800tiến sĩ tương lai kiến nghị dự thảo quản du học sinh
- Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Toán học Đỗ Đức Hạnh (ĐH California, Berkeley, Mỹ) vừa gửi tới VietNamNet "phản hồi dư thảo về quy chế quản lý công dân Việt Nam được đào tại nước ngoài".
Anh cho biết, phản hồi được viết dưới hình thức thư kiến nghị này được chắp bút từ các ý kiến trao đổi trên diễn đàn "tiến sĩ việt nam" (PhDvn.org). Đây là diễn đàn với khoảng 800 thành viên là du học sinh tham gia. Phản hồi này, đồng thời cũng đã được gửi đến diễn đàn chính thức của Bộ GD-ĐT.
Để thêm góc nhìn từ "người trong cuộc", VietNamNet giới thiệu những góp ý cho dự thảo của các thành viên của diễn đàn.
"Đi quá giới hạn"
Sẽ là hoàn toàn bất hợp lý khi ép buộc các du học sinh tự bỏ tiền ra du học phải về Việt Nam trong vòng 3 năm. Họ đã tự bỏ tiền ra để đầu tư cho tương lai của họ, vậy cũng nên có quyền tự lựa chọn nơi làm việc của mình miễn là không vi phạm pháp luật.
Theo dự thảo trên, việc áp dụng quy chế này cho tất cả các du học sinh, dù tự túc hay tự xin học bổng du học là đi quá giới hạn của Bộ GD-ĐT.
Dự thảo này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới những lưu học sinh chưa kịp về nước trước ngày thi hành dự thảo mà có lẽ ảnh hưởng tới tất cả các lưu học sinh từ trước tới nay: từ Đông Âu, Liên Xô (cũ) cho tới những người theo Fulbright, VEF, AUSAID, DAAD...
Những người này dù đang có công việc ổn định nhưng chưa đúng chuyên môn có lẽ sẽ được BGD&ĐT thuyên chuyển công tác đến những vị trí thích hợp để sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý và hiệu quả nhất hay không? Ví dụ, trước khi đi tôi là cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam, vậy khi tôi về nước liệu tôi có vui vẻ trở thành giảng viên chính của một trường làng ở miền núi hay không, nếu được phân công công tác?
Nhưng theo tôi được biết, cho đến nay vấn đề việc làm của người làm nghiên cứu khoa học (NCKH) vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Người làm NCKH vẫn phải sống ở mức độ nghèo khổ (một cán bộ nghiên cứu ở Viện Khoa Học Việt Nam có thu nhập 2 triệu đồng một tháng). Vậy BGD&ĐT chỉ nên thực hiện chính sách phân công công tác khi có thể bảo đảm một mức lương để người làm NCKH đủ sống và nuôi gia đình.
Theo điều 6.2 khoản a, Lưu học sinh được cấp học bổng có nghĩa vụ học tập, nghiên cứu, thực tập đúng quy định về thời hạn, bậc học và ngành nghề đã được phân công hoặc đăng ký, không được quyền gia hạn nghiên cứu. Nhưng theo định nghĩa ở điều I.1, các du học sinh theo học bổng VEF cũng bị xếp vào diện này, và do đó cũng phải chấp nhận sự phân công công tác của BGD&ĐT. Điều này trái với chính sách của VEF cũng như logic thông thường, vì BGD&ĐT hoàn toàn không có vai trò gì đối với quỹ học bổng này.
Ví dụ một sinh viên theo học trường Đại Học Sư phạm chấp nhận chính sách miễn học phí của BGD&ĐT thì sinh viên đó chịu sự phân công công tác là điều hoàn toàn hợp lý so với những lợi ích họ đuợc hưởng. Tuy nhiên nếu sinh viên đó tự tìm được nguồn tiền đóng tiền học mà cũng phải chịu sự phân công công tác thì lại là điều hoàn toàn bất cập. Chưa kể, điều này sẽ tạo tiền đề cho sự tiêu cực, chạy chọt để được phân công công tác.
Về Việt Nam sau khi tốt nghiệp bao lâu?
Một trong những điểm không rõ ràng của quyết định, đó là không quy định rõ thời gian phải về Việt Nam sau khi tốt nghiệp là bao nhiêu lâu. Quyết định này có nghĩa chỉ cần về Việt Nam một thời gian bất kỳ (ví dụ một tuần) là đủ hay có nghĩa du học sinh mãi mãi không được rời khỏi Việt Nam, kể cả đi trao đổi nghiên cứu khoa học? Trong cả hai trường hợp, đây đều là những điều không nên áp dụng.
Tôi thiết nghĩ, điều luật này nên thay đổi theo một trong các chiều hướng: (1) Bỏ hẳn quy định này, (2) Quy định thời gian ở lại dài hơn (7 năm hoặc lâu hơn), (3) Quy định thời gian làm việc tối thiểu ở VN (2 năm như đối với nghiên cứu sinh VEF) hoặc (4) Chỉ cần có vị trí công tác tại VN (làm nhà nước hoặc làm ngoài đều được) là đủ tiêu chuẩn đi nước ngoài tiếp.
Ngoài ra, khi một công dân Việt Nam, muốn đi ra nước ngoài công tác, làm việc (ví dụ xuất khẩu lao động) thì Đảng và Nhà Nước luôn tạo mọi điều kiện, vì đây không chỉ là quyền lợi cá nhân mà còn là một nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Vậy tại sao, chỉ vì trước đó là lưu học sinh mà một công dân lại không thể làm việc ở nước ngoài, khi có thể coi họ là xuất khẩu lao động chất lượng cao? Phải chăng BGD&ĐT đã lấn quyền của Bộ Lao Động-Thương Binh &Xã Hội?
Bảng điểm là sở hữu cá nhân
Theo tôi được biết bảng điểm là vật thuộc sở hữu cá nhân, và nhiều du học sinh không nhận bằng do BGD&ĐT Việt Nam cấp. Vậy tại sao các lưu học sinh theo diện du học tự túc cũng phải nộp bảng điểm cho BGD&ĐT 6 tháng một lần?
Thực chất việc buộc báo cáo bảng điểm 6 tháng một lần này chỉ mang nặng tính hình thức. Khi nhận được bảng điểm, BGD-ĐT có thể xử lý như thế nào: can thiệp vào cơ sở giáo dục của nước ngoài để xử lý lưu học sinh, ép buộc lưu học sinh thôi học hay chỉ để răn đe?
Tôi nghĩ rằng tất cả đều không mang lại kết quả nào cả! Chúng ta đang tiến tới cải cách thủ tục hành chính, không nên sử dụng tư duy thời bao cấp ra để quản lý những thứ thuộc sở hữu cá nhân.
Kìm hãm tiềm năng nhân lực cho khoa học công nghệ
Đây tưởng như một biện pháp khích lệ các du học sinh về nước để cống hiến đóng góp cho tổ quốc nhưng thật ra lại là bóp chết nền khoa học một cách nhanh nhất.
Hiện tượng chảy máu chất xám xảy ra ở nhiều nước nhưng chưa từng có nước nào sử dụng các biện pháp hành chánh thế này để bắt công dân mình về nước. Các nước như Tàu, Ấn thật ra có rất nhiều người giỏi ở lại Mỹ làm giáo sư, làm nhà nghiên cứu. Có ai chắc rằng những người này trở về nước họ sẽ làm được bất cứ chuyện gì hữu ích?
Đối với những người làm khoa học, sau khi bảo vệ tiến sĩ thì họ sẽ trải qua giai đoạn làm việc sau tiến sĩ kéo dài khoảng 7 năm để trở thành một nhà khoa học trưởng thành, giữ những vị trí giáo sư (Full Professor) tại các trường đại học, các viện nghiên cứu rên thế giới.
Giai đoạn 7 năm này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển sự nghiệp khoa học của họ. Những nhà khoa học này đã có nhiều đóng góp một cách gián tiếp cho tổ quốc, làm rạng danh cho dân tộc Việt, giúp nhiều sinh viên nhận được học bổng tiến sĩ tại nước ngoài.
Trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng nền khoa học Việt Nam chưa thể tận dụng một cách hiệu quả những nhà khoa học này. Trong số này, có thể kể đến GS Ngô Bảo Châu (Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, USA) hiện nay đang đuợc đề cử giải Fields (giải thưởng danh giá nhất cho các nhà toán học, tương đương với giải Nobel), GS Vũ Hà Văn (Rutgers University), GS Đỗ Ngọc Minh (UIUC) và còn rất nhiều người làm khoa học khác nữa nữa, đều thuộc dạng du học sinh.
50% sẽ tự động về nước
Tôi nghĩ rằng: những người không kiếm được việc phù hợp sau PhD họ sẽ tự động về nước (số này sẽ là số lớn chắc sẽ không dưới 50%), còn những người có khả năng kiếm việc giảng dạy/nghiên cứu cứ cho họ ở lại (nếu họ chọn như thế).
Cùng lúc đấy nâng dần môi trường làm việc trong nước lên, số chọn lựa trở về sẽ ngày càng lớn lên và số trụ lại được nước ngoài làm GS sẽ hỗ trợ và thúc đẩy nền khoa học trong nước. Tất cả các nước Trung Quốc, Ấn Độ họ cũng thực hiện như thế và đã có cả cộng đồng khoa học mạnh cả trong và ngoài nước. Rất nhiều người tốt nghiệp tiến sĩ của họ ở thời điểm này muốn về nước ngay sau khi PhD mà không cần những cái như luật chúng ta muốn ban hành. Các GS ở nước ngoài của họ cũng thường xuyên về lại quê hương hợp tác giảng dạy nghiên cứu. Họ cũng mời các GS từ nước họ sang làm nghiên cứu rất thuận lợi.
Tôi nghĩ rằng, chính sách quan trọng về nhân sự thế này cần tính toán cẩn thận, không khéo thì tác hại nhiều mà lợi trước mắt cũng không bền vững vì đội quân PhD về nước sẽ mất khả năng nghiên cứu rất nhanh (chỉ sau chừng 3-5 năm không làm khoa học là họ sẽ hoàn toàn lạc hậu với thế giới).
Bằng cấp PhD lúc đó sẽ không nói lên được gì cả vì gần như họ cũng giống những người làm khoa học trong nước. Chúng ta thử nhìn lại những PhD từ nước ngoài trở về, bao nhiêu phần trăm vẫn còn làm nghiên cứu và bao nhiêu phần trăm chỉ loay hoay vật lộn với cuộc sống thường nhật bằng các công việc khác?
Thu thuế hai lần
Theo quyết định này, các du học sinh đuợc yêu cầu nộp thuế cho nhà nước. Theo luật thuế, thu nhập của chúng tôi được phân loại là mức thu nhập cao, và phải nộp thuế 40%, dù rằng đó là mức lương thấp dưới mức nghèo đói ở Mỹ. Ví dụ một người làm nghề lau chùi nhà vệ sinh của khoa tôi ở Mỹ sẽ kiếm được 3000$ một tháng, một mức sống nghèo khổ ở Mỹ nhưng lại là vương giả nếu tính theo thu nhập ở Việt Nam.
Sự bất cập hiển nhiên là, khi chúng tôi nhận lương ở nước ngoài thì nghiễm nhiên phải nộp thuế cho nhà nước sở tại. Vậy chúng tôi sẽ bị truy thu thuế tất cả hai lần, một lần ở Mỹ, và thêm một lần 40% nữa ở Việt Nam?
Điều này là rất vô lý và bất cập. Quy định này chưa có tiền lệ và không có ở đâu cả.
Và tại sao "đặc quyền" được đóng thuế thu nhập hai lần chỉ áp dụng với các du học sinh chứ không phải là đối với những người theo diện xuất khẩu lao động?
Mức áp thuế: Ở Việt Nam, mức lương 5 triệu bắt đầu phải đóng thuế và mức lương 10-20 triệu bắt đầu được coi là cao. Tuy nhiên, mức lương 3000$/tháng được coi là thu nhập thấp ở các nước phát triển. Người nhận mức lương này phải cố gắng xoay xở bằng cách ở chung trong những căn nhà dành cho sinh viên giá rẻ, tối thiểu hóa mọi chi tiêu.
Nếu áp thuế thu nhập cao, 2 lần đồng nghĩa với việc xóa bỏ hết mọi dự định tương lai, không mua sắm, sẽ không nhà cửa khi trở về Việt Nam.
Mức thu nhập đó và mức thuế cao, thuế 2 lần cũng đồng nghĩa người này không thể đủ khả năng đảm bảo một cuộc sống ở mức tối thiểu cho vợ con, gia đình trong thời gian ở nước ngoài. Điều này góp thêm phần tạo ra sự không công bằng trong xã hội, nhất là đối với giới khoa học vốn chưa có chính sách đãi ngộ xứng đáng, thường làm việc rất vất vả và có thu nhập thấp hơn so với mặt bằng chung nhiều ngành khác.
Llà những nhà khoa học, nhưng chúng tôi cũng là những con người của đời thường, phải có trách nhiệm với gia đình mình, có những nhu cầu cuộc sống cũng như nhu cầu phát triển trong tương lai.
Dù ở đâu, chúng tôi vẫn cách này, cách khác có nhiều đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu một con đường không thể đảm bảo cho chúng tôi một cuộc sống tốt cho bản thân và gia đình, chúng tôi khó có thể lựa chọn con đường đó. Một người có nhiều đóng góp có thể là kỹ sư, có thể là bác sỹ, có thể tiếp tục theo đuổi con đường học thuật, có thể công tác tại đơn vị này, đơn vị khác. Đó là lựa chọn cá nhân.
Kết luận
Rõ ràng, dự thảo có quá nhiều điều bất cập, chỉ mang lại lợi ích trước mắt là thu hút được nguồn nhân lực trước mắt nhưng lại gây nên tác hại lâu dài.
Hơn nữa, với một dự thảo có quá nhiều kẽ hở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Đây là một điều không thể tránh khỏi khi muốn tách rời quyền lợi của lưu học sinh với các quyền lợi khác của công dân khác. Mong Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thời gian xem xét lại dự thảo cũng như tính khả thi.
Đỗ Đức Hạnh
No comments:
Post a Comment