(GD&TĐ) - Dù là giảng viên đã từng nhiều năm công tác ở Bộ môn Tâm lí học cũng như làm tư vấn ở trường phổ thông tôi vẫn thấy các em học sinh, sinh viên hiện nay thiếu hụt điều gì đó rất lớn trong mối quan hệ thầy trò, hàng rào tâm lí dường như ngày càng rộng ra. Phải chăng nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn thuộc về vai trò của người giáo viên? Họ thực sự đã là những nhà tâm lí chưa? Hay chỉ là một “giáo viên” đơn thuần?
Trên giảng đường |
Chúng ta hãy biết lắng nghe học sinh
Một số học sinh (ở một trường Trung học bán công tỉnh Bình Dương ) tâm sự: Trong quá trình giảng dạy ở trường, vẫn còn có thầy cô giữ khoảng cách với học sinh, ít gần gũi, tâm tình với người học. Có giáo viên, trong suốt thời gian đảm nhiệm giảng dạy bộ môn của mình mà không nhớ nổi tên của những học sinh tích cực phát biểu ý kiến. Khi lên lớp giáo viên đó cứ mải miết truyền đạt những kiến thức của bài học, mà không nhận ra rằng nhân tố quan trọng để học sinh nắm được bài là cần có sự quan tâm, trao đổi, đàm thoại giữa người dạy với người học.
Những tiết giảng diễn ra một cách hờ hững như thế làm mất đi tính hấp dẫn, thu hút của nội dung bài học và sự hứng thú trong học tập của học sinh. Không biết lắng nghe học sinh trong quá trình giảng dạy dẫn đến sự dửng dưng, vô cảm – đó là những phẩm chất mà bất cứ giáo viên nào cũng phải khắc phục.
Văn hóa học đường không chỉ đòi hỏi học sinh phải biết ứng xử có văn hóa với thầy cô và với các bạn cùng trang lứa, mà còn yêu cầu giáo viên ứng xử có văn hoa, gương mẫu với học sinh, với đồng nghiệp. Biết lắng nghe những băn khoăn, trăn trở, tâm tình của học sinh là một biểu hiện của ứng xử có văn hóa.
Qua đó, giáo viên gần gũi hiểu được tâm tư, nguyện vọng và khả năng của học sinh để lựa chọn phương pháp phù hợp, giúp người học nắm vững bài học một cách thuận lợi nhất. Khi giáo viên trò chuyện cần phải có thái độ chân thành, cởi mở, sẽ lắng nghe được những lời góp ý khách quan, thành thật từ phía học sinh.
Đó là những thông tin theo các chiều hướng khác nhau, giáo viên dựa vào đó để định hướng, điều khiển, điều chỉnh dư luận tập thể tích cực, tạo bầu không khí tâm lý lành mạnh, là môi trường thuận lợi để giáo dục nhân cách học sinh.
Tôi rất ủng hộ cách ứng xử giữa người dạy và người học là phải bình đẳng với nhau như bạn bè, trên tinh thần tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Song, cũng phải chống lại tư tưởng “cá mè một lứa”, xem nhẹ vai trò, vị thế của người thầy giáo ở một số học sinh.
Tháng 03/2009 Hội thảo tâm lý quốc gia được tổ chức cũng hướng tới chủ đề “Văn hóa học đường” để cùng trao đổi và làm rõ hơn các biểu hiện và biện pháp để xây dựng môi trường học đường ngày càng có văn hóa hơn, cũng có nghĩa là đưa vị thế của giáo viên, học sinh xứng đáng là chủ thể của họat động dạy học và giáo dục.
Là cương vị của người thầy, chúng ta hãy mở rộng “vòng tay tình bạn” nối liền đến trái tim học trò. Hãy coi học trò là những người bạn để sẻ chia, để đồng cảm để từ đó mới có thể phác hoạ được chân dung đời sống tâm hồn của học sinh. Dạy học phải truyền cả niềm tin chứ không phải là một khối lượng kiến thức đơn thuần.
Chúng ta hãy thực sự là một đạo diễn vừa là diễn viên trên sân khấu nhưng đồng thời cũng thể hiện là người anh, người chị, người bạn chân thành của các em, hãy vừa là nhà giáo nhưng cũng cần trở thành một nhà tư vấn tâm lí.
Nguyễn Văn Công
Giảng viên tâm lí học -Trường sĩ quan Lục quân 2
No comments:
Post a Comment