Wednesday, December 1, 2010

XIN ĐỪNG LẠY ĐỨC PHẬT - Nguyễn Quốc Bửu

Cũng nên có bài thế này, lý do rất giản dị là rất nhiều người nương nhờ ở Phật bởi họ nghĩ Phật sẽ giúp họ đạt được tất cả những điều họ cầu xin. Và cũng xin nói thêm, những cầu xin đó đôi lúc vô cùng phi lý! Thêm nữa, nói gay gắt là không nên, chiến thuật mưa dầm thấm lâu là hiệu quả nhất (mô phật, nói vậy làm sao an lạc được). Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cũng mạnh miệng lên một chút! Nói nặng đôi lúc lại hiệu quả.
XIN ĐỪNG LẠY ĐỨC PHẬT Nguyễn Quốc Bửu
(08/18/2010 02:47 AM) (Xem: 2565)
Tác giả : Nguyễn Quốc Bửu
XIN ĐỪNG LẠY ĐỨC PHẬT
Nguyễn Quốc Bửu

Những lời chân thật của Đức Phật

Trước tiên đây chính là những lời của Đức Thích Ca đã dạy các tỳ kheo lúc ngài còn tại thế. Ngài xác nhận ngài chỉ là một bậc đạo sư, với vai trò chánh yếu chỉ là một người hướng dẫn, chỉ ra con đường, và các hành giả phải tự đi và tự chứng nghiệm. Khác với những hệ thống tôn giáo khác có xu hướng cầu xin các thế lực siêu nhiên, ngài bác bỏ hoàn toàn hệ thống thần quyền mà đã từ bao đời trói buộc con người. Tu tập theo con đường của Đức Thích Ca tức là trở về với bản thể chân thực của mình. Đã biết bao thế hệ, con người bị những thứ: hình thức bề ngoài, những tưởng tượng về bản thân, những giả tạo trong đạo đức quấn lấy. Đi trên con đường đạo của Đức Thích Ca, con người gỡ những trói buộc ấy, gạt bỏ cái “ta”, sống đơn giản. Những thứ phù phiếm bề ngoài, tưởng tượng mình là một loại gì đó, bắt mình phải hành xử theo một lối nào đó hoàn toàn chỉ khiến con người xoay quần trong mớ bòng bong đó, luôn tiếp tục như vậy và không hề có sự an lạc. Ngày nào mỗi người còn đi vào các hình thức, các sự bịa đặt bề ngoài càng nhiều thì họ còn khổ đau nhiều với những thứ ấy.

Con đường Đức Phật Thích Ca đã đi qua là con đường gỡ bỏ tất cả những ràng buộc thế gian, gỡ bỏ tất cả các hình thức bề ngoài, gỡ bỏ tất cả các suy tưởng không cần thiết để đi đến an lạc ngay trong đời sống này. Ngài không chủ trương sau khi chết sẽ đi về đâu, và có những cõi nào hay không. Bản chất của khổ chính là “có”, vì “có” nên mới giữ gìn, vì có những điều kiện ham muốn nên mới còn khả năng ham muốn, vì “có” nên mới lo lắng. Hễ có vui thì sẽ có buồn, hễ có sướng thì sẽ có khổ: một người lúc bình thường thì hưởng những thú vui xác thịt (ăn, uống, quan hệ giới tính…) nhưng lúc đau bệnh lại thì việc sở hữu thân xác là một thảm họa. Có nhiều người đau đớn tới lúc chết, vậy mới biết mang thân nên mới khổ vì thân, còn thân chính là còn nơi để những đau khổ xác thịt và tinh thần xảy ra. Lại có những người tự phụ về nhan sắc của mình, để rồi khi nó mất đi họ lại phiền sầu phiền não.

Con người có những bản tính chân thật, vậy mà họ cứ chạy theo những thứ bề ngoài để rồi mang rắc rối, ưu phiền vì nó. Khi đói con người liền nghĩ tới ăn, khi khát liền nghĩ tới uống, khi đau buồn thì cần người an ủi. Đó, chân thật là đó, chứ cần gì phải bịa ra muôn hình muôn vẻ bề ngoài, đâu phải vì tôi là gia đình giàu có nên tôi phải ngồi trong những quán ăn sang trọng thì mới ngon miệng. Mặc dù những cảm xúc của con người là có thực: sự ngon, dở, sung sướng…nhưng những thứ ấy tồn tại không lâu bền và thường hằng biến đổi, chính vì vậy đừng cố bám víu để tìm lại những cảm xúc ấy. Hãy “đói thì ăn, mệt thì ngủ”, ấy mới chính là đạo. Chính vì mọi thứ đều biến đổi nên Đức Phật không bám víu vào những thứ ấy, chính vì vậy cuộc đời ngài luôn thảnh thơi và không mang bất cứ ưu phiền nào. Nhận biết mọi sự trên thế gian là “vô thường” và không bám víu vào nó là bước cơ bản và quan trọng để con người thoát khỏi những khổ đau ràng buộc.

Những ai đi theo con đường của Đức Thích Ca tức là đi theo con đường của chính mình. Đó là con đường gỡ bỏ mọi sự ràng buộc, gỡ bỏ mọi sự bám víu, gỡ bỏ mọi nhân duyên để tránh phiền nào. Một người hiểu đạo là một người điều khiển được cảm xúc mình, làm chủ nó, vì một khi ý nghĩ nổi lên ta liền nhận ra ý nghĩ đó có mang lại lợi ích gì cho bản thân và mọi người hay không. Chính vì việc làm chủ, phân biệt được ý niệm nào lợi lạc hay không lợi lạc mà Phật Tử sẽ chọn lựa và thực hiện. Đức Thích Ca không bắt Phật Tử làm theo những gì ngài nói. Ngài không dạy điều đó, ngài chỉ dạy mỗi người hãy nghe những lời ngài nói, hãy phân tích những hướng dẫn đó có tốt, có lợi lạc cho bản thân mình hay không. Nếu có, hãy thực hiện những điều ấy với một tấm lòng chân thực. Cũng tương tự như vậy, trước khi làm điều gì mỗi người hãy ngừng lại vài phút. Những điều gì mang lại lợi lạc thì làm, còn không thì nhất quyết không làm.

Tu và sự cởi bỏ bản ngã

Tu là gì? Trước hết tu là tu sửa bản thân. Sao gọi là tu sửa? Ta vẫn là ta nhưng bao nhiêu năm nay vì không phân biệt được điều gì mang lại lợi lạc, không nhận biết được mọi sự là vô thường nên ta bị cuốn vào vòng xoáy cuộc đời, làm những việc mà chúng ta không lường hết hậu quả. Bây giờ thì ta đã biết, đã phân biệt được sự nên hay không nên, vì vậy những điều gì trước đây sai khác với điều đó thì ta hãy ngừng lại. Sau khi ngừng không làm những điều sai trái như trước kia, ta phải tiếp tục làm những việc ngược lại. Đó, tu chính là như vậy, trước kia ta đã sát sanh quá nhiều thì bây giờ ta không sát sanh nữa, ngược lại ta còn tích cực phóng sanh. Trước kia ta quá keo kiệt bủn xỉn không giúp đỡ ai thì nay ta phải thường xuyên giúp đỡ mọi người, bố thí người nghèo. Điều quan trọng là ta hãy làm những hành động ấy với một tấm lòng chân thực, chứ không phải vì tôi muốn đánh bóng tên tuổi mà tôi làm từ thiện cho mọi người biết, không phải vì tôi phóng sanh vì muốn lấy lòng một ai đó. Những người làm như vậy không phải tu, họ chỉ đang làm việc đó vì một mục đích cho bản thân mà không nhằm mục đích an lạc.

Nói về việc sát sanh, những loài sinh vật trên quả địa cầu này không có loài nào là không ham sống cả, không có loài vật nào muốn con người ăn nuốt chúng cả. Ai cũng biết bất kỳ một loại động vật nào cũng biết quẫy vùng, gào thét khi bị con người giết hại. Những hình ảnh đó chúng ta thấy hàng ngày trước mắt, thử hỏi nếu chúng ta ở vị trí của chúng thì như thế nào. Có ai muốn mình bị sát hại hay không? Dĩ nhiên là không. Bản thân mình không muốn mình bị sát hại vậy mà chính chúng ta luôn sát hại các loại động vật (thậm chí là con người với nhau) với lý do “vật dưỡng nhân” thì thật không công bằng. Nếu vật là để dưỡng nhân thì con người để dưỡng cái gì? Con người có lý trí, có tình cảm, chúng ta cảm nhận được sự đau đớn của chúng, chúng cũng là sinh vật, chúng cũng có tình mẫu tử. Vậy thì quyền được sống không phải chỉ dành riêng cho con người, nó cũng dành cho tất cả các chủng loại sinh vật. Hãy dừng lại ngay từ bây giờ, hãy biết yêu thương chúng như yêu thương con người.

Trên con đường tu tập, phương cách tốt nhất mà Đức Thích Ca đã chỉ ra là phải dẹp bỏ hoàn toàn bản ngã: hãy xem thân này không phải là thân của ta, tướng này không phải là tướng của ta. Vì thân này không phải thân ta nên ta không khổ đau khi nó già yếu, tàn phai…Chỉ khi người ta dẹp bỏ được bản ngã thì người ta mới ngừng việc xây dựng cho mình những hình thức bề ngoài, những tưởng tượng vô bổ, những kiến tạo không lợi lạc. Tất cả những kiến tạo không lợi lạc, những sự bày vẽ bề ngoài hoàn toàn không mang lại sự an lạc trong thân tâm. Để đạt được sự an lạc, cần thiết phải tĩnh tâm và thiền định.

Đối với Đức Thích Ca, việc lạy ngài cũng chính là lạy bản thân mình. Đức Thích Ca tượng trưng cho sự gỡ bỏ những ràng buộc, sự giải thoát khỏi các phiền não. Ta lạy ngài có khác chi ta đang lạy hạt giống giải thoát trong bản thân mình. Thân này do tứ đại kết hợp thành, thì rốt cục hàng tỷ thân khác trên quả đất này đều chung một nguồn gốc. Việc quỳ lạy là một sự thể hiện sự tôn kính, nhưng khi chúng ta quỳ lạy tượng của ngài chúng ta cũng phải hiểu rằng ta đang quỳ lạy chính những đức hạnh cao cả của ngài mà chúng ta đang noi theo. Có rất nhiều người hiểu sai và thực hiện sai việc này, họ quỳ lại các tượng đất mà trong lúc quỳ lại họ lại cầu xin một điều gì đó. Họ nghĩ Đức Phật là một thế lực siêu nhiên có thể thỏa mãn những ước muốn ấy. Không phải, nếu quan niệm như vậy thì họ đã sai, đức Thích Ca chỉ là đạo sư cho chúng ta trên con đường giải thoát. Hơn nữa không lẽ Đức Thích Ca sẽ cho chúng ta đạt được một ước muốn chỉ vì chúng ta “hối lộ” bằng việc cầu xin, cúng hoa quả. Đức hạnh chỉ đạt được nếu thực hiện những việc thiện với một hồn chân thực, không cầu cạnh.

Nếu muốn bày tỏ sự tôn kính với Đức Thích Ca, xin đừng quỳ lạy họ, hãy thực hiện những điều ngài đã làm, những hạnh ngài đã giữ, những điều ngài đã dạy với một sự suy xét cẩn thận. Đức Phật dạy con người đừng làm vì si mê. Không phải ta làm theo Đức Phật chỉ bởi vì ông ta đã giải thoát được, đã đạt được những thần thông. Hãy làm theo những lời dạy ấy với một sự hiểu biết rõ ràng. Đừng làm những điều gì chỉ bởi bao đời nay người ta đã làm. Đừng làm những điều gì chỉ bởi những điều ấy được cho là đúng, là hiển nhiên. Không phải tất cả những gì mà nhiều người đã làm bao đời này là đúng, điều đó chỉ đúng nếu nó mang lại sự lợi ích cho bản thân và mọi người, cũng như mang lại sự an lạc. Rốt cục cũng không có đúng và sai, đúng và sai chỉ là những từ ngữ để phân biệt của con người. Cái cốt lõi là nhân quả, hễ có nhân thì sẽ có quả, mà nhân nào thì quả nấy. Người Phật Tử phải hiểu được những việc mình làm để có thể xác định được nhân quả, nếu những quả nào mang lại lợi lạc thì hãy làm.

Hai con đường của Phật Đạo

Đạo Phật chia thành hai con đường chính: xuất thế và nhập thế. Đường mà Đức Thích Ca đã đi tức là con đường thứ nhất. Cội nguồn của việc cứ mãi quanh quẩn ở thế giới loài người là do những duyên nghiệp với thế giới loài người còn nhiều. Hễ ai còn ham thích, còn muốn trả thù, còn muốn tạo dựng sự nghiệp, còn muốn kết duyên nam nữ thì thần thức người ấy con tiếp tục đầu thai ở cõi con người. Mà còn ham tức còn khổ, còn ràng buộc, còn phiền não. Các mối quan hệ duyên nghiệp của con người càng ngày càng sinh ra nhiều hơn cho tới khi nào người ta ngừng lại, cắt đứt việc gieo duyên – gây nghiệp và thực hiện những điều ngược lại. Vì sự luân hồi của các thần thức nên chỉ có một con đường thoát khỏi nó: ngừng gây ra các duyên nghiệp mới và trả hết những duyên nghiệp cũ. Điều đó cũng tương tự với những cõi khác, chính vì thế mà Đức Thích Ca không hề bị cám dỗ bởi quyền lực, bởi dục tình, bởi sự đẹp đẽ của các các cõi thiên. Thậm chí với những thần thông, ngài cũng chỉ dùng nó như là các phương tiện để tu tập và truyền đạo.

Đức Thích Ca đã đi đúng con đường xuất thế, cắt bỏ tất cả ràng buộc. Ngài lúc ấy cũng giống như một con thuyền đã cắt bỏ dây neo, tự do trôi trên biển cả mênh mông.

Con đường thứ hai chính là con đường nhập thế của đạo Phật, con đường mà ngài đã dạy cho hàng Phật tử tại gia. Dù là nhập thế hay xuất thế thì mục đich của Phật Pháp vẫn là giải trừ các đau khổ và phiền não. Thời Đức Thế Tôn còn sống, ngoài các tỳ kheo trong tăng đoàn, ngài còn hướng dẫn cho những người vì những điều kiện nhất định không thể theo tăng đoàn những phương pháp tu tập riêng. Tu đâu phải là vô chùa, tu đâu nhất thiết phải lánh đời, tu là tự bản thân mình. Hễ người nào làm chủ được hành vi, cảm xúc là người đó có thể tự tại thong dong ngay giữa cuộc đời này. Một chủ xưởng – người đảm bảo nuôi sống hàng trăm người thì không thể nhất thời mà bỏ tất cả để theo tăng đoàn khi chưa có người nào có khả năng tiếp tục việc mình đang làm. Trong trường hợp này Phật Pháp trở thành một phương tiện để an lạc, giúp Phật Tử cân bằng giữa đời sống xã hội và đời sống tu tập.

Chính vì vậy người Phật tử và không phải Phật Tử cần phải hiểu rõ con đường mà Đức Thích Ca đã đi, đã dạy để tránh sa vào thần quyền, những rườm rà bày vẽ bề ngoài. Xin hãy đừng lạy, đừng tán dương ngài ngoài miệng, xin hãy thực hiện những gì mà Đức Thích Ca đã làm. Đó mới chính là tu tập vậy.

Nguồn: Chungta.com

Trao đổi/Nhận xét

Tôi hiểu ý của bạn
Phan Anh Vũ - Email: fpkd@yahoo.com (11/07/2010 05:25:55 AM)

Tôi hiểu là ở đây bạn có ý tốt muốn mọi người nghĩ đúng hơn về đạo Phật nhưng có lẽ vì bạn trình bày chưa đủ ý nên có thể mọi người sẽ hiểu lầm là kiêu mạn và không tôn kính Đức Phật. Tôi còn nhớ Đức Phật đã từng dạy là tu tập thì phải đi trên con đường trung đạo, đây là một lời dạy căn bản, cốt lõi của Đức Phật và tôi nghĩ trong trường hợp này chúng ta có thể rút ra được bài học. Lạy thì chúng ta cứ lạy vì nếu không lạy thì người khác sẽ cho rằng mình không tôn kính Đức Phật, kiêu mạn hoặc đại loại như vậy. Còn chuyện tâm mình nghĩ gì, điều đó mới thực sự quan trọng. Và tôi cũng xin góp ý là các bạn Phật tử khi bàn luận về vấn đề gì thì cũng tránh những ngôn từ gay gắt, vì ai cũng có thiếu sót không ai hoàn mỹ 100% được và cũng vì chúng ta là đệ tử của Phật chúng ta càng cần phải sử sự theo Tâm Phật, chứ không phải vì việc đó trái ý ta là ta vội vàng lớn tiếng phản đối như vậy thì tâm chúng ta không thanh tịnh, sẽ là một rào cản lớn trên con đường tu tập.

Thật ra vấn đề là ở chỗ...

nguyễn bá hướng - Email: huongoi100@yahoo.com (20/10/2009 10:46:19 AM)

Những gì mà anh Bửu nói là không sai. Nhưng khuyên đừng lạy Phật là không nên. thực ra việc lạy Phật hay không và lạy như thế nào còn tùy thuộc vào tâm của mình. Việc lạy Phật không có gì là xấu nếu như ta hiểu khi ta lạy Phật chính là thời gian để tự cố nhìn lại bản thân mình, tự nhận xét bản thân mình và việc mình đã làm cùng với nó đó là cách để ta tôn kính Phật. Trong kinh Phật không ép mình phải lạy phật mà điều đó là tự bản thân ta muốn lạy Phật. Con người vẫn luôn hy vọng về 1 thế giới cực lạc nào đó như thế giới của đất Phật. Nên khi lạy Phật cũng là lúc người ta tự đưa mình vào 1 phần của thế giới đó và xem đó như niềm an ủi nho nhỏ trong cuộc sống đầy biến động này. Thời gian đó là lúc người ta cảm thấy an toàn và bỏ đi mọi vấn đề của xã hội....

Ngỏ ý

nguyễn Khắc Phước - Email: phuocsen84@yahoo.com (18/10/2009 11:06:28 AM)

Tôi lần đầu tiên đọc được trang web này- thật sự từ đáy lòng tôi cám ơn nhiều người đã bỏ tâm huyết , thời gian trí lực để tạo , trao đổi trên trang web có tầm vóc lớn này- Qua bài viết này tôi nhận thức rắng tác giả cố tóm lược những tinh túy của "triết học - PHẬT GIÁO"- Bởi trang viết ngắn không thể nào chuyên chở hết, giải nghĩa nhiều góc cạnh được, Vậy mong Anh Bửu có những bài chuyên sâu từng đề tài hầu mong những người đọc NHẬN THỨC đúng vê " triết học - PHẬT GIÁO"
Trân trọng.

Kính thầy mới được làm thầy....

alex - Email: iceofthesun@gmail.com (09/10/2009 09:30:30 PM)

Vậy thì vì sao trong kinh Nikaya, luôn miêu tả những hành động như: đảnh lễ Phật, rửa chân cho Phật (một phong tục của Ấn Độ xưa) các vị Alahan, Thánh Tăng khi cần thưa hỏi đạo lý với Phật. Vậy phải chăng tác giả khuyên các vị Thánh tăng các vị Alahan đừng lạy Phật hay sao ? Chính Phật Thích Ca trong quá khứ, đã lễ lạy tôn kính các vị Phật trước. Cũng như vị phật Di Lặc tương lai vào thời Phật Thích Ca cũng là đệ tử của Phật Thích Ca, đã từng lễ lạy Phật Thích Ca. Vậy thì tự ta đang xếp mình vô hàng lớp nào mà nói rằng "Đừng lạy Phật" ???? Lễ Kính Phật là Hạnh hàng đầu của các vị Đại Bồ Tát. Rõ ràng có kính Phật thì mới thành Phật. Phật trở thành vô ngã, tâm ngài phủ trùm cả vũ trụ, để giúp đỡ THÊM cho những người đang trên đường tu chân chính. Khi quỳ lạy ngài, chúng ta nương theo lời dạy, và xin Phật giúp đỡ để ta làm những việc lành. Bước ra chúng ta nỗ lực để làm những việc PHật sự. Nghĩa là ta vừa nương theo vị Thầy, vừa nỗ lực tự thân ta. Tu là cần cả hai điều đó, đừng quá đề cao Phật tại tâm mà rơi vào kiêu mạn. Không có người học trò nào đám nói, trong người ta là thầy cả ! Vài ý hèn mọn xin được góp ý cùng quý vị!

Lạy đúng cách Lạy Như Lai

Tịnh Thân - Email: motcoinguoita_hai50@yahoo.com (14/09/2009 10:40:28 AM)

Khi chúng ta lạy đức Phật không mưu cầu gì mà vừa lạy vừa biết đức Phật là không đến không đi không sanh không diệt mới đúng là lạy đức Phật. Còn lạy mưu cầu này nọ thì không đúng lạy thực của đạo, giải thoát cho mình mới xứng là người con Phật!

No comments: