Gieo gió gặt bão
Nguyên Hiệp
Tại tinh xá Kỳ Viên có một thợ may y rất gian dối. Vị này thường kiếm những mảnh vải rách và kết chúng lại thành một chiếc y, sau đó đem nhuộm vàng và ủi cho láng mịn rồi đem chiếc y này đánh lừa các Tỳ-kheo để đổi lấy vải mới. Nhưng về sau, có một thợ may y sống ở miền quê đã dùng cách thức mà vị này đánh lừa các Tỳ-kheo để đánh lừa lại vị này. Sự kiện kỳ lạ này đã được các Tỳ-kheo bạch lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nhân đó đã kể câu chuyện dưới đây.
* * *
Thuở xưa, tại một khu rừng nọ, có một hồ nước không lớn lắm nhưng có rất nhiều cá. Bấy giờ vào mùa hè, nước trong hồ thường rút xuống thấp. Nhìn thấy những con cá sống trong hồ này, một con cò nhủ thầm: “Ta phải tìm cách đánh lừa những con cá này để ăn thịt chúng mới được.” Thế rồi nó bay đến đậu bên bờ hồ và giả bộ suy tư.
Khi nhìn thấy con cò ra vẻ suy tư như vậy, những con cá hỏi:
- Thưa bác cò, có việc gì mà bác đứng đây nghĩ ngợi quá vậy?
- Tôi đang nghĩ về các vị đấy. Cò trả lời.
- Thưa bác, bác nghĩ gì về chúng tôi?
- Trong hồ này nước thì cạn, thức ăn khan hiếm, và nhiệt độ rất cao. Khi đậu ở đây, tôi suy nghĩ là đàn cá các bạn nên phải làm gì.
- Thưa bác, vậy chúng tôi phải nên làm gì?
- Được rồi, nếu các vị nghe theo lời khuyên của tôi, tôi sẽ dùng miệng gắp từng vị một và đưa tất cả đến một hồ nước to lớn, xinh đẹp được bao phủ bằng năm loại hoa sen và đặt các vị ở đấy.
Những con cá nói:
- Thưa bác, từ xưa đến nay chưa từng có con cò nào lại nghĩ nhớ đến loài cá. Bác chỉ muốn ăn thịt chúng tôi từng con một mà thôi.
Cò nói:
- Ồ không, tôi nỡ nào ăn thịt các bạn trong khi các bạn lại tin tôi. Nếu các bạn không tin lời tôi rằng có một hồ nước như vậy thì hãy cử một vị trong các bạn cùng đi với tôi đến đó để tự nó nhìn thấy cái hồ ấy.
Tin lời cò, đàn cá liền đưa một con cá lớn bị mù một mắt đi, nghĩ rằng nó có thể địch được con cò dù ở dưới nước hay trên bờ. Chúng nói:
- Con cá này sẽ đi với bác.
Cò mang con cá đi và đặt nó vào hồ nước ấy. Và sau khi chỉ cho nó xem toàn bộ khu vực hồ nước, cò đưa nó trở lại với bầy cá ở hồ nước cũ. Con cá này đã kể lại cho bầy cá nghe sức hấp dẫn của hồ nước mới. Đàn cá nghe kể thế thì mong muốn được đến đó nên nói với cò:
- Tốt quá thưa bác, xin hoan hỉ đưa chúng tôi đến đó.
Trước hết, cò mang con cá một mắt đi, đưa nó đến bờ hồ và cho nó nhìn thấy hồ nước, nhưng sau đó cò đã đậu xuống trên cây varana mọc bên bờ hồ. Rồi ném mạnh con cá vào chạc ba cây, cò mổ nó chết, ăn hết thịt nó và thả xương xuống gốc cây. Xong xuôi, cò bay trở lại và nói:
- Tôi đã mang con cá kia đến đó rồi. Ai là vị kế tiếp đây?
Và như thế từng con một, cò đã mang bầy cá đi và ăn hết cả đàn, cho đến khi nó bay trở lại và không còn tìm ra được một con cá nào nữa. Tuy thế, vẫn còn có một con cua ở trong hồ. Cò muốn ăn cua nên nói:
- Bạn cua, tôi đã mang cả bầy cá đi và thả chúng vào một hồ nước lớn, đẹp, phủ đầy hoa sen. Hãy đến đây, tôi sẽ mang bạn đi.
- Bác sẽ mang tôi đi bằng cách nào? Cua hỏi.
- Cố nhiên là bằng miệng của tôi. Cò nói.
- Ồ, nhưng như thế bác có thể đánh rơi tôi xuống đất. Tôi sẽ không đi với bác đâu. Cua nói.
- Đừng sợ, bằng mọi cách tôi sẽ giữ chặt bạn.
Cua suy nghĩ: “Ta biết nó không hề thả những con cá vào trong hồ nước. Nhưng không sao, nếu nó thực sự thả ta vào hồ nước thì điều đó thật tuyệt. Còn nếu không, ta sẽ kẹp đứt đầu và giết chết nó.” Nghĩ thế, cua nói với cò thế này:
- Thưa bác cò, bác không bao giờ có thể giữ chặt tôi được. Ngược lại, loài cua chúng tôi thì kẹp rất chặt. Nếu tôi được phép dùng càng kẹp vào cổ bác thì tôi có thể giữ chặt và như vậy sẽ cùng đi với bác.
Không nhận ra cua muốn đánh lừa mình, cò đã đồng ý. Thế là cua dùng đôi càng như cặp kìm của bác thợ rèn kẹp chặt vào cổ cò và nói:
- Giờ bác có thể bắt đầu được rồi.
Trước tiên, cò mang cua đi và chỉ cho nó thấy hồ nước, rồi sau đó bay về phía cây varana. Thấy thế cua nói:
- Thưa bác, cái hồ nằm ở hướng này nhưng bác lại mang tôi đi hướng khác.
Cò nói:
- Ta là bác của ngươi và ngươi là cháu của ta! Ngươi nghĩ ta là nô lệ của ngươi, nhấc ngươi lên và mang đi chắc! Ngươi hãy nhìn đống xương ở gốc cây kia kìa. Như ta đã ăn cả bầy cá đó, ta cũng sẽ ăn ngươi như vậy.
Cua nói:
- Bọn cá ấy ngu ngốc nên bị ngươi ăn là phải, nhưng ngươi sẽ không có cơ hội ăn được ta đâu. Ta sẽ giết chết ngươi. Ngươi là kẻ ngu ngốc nên không biết ta đang đánh lừa ngươi. Nếu chết, cả hai cùng chết. Ta sẽ cắt đứt đầu ngươi.
Nói vậy xong, cua siết chặt lấy cổ cò bằng cặp càng như gọng kìm của mình. Thế là với miệng hả to ra, nước mắt giàn giụa, cò run sợ nói rằng:
- Thưa ông, tôi sẽ không ăn thịt ông! Xin tha mạng cho tôi!
- Được, nhưng chỉ khi nào ngươi hạ xuống hồ nước và thả ta trong đó.
Rồi theo sự hướng dẫn, cò mang cua trở lại và hạ xuống hồ, đặt cua trên lớp bùn bên bờ hồ. Nhưng cua trước khi bò vào nước, đã kẹp đứt đầu cò giống như cắt đứt cọng sen bằng một cây dao.
Thần cây trú ở cây mọc gần bờ hồ đó, khi chứng kiến sự kiện kỳ lạ này đã làm cho cả khu rừng ngân vang lời tán dương bằng cách đọc lên bài kệ với âm thanh êm dịu:
Kẻ gian xảo lừa gạt
Sẽ không được lợi ích.
Xem cò kia lừa cua
Cuối cùng chịu ác quả.
* * *
Kết thúc pháp thoại này, đức Thế Tôn nhận diện Tiền thân:
- Vào thuở đó, thợ may y ở Kỳ Viên là con cò, thợ may y ở miền quê là con cua, còn ta chính là Thần cây.
(Lược dịch từ Jataka Baka, số 38)
Lời bàn:
Trộm cắp là một trong những việc làm bất thiện, nó tồn tại và ẩn nấp dưới nhiều hình thức khác nhau. Trộm cắp có thể là chặn đường cướp của, đào tường khoét vách; nhưng trộm cắp cũng có thể là lường gạt, tham ô, hối lộ, biển thủ tài sản. Nói tóm lại, trộm cắp là lấy những gì mà không được sự đồng ý của người đang sở hữu hay nói đúng hơn đó là lấy những thứ đã có chủ.
Trong xã hội, trộm cắp là một hành vi bị mọi người lên án, bị pháp luật ngăn cấm và có những biện pháp thích hợp để trừng trị đối với những ai vi phạm. Bởi thế khi thực hiện hành vi trộm cắp, người ăn trộm thường tìm đủ mọi cách để làm sao lấy được của cải mà không bị người khác phát hiện, cũng như không bị bắt và không bị trừng phạt. Cũng chính vì vậy mà hành vi trộm cắp thường lén lút và trá hình dưới nhiều hình thức nhằm tránh bị phát hiện và để qua mặt pháp luật. Đối với những người ăn trộm, mỗi khi ăn trộm mà không bị phát giác cũng không bị bắt thì coi như đã thành công, có thể ung dung hưởng thụ những tài sản bất chính không do mồ hôi nước mắt của mình mà có.
Nhưng xét theo luật nhân quả của đạo Phật thì sự việc không như vậy. Một kẻ ăn cắp có thể thoát khỏi lưới pháp luật nhờ những thủ đoạn của mình, nhưng y sẽ không bao giờ thoát khỏi quả báo mà chính y đã gây nhân. Quả báo đó có thể y sẽ gặt hái ở đời này, hoặc có thể gặt ở đời sau và đời sau nữa. Nói tóm lại, y sẽ phải gặt lấy những gì mà mình đã gieo dù những gì y làm chỉ một mình y biết. Đạo lý nhân quả như vậy, về mặt đạo đức là phương pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn người ta thực hiện những việc làm bất thiện.
Quy luật nhân quả đó đã thể hiện rất rõ qua câu chuyện Tiền thân đã kể trên đây. Cò có thể đánh lừa và qua mặt được cả bầy cá, nhưng nó không thể qua mặt được những hành nghiệp do nó tạo ra. Và quả báo mà cò đã nhận lấy là hoàn toàn thích đáng đối với những gì mà nó đã làm. Thật đúng: gieo gió thì gặt bão.
No comments:
Post a Comment