Thực ra cái này mình cảm thấy phi lý, và một người anh kể lại câu chuyện thế này:
người cha kể chuyện cô giáo ra đề "tả người bạn thân của em"
HS này kể chuyện 1 con mèo
làm bạn với em ra sao
những cảm xúc thế nào
cô giáo phê "lạc đề" ???
Vậy nghĩa là sao? Nửa đời người mà cảm thấy cần học nhiều mới hiểu hết sự phức tạp của một xã hội vốn dĩ tồn tại những lộn xộn.
Tác giả 'Trăng nghẹn': Nghẹn ngào thương quê
TP - Báo Tiền Phong nhận được thông tin của bạn đọc về đời sống văn nghệ ở Cần Thơ, trong đó có câu chuyện về cuộc thi thơ gây xôn xao dư luận gần đây.
Được biết, TRĂNG NGHẸN là bài thơ của Hoài Tường Phong vừa được chấm giải Nhất cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long do các Hội Văn học - Nghệ thuật trong khu vực này liên kết tổ chức, tỉnh Cần Thơ đăng cai. Nhưng một sự cố bất ngờ chưa từng có đã xảy ra:
Một số cơ quan có thẩm quyền ở thành phố Cần Thơ đã yêu cầu Ban Giám khảo chọn lại bài khác để trao giải Nhất thay cho bài thơ này vì nó u ám quá. “Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được”. Tuy nhiên, Ban Giám khảo đã quyết định không chấm lại. Cuối cùng họ quay sang tác giả.
Tác giả Hoài Tường Phong. Ảnh: Sáu Nghệ |
Có thông tin cho rằng Chủ tịch Hội Văn nghệ Cần Thơ yêu cầu tác giả làm đơn từ chối giải thưởng với lý do “tác giả không có gởi thơ dự thi”. Tác giả khẳng định rằng “tôi đã gửi dự thi”.
Sau đó vị Chủ tịch Hội Văn nghệ lại yêu cầu tác giả làm đơn xin từ chối giải thưởng với lý do “Bài thơ có nhiều câu chữ không phù hợp với tiêu chí cuộc thi”. Vậy thực hư câu chuyện này ra sao? Trưởng Đại diện báo Tiền Phong tại Đồng bằng sông Cửu Long đã bước đầu tìm hiểu thông tin gửi về tòa soạn.
Tác giả Hoài Tường Phong ở nhà số 94A/17, đường Trần Quang Diệu, phường An Thới (Bình Thủy, Cần Thơ). Căn nhà cấp 4, dáng người thấp nhỏ, ông cười hiền lành, tự giới thiệu nghề nghiệp sinh sống: “Làm răng giả”.
Ông bảo làm thơ là khi có cảm xúc trong lòng, nghĩ sao ông viết vậy. Bài thơ Trăng nghẹn có hai câu mở đầu: Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa/Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Ông nói, ông sinh năm 1945, đúng một đêm mưa gió thật sự nên không thể viết là trăng sáng được, dường như cũng báo hiệu cuộc đời ông sau này vất vả. Nghề làm răng giả chỉ đủ sống tằn tiện qua ngày. Vợ ông bán ăn uống dưới chợ. Ba đứa con thì hai lớn đã ra riêng, còn con gái út ở chung cùng buôn bán lặt vặt.
Hai câu: Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu/Đôi mắt ướt một thời bẻn lẻn ngó bàn chân,“phải chăng có mối tình xưa nào ông còn nhớ?”, tôi hỏi. Ông cười, cũng có cô bạn gái bên kia sông, chung xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Lớn lên, ông đi học tú tài, phải sang tỉnh Vĩnh Long bên cạnh rồi chuyện lỗi hẹn đầu đời thường khó nói mà không thể quên.
Học tới đệ nhị, tương đương lớp 11 bây giờ, ông tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, bị bắt bỏ tù hơn một năm. Ra tù, ông lên Sài Gòn kiếm sống. Trong Trăng nghẹn có câu: Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen/Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ là tâm trạng của ông.
Ông tâm sự, ở quê nghèo ra thành phố tưởng sẽ ngon lành lắm nhưng mãi vẫn không bằng ai. Nên Trăng nghẹn mới nghẹn ngào về đồng bằng sông Cửu Long hôm nay: Đồng bằng quê tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi/…/Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa”. Ông lại cười buồn, ông cũng mong thay đổi lắm như mong cuộc đời ông thay đổi.
Được trao giải là nhận
Tôi hỏi chuyện ông xung quanh những đồn thổi từ khi bài thơ được chấm giải nhất, thực hư thế nào. Ông kể, có bốn lần được Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Cần Thơ Phan Huy gặp.
Lần đầu, ở quán cà phê Thủy Mộc, ông Phan Huy nói, quan điểm của ông Phan Huy là bảo vệ quyết định của ban giám khảo; tuy nhiên nếu có tình huống xấu thì ông Hoài Tường Phong có vui lòng không nhận giải hay không.
Lần thứ hai vẫn ở quán cà phê Thủy Mộc và vẫn nội dung cũ. Lần thứ ba tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT, ông được đề nghị viết vài lời từ chối nhận giải. Các lần ấy, ông ngại nói thẳng.
Lần thứ tư, qua điện thoại, ông Hoài Tường Phong nói thẳng, nếu được trao giải là ông nhận. Không trao thì thôi, chứ ông không bỏ giải, cũng không thắc mắc.
Chiều 9-3, ông Phan Huy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ, cho PV Tiền Phong biết, chưa trao giải vì có nhiều ý kiến trái chiều, chứ hiện nay vẫn chưa quyết định là không trao giải nhất cho bài Trăng nghẹn. Cuộc thi thơ ĐBSCL năm 2009 do Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ đăng cai, từ ngày 1- 2 đến 31- 10- 2009, nhận được 915 bài của 255 tác giả. Kết quả chấm của ban giám khảo, bài Trăng nghẹn của Hoài Tường Phong ở Cần Thơ giải nhất; bài Sương hồ của Lê Thanh My ở An Giang và Đôi bờ của Ngô Thị Thu Vân ở Bến Tre giải nhì. Có 3 giải ba, 5 giải khuyến khích. |
Sửa bốn câu thì ông không chịu nhưng sửa một chữ, ông hơi do dự. Đó là chữ “chưa” thành chữ “sẽ” hoặc “chờ”. Lý do sửa là cho êm đẹp. “Tôi không biết êm đẹp cái gì, thấy tùm lum cả. Tôi không đồng ý sửa nữa”, ông Hoài Tường Phong nói.
Ông cho biết, mấy hôm nay, có nhiều người điện thoại, đều ủng hộ quyết định của ông. Ông lại cười hiền lành: “Bài thơ được một vài người nhận xét là có cảm xúc chân thành, chứ không phải xuất sắc gì”. “Nhưng cảm xúc chân thành mà việc trao giải lại chần chừ, ông có buồn không?”, tôi hỏi. Ông trả lời, không buồn, vì thơ là làm cho mình, ai chia sẻ hay không là quyền của người ta.
Vui chuyện, ông kể, hồi mới tập tọng làm thơ. Một lần gửi hai bài thơ cho một tờ báo, bài ưng ý để tên thật, bài không ưng ý để bút danh khác. Cả hai bài được sử dụng, kèm bài bình ngắn, chê bài ông ưng ý là “chẳng khác một đoạn văn xuôi”, khen bài ông chưa ưng ý là cảm xúc thật về “nỗi buồn của người ở quê lên thành phố cảm thấy nhiều thua thiệt”.
Lần khác, trước giải phóng, ông làm bài thơ Tình quê, kể tình cảm của chàng trai ở quê lên thành phố, mỗi lần về quê là “ngậm ngùi thương nhớ quê hương”. Bài thơ có ba câu cuối: Quê hương tôi/Bốn mùa cây cối xanh tươi/Quanh năm nắng đẹp, ngàn đời nở hoa. Lập tức, có người viết lên báo phê phán: “Khắp trên đất nước này, hỏi còn có nơi nào được sống bình an như một thuở mà Hoài Tường Phong đã vẽ lên như thế”. Những bài thơ và bài báo ấy, ông cắt lại cất giữ làm kỷ niệm cho nỗi nghẹn ngào thương quê hương suốt cuộc đời ông.
Trăng nghẹn Hoài Tường Phong Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa, Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn. Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống, Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân. Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang, Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp. Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác, Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai. Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen, Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ. Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê còn đó, Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê. Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi, Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm. Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá, Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn. Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn, Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ. Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu, Đôi mắt ướt một thời bẻn lẻn ngó bàn chân. Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê, Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu. Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu, Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi. Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi: Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất, Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất, Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa. Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn, Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ. Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ, Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê. |
Sáu Nghệ
No comments:
Post a Comment