Thursday, March 11, 2010

Tạm ổn mặc dù có một số mâu thuẫn của câu trước và câu sau

Một hiệu trưởng 'không ngoan' trong một xã hội thích 'người ngoan'

Cập nhật lúc 08:34, Thứ Tư, 10/03/2010 (GMT+7)
,

- "Tôi vẫn nhớ hình ảnh cô bé 11 tuổi là mình, ngồi ôm cuốn từ điển dày cộm để đọc như đọc chuyện cổ tích vậy" - TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen xúc động hồi tưởng về những năm tháng học trò đầy thiêng liêng. Những gì tạo nên con người bà của ngày hôm nay đã được xây từ những viên gạch đầu tiên đó...

TIN LIÊN QUAN

“Tôi đã từng mặc cảm về sự vụng về…”

’’’’’"Tôi’’’’
"Tôi đã hiểu rằng học thức dẫn người ta tới chân lý, tới lẽ phải".
PV: Bà đã lớn lên và trưởng thành trong một môi trường giáo dục gia đình như thế nào?

TS Bùi Trân Phượng: Tôi nghĩ cách giáo dục của ba mẹ tôi là mở theo cái nghĩa là không áp đặt cái này là đúng, cái kia là sai.

Nhưng ba mẹ tôi không cho phép các con tiếp xúc với xã hội nhiều, không cho con nhiều tiền, không mua quà vặt, không chơi với hàng xóm, và chỉ có ở trong nhà để học. Cái đó cũng không phải là lý tưởng lắm, nhưng trong nhà tôi có một tủ sách rất to của ba (ba tôi là nhà giáo dạy Văn ở phổ thông, sau đó ở đại học, đồng thời là nhà nghiên cứu về ngữ pháp và Văn học sử). Ba tôi thì bắt ngủ trưa nhưng mà tôi “trốn” lén lấy sách ra đọc và đọc gần như hết tủ sách của ba.

Cuốn sách đầu tiên bà đọc là gì ạ?

Nhiều lắm, không nhớ hết được. Sách văn học như Tự lực văn đoàn… Rồi có những quyển sách ba tôi dịch từ hồi kháng chiến chống Pháp nói về cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc VN. Tôi chỉ hiểu lờ mờ về nội dung nhưng lại cảm nhận rất sâu về cái khát vọng tự do mãnh liệt của những người nô lệ. Tinh thần tự học, tự tìm hiểu kiến thức đã hun đúc rất sớm trong tôi từ hồi đó.

Học và đọc nhiều quá khiến bà rất yếu trong khoản “nữ công gia chánh”, một tiêu chuẩn được xã hội đề cao hàng đầu ở người phụ nữ thời bấy giờ?

Phải, hồi đó tôi rất kém về khoản “nữ công gia chánh”. Có lúc, tôi cũng mang “mặc cảm” là mình vụng về, đi ăn giỗ, tết không được giỏi như các chị em khác. Nhưng tôi rất biết ơn má tôi vì câu nói: Học nấu nướng dễ lắm con, chừng nào cần thì học, bây giờ còn nhỏ lo học chữ, học cái đó mới khó. Trời cho con học được, thì ráng học, sau nầy trong bà con có ai nghèo thì con giúp được. Khi đi du học rồi sống một mình lâu, thấy má nói đúng: học nấu nướng không có khó!


TS Bùi Trân Phượng (đầu tiên bên trái) trong một buổi giao lưu

Có thể hình dung bà là một đứa trẻ rất ham hiểu biết, tinh thần độc lập cao, “nữ công gia chánh” yếu, chắc hẳn bà có một thời đi học rất đặc biệt?

(Cười) Tôi cũng không còn nhớ rõ nữa. Năm tôi học lớp nhất (tức lớp 5 bây giờ) thì ba tôi có xin chuyển tôi sang học một lớp chuyển tiếp dành cho học sinh người Việt chuẩn bị học trường trung học Pháp. Hồi đó đang có kháng chiến chống Pháp nên tôi rất ghét tiếng Pháp. Giờ học tiếng Việt thì tôi học rất chăm, ngoan và giỏi, nhưng cứ đến giờ học tiếng Pháp là tôi “phá bĩnh”.

Học tiếng Pháp ngày ấy cũng “cổ lỗ sĩ” theo kiểu học từ mới rồi phải đọc thuộc lòng nó. Tôi nhớ có một giờ học có SV sư phạm xuống thực tập nhưng tôi không học mà lại ngồi nói chuyện. Khi thầy tập sinh đó đi rồi, thì thầy dạy chính mới gọi tôi lên bảng và hỏi một từ gì đó rất khó, nhưng tôi không biết vì tôi có học, có nghe gì đâu. Thế là ông thầy bóp mũi tôi kéo về phía ông, rồi ông nói thêm một câu nữa và đuổi tôi về.

Về nhà, tôi lấy từ điển ra tra thì mới hiểu đại loại câu nói đó là “dẫn trâu ra đồng ăn cỏ”. Tôi rất giận ông thầy đó, giận lắm và lại thêm ghét học tiếng Pháp nhưng mà ông vẫn “cưng” tôi vì tôi học rất giỏi.

Hồi đó tôi cũng ghét chế độ Diệm dù không biết độc tài là gì nhưng cứ đàn áp người kháng chiến là tôi ghét. Trường học của tôi là trường kiểu mẫu, có một lần trường tổ chức viết bài luận về tinh thần dân tộc vào dịp ngày quốc khánh Mỹ, ai làm giỏi nhất sẽ được phần thưởng của Tổng thống.

Nhưng hồi đó tôi làm có hai câu, đến câu thứ 3 thì tôi bỏ giấy trắng rồi ra về. Cái tính ngang ngược của tôi khiến ba má rất sợ nếu cứ như vậy thì tôi không được đi thi, không lên lớp. Thế là ông bà xin chuyển tôi sang trường Pháp học, rồi một năm sau, vì học giỏi nên tôi được chuyển vào lớp 6 dành riêng cho những HS học tiếng Pháp từ nhỏ (trong khi đó tôi mới chỉ bắt đầu).

Đó là năm học khổ nhất đời học sinh của tôi, học toàn bằng tiếng Pháp, lại theo chương trình Pháp, do người Pháp dạy nên tôi không hiểu một cái gì. Nhưng mà chính vì thế lại “kích thích” tinh thần phấn đấu, tinh thần tự học của mình.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh cô bé 11 tuổi là mình, ngồi ôm cuốn từ điển dày cộm để đọc như đọc chuyện cổ tích vậy. Mỗi tuần tôi lại mượn sách bằng tiếng Pháp rồi ôm từ điển tự tra từng chữ, rồi bài học chép không được, học không hiểu tôi lại về tra từ điển học lại, cứ kiên trì như vậy, chỉ một năm sau, tôi lại đứng nhất lớp

Vậy thì món quà lớn nhất mà bà nhận được từ những năm tháng đó là gì?

Tôi nghĩ là một tinh thần tự học. Trước mỗi bài giảng, chúng tôi đều phải đọc trước các tác phẩm, sau đó thầy giáo hỏi xem học sinh hiểu gì từ sự tự đọc đó rồi mới giảng giải. Cách dạy đó khuyến khích học sinh phải suy nghĩ, tôi nghĩ là như thế.

“Không có chân lý tuyệt đối và không có chân lý khách quan”

Quay lại những năm tháng tuổi trẻ, bà đã theo học ĐH Paris –Sorbonne Pháp trong nhiều năm. Những kỷ niệm nào vẫn còn đọng lại trong trái tim bà cho tới ngày hôm nay?

Những năm đó quả thật rất sôi động khi tôi được tiếp xúc với một nền văn hóa mới, một môi trường học thuật mới. Nhưng tôi không hề thấy hoang mang mà ngược lại, cứ như là nước gặp được cá. Chúng tôi được tranh luận rất tự do.

Tôi đang sống trong một thế giới trật tự, qua bên này, tôi thấy bầu không khí lúc nào cũng sôi sục sự hỗn loạn, biểu tình, trường ĐH còn có lớp trông trẻ cho những SV lấy nhau khi đang đi học vì họ quan niệm thanh niên 18 tuổi là đủ tuổi trưởng thành để quyết định mọi việc và xã hội rất tôn trọng điều đó.

Những năm tháng đó tôi cũng được học cách giới trẻ phương Tây họ làm chính trị, họ biểu lộ suy nghĩ của họ, sựa lựa chọn của họ về chính trị. Gần như toàn bộ sinh viên, giới trí thức lúc bấy giờ là ủng hộ VN chống Mỹ theo cách ủng hộ một lẽ phải, một lương tâm thời đại. Điều đó khiến tôi rất xúc động vì một dân tộc nhỏ bé, nghèo đói như VN mà có cả một tầng lớp trí thức ủng hộ mình. Tôi đã hiểu rằng học thức dẫn người ta tới chân lí, tới lẽ phải.

Cảm nhận về tinh thần tự chủ ĐH của bà có lẽ càng được củng cố sâu sắc qua những trải nghiệm này?

Có chứ, vì lúc đó tôi đang thực sự sống trong không khí đó mà. Tôi nghĩ đại học là nơi người ta được tự do suy nghĩ. Thực ra, tôi có suy nghĩ này từ khi tôi còn học trường Pháp năm lớp 6, cứ mình nói khác thầy là mình được khen, mình nói điều gì đó độc đáo là mình được điểm cao.

Vì sao bà chọn chuyên ngành sử khi đăng ký học ở ĐH Sorbonne?

Năm 20 tuổi, tôi bắt đầu chọn sử là nghề của cuộc đời tôi cho đến bây giờ tôi vẫn đeo đuổi nghề sử mà không ân hận, vì tôi nghĩ rằng nghiên cứu lịch sử cho tôi hiểu nhiều điều với điều kiện phải nhớ hai điều: thứ nhất là không có chân lý tuyệt đối, thứ hai là không có chân lý khách quan. Sử gia là người gắn với khách quan lịch sử của đất nước mình, của không gian và thời gian, cho nên sử gia chỉ có thể cố gắng vượt qua sự chủ quan của mình một cách tốt nhất có thể. Thành ra sử gia nên biết rằng mình cũng chủ quan trong rất nhiều sự kiện.

Vậy thì thái độ của người học sử luôn phải hoài nghi với tất cả các dữ kiện?

Cho nên những gì tôi nói với các bạn, những gì tôi nghiên cứu ngày hôm nay là những gì tôi biết, nhưng có thể là năm sau, tháng sau bạn gặp lại tôi thì tôi đã có những suy nghĩ mới rồi. Thành ra những gì tôi nói ngày hôm nay chỉ là những gì tôi biết.

Lịch sử không bao giờ giải thích được hiện thực và tương lai, lịch sử là quá khứ. Tất nhiên khi chúng ta hiểu quá khứ thì chúng ta có thể hiểu một phần những gì ngày hôm nay.

Một trong những cách dạy sử mà tôi không thích là coi quá khứ của chúng ta là 1 dân tộc anh hùng nên cho rằng hiện tại và tương lai của chúng ta nhất định sẽ rực rỡ.

Với sự cảm nhận như vậy, tôi cảm nhận bà sẽ gặp rất nhiều hoang mang trong đời sống…

Không phải hoang mang mà cái đó người ta gọi là sự hoài nghi khoa học. Cách tôi đặt lại vấn đề với tôi là cách tôi suy nghĩ. Mình không đi tìm chân lý tuyệt đối thì mình sẽ không hoang mang. Còn sống là còn suy nghĩ, còn tìm tòi, còn chấp nhận sự đổi mới để từ đó phủ định cái mình đã biết. Chính vì thế mà tôi thích lịch sử.

Trong những năm tháng chiến tranh dữ dội, được biết bà có ý định khi trở về VN là tìm đường ra Hà Nội và đi làm cách mạng đúng không ạ? Đó có phải là lý tưởng của bà?

Không, lúc đó tôi chỉ nghĩ là mình phải thực hiện nghĩa vụ công dân trong thời kì đất nước mình bị xâm lược, mà sự xâm lược đó tôi cảm nhận và trải nghiệm nó như một sự xâm lược văn hóa nhiều hơn. Ở giữa Sài Gòn, tôi không thấy bom rơi đạn nổ nhưng tôi biết người Mỹ đang hành xử như chủ nhân trên đất nước mình. Đó là sự xâm lăng.

Vậy mục tiêu và lý tưởng theo suốt cuộc đời bà là gì?

Là một người trung thực và hữu dụng cho cộng đồng. Thí dụ trong gia đình, mình không phải là người ăn bám sống nhờ, thì trong đất nước mình cũng không phải là người ăn hại. Vì đất nước mình nhiều khó khăn, nhiều bất hạnh nên mình phải có nhiều nỗ lực hơn người ta.

Bà có coi nhà giáo là sứ mệnh đi suốt cuộc đời mình?

Đúng, nhưng cái đó nó là sở thích nhiều hơn lý tưởng, tại tôi thấy tôi hợp với nghề đó, tôi làm nghề đó hiệu quả. Chứ người ta có thể làm ích lợi cho người khác bằng nhiều cách lắm.

Khi làm GD, bà nghĩ sẽ mang lại điều gì cho học viên?

Tôi nghĩ mình giúp họ trưởng thành, đặc biệt là trong tư duy và nhân cách, còn tôi chỉ đem lại cho họ hiểu biết trong chuyên môn của tôi thôi.

Tư duy và nhân cách mới là gốc rễ, còn kiến thức chỉ là phần ngọn, phải không ạ?

Không, người ta không thể tư duy rỗng không được. Người làm giáo dục có niềm đam mê tri thức như người làm nghệ thuật đam mê cái đẹp vậy. Người làm giáo dục thấy tri thức mới là phấn chấn, thích thú. Hồi nhỏ tôi học môn gì cũng thích và bây giờ cũng vậy, cứ tìm hiểu những cái mới trong lĩnh vực nào tôi cũng thấy thích.

Mô tả ảnh.
"Sứ mệnh của giáo dục là góp phần đào tạo một thế hệ tri thức mới.


“Tôi phải đi học vì sự lương thiện”

Làm “hòa thượng thích đủ thứ" liệu có lúc nào bà rơi vào tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”. Nghe nói bà đi học cả quản trị kinh doanh?

Mình phải biết cái gì là chính, cái gì là phụ chứ. Chuyên môn của tôi là sử, tôi biết rộng rộng ra một chút là văn hóa, là khoa học xã hội. Tôi biết đủ để tôi hiểu cái hay của nó. Còn quản trị kinh doanh, tôi phải đi học vì sự lương thiện. Đó là sự tích lũy của con người trong quá trình quản trị, dù là quản trị doanh nghiệp hay quản trị gì khác thì cũng là quản trị một tổ chức, làm sao mà nhiều con người khác nhau lại cùng đóng góp tài năng của họ cho một mục tiêu chung

Lần đầu tiên tiếp xúc với bà nhưng tôi có cảm nhận là trong bà luôn có sự thay đổi liên tục và luôn không bằng lòng với những gì mình có về mặt tri thức, từ đó luôn tìm sự thay đổi để thích ứng. Người ta gọi đó là đức tính của những người trẻ nhưng bà đã lớn tuổi rồi…

Đúng, tôi nghĩ đó là đức tính của người trí thức. Người trí thức là người luôn không cho phép cái đầu mình ngừng hoạt động, tri thức đi tới đâu mình phải đi theo tới đó, mình không bằng lòng với tri thức lạc hậu. Bạn coi đó là đức tính của người trẻ.

Nhưng tôi nghĩ rằng tôi có đức tính đó là do tôi có tinh thần cởi mở mà tôi đã học được từ nhà trường Pháp, tất nhiên nó cũng có gì đó thuộc về bản tính con người tôi, nhưng rõ ràng nhà trường Pháp đã tạo điều kiện phát triển con người đó trong tôi.

Nếu giả dụ tôi có cái đó nhưng tôi không ở trong môi trường giáo dục Pháp thì có khi tôi không phát triển đến mức như vậy. Tôi mang ơn nhà trường Pháp ở cái đó. Và tôi có lợi thế là tôi là giáo viên, thường xuyên tiếp xúc với các bạn trẻ, và tôi lập gia đình muộn.

Vậy có khi nào bà nhận mình là trí thức không?

Có chứ. Đối với tôi, người trí thức là người có tư duy độc lập, cư xử hành động theo điều mình nghĩ là đúng và mình biết bảo vệ cái đúng, bảo vệ sự thật. Cái đó tôi gọi là bản lĩnh. Và tôi nghĩ có nhiều người như vậy. Trường đại học phải là nơi đào tạo ra trí thức và điều đó được ghi trên website của trường ĐH Hoa Sen: “Sứ mệnh của trường Hoa Sen là góp phần đào tạo một thế hệ trí thức mới”.

Cho đến bây giờ bà thấy tính cách của mình gây bất lợi gì cho bản thân không?

Có chứ. Mình không ngoan ngoãn mà xã hội này đang thích những người ngoan ngoãn, những người biết phục tùng cấp trên, thì người ta có thể sốc vì thấy mình nói nhiều, người ta có cảm giác là mình không nể mặt người ta. Nhưng tôi thấy mình chưa bao giờ nói điều gì xúc phạm người khác mà tôi chỉ nói quan điểm của tôi, nhưng tôi không chấp nhận người khác xúc phạm tôi và người khác.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

  • Sơn Khê

Năm bao nhiêu tuổi thì bà lập gia đình?
Năm 35 tuổi tôi lập gia đình, 38 tuổi tôi mới có đứa con đầu lòng. Bây giờ cháu 20 tuổi, tôi giáo dục con như một người bạn lớn của chúng chứ không áp đặt nên tôi cũng học được nhiều từ con tôi.

Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm không?
Quan niệm dạy con của tôi là không áp đặt và tôi lắng nghe khi con nói và không tránh né câu trả lời. Tức là đứa trẻ nào cũng hỏi tại sao, như thế nào, và tôi luôn trả lời bằng sự thật, bằng sự hiểu biết có thật.
Tôi học được từ con tôi cách tôn trọng sự khác biệt. Tôi có 2 đứa, đều là con trai nhưng tính rất khác nhau, tôi quan sát và tôi tôn trọng sự khác biệt đó

Bà hoạt động xã hội nhiều, vậy việc cân bằng giữa giáo dục con cái và công việc có phải là 1 bài toán khó đối với bà?
Cũng từ quan điểm coi con mình là 1 nhân cách tự do và độc lập nên khi nào tôi có thể thì tôi săn sóc con tôi hết lòng.

Săn sóc có khác với bao bọc không?
Khác chứ, ví dụ khi con tôi bệnh, tôi có thể bỏ tất cả để vào bệnh viện ngồi với con từ sáng đến chiều, từ ngày này qua ngày khác vì lúc đó con tôi cần cái đó. Còn khi con không cần, kể cả khi con còn nhỏ, khi đã no nê rồi tôi đặt con một chỗ, tôi không bế bồng mà tôi đọc sách. Tôi tôn trọng sự tự do của con và chúng tôn trọng sự tự do của tôi.

No comments: