Monday, October 19, 2009

Những cái tát làm muối mặt Bộ Giáo Dục

Phải giải thể trường kém chất lượng

TP - Sau sự kiện không trường nào trong số 20 trường đại học hàng đầu Việt Nam đạt chất lượng, GS Phạm Minh Hạc, thành viên Hội đồng Thẩm định Chất lượng Giáo dục các trường trên cho rằng, cần phải rà soát, giải thể những trường đại học, cao đẳng kém chất lượng.

Sinh viên Việt Nam kỳ vọng vào những truờng đại học có chất lượng.
Ảnh: Phạm Yên

Trong số 386 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) của Việt Nam, có 20 trường ĐH hàng đầu tham gia đề án đánh giá thẩm định chất lượng của Bộ GD&ĐT, nhưng không có trường ĐH nào đạt chất lượng vì chỉ đạt 80 phần trăm yêu cầu.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thành viên Hội đồng Thẩm định chất lượng giáo dục, cho biết, các tiêu chí đánh giá dựa vào sứ mệnh của trường học, tầm nhìn dài hạn đến năm 20 - 30, điều kiện cơ sở vật chất, sách vở, chương trình, giảng viên, thư viện…

Bên lề Hội nghị “Hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học Việt Nam - Vương quốc Anh”, diễn ra ở Hà Nội ngày 16/10, GS Phạm Minh Hạc nói: “Thông tin đạt được 80 phần trăm cũng đã là cao, thậm chí 50 phần trăm cũng là còn xa mới đạt được.

Theo đánh giá chung, trường top đầu cũng chỉ đạt được 50 phần trăm số tiêu chí. Vấn đề đội ngũ giảng dạy chẳng hạn, chỉ cần 50 phần trăm chỉ tiêu cũng phải ít nhất 5 - 10 năm nữa”.

Điều gì khiến ông nói là 50 phần trăm cũng là còn xa mới đạt được?

Xin đơn cử, ngay trường ĐH Tổng hợp cũ, vào năm 1960, Chính phủ mở với tên là Trường Đào tạo Công nhân Kỹ thuật. 40 năm sau, vẫn khu đất ấy, không xây dựng gì thêm nhiều, mọc sáu trường đại học. Thêm ít đất, thành ĐHQG. 15 năm nay chưa xây xong nhà cho bộ phận quản lý ngồi. Phòng thí nghiệm chưa có gì đáng kể, chưa ai tổng kết. Chưa trường nào đủ sách, chỗ thì in, chỗ thì photocopy.

Nhìn chung, kết quả kiểm định cho thấy, không có một trường ĐH nào ở Việt Nam đạt chuẩn cơ sở vật chất như nhà học, phòng thí nghiệm, giáo trình… Đội ngũ giảng viên thì vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng.

Theo báo cáo đánh giá chung về 20 trường ĐH được chuẩn bị giai đoạn 2005 - 2008, trình độ tiến sĩ chung cả nước dưới 11 phần trăm trong khi ở nước ngoài có những trường 100 đội ngũ là tiến sĩ cả mấy chục năm rồi. Ở họ ngay cả trợ giảng, lau bảng (giờ là đứng bấm nút) cũng là người có trình độ ĐH hay thạc sĩ.

Thi tuyển sinh ĐH 2009. (Ảnh minh họa)

Số các lượng trường ĐH, CĐ vẫn tiếp tục phình ra.

Khi mở trường, người ta dẫn đến xem toàn nhà ăn với nhà bếp, thư viện thì, hầu như không có quyển sách nào. Thế mà cũng được mở trường, cho tuyển sinh đến hàng trăm chỉ tiêu.

Có vị lãnh đạo ở miền Trung đến kể, ở tỉnh ông mở một trường đại học, lúc đầu có một tiến sĩ. Sau năm năm, có thêm hai tiến sĩ nữa là ba người. Người ta kêu rất nhiều về việc này nhưng trường ĐH, CĐ lại được mở tiếp. Năm 2009 vẫn tiếp tục cho mở trường.

Chúng ta đang đứng trước một nguy cơ lớn, đại học của ta không những không phát triển mà còn suy thoái rất nhiều. Không nên để tình trạng trường kém mà cứ tiếp tục bán chữ, thu tiền. Đó là biểu hiện của thương mại hóa giáo dục.

Thương mại hóa giáo dục còn được thể hiện ở chủ trương cổ phần hóa trường đại học công. Phần lớn các trường đứng ở tình trạng không, không và không.

Theo ông, vấn đề này nên được giải quyết như thế nào?

Nên nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương, trong đó có Bộ GD&ĐT, cơ quan được nhà nước giao phó trọng trách. Chính phủ cho phép lập trường, Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Việc nên làm là xem xét, rà soát lại hệ thống các trường ĐH, CĐ và phải giải thể những trường không có chất lượng, đào tạo không hiệu quả. Không để tình trạng trường kém mà cứ tiếp tục bán chữ.

Xin cám ơn ông!

Hồ Thu
Thực hiện

Bà Nguyễn Thị Lê Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo ĐH - Sau ĐH, Bộ GD&ĐT:

Đều đạt yêu cầu

Bà có bình luận gì về thông tin 20 trường ĐH tham gia kiểm định chất lượng nhưng không có trường nào đạt yêu cầu.

Thực chất là 40 trường thực hiện đánh giá bề ngoài và cả 40 trường đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, các trường này đạt yêu cầu theo những mức độ khác nhau trong 53 tiêu chí đánh giá khác nhau. Có những trường đạt được tiêu chí ở mức cao nhất của mình nhưng vẫn còn thấp; có những trường đạt trên 80 phần trăm tiêu chí.

Trong quy định về đánh giá có quy ra tiêu chuẩn chất lượng cấp 1, cấp 2, cấp 3. Cấp 3 là cao nhất thì chưa trường nào đạt được. Cấp 2 là mức khá thì đại đa số các trường đạt được. Số còn lại đạt cấp 1 là cấp thấp và không có trường nào không đạt yêu cầu.

Để đuổi kịp các trường quốc tế, tất cả các trường phải đạt kiểm định mức 3?

Chúng ta đang cố gắng đi những bước đầu tiên một cách bài bản. Ví dụ quy mô đào tạo lớn và chúng ta phải tăng cường đào tạo giáo viên như thế nào để có đủ giáo viên, đảm bảo số lượng đồng thời phải nâng cao cả chất lượng đội ngũ đó.

Chúng ta có đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ, đang tiến hành đào tạo hiệu trưởng, nâng cao chất lượng tiếng Anh... Tất cả đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

H.T

Đại học mọc như nấm

Nếu như từ 1998 - 2003, mỗi năm chỉ có một vài trường đại học (ĐH)được thành lập thì giai đoạn từ 2006 đến nay, các trường dồn dập ra đời. Chỉ riêng trong năm 2007 có thêm 20 trường ĐH được thành lập - chủ yếu là trường ngoài công lập!

Lớp học chen chúc SV của Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng trong một công ty cổ phần trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ)

Những trường ĐH sinh non

Tháng 7/2008, Bộ GD-ĐT có ý kiến bằng văn bản về việc Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) “chưa có kế hoạch phát triển và xây dựng trường theo đề án khả thi khi xây dựng trường”.

Bộ GD-ĐT cũng đánh giá, trường muốn mở nhiều ngành đào tạo, liên kết nhiều cấp đào tạo không có trong đề án, chưa hình thành được bộ máy tổ chức, chưa ký hợp đồng với cán bộ, giảng viên cơ hữu, tùy tiện trong quảng cáo về ngành nghề đào tạo, liên kết đào tạo trong và ngoài nước khi chưa được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành...

Thế nhưng, chỉ đến tháng 9/2008, trường này đã được phép tuyển sinh khóa đầu tiên lên đến 800 chỉ tiêu cho bốn ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng và kế toán.

Sau năm đầu chỉ tuyển được chưa đầy 20 thí sinh cùng hàng loạt yêu cầu về đào tạo chưa thể đáp ứng bị báo chí phản ánh, năm học 2008 - 2009, trường cũng chỉ bị giảm từ 800 xuống còn 400 chỉ tiêu nhưng lại có thêm vài ngành đào tạo mới!

Trường ĐH Nguyễn Trãi chỉ là một ví dụ điển hình. Không ít trường ĐH ngoài công lập khác đã thành lập được vài năm nhưng vẫn loay hoay với việc lo sao tuyển sinh cho được vài lớp.

Ít sinh viên nên đội ngũ giảng viên đã mỏng lại càng “hẻo” hơn vì trường không dám mạnh tay tuyển dụng, dẫn đến tổ chức đào tạo một cách tùy tiện, qua loa mà nạn nhân chính là những sinh viên đã trót nhập học.

Chính Bộ GD-ĐT cũng phải thừa nhận, đến nay, Bộ chưa có quy định về việc hậu kiểm sau khi trường thành lập như kiểm tra, giám sát kế hoạch xây dựng trường, xây dựng đội ngũ. Đồng thời, chưa có cả hình thức chế tài xử lý rõ ràng đối với những chủ đề án không thực hiện đúng cam kết.

Khi xem xét thành lập, Bộ căn cứ trên đề án đề nghị xin thành lập, cũng phải trải qua mấy bước, đối chiếu với các tiêu chí thành lập trường ĐH... Nhưng các tiêu chí đó bị nhiều chuyên gia nghiên cứu giáo dục đánh giá là chưa rõ ràng, cụ thể, yêu cầu của tiêu chí không cao, cộng với việc thiếu khâu hậu kiểm sau khi trường được thành lập, vì vậy nhiều trường được phê duyệt thành lập khi thực chất là những trường “ba không”: không cơ sở vật chất, không giảng viên, không chương trình đào tạo.

Một số trường tuy nhanh chóng được mở ngành, được giao chỉ tiêu đã tuyển sinh nhưng chưa biên soạn, thẩm định, phê duyệt đề cương chi tiết bài giảng, chưa xây dựng chương trình đào tạo mà dạy theo kiểu cuốn chiếu, dạy tới đâu chuẩn bị tới đó, tùy theo giảng viên, không có cả sự kiểm soát của nhà trường, phòng đào tạo.

Trong số những trường ĐH nô nức ra đời gần đây, có không ít trường ĐH được nâng cấp khá gấp gáp: Trường Cao đẳng Công nghệ Thành Đô mới thành lập và tuyển sinh ba năm nay đã được nâng cấp lên ĐH. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng chỉ mất vài năm để đi hết lộ trình từ trường trung cấp lên cao đẳng (CĐ), từ CĐ lên ĐH.

Một chuyên gia có kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH phân tích với chúng tôi: trên thực tế hiện nay, một trường CĐ được thành lập cũng phải mất nhiều năm mới có thể thực hiện đầy đủ những cam kết trong đề án xin thành lập, nói gì đến chuyện đã kịp xây dựng xong đội ngũ, bộ máy, cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo... để “lên đời” thành ĐH ngay.

Khối văn phòng Trường ĐH Phan Thiết hiện mới chỉ có văn phòng chính, phòng dành cho các khoa và phòng ban giám hiệu nằm trong khuôn viên làng cổ Mũi Né - Ảnh: Đ.T.Duy (Tuổi Trẻ)

Ồ ạt nâng cấp và thành lập

Giữa tháng Tám, cùng lúc năm trường ĐH mới được công bố thành lập: Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang ra đời trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Nông lâm Bắc Giang (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai được đồng ý chủ trương thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Kỹ thuật - công nghệ Đồng Nai. Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Giao thông vận tải, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Nguyễn Tất Thành tại TP.HCM...

Phát biểu tại một cuộc hội thảo về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân từng khẳng định: quy trình thành lập mới một trường ĐH phải theo chuẩn, cùng với quy hoạch mạng lưới, bộ sẽ xây dựng quy trình chuẩn này, các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng phải rõ ràng, đồng bộ.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng, phải xác lập nguyên tắc phát triển quy hoạch mạng lưới trên nền chất lượng, thêm một trường ĐH ra đời phải làm tăng chất lượng chứ không được kéo tụt chất lượng của cả hệ thống.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân một lần nữa khẳng định quan điểm: không nên đầu tư rải rác, tỉnh nào cũng có trường ĐH làm suy yếu nguồn lực, các tỉnh nên liên kết lại xây dựng ĐH vùng hoặc cụm ĐH...

Thế nhưng, diễn biến trên thực tế có phần khác với định hướng đó của Bộ GD-ĐT. Chỉ sau một năm, con số 369 trường ĐH, CĐ trong cả nước được công bố ở hội nghị kể trên đã kịp lạc hậu. Theo số liệu được bộ công bố tại hội nghị tổng kết năm học 2008 - 2009 vừa qua, con số này đã lên thành 376 trường.

Ở những địa phương chưa có trường ĐH công lập lại xuất hiện các trường ngoài công lập. Chỉ trong năm 2007, tỉnh Hà Tây (cũ) liên tục có thêm bốn trường ĐH mới trong một thời gian rất ngắn.

Tuy xin thành lập ở Hà Tây (cũ) - một trong những lý do để đề án dễ dàng được chấp thuận hơn - nhưng hai trường Nguyễn Trãi và Đại Nam đóng đô ngay tại nội thành Hà Nội.

Một trường ngoài công lập khác là trường ĐH Hòa Bình, khi đề nghị thành lập thì theo địa chỉ ở Hòa Bình nhưng trụ sở, tuyển sinh, đào tạo... tất cả đều đặt ở giữa nội thành Hà Nội (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân).

Rõ ràng, xin thành lập ở Hòa Bình, Hà Tây (cũ)..., các trường mới dễ dàng được đưa vào quy hoạch và ra đời như vậy. Nhưng đến khi đã ra đời thì trụ sở, hoạt động ở đâu, ra sao... chưa có quy định hay cơ quan quản lý nào kiểm soát.

Tương tự, một số trường ĐH ngoài công lập cũng tìm cách “lách” quy hoạch mạng lưới trường, xin đăng ký thành lập ở tỉnh nhưng thực chất lại tổ chức hoạt động đào tạo, tuyển sinh chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.

Các ĐH dồn dập ra đời

Cách đây một năm, tại hội nghị đánh giá tình hình xây dựng và hoạt động của các trường ĐH, CĐ thành lập trong giai đoạn 1998 - 2008, Bộ GD-ĐT đã công bố những con số gây xôn xao dư luận: trong 10 năm tính đến năm 2008, có hơn 200 trường ĐH, CĐ, trong đó có 78 trường ĐH mới được thành lập, bao gồm cả các trường thành lập mới hoàn toàn và các trường được nâng cấp từ CĐ, chiếm xấp xỉ 50% tổng số trường ĐH trong cả nước tính đến thời điểm đó.

Nhưng trong giai đoạn 10 năm đó, tốc độ thành lập trường ĐH mới gia tăng rất nhanh thời gian gần đây: nếu như từ năm 1998 - 2003 mỗi năm chỉ có một vài trường được thành lập thì giai đoạn từ 2006 đến nay, các trường dồn dập ra đời.

Chỉ riêng trong năm 2007 có thêm 20 trường ĐH được thành lập - chủ yếu là trường ngoài công lập!

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

No comments: