Tuesday, December 28, 2010

VỀ SƯ THÔNG LẠC: GHPGVN IM LẶNG MỚI LÀ "HIỆN TƯỢNG"

VỀ SƯ THÔNG LẠC:
GHPGVN IM LẶNG MỚI LÀ "HIỆN TƯỢNG"

Minh Quân

Trong suốt 20 năm qua, các bậc Tôn Túc, qúy Hòa Thượng, các nhà Phật học, các vị chức sắc có tiếng nói trọng lượng trong Giáo hội lại im hơi lặng tiếng. Chính sự im lặng của qúy vị mới là “hiện tượng”.

“Sư Thông Lạc”. Chúng tôi gọi như thế vì muốn tránh đại từ nhân xưng “Hòa Thượng” và “Trưởng Lão”. Lý do vì Sư chưa từng nhận mình là “Hoà Thượng”, mặc dù trên sách của Sư thỉnh thoảng vẫn xuất hiện chức danh này, nhưng theo sự tìm hiểu của chúng tôi, đó là việc làm của người biên tập trước khi sách xuất bản.

Về danh xưng “Trưởng Lão”, chính Sư đã tự nhận, nhưng vì Phật tử Việt Nam (trừ số đệ tử của Tu viện Chân Như) không thừa nhận danh xưng này. Chính vì thế, chúng tôi không muốn gọi là “Hòa Thượng” hay “Trưởng Lão” mà đơn giản chỉ gọi là “Sư Thông Lạc” (Hình bên trái: HT Thích Trung Hậu - Trưởng ban Văn hóa GHPGVN. Ban Văn hóa, Ban Tăng sự hay ban nào sẽ phát ngôn về Sư Thông Lạc)

Về bài viết của tác giả Giới Minh với tiêu đề “Trao đổi về “hiện tượng” Hòa thượng Thích Thông Lạc”, với từ “hiện tượng” trong ngoặc kép. Chúng tôi nghĩ rằng: dù trong hay ngoài ngoặc kép, vấn đề Sư Thông Lạc đối với Phật giáo đến nay không còn là hiện tượng nữa.

Vì từ ngày Sư công bố chứng Tứ Thiền, đắc quả A-la-hán đến nay đã trên 20 năm, trong khoảng thời gian này, đúng như tác giả Giới Minh nhận định: Sư “có nhiều nhận định mang tính đảo lộn, phủ định kinh sách, phủ định những pháp môn đã có từ hàng ngàn năm nay”.

Thế nhưng trong suốt 20 năm qua, các bậc Tôn Túc, qúy Hòa Thượng, các nhà Phật học, các vị chức sắc có tiếng nói trọng lượng trong Giáo hội lại im hơi lặng tiếng.

Chính sự im lặng của qúy vị mới là “hiện tượng”. Tác giả Giới Minh có thể viết bài hiện tượng về sự im lặng đáng sợ của các bậc có thẩm quyền trong Giáo hội trước sự kiện Sư Thông Lạc đối với Phật giáo, lợi ích hơn là viết về “hiện tượng Thích Thông Lạc”.

Sự im lặng của qúy vị đã mặc nhiên thừa nhận Sư Thông Lạc nói đúng!...

Phật giáo VN chưa bao giờ làm ngơ trước sự vu khống, phỉ báng đạo Phật. đó là chưa nói đến các pháp nạn…

Thật vậy, khi Phan Thiết viết cuốn “Hành hương đất Phật” để bôi đen Phật giáo, ngay lập tức, Đại đức Thích Nhật Từ và Cư sĩ Giáo sư Trần Chung Ngọc viết cuốn “Vạch trần âm mưu phá ngầm Phật giáo” để dạy dỗ đích đáng Phan Thiết.

Đại đức Thích Nhật Từ còn phê bình sắc bén một Mục sư Đài Loan khi ông này xuyên tạc giáo lý Phật giáo để làm Thần học.

TT Thích Không Tánh “tưởng niệm” kẻ gây ra pháp nạn 1963 cũng đã bị lên án. Còn nhiều sự kiện tương tự khác không thể kể hết, chỉ nêu thêm một sự kiện mới nhất mà ai cũng biết, đó là sự vu khống Phật giáo VN giết người của ông Chu Tất Tiến…

Rõ ràng Phật giáo VN chẳng bao giờ làm ngơ trước các pháp nạn. Thế thì khi Sư Thông Lạc nói: A-di-đà là ông Phật phá giới, Di-lặc là ông Phật tham ăn, Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ là lừa đảo, Tịnh độ tông và Mật tông mê tín, Thiền tông bịp bợm, Lục tổ Huệ Năng tu không chứng, Thiền sư Vũ Khắc Tường, Vũ Khắc Minh để lại nhục thân là nhờ thiền tưởng Không Vô Biên Xứ Tưởng Định, ngay cả Bồ tát Thích Quảng Đức, để lại qủa tim là nhờ vào tưởng lực của ngài quá mạnh, chứ chưa thể làm chủ sinh tử, kinh điển Đại Thừa phát triển là ngoại đạo, thì tại sao GHPGVN lại im lặng?

Không chỉ Sư Thông Lạc đạp đổ cả một hệ thống Đại thừa mà cảPhật giáo Nam tông Sư cũng không tha với nhận định Nam tông chế lại giới luật để phá giới, thiền Minh Sát Tuệ là thiền tưởng v.v…

Tóm lại, đây có phải là “pháp nạn” đối với Phật giáo hiện nay hay không? Nếu đúng là “pháp nạn”, sao các vị có uy tín, thẩm quyền trong Giáo hội lại im hơi lặng tiếng trong suốt 20 năm nay…

Chỉ một quyển sách mạ lị Phật giáo của Phan Thiết, một hành động vô minh trước pháp nạn của TT Thích Không Tánh, một lời vu không của Chu Tất Tiến. Phật giáo VN đã không thể làm ngơ, đã tạo nên cả một “phong trào bảo vệ chánh pháp”, thế thì tại sao trong suốt 20 năm nay, Sư Thông Lạc đã cho ra đời trên 30 đầu sách, trong đó có những tựa sách lên đến 10 tập như bộ “Đường về xứ Phật”, tổng cộng số sách đã xuất bản và sách điện tử trên mạng có đến hàng trăm cuốn, tất cả đều có nội dung “đạp đổ Phật giáo Đại thừa”, tại sao các vị có thẩm quyền trong Giáo hội im lặng? Một sự im lặng vừa đáng ngờ vừa đáng sợ…

Qủa vậy, tại Hoa Kỳ ngày 16-6-2003, trước những nhận định gây sốc của Sư Thông Lạc, Thư Viện Hoa Sen (thuvienhoasen.org) đã viết thư ngỏ gửi các bậc Tôn Túc, quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni, và quý Cư sĩ với lời kêu gọi thống thiết:

"Chúng tôi rất mong quí vị hoan hỷ góp ý kiến vì đối với một tôn giáo thì vấn đề kinh điển và nhân cách của chư vị Tổ Sư truyền giáo là vấn đề lớn, cần phải được chiếu rọi cho rõ ràng, tránh cho Phật tử bị rơi vào tình trạng hoang mang."

Thế nhưng, để đáp lại, chỉ duy nhất một bài phê bình của tác giả Thích Đức Thắng.

Rất tiếc, bài viết kém thuyết phục, cảm tính, nhiều sơ hở, nhận định ấu trỉ như: "Vì Tiểu thừa thì chỉ biết có tự lợi mà thôi, chứ không biết lợi tha, còn Đại thừa thi vừa tự lợi lại cũng lợi tha". Chẳng lẽ tác giả Thích Đức Thắng không biết nhận định này đã bị Phật giáo thế giới khai tử từ lâu?...

Là Phật tử, chúng tôi cần nghe tiếng nói có thẩm quyền của các bậc Tôn Túc, những nhận định mang tính học thuật của các bậc thức giả.

Nhân đây cũng xin nhắn các bạn trẻ, chúng ta cần tránh những ý kiến chủ quan, cảm tính, trích dẫn kinh sách ngoài ngữ cảnh để phê phán Sư Thông Lạc. Dĩ nhiên cần tránh kiểu chửi đổng, la làng hạ cấp như đã từng đọc thấy trong các forum: môn đồ phản thầy, luyện thiên linh cái, tiểu thừa, tiêu nha bại chủng, điên, ma thuyết v.v…

Đối với Sư Thông Lạc, khi phê phán giáo thuyết và phương tiện hành trì của các tông phái Đại thừa, Sư thường dùng kinh điển Nikaya để chứng minh. Các bạn trẻ cũng nên làm như thế, khi có ý kiến phi bác, nên đọc kỹ sách của Sư, dùng Nikaya cũng cố luận điểm phản biện của mình.

Đừng dùng kinh điển phát triển và Ngữ lục các Tổ, vì những loại kinh sách này đã bị Sư phủ nhận từ lâu. Ngoài ra, khi phản biện, các bạn không nên sa đà vào những chuyện vớ vẩn như bắt lỗi chính tả, sai văn phạm, lập luận thiếu lô-gíc… đơn giản vì Sư là một hành giả chứ không phải nhà lô-gíc học hay một học giả.

Ví dụ Sư nói : “không có linh hồn”. Lý luận của Sư về chủ đề này có thể mâu thuẫn, bất nhất. Nhưng tiền đề “không có linh hồn” đối với Phật giáo là đúng hay sai? Nếu sai, nghĩa là Phật giáo thừa nhận “có linh hồn”, điều này cần chứng minh bằng kinh điển. Nhưng nếu đúng, thì dù lý luận phi lô-gíc cỡ nào, mệnh đề “không có linh hồn” đối với Phật giáo cũng cứ đúng…

Rất mong sự đóng góp tích cực của các bạn trẻ. Biết đâu ý kiến của các bạn sẽ là một gợi ý hay cho các bậc Tôn Túc, các bậc thức giả của Giáo hội, để các vị có tiếng nói chính thức, giúp chúng tôi xả bỏ được cái “nghi kiết sử” tồn tại trong suốt 20 năm qua về cái mà chúng tôi mạo muội gọi là “Hiện Tượng Im Lặng Đáng Sợ” của các bậc Tôn Túc…

Minh Quân (Phật Tử Việt Nam)

No comments: