Wednesday, February 28, 2018

Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy!!!










Năm nay, tết Ta rơi vào ngày giữa tuần. Cho nên, nhiều bà con Việt xa xứ có lẽ bỏ lỡ cơ hội viếng thăm chùa chiền và bè bạn vì lý do họ bận đi làm. Ngày mai, chủ nhật có lẽ là ngày mà bà con đến chùa nhiều nhất, đó cũng là ngày học trò thăm hỏi thầy cô ở Việt Nam. Theo kế hoạch dự kiến từ các chùa, các Thầy/Cô sẽ cho đốt pháo và cử hành lễ tương tự như các ngày giao thừa và mồng một. Các chùa làm vậy là hợp lẽ. Bởi những bà con đi làm có cơ hội hưởng không khí tết trọn vẹn.

Nhân nhắc đến chùa và Thầy/Cô, mình có câu chuyện vui muốn kể lại.

Chuyện kể rằng, trên vùng núi heo hút, có một vị thiền sư đắc đạo. Hằng năm, cứ mỗi mồng ba tết, bà con đủ mọi thành phần từ thương gia, kỹ sư, bác sỹ cho đến nông dân đến chùa viếng thăm, xin lộc và đặc biệt là xin lời khuyên của thiền sư. Vì lượng khách khá đông đến thăm, nên thiền sư chỉ kịp hỏi tên (hoặc pháp danh nếu người đã quy y), sau đó ngài ban lời khuyên dựa trên cái tên (pháp danh). Mà lạ cái, ai làm theo cũng phát tài, phát lộc và bình an.

Năm nay, thiền sư có phật sự đột xuất ở chùa phương xa. Thế nên chùa chỉ còn lại chú tiểu ở chùa và một anh tiều phu đốn củi thỉnh thoảng ghé thăm. Đúng mồng ba tết, du khách viếng thăm rất đông nhưng họ buồn bởi không gặp được thiền sư. Đến giữa trưa, có một khách từ rất xa, nghe nói đâu phải lội ba sông bốn bể mới tới nơi (chắc là việt kiều). Hehe. Khách là hai vợ chồng, vốn là một thương gia có tiếng. Hơn nữa, họ học cao hiểu rộng theo kiểu trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Họ giới thiệu tốt nghiệp mấy cái bằng ABC, đang làm chủ mấy hãng XYZ, chú tiểu nghe xong toát mồ hôi hột. Tuy nhiên, họ rất thành tâm và tha thiết gặp thiền sư. Theo họ, nếu họ không gặp thiền sư hôm nay, đó là sự nuối tiếc lớn.

Chú tiểu nghe xong, rất bối rối, dặn họ đợi ở phòng khách và đi vào trong. Trong lúc đó, bác tiều phu ghé ngang sau chùa uống ly nước mưa. Như bắt được vàng, chú tiểu nhờ vả bác tiều phu đóng thế thiền sư. Bác tiều phu nói, tui vốn thất học, làm sao tui ban lời khuyên cho kẻ học rộng được. Chú tiểu khuyên bác cứ nghe pháp danh xong rồi phán đại một câu là xong. Chú tiểu năn nỉ mãi, bác tiều phu cũng đồng ý. Trong đại điện, bác tiều phu với y áo trang nghiêm, hai vợ chồng thương gia quỳ trước mặt. Người chồng nói, con là Lương Văn Huyền, pháp danh Giác An, blah blah blah. Bác tiều phu phán, con tâm chưa được tốt, ráng tu tập để hoàn lương. Kế đến, người vợ nói, con pháp danh là Đồng Chánh, blah blah blah. Bác tiều phu ngắt lời, nhờ con mà chồng con trở nên người tốt, làm ăn phát đạt; vậy con cứ làm như từ xưa đến giờ, năm 2018 gia đình con sẽ thành công mọi việc.

Ta nói nghe, hai vợ chồng khen nức nở sự tinh thông của thầy, quỳ sụp lạy lia lịa, trong khi chú tiểu trố mắt nhìn và chẳng hiểu chuyện gì. Đợi hai vị khách ra về. Chú tiểu hỏi bác tiều phu, vì sao mà họ lại khen ông biết người chồng có tâm không tốt. Bác tiều phu nói chú theo thầy lâu năm, học nhiều mà không biết là dở. Có chi mô, người chồng pháp danh là Giác An, có nghĩa là ổng rất gian ác (*). Người gian ác thì tâm làm sao tốt được. Thầy bổn sư chắc thấy được nên mới đặt tên thế. Chú tiểu hỏi tiếp, thế còn người vợ, vì sao bác biết bà giúp ông ta. Bác tiều phu vừa cười vừa nói. Bà ta pháp danh là Đồng Chánh nghĩa là bà hay đánh chồng (*). Chính công việc thường xuyên này, bà giúp ông ta chỉnh chu hơn trong công việc, lìa tà quy chánh. Hehe. 

(*) Giác An nói lái lại là Gian Ác; Đồng Chánh nói lái lại là Đánh Chồng.
 

P/S: Hình năm vừa rồi đi California viếng thăm các chùa.
Chuyện này là chuyện xàm, không có thiệt.

No comments: