chỉ dạy mọi điều, mọi cách.

Người đệ tử này rất cao ráo, đẹp trai, ăn nói dịu dàng, hoạt bát, thông minh, lanh lợi... rồi tìm cách để chiếm được tình yêu của vợ Trang Tử.

Sau đó Trang Tử giả bộ chết và được tẩn liệm vào quan tài. Trong lúc này, thì người đệ tử mà Trang Tử đã bày mưu... cũng giả vờ bệnh nặng. Bà vợ Trang Tử thấy thế, lấy làm lo lắng, săn sóc, hỏi han... Người đệ tử nói: Bệnh này chỉ có tìm được óc người mới chết để chữa thì mới khỏi.

Bà vợ Trang Tử nghe vậy bèn lấy cái vồ đập vào quan tài chồng vừa mới chết còn nằm đây để lấy óc chữa cho người tình!

Lúc đó, Trang Tử đạp nắp quan tài ngồi dậy và nói:

Thương thay cho gái quạt mồ
Giận thay cho gái lấy vồ đập săng (quan tài)

Cho nên trong nhân gian có câu:

Dò sông, dò biển dễ dò.
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.

Và trong Nho gia có câu: Họa hổ họa bì, nan học cốt Tri nhân tri diện, bất tri tâm.

Đúng như vậy, lòng con người luôn luôn biến đổi. Thói đời đen bạc, lòng người đổi trắng thay đen.

Tâm và ý con người luôn luôn trào dâng những đợt sóng khôn cùng... cái đó gọi là sóng thức; nay nghĩ thế này, mai lại nghĩ khác.

Thí dụ: Ngày mai tôi đi lễ chùa; nhưng hôm sau không đi lễ chùa mà đi công chuyện khác. Hoặc đang ở đây mà nghĩ đến người thân còn ở Việt Nam; rồi nghĩ tới gia đình người anh bên Mỹ và lại nhớ đến người con đang sống bên Úc Đại Lợi. Đúng là: Tâm viên, ý mã. Đó là những sóng thức liên tục trào dâng không ngừng nghỉ. Ta gọi đó là: Ý vô thương, tâm vô thường. Cũng như hoàn cảnh vô thường.

Chẳng hạn như cuộc triển lãm Expo được tổ chức tại Hannover vào năm 2000. Trước đó, thì nơi tổ chức chỉ là khu đất trống bình thường. Đến khi được tổ chức, thì tại địa điểm này, khu đất này trở nên Khu Triển Lãm Quốc Tế được xây cất thiết trí những gian hàng triển lãm lộng lẫy, huy hoàng, tráng lệ cho đủ mọi mặt hàng: Khoa học, Kỹ thuật, Văn hóa, Văn nghệ, Thủ công nghệ v.v... và v.v... Người người từ khắp năm châu lục địa đến tham quan; không biết bao nhiêu là triệu người.

Rồi qua thời gian triển lãm hạn kỳ 6 tháng, nơi tổ chức triển lãm được dọn dẹp, để trả về cho quang cảnh nguyên thủy, bình thường, êm ả và vắng lặng!

Tất cả đều là duyên hợp mà thành. Do đó, khi hết duyên, duyên tan, mọi sự vật, mọi hiện tượng đều bị hủy diệt. Trước không, sau có, có lại hoàn không. Đó là hoàn cảnh vô thường.

Dù là sơn hà, đại địa, núi cao, sông dài, biển rộng đều bị chi phối bởi luật vô thường. Thí dụ: Như mấy năm gần đây, mọi người còn nhớ rõ: Cơn Sóng Thần vào cuối tháng 12 năm 2004 tại Indonesia đã cuồn cuộn trào dâng cuốn lôi, tàn phá, hủy hoại đi tất cả... từ con người, vạn vật, nhà cửa, xe cộ v.v... và v.v... chỉ còn lại chết chóc hoang tàn, đổ nát, tiêu điều! Thật đáng thương tâm!

Qua năm 2005 tại Mỹ Quốc, vào tháng 9/2005 tại đảo Katrina Tiểu bang New Orlean cũng xảy ra vụ cuồng phong, ngập lụt cũng không kém phần kinh hoàng, cũng gây bao tang thương, thống khổ cho cư dân sở tại và cũng là một thảm trạng đau lòng!
Và, mới đây, vào cuối tháng 11/2006 một cơn bão lụt đã thổi vào nước Phi Luật Tân, làm thiệt mạng trên 300 người, và nhà cửa, xe cộ, cây cối thiên nhiên cũng chung số phận.

Những hiện tượng trên đây gọi là quốc độ nguy thủy. Thật đúng với câu: Thương hải biến vi tang điền.

Trong cuộc đời, thị phi, được mất, có không, vinh hoa, phú quí... Ngay như Anh hùng Cái thế, rồi cũng chỉ còn trong sử sách. Cuối cùng thì cũng trôi theo như giấc mộng!

Ta còn để lại gì không?
Kìa non đất lở, nọ sông cát bồi!

Và cụ Nguyễn Công Trứ nhận thức:

Ôi! Nhân sinh là thế đấy
Như bóng đèn, như mây nổi
Như gió thổi, như chiêm bao
Ba mươi năm hưởng thụ có là bao? Vừa chớp mắt, nồi kê chưa kịp chín.

Trong Cung Oán Ngâm Khúc; Ôn Như Hầu có ý trách tạo hóa:

Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán Chết đuối người trên cạn như chơi Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương!
...

Quả thật:

Tiêu điều nhân sự đã xong
Sơn hà cũng huyễn, côn trùng cũng hư!

Nhà đại thi hào Trung Hoa là Lý Bạch đã cảm nhận được lý Vô Thường nên có những lời:

Anh thấy chăng? Hoàng Hà nước tự trời cao
Xuôi ra biển cả chẳng bao giờ về!
Anh thấy chăng? Cha soi kính tóc bạc phơ
Sáng còn tối mất, ngẩn ngơ chợt buồn!...

Cuộc đời là Vô Thường, mọi sự, mọi vật đều biến đổi theo từng khắc của thời gian. Nên Vạn Hạnh thiền sư có bài kệ:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn vật xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô!

Và chính con người cũng luôn biến dạng theo:

Đố ai tìm được cái ta
Bé thơ vú mẹ, nua già gậy ôm
Bốn bề nam bắc tây đông
Hỏi ai tắm một dòng sông hai lần
Đố ai trẻ mãi không già ?

Cũng như tứ cú:

Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có cũng bằng không! Cuộc đời sắc sắc không không
Còn chăng chỉ một tấm lòng mà thôi

Thật vậy, dù vinh hoa phú quí, quyền cao chức trọng; lấy làm hài lòng mãn nguyện. Chẳng hay nhẫn nhục, chẳng siêng tu thiện. Oai quyền thế lực chẳng được bao lâu, đến khi thất thế, tất cả đều tiêu ma hết. Lúc đó, thân ngồi một chỗ, khổ sở đau buồn, tới lúc bệnh chết, sự khổ càng hơn. Đúng là:

Sắc tài danh lợi vốn vô thường
Say đắm làm chi mãi vấn vương
Sinh tử luân hồi ai cũng ngán
Niết Bàn Cực Lạc sớm cần nương.

Đời là vô thường, nên cuộc đoàn viên nào rồi cũng đến lúc chia tay! Với nụ cười khoan hòa, từ ái lúc trùng phùng hội ngộ. Nhưng không giấu được vẻ lưu luyến, ngậm ngùi trước giờ phút chia ly:

Ngẫm ra đời có vui đâu
Trăm năm hư giả trong câu vô thường.

Tất cả châu báu trên cõi đời này sẽ không có giá trị thường hằng, mà sẽ tan biến như bọt nước theo định luật Vô Thường. Còn chăng, chỉ còn lại chân giá trị của nội tâm trường cửu. Đó là Chân Tâm, là Phật Tánh. Đại thi hào Nguyễn Du đã thể hiện cái tâm qua hai câu:

Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Đối với Phật giáo: Vô Thường là cảnh giác. Phải tìm một hướng sống, phải chuẩn bị tư lương cho cuộc hành trình bằng cách: Quán chiếu vô thường, tìm hiểu thấu đáo lý vô thường, chọn định hướng: Phát tâm Bồ Đề. Làm điều thiện, bố thí, làm phước, cúng dường, không tham ái, không chấp thủ, phát tâm tu học để tìm đến Chân thường.
Được như vậy, ta sẽ không sợ vô thường; vì đã hiểu rõ bản chất của vô thường. Phải tìm cái Chân thường để tránh sự khổ đau. Tuy nhiên vô thường cũng có hai mặt:

1/ Tiêu cực: Tàn phá hủy diệt

2/ Tích cực: Phát triển, tiến bộ

Tiêu cực, như đã nói nhiều ở trên. Tích cực: Vô thường cũng tô điểm làm đẹp cho cuộc đời là hấp dẫn và có ý nghĩa như đóa hoa; sự tiến bộ của khoa học, máy móc giúp nhiều phương tiện thiết yếu, thuận lợi cho con người và làm cho cuộc sống trở nên văn minh tiến bộ.

Sự lớn khôn của con người từ lúc sơ sinh cho tới khi trưởng thành. Để trở nên một người hữu ích cho nhân loại, xây dựng một xã hội văn minh và tiến bộ. Theo Phật giáo: Vô thường là một định luật có sẵn, được Đức Phật giáo hóa cho chúng sanh thấu hiểu để đối trị với vô thường, hầu cho cuộc sống được an nhiên tự tại.

Điều quan trọng là: Phải biết tri túc và trân quý những gì mình đang có trong tay và nhớ câu:

Cuộc đời sống được có là bao
Trẻ chẳng lo tu, sớm bạc đầu!

No comments: