PHẬT HỌC VẤN ĐÁP
Lão Hòa thượng Tịnh Không
Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép
Ðáp: Có thể được. Nếu bạn có năng lực thì nên giải thích rõ ràng cho họ biết; nếu không có khả năng thì nên để tự nhiên, không nên tranh luận với họ, tại vì họ không hiểu chân tướng sự thật. Ở Tân Gia Ba có rất nhiều Ông Cha Thiên Chúa Giáo, Mục Sư Cơ Ðốc Giáo cũng đọc kinh Phật, cũng muốn hiểu rõ Phật pháp, đây đều là việc tốt. 21-90-10
Hỏi: Lúc bình thường con không thích tiếp xúc với người khác, có người phá rối lúc đang tụng niệm khóa lễ thường nhật, con liền sanh phiền não, xin hỏi nên làm thế nào?
Ðáp: Họ khuấy nhiễu bạn tụng niệm thì bạn phải từ bi một chút tại vì họ không hiểu, bạn phải tha thứ cho họ, không cần phải sanh phiền não. Chúng ta dùng biện pháp thích hợp để tránh là được, làm hết sức để không ảnh hưởng đến công phu tu tập của mình. 21-90-10
Hỏi: Có một số học giả nói nhà Nho thuộc về ‘lạc cảm văn hoá’, nhà Phật thuộc về ‘khổ cảm văn hoá’, xin hỏi nhân duyên bên trong của cách nói này là gì?
Ðáp: Không có nhân duyên gì hết. Những người nói như vậy không hiểu rõ Nho giáo và Phật giáo. Phật dạy người lìa khổ để được vui thì làm sao là ‘khổ cảm văn hóa’ được? Họ không hiểu Phật giáo, không cần phải để ý đến điều họ nói. 21-90-13
Hỏi: Hiện nay con niệm Phật, không thích nói chuyện, rất nhiều câu nói khách sáo tùy duyên cũng không biết nói, mà cũng không muốn nói nhiều, nhưng như vậy kết duyên rất ít đối với chúng sanh, xin hỏi như vậy có phải là không từ bi hay là thiếu trí huệ?
Ðáp: Vấn đề này tùy thuộc vào sự phát tâm của mỗi người. Nếu cảm thấy bây giờ mình nghiệp chướng nặng và thiếu trí huệ, chuyên tâm niệm Phật cầu định cầu huệ đều là chuyện tốt. Tạm thời không kết duyên cùng chúng sanh nhưng luôn luôn hồi hướng công đức tu hành của mình cho chúng sanh thì đã kết duyên với chúng sanh rồi, không nhất định phải nói chuyện mới là kết duyên với chúng sanh. Nói chuyện kết duyên nhiều khi là kết duyên ác, không hẳn là kết duyên thiện; hồi hướng công đức tu hành của mình là pháp duyên thuần thiện. Ðến lúc công phu của mình thành tựu rồi, trí huệ khai mở rồi thì mới quảng độ chúng sanh. Chúng ta chia sự tu hành thành những giai đoạn như vậy, như vậy rất như pháp. 21-90-16
Hỏi: Bàn thờ Phật ở nhà con đặt ở một góc trên sân thượng, tọa bắc triêu nam (cửa chính của nhà quay về hướng nam, mặt sau nhà quay về hướng bắc), nhưng nghe bạn đồng tu nói không thể quay về hướng bắc mà lễ Phật. Xin hỏi như vậy có tội hay không? Con nên làm thế nào?
Ðáp: Nếu phòng trong nhà quay về hướng nam, hướng nào hướng về cổng chính là hướng chính (thượng phương); hai bên là hướng đông và tây, nếu đặt tượng Phật ở hai hướng này (đông và tây) thì không đúng như pháp, tượng Phật nhất định phải cúng ở hướng chính (thượng phương). Hướng chính là hướng nào? Vừa mới bước vào cửa thì liền nhìn thấy, vị trí này là vị trí quý nhất, cao nhất; cho nên không nhất định phải là hướng nào tại vì phương hướng của mỗi căn nhà không giống nhau. Tượng Phật nhất định phải cúng ở vị trí cao nhất, quý nhất. Vị trí này chúng ta xem là ‘tây phương’; hướng nào cũng [có thể] là ‘tây phương’, đừng phân biệt nó với hướng đông, tây, nam, bắc.
Trong kinh Hoa Nghiêm Thiện Tài đồng tử đi về ‘phương nam’ để tìm thiện tri thức, chữ ‘nam’ này không có nghĩa là phương nam của các phương đông, tây, nam, và bắc. Nếu nói phương nam có thiện tri thức thì phương bắc, đông, và tây không có hay sao? Tại sao đều phải đi về phương nam để tìm thiện tri thức? Chữ ‘nam’ tượng trưng cho pháp, tượng trưng cho quang minh. Trong ‘ngũ hành’ hướng nam thuộc về ‘hỏa’, ‘hỏa’ tượng trưng cho quang minh, quang minh tượng trưng cho trí huệ. Thiện tri thức là người có trí huệ, chỗ ở của họ được gọi là ‘phương nam’. Thiện tri thức là người có phước báo, chỗ ở của họ được gọi là ‘Phước Thành’. Cho nên, phương nam và Phước Thành không phải chỉ một phương hướng hay một khu vực. Vì vậy chỉ cần thuần thành cung kính cúng dường và lễ kính chư Phật Bồ Tát thì sẽ tiêu tai miễn nạn, làm sao có nghiệp tội được? Tượng Phật đặt ở phương bắc thì hướng về phương bắc mà lạy Phật, chỉ có công đức chứ không có lỗi gì hết. 21-90-16
Hỏi: Bạn con và chị con đều có ngoại tình, xin hỏi đối với chuyện này con nên làm thế nào?
Ðáp: Trong xã hội ngày nay chuyện này tương đối rất phổ biến, đương nhiên làm bạn hoặc người nhà thì nên khuyên họ. Nhưng bạn phải có trí huệ và phương cách khéo léo mới khuyên được, đừng có đụng chạm tổn thương đến tự ái người ta, nếu lời nói quá trực tiếp thì rất dễ làm hư chuyện. Tốt nhất là dùng kinh Thập Thiện Nghiệp Ðạo và quyển Liễu Phàm Tứ Huấn để khuyên họ. Nếu họ thật có thể xem và chịu học thì họ sẽ biết làm cách nào để sửa đổi. 21-90-16
Hỏi: Chồng con thường đi Karaoke uống rượu tìm vui, con nói nhiều lần nhưng không có hiệu quả, xin hỏi những người này còn thuốc để chữa hay không?
Ðáp: Thuốc đó chính là bản thân của bạn, bạn không cứu thì ai cứu ổng? Bạn học Phật cần phải có trí huệ, phải có khéo léo, phải có tâm nhẫn nại để cứu ổng, ổng tức là đối tượng đầu tiên của bạn khi độ chúng sanh. 21-90-18
Hỏi: Người nhà của con đều không tin Phật, xin hỏi phải hoằng dương Phật pháp cách nào? Và lo cho người già cách nào sau khi họ qua đời?
Ðáp: Việc quan trọng nhất khi giúp đỡ chúng sanh là giới thiệu Phật pháp cho mọi người biết. Người nhà cũng là đối tượng của bạn khi độ chúng sanh, vả lại người nhà có thể là người khó độ nhất. Ðã là người trong một nhà thì đều có duyên với nhau, nếu không có duyên thì tuyệt đối không thành người một nhà được. Cho nên bạn phải khéo léo giúp đỡ họ, quan trọng nhất là sự cải tiến của thân và tâm bạn sau khi học Phật. Nếu người nhà nhận thấy bạn thay đổi thành một người khác hẳn sau khi học Phật, làm cho mọi người đều vui vẻ, mọi người đều khen ngợi thì họ sẽ [bắt chước bạn] học Phật.
Chuyện này phải có trí huệ và khôn khéo. Phật dạy chúng ta 4 nguyên tắc gọi là ‘Tứ nhiếp pháp’; chữ nhiếp nghĩa là nhiếp thọ chúng sanh, đây là 4 cách nhiếp thọ chúng sanh. Sau khi học Phật phải hết lòng giúp đỡ và phục vụ cho người trong nhà, đó là bố thí. Quyết đừng nói đến lỗi lầm của họ, phải khen ngợi tâm thiện và hành động tốt của họ. Họ sẽ cảm thấy sau khi học Phật bạn biết cách hiếu dưỡng cha mẹ, tôn trọng người lớn, hoà thuận với anh chị, thương yêu đàn em thì khi người nhà nhìn thấy lòng từ bi chân thành của bạn, làm sao họ không cảm động cho được? Ðợi đến khi họ hỏi thì bạn đem đạo lý trong Phật pháp giải thích tỉ mỉ cho họ nghe, như vậy thì họ đều được độ.
Muôn ngàn chớ nên sau khi học Phật, thọ tam quy ngũ giới rồi, khi nhìn thấy người nhà làm không đúng thì nói: ‘Không được, anh (chị) phá giới rồi, tương lai sẽ đọa địa ngục’, như vậy thì người nhà đều xem bạn như oan gia kẻ thù. Học Phật phải có trí huệ, đối với người nào nên nói chuyện gì, phải biết khôn khéo, phải biết cân nhắc. Cho nên một người biết học Phật thì thiệt là phước của hết thảy mọi người trong nhà. Bạn phải làm như thế nào để dạy cho người nhà? Ðó là phải làm tròn hết tất cả những lời dạy của đức Phật trong kinh điển thì xong ngay. 21-90-18
Hỏi: Xin hỏi làm thế nào dùng tiền lời trong việc buôn bán một cách hợp lý để khỏi tạo nghiệp?
Ðáp: Người học Phật nên biết bất kể làm ngành nghề nào, nên dùng số tiền lợi nhuận kiếm được để giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn trên thế giới, đời sống của cá nhân mình càng đơn giản càng tốt. Thật tình mà nói đời sống càng đơn giản thì càng khỏe mạnh. Cư sĩ Hứa Triết ở Tân Gia Ba đã 100 tuổi rồi, cả đời chưa sanh bịnh qua, tâm địa thanh tịnh, từ bi, đời sống vô cùng đơn giản, thanh bần. Mỗi ngày ăn một bữa, không ăn dầu, muối, đường, chỉ ăn rau sống; quần áo của bà đều góp nhặt từ thùng rác. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà: ‘Tại sao bà không may quần áo mới?’. Bà nói: ‘Mỗi ngày tôi đều ở chung với những người rất nghèo, nếu tôi mặc quần áo mới thì tôi có lỗi đối với họ’. Ðây là Bồ Tát chứ không phải phàm phu.
Là phàm phu thì không ai không tham hưởng thụ, đối với chuyện ăn uống không ai không đòi hỏi, rốt cục rồi đều mang một thân đầy bịnh tật. Cả đời của cư sĩ Hứa Triết đều khỏe mạnh và tự tại như vậy, rất đáng cho chúng ta suy nghĩ và noi theo. Cho nên học Phật nhất định phải hiểu rõ đạo lý, thông tình đạt lý, sau đó mới có thể như lý như pháp mà tu học, và cũng như lý như pháp mà sanh sống, làm việc, giao thiệp với người một cách thích đáng, phải biết cân nhắc, làm đến vừa mức mà thôi. 21-90-19
Hỏi: Cổ đức thời xưa đều dạy chúng ta đừng nên nhìn lỗi của người khác, nếu trong đời sống hằng ngày nhìn thấy lỗi của bạn đồng tu, xin hỏi có nên nhắc nhở và nói cho người đó biết hay không?
Ðáp: Ðây là đạo nghĩa, phải nên nhắc nhở và giúp đỡ người đó, nhưng phải có trí huệ, khôn khéo. Khi nhắc nhở người đó tốt nhất là không có người thứ ba hiện diện, nếu không thì sẽ làm cho người đó cảm thấy ngượng ngùng và có thể làm tổn thương đến tự ái của họ. 21-90-18
Hỏi: Con biết được một vị tu học đã lâu năm, nhưng người đó cứ phạm giới tạo nghiệp hoài, xin hỏi con có nên tiếp tục che đậy cho người đó không?
Ðáp: Tốt nhất bạn nên quên chuyện này đi thì sẽ được vô lượng công đức, sẽ đạt được tâm thanh tịnh. Nếu cứ để trong tâm hoài, mỗi lần bạn nghĩ về chuyện người đó phạm giới thì cũng là tự mình phạm giới một lần; nghĩ đến một lần người đó tạo nghiệp tức là tự mình tạo nghiệp một lần. Người đó tạo nghiệp trên ‘thân, khẩu’, bạn lại tạo nghiệp trên ‘ý’. Huệ Năng đại sư nói: ‘Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá’ (Nếu là người tu hành chơn chánh thì không thấy lỗi của người trong thế gian). Nếu có thể làm được câu này thì đạo nghiệp trong đời này mới thành tựu; cứ thường đem lỗi lầm của người khác để trong tâm mình thì sẽ làm hại tiền đồ (tương lai) của mình, đời sau nhất định sẽ đọa vào tam ác đạo. Tâm của bạn không thanh tịnh, không có gì phải che đậy hoặc không che đậy, đây là lỗi lầm nặng nhất của mình. 21-90-19
Hỏi: Nghe lão pháp sư nói trường học hiện nay đều là ‘tạp’ học, xin hỏi có nên cho trẻ em nghỉ học ở trường [và học ở nhà]? Ðể có thể có thêm càng nhiều thời gian để học tập Phật pháp?
Ðáp: Như vậy không hợp pháp. Cách suy nghĩ này rất tốt, nhưng không phù hợp với luật lệ giáo dục, vậy là không tuân theo pháp luật của quốc gia. Nếu có người nói ra thì bạn có thể sẽ phải ở tù. Trừ phi bạn có nhân duyên đặc biệt, bạn có thể thương lượng với trường tiểu học này, để cho con bạn ghi danh vào trường học, nhưng khỏi vào trường vô lớp, học ở nhà, 6 năm sau trường học có thể cấp bằng tốt nghiệp cho con bạn; nhưng đi đâu tìm được những sự việc như vậy? Tương đối rất khó. Chỉ có cách là dùng những thời giờ mà con em không ở trường học, mỗi ngày dành ra một giờ dạy cho nó học ‘cổ thư’ (sách vở thời xưa chuyên dạy lễ nghĩa đức dục). 21-90-19
Hỏi: Khi tạo tượng La Hán và tượng Phật Bồ Tát, chỉ tạo ra phần đầu, xin hỏi có như pháp không?
Ðáp: Không đúng như pháp. Tạo tượng Phật Bồ Tát nhất định phải tạo toàn thân, tư thế đứng hoặc ngồi đều không quan trọng; Vẽ tượng Phật Bồ Tát cũng phải vẽ toàn thân, không được vẽ nửa thân; nửa thân là khiếm khuyết không đủ, như vậy là không cung kính, phải chú ý. 21-90-19
Hỏi: Trong niềm vui của ngày tân hôn thì đột nhiên phải chịu đựng sự đau khổ lạnh nhạt của chồng. Xin hỏi nên đối xử thế nào với con người vong tình bạc nghĩa như vậy? Ông ấy tự biết mình sai nhưng quyết không chịu sửa đổi, phải khuyên như thế nào?
Ðáp: Ðây là vấn đề nghiêm trọng của xã hội ngày nay. Từ mức ly dị rất cao trong xã hội hiện nay thì biết được vấn đề của xã hội vô cùng nghiêm trọng, đây là một hiện tượng rất đáng sợ. Gia đình là tổ chức căn bản của xã hội, xã hội giống như thân thể của con người, gia đình giống như một tế bào. Nếu trong thân thể có rất nhiều tế bào hư hoại, thí dụ như ngày nay chứng bịnh ung thư da có thể làm người ta chết đi. Ngày nay xã hội động loạn, nhân tâm không an, nguyên nhân chánh là ở đâu? Là gia đình tan nát. Chế độ hôn nhân ngày nay không giống với thời xưa; ngày xưa thì theo ‘lịnh của cha mẹ, lời giới thiệu của bà mai’. Người đời nay sùng bái tự do luyến ái, phản đối cách làm của người xưa, nếu so sánh với thời xưa thì thời xưa chưa từng nghe đến chữ ly dị, cho nên chế độ hôn nhân của thời xưa tốt hơn của thời nay.
Có người cha người mẹ nào không thương con cái? Không có cha mẹ nào không suy nghĩ đến sự hạnh phúc suốt đời của con cái. Họ hết lòng để lựa chọn đối tượng kết hôn cho con, đó cũng vì lo cho hạnh phúc suốt đời của con cái. Thường thường kinh nghiệm của người lớn nhiều hơn người trẻ tuổi, họ dùng lý trí để lựa chọn, không phải sự phản ứng hấp tấp của cảm tình. Tự do luyến ái là cảm tình xung động, không có lý trí. Ở Mỹ tôi còn nghe đến chuyện buổi sáng kết hôn đến buổi tối thì ly dị rồi, đây là cảm tình xung động, không dùng một chút lý trí nào hết. Cho nên trong thời buổi tự do hôn nhân ngày nay, nam nữ kết hôn phải cẩn thận. Thanh niên, thanh nữ thông minh thì thường kết bạn 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm rồi mới đi đến hôn nhân. Dùng thời gian dài để tiếp xúc và quan sát xem hai người có thích hợp để sống chung với nhau không, đây không phải là chuyện giỡn. Chuyện này không chỉ là làm tròn trách nhiệm đối với gia đình mình, bồi dưỡng một lớp người ưu tú đời sau để tiếp tục huyết mạch gia đình, mà còn làm tròn trách nhiệm lớn lao đối với xã hội, quốc gia, thế giới hòa bình.
Tại sao sau khi kết hôn lại xảy ra những vấn đề bất hạnh như vậy? Tại vì trước khi hôn lễ thì hai bên đều có thể bao dung lẫn nhau, đều làm theo lời dạy của tổ sư là ‘không nhìn lỗi lầm của người khác’, họ không thấy lỗi lầm của đối phương. Hôn lễ xong rồi, một ngày từ sáng đến tối đều nhìn thấy lỗi lầm của đối phương, như vậy thì làm sao sống chung với nhau được? Làm sao mới có thể duy trì được gia đình tốt đẹp? Mọi người trong nhà phải nhìn thấy ưu điểm của người khác, đều có thể bỏ qua khuyết điểm của người ta, như vậy gia đình mới có hạnh phúc. Khi sửa đổi lỗi lầm khuyến thiện thì không có người thứ ba hiện diện, đều phát xuất từ thiện ý và tâm chân thành; tâm chân thành thì có thể cảm hoá người khác, ‘chí thành cảm thông’. Người xưa có nói: ‘Tinh thành sở chí, kim thạch vi khai’ (chí thành đến cùng cực có thể làm cho đá vàng bể ra). Không thể làm người cảm động là vì tâm chân thành của mình không đủ; dùng tâm chân thành nhất quyết có thể cảm động được đối phương. Nói tóm lại phải học nhiều, phải khai mở trí huệ, biết được cách xử sự khéo léo thì có thể hoá giải được vấn đề này. 21-90-20
Hỏi: Con chán ghét thị phi nhân ngã, không muốn làm việc, muốn ở nhà tu, nhưng cha mẹ muốn con làm việc, xin hỏi con nên làm thế nào mới đúng?
Ðáp: Bạn phải nên nghe lời cha mẹ, tiếp tục đi làm, từ trong công việc mà thể hội được giá trị và ý nghĩa của nhân sanh. Học Phật nhưng không xa lìa công việc, đức Phật Thích Ca Mâu Ni một đời đều dành vào công việc giáo dục, ngài cũng không gác bỏ công việc qua một bên. 21-90-23
Hỏi: Ngày nay kỹ thuật sinh vật học rất tiến bộ, tương lai nếu có thể nhân bản (cloning) con người, xin hỏi người được nhân bản ấy có linh tính không?
Ðáp: Có. Tất cả sanh vật và vô sanh vật (khoáng vật, thực vật) đều có ‘tánh’, tánh này chỉ có một tánh. Hòn đá, cái bàn, cái ghế đều có tánh, đó gọi là ‘pháp tánh’, ‘Phật tánh’ và ‘pháp tánh’ là cùng một tánh. Người được nhân bản ấy cũng có Phật tánh, nhưng sau khi nhân bản xong rồi, cái linh tính đó rất dở, không bằng những người thường. Nói một cách khác người này hồ đồ hơn, chấp trước hơn, người này có thể sẽ hoàn toàn nghe lời sai khiến của người tạo ra họ. Người tạo ra họ kêu họ làm gì thì họ làm theo đó, vậy thì vô cùng ngu si, tự mình không thể phân biệt phải trái thiện ác, hoàn toàn làm theo lời sai bảo của người khác. Nếu những người làm ra những ‘người nhân tạo’ này lợi dụng họ để làm công cụ tranh quyền đoạt lợi thì đây là một chuyện rất nguy hiểm. Việc này hoàn toàn phá hoại môi trường sanh hoạt tự nhiên, sẽ gây ra rất nhiều tai họa. 21-90-28
Hỏi: Ðệ tử hiện nay mang thai đã được 5 tháng, sau khi khám nghiệm biết được ‘nhiễm sắc thể’ của thai nhi khác thường. Những em bé như vầy ngoài chứng trí năng kém phát triển còn tệ hơn nữa là có thể bị tinh thần không bình thường. Những người thân cận trong nhà không ai chịu cho đệ tử giữ thai em bé và muốn đệ tử phá thai. Ðệ tử biết việc này tội rất nặng và cũng không muốn kết ác duyên với em bé, xin sư phụ dạy con làm thế nào trong thời gian này, làm thế nào để cho con bớt tạo thêm tội nặng.
Ðáp: Trong xã hội hiện nay hầu như ở đâu cũng có những chuyện tương tợ xảy ra. Từ quan điểm của nhà Phật mà xem xét thì đây là cộng nghiệp của chúng sanh, và cũng là kết quả của ác nghiệp tạo thành từ lũy kiếp tích tụ lại, chúng tôi rất buồn khi thấy những tình trạng này. Nhất định phải biết con cái có duyên nợ vô cùng mật thiết với cha mẹ nên mới gặp nhau, nếu không có duyên nợ thì cầu cách mấy cũng không có con. Ðức Phật nói con cái có 4 loại nhân duyên đối với cha mẹ, đó là báo ân, báo oán, đòi nợ, và trả nợ; nói thật ra con người và tất cả chúng sanh đều có 4 thứ nhân duyên này. Cho nên nếu đứa bé này đến để báo ân, bà phá thai thì là giết nó, ân biến thành thù; nếu nó đến để báo thù thì thù hận này còn trở nên sâu đậm hơn. Khi đòi nợ và trả nợ xong rồi còn thêm nợ mạng, nhân quả thông ba đời, oan oan tương báo không bao giờ dứt hết. Tất cả những chuyện bất hạnh mà chúng ta bị trong đời này là quả báo của nghiệp ác từ đời trước; đời này có thể sống rất an lạc, tự tại, và tất cả sự việc đều xứng tâm vừa ý cũng là quả báo của nghiệp thiện từ đời trước. Thiện nhân nhất định được thiện quả, ác nhân nhất định bị ác báo.
Nói thật ra sự phán đoán của bác sĩ cũng chưa chắc hoàn toàn đúng, nhưng phần đông người ta nghe lời bác sĩ, cho rằng bác sĩ là theo khoa học; tôn giáo là mê tín nên không chịu nghe theo, thế thì không có cách nào khác. Trong trường hợp này, Trung quốc đích thực là có rất nhiều thầy thuốc giỏi; có một số phương diện sự chẩn bịnh và chữa trị của đông y đích thực là vượt trội hơn tây y, bà nên thử đông y coi ra sao.
Nếu bất đắc dĩ phải cứu vãn đứa bé (hồi hướng, làm phước cho em bé mau được thoát thân khổ nạn) thì nên tu phước dùm cho nó. Phương pháp tu phước rất nhiều, phương pháp thù thắng nhất là giáo dục. Việc này không khó, xây một ngôi trường tiểu học ở Trung Quốc đại lục không tốn rất nhiều tiền, chúng tôi hiện nay đã xây hết mười mấy ngôi trường tiểu học ở bên đó. Ðem công đức này hồi hướng cho đứa bé thì nó nhất định sẽ rất hoan hỷ, sau đó lại tụng kinh, niệm Phật và hồi hướng cho em, đây là một cách siêu độ và tu phước rất tốt. Tôi đề nghị phương pháp này, bà nên suy nghĩ kỹ lưỡng. 21-90-31
Hỏi: Nếu nhận lãnh công việc cần phải quản lý nhân công, sau khi làm xong việc rồi thì tự mình sanh phiền não, tâm không thanh tịnh, xin hỏi nên xử lý cách nào?
Ðáp: Làm việc khó, làm người càng khó. Ðặc biệt là người đời nay phiền não tập khí rất nặng, chúng ta có lòng tốt giúp đỡ họ nhiều khi lại dẫn đến sự hiểu lầm. Nếu chúng ta không có trí huệ và phương thức khéo léo thì phần nhiều không thể tránh khỏi những phiền não này, cho nên người xưa nói: ‘Thêm một chuyện không bằng ít đi một chuyện, ít một chuyện không bằng không có chuyện [gì xảy ra hết]’. Bạn nên thương lượng với ông chủ thử xem có thể cho bạn không lo về vấn đề nhân sự và quản lý về chuyện khác được không.
Việc nhân sự là việc khó quản lý nhất, vả lại việc này rất dễ làm mích lòng người khác nên phải cần có nhiều trí huệ, nhà Phật gọi là thiện xảo phương tiện. Quan trọng nhất là tâm ‘công bình’, lo về nhân sự không nên thiên lệch, có tâm thiên lệch thì không tránh khỏi tạo tội. [Thí dụ] nếu có người đối xử tốt với bạn thì bạn dành cơ hội thăng chức cho họ; nếu người đó đối xử không tốt với bạn, rõ ràng là họ có cơ hội thăng chức mà bạn lại cản trở, như vậy sẽ tạo tội và sẽ chịu quả báo.
Trong đời này chúng ta gặp phải nhiều khổ nạn, nguyên nhân là tại sao? Là tại trong đời quá khứ chúng ta đã gây chướng ngại cho họ, hôm nay họ có duyên đến gây chướng ngại cho chúng ta trở lại, nghiệp nhân quả báo tơ hào chẳng sai. Sau khi học Phật rồi, cách nhìn sẽ thay đổi, tâm sẽ bình thản đối với những chuyện này, thật sự có thể thuận chịu nghịch cảnh, như thế cái gút mắc này được tháo ra, nghiệp này được tiêu trừ mất.
Cho nên, có thể sanh trí huệ và sanh tâm hoan hỷ là những lợi ích chân thật mà Phật pháp có thể đem lại cho chúng ta, nếu không được như vậy thì những chuyện khó giải quyết trong đời sống ngày nay quá nhiều, thậm chí có nhiều người nghĩ không thấu rồi đi tự tử. Tự tử vẫn không thể giải quyết vấn đề, quả báo hiện ra thì vẫn phải lãnh chịu, muốn thật sự giải quyết vấn đề phải phá mê khai ngộ. Ðiều quan trọng giữa người với người là lòng chân thành, người học Phật nhất là sau khi học kinh Hoa Nghiêm rồi thì khi xử lý những vấn đề về nhân sự này sẽ rất dễ dàng tiện lợi. 21-90-32
Hỏi: Chương Gia đại sư nói cả đời của sư phụ đều do chư Phật Bồ Tát an bài sắp xếp, xin hỏi phàm phu chúng con cũng do chư Phật Bồ Tát an bài không?
Ðáp: Năm xưa lúc tôi mới học Phật đời sống vô cùng khó khăn. Phật pháp thường nói: ‘Bánh xe Pháp chưa chuyển thì bánh xe ‘Ăn’ đã phải lăn trước rồi’. Không kể là cầu học hay là cầu đạo, đời sống an định là điều kiện tiên quyết, đời sống không an định thì không an tâm học hỏi. Cho nên Chương Gia đại sư khuyên tôi chỉ cần [phát tâm] chơn chánh vì Phật pháp, vì chúng sanh mà không phải vì cá nhân mình thì cả đời sẽ được chư Phật hộ niệm, Long thiên thiện thần hộ trì, bất kể là cảnh thuận hoặc cảnh nghịch đều được Phật Bồ Tát xếp đặt an bài hết. Ðây là buông xả những sự tính toán cho đời sống cá nhân mình, không suy nghĩ cho ‘mình’ nữa, thì Phật Bồ Tát sẽ lo cho mình; nếu chúng ta còn muốn sắp xếp lo nghĩ thì Phật Bồ Tát sẽ không phải bận tâm nữa. Nếu bạn buông xả hết mọi thứ thì các ngài sẽ lo lắng cho bạn. Tôi suy nghĩ rất lâu rốt cục rồi cũng không muốn tự mình lo nghĩ mà để Phật Bồ Tát bận tâm, tự mình bận tâm lo nghĩ thì rất mệt. Như vậy thì phải hoàn toàn tin tưởng Phật Bồ Tát, nếu không tin thì rất khó làm được. Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân’ (Ðem hết thân tâm này hiến dâng phụng sự chư Phật và chúng sanh trong các cõi nước nhiều như vi trần thì mới gọi là báo ân Phật), quyết không lo nghĩ cho mình nữa, sống trong thế gian này cũng là vì Phật pháp, vì chúng sanh mà sống, như vậy thì mới được chư Phật hộ niệm, đời sống của bạn sẽ được Phật Bồ Tát lo lắng sắp xếp cho, tất cả đều tùy duyên, không có chút gì miễn cưỡng.
Nếu người nào muốn để Phật Bồ Tát an bài sắp xếp đời sống của chính mình thì phải phát tâm. Nếu không phát tâm hoặc là phát tâm không kiên quyết, không chơn thành thì cả đời của bạn sẽ do nghiệp lực an bài, như người thế tục nói là vận mệnh an bài. Chơn chánh đem nghiệp lực chuyển biến thành nguyện lực thì sẽ được Phật Bồ Tát chiếu cố, Long thiên thiện thần có trách nhiệm và sứ mạng phải hộ trì, lo lắng cho bạn. 21-90-33
Hỏi: Xin hỏi tại sao con cứ gặp những con mèo bị bịnh và rất đáng thương? Con nhất định phải trị lành bịnh cho chúng nó, không thôi thì tự mình sẽ bức rức khó chịu. Lại sợ chúng nó bị hại cho nên không dám thả chúng nó đi, nhưng vì con nuôi quá nhiều mèo nên má con sanh phiền não. Con cũng đã xin Phật giúp đỡ mà hình như Phật không có giúp gì hết?
Ðáp: Trong Phật pháp có nói đến duyên nợ, nếu không có duyên, đứng ngay trước mặt cũng không gặp, có duyên thì sẽ gặp hoài. Cho nên bạn có duyên với những con mèo này, có lẽ là trong đời quá khứ, không chỉ 1 đời, bạn rất thích mèo.
Nếu gặp những con mèo bị bịnh rất đáng thương này, bạn nên giúp đỡ chúng nó, phải đối đãi chúng nó cũng như những chúng sanh khác. Ðời trước chúng nó cũng là người nhưng vì ngu si nên đọa vào súc sanh đạo, tương lai chúng nó cũng sẽ chuyển đến cõi người. Súc sanh cũng có Phật tánh, từ trên Phật tánh mà nhìn thì tất cả đều bình đẳng hết, cho nên giúp đỡ một con mèo và giúp đỡ một người có công đức bằng nhau. Bạn giúp đỡ chúng nó nhất định sẽ có quả báo tốt.
Trong nhà Phật có một quyển sách tựa là ‘Vật do như thử’ (Ðộng vật cũng giống như vậy), trong đó nói về chuyện những con vật có linh tánh và Phật tánh, bạn có thể kể cho má nghe những câu chuyện cứu giúp chúng sanh này. Bạn nuôi những con mèo này bạn phải dạy chúng nó niệm Phật, phải quy y cho chúng nó, để máy niệm Phật ở những chỗ những con mèo này ở, để cho chúng nó thường nghe. Phật không độ người không có duyên, chúng nó có duyên với bạn, bạn nói chuyện với chúng nó, thì chúng nó sẽ nghe và hiểu được; tôi tin tưởng mèo cũng sẽ rất ngoan và sẽ nghe lời. Bạn nên giúp chúng nó, độ cho chúng nó niệm Phật, và cũng nên thường nói pháp cho chúng nó nghe.
Còn việc xin Phật giúp mà Phật không có giúp là vì tâm thỉnh Phật của bạn không đủ thành khẩn; nếu tâm thành khẩn thì Phật nhất định sẽ giúp. Ðây là phương pháp tôi dạy cho bạn, bạn có thể cho chúng nó thọ tam quy y, khuyên chúng nó cũng không nên làm hại những con vật nhỏ khác, lo cho chúng nó đàng hoàng, như vậy thì rất tốt. 21-90-34
Chú thích: Quyển ‘Vật do như thử’ (Loài vật còn như thế, hàm ý: loài vật còn có tình cảm, hiếu hạnh như thế, huống chi là loài người) là một cuốn truyện cổ của Tàu, ghi chép những mẫu chuyện nói lên tình cảm sâu sắc của loài vật để cảnh tỉnh con người. Chẳng hạn, chuyện vượn mẹ thấy vượn con chết, cũng ngã lăn ra chết vì buồn đứt ruột.
Hỏi: Má con có một người chị bà con xa, có thể nói bà đó là ‘bà bóng’, chuyên môn ‘cúng vái để trị bịnh cho người’. Hồi nhỏ con có tìm bà để trị bịnh, cho bà ấy rất nhiều tiền, nhưng bịnh không hết. Hiện nay tin Phật nên không kiếm bà đó nữa, nhưng bả cứ lại đòi tiền má con hoài, má con thường nghe và nhìn thấy bả, xin hỏi nên cho hay không?
Ðáp: Bạn là Phật tử gặp những trường hợp như vậy thì nên cho. Mấy năm trước tôi tham gia buổi thuyết giảng chuyên đề về Phật học của ‘Hội Phật giáo’ ở Ðài Bắc, người chủ giảng là Ðạo An lão pháp sư. Lão pháp sư vô cùng từ bi nên có rất nhiều người tìm cách gạt tiền của ngài, ngài đều đưa tiền cho họ hết. Người gạt ngài rất đắc ý và nói:
‘Hôm nay lão hòa thượng lại bị gạt và lại phải tốn tiền thêm lần nữa’.
Có một hôm tôi đến thăm ngài, tôi gặp một người quen khi bước vô cửa. Lão hòa thượng nói: ‘Thầy có gặp vị cư sĩ vừa mới ra cửa không?’.
Tôi nói: ‘Gặp rồi, hắn vừa mới đi ra’.
Ngài nói: ‘Hắn hôm nay lại đến đây để gạt tôi’.
Tôi hỏi ngài: ‘Vậy thầy có cho hắn không?’.
Lão hòa thượng nói: ‘Cho rồi’. Người gạt ngài cho rằng ngài ngu không biết là mình bị gạt, thiệt ra thì lão hòa thượng biết rõ ràng. Người ta gạt ngài, ngài cũng đưa tiền cho họ! Ðây thiệt là từ bi, là trí huệ. Ðến một ngày nào đó, hắn biết được rằng lão hòa thượng cái gì cũng biết, một tí gì cũng không hồ đồ, thì hắn sẽ sanh tâm hối hận và sẽ sửa đổi. Có câu nói là: ‘Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân’ (trong nhà Phật không bỏ người nào hết) 21-90-35
Hỏi: Xin hỏi người học Tịnh Nghiệp trong nhà có thể treo câu chú ‘Aum, Mani padme hum’ (Án Ma Ni Bát Di Hồng) không?
Ðáp: Câu ‘Aum, Mani padme hum’ là Quán Thế Âm Bồ Tát Lục Tự Ðại Minh Chú và dạy chúng ta khi khởi tâm động niệm, ngôn ngữ hành động đều phải chân thành, thanh tịnh, bình đẳng. Ðây là ý nghĩa của chú này.
Nếu nói ý nghĩa của từng chữ trong chú này thì:
‘Aum’ là thân, bao gồm pháp thân, báo thân, và ứng hoá thân.
‘Mani’ là hoa sen.
‘padme’ là bảo trì, giữ gìn.
‘hum’ là ý.
Ý nghĩa của chú này rất hay, đó là khi chúng ta khởi tâm động niệm đều phải giữ gìn thân tâm như hoa sen thanh tịnh, mọc từ bùn mà không bị ô nhiễm. Nếu bạn thích thì cúng dường (treo) cũng được; nhưng phải hiểu ý nghĩa của chú, phải thường thường nhắc nhở thân tâm mình phải thanh tịnh, không nhiễm bụi trần. 21-90-37
Hỏi: Một đêm nọ đệ tử chạy bộ ở ven bờ biển, phát hiện rất nhiều người di dân bất hợp pháp, ý nghĩ đầu tiên là lập tức báo cảnh sát, nhưng sau đó nghĩ lại những người này sống trong hoàn cảnh sinh hoạt khó khăn, phải trải qua rất nhiều chông gai mới đến đây để mưu sinh, con không nhẫn tâm. Xin hỏi làm thế nào để so sánh chuyện này và luật pháp quốc gia.
Ðáp: Kinh Phạm Võng dạy chúng ta ‘Không làm kẻ bán nước, không hủy báng quốc chủ (ông vua)’. Kinh Anh Lạc dạy chúng ta ‘Không làm thất thoát (trốn) thuế của quốc gia’. Thật ra trong giới luật có rất nhiều chỗ đức Thế Tôn dạy cho chúng ta phải tuân theo pháp luật. Bạn sanh tâm từ bi thương xót họ và không báo cảnh sát, tuy không báo nhưng [những việc này] cũng thường có đăng trên báo chí Tân Gia Ba, cũng có rất nhiều người bị phát giác và trục xuất, đây là chuyện chúng ta đã nghe qua. Phật pháp cũng không ngoài phạm vi của ‘tình lý’, nhất định phải hiểu sâu vào, thêm vào đó lúc bình thường phải hết lòng tu hành cầu phước cho xã hội và quốc gia. Cầu phước không hẳn chỉ giới hạn trong việc cầu nguyện, mà phải dùng hành động thiết thực để tìm cầu; hành động này không ngoài việc dứt ác tu thiện, phá mê khai ngộ, hy sinh mình phục vụ cho người khác. Phải thường nghe kinh, thường nghiên cứu kinh giáo, sau khi bạn đã hiếu thấu những đạo lý này thì sẽ thấy Phật pháp và thế gian pháp là một, không phải là hai, quyết không có xung đột lẫn nhau, bạn hãy từ từ suy nghĩ. 21-90-38
Hỏi: Trong môi trường làm việc nhiều lúc không muốn cũng nghe đến nhiều tà tri tà kiến, vì thế cũng khó tránh khỏi lưu lại ấn tượng và sanh phiền não, xin hỏi phải nên xử lý thế nào?
Ðáp: Vấn đề này nên học theo cư sĩ Hứa Triết ở Tân Gia Ba thì rất tốt. Bà nói: ‘Lúc tôi nhìn thấy việc không thiện hoặc nghe lời nói không thiện, thì cũng như đi ngoài phố nghe người qua đường nói chuyện, không để ý và quan tâm đến’. Từ đó có thể biết ‘không để ý đến và nhớ trong lòng mình thì sẽ không sanh phiền não’. Làm thế nào mới không lưu lại ấn tượng? Bạn có thấy những người đi qua đi lại ngoài đường phố không? Có thấy, nhưng hoàn toàn không nhớ. Có nghe họ nói chuyện không? Có nghe, nhưng họ nói những gì thì mình hoàn toàn không biết. Như vậy là không có lưu lại ấn tượng, đây là một phương pháp rất hay. 21-90-39
Hỏi: Xin hỏi phải xử lý những quyển kinh sách chép tay như thế nào thì mới như đúng pháp?
Ðáp: Phải xem giá trị của nó, nếu chữ viết rất đẹp, rất ngay ngắn, thì kinh sách này có thể xem như tác phẩm nghệ thuật, để lại trong nhà cũng được, đem cho chùa hay thư viện cũng được. Nếu viết nghuệch ngoạc hoặc là viết bằng viết chì hay viết mực thông thường thì cất đi làm kỷ niệm. 21-90-39
Hỏi: Có những người giả mạo tăng ni đi hoá duyên ở những chỗ công cộng, xin hỏi chúng con phải học theo cao tăng Ðạo An pháp sư tình nguyện chịu gạt mà ‘như như bất động’, hoặc là niệm một câu ‘A Di Ðà Phật’ từ xa để kết duyên với họ?
Ðáp: Hai cách đều tốt. Bạn bố thí cúng dường kết thiện duyên với họ; bạn biết họ là giả mạo thì bạn không bị gạt. Hoặc niệm vài câu ‘A Di Ðà Phật’ kết duyên với họ cũng tốt. 21-90-40
Hỏi: Ðời này con quyết tâm muốn vãng sanh Tây phương, nhưng con không có phát nguyện cho chồng và con cái cùng hộ trì làm cho chánh pháp trường tồn không mất, xin hỏi như vậy đúng không?
Ðáp: Ðây là tâm nguyện của chính bạn, không thể miễn cưỡng người nhà. Không biết người nhà tin hay không tin nên chỉ có thể phát nguyện cho mình mà thôi. Chúng ta chỉ có thể khuyến khích họ nhưng không đặt để hy vọng gì hết, như thế thì giống như chư Phật Bồ Tát giáo hoá chúng sanh. Tại vì hy vọng quá nhiều thì thất vọng sẽ nhiều, không hy vọng thì không có thất vọng. Chuyện này chúng ta phải học. 21-90-40
Hỏi: Xin hỏi chơi cổ phiếu (stock) là thiện nghiệp hay ác nghiệp?
Ðáp: Tôi không hiểu cổ phiếu, nếu có tánh cách cờ bạc thì người học Phật không nên làm. Nếu có tánh cách để dành thì việc này có thể làm. Ðể dành không có lỗi lầm; cờ bạc nhất định là có lỗi, tăng trưởng tâm tham lam. Người học Phật chơn chánh không nên tích lũy tiền, tích lũy tiền là sai lầm. Rất nhiều người khổ nạn trên thế giới này đang thiếu thốn, nếu bạn có dư mà gom góp để giữ lại, không cứu giúp họ thì không nên. Phật dạy chúng ta chịu giúp đỡ người khác mới thật là giàu có.
Giàu sang từ đâu lại? Là từ bố thí tài vật mà có, càng [bố] thí càng giàu. Cổ phiếu đem lại lợi nhuận có hạn, nếu đem đi bố thí thì lợi nhuận càng nhiều hơn. Nhưng kiếm được càng nhiều tiền đều không nên hưởng thụ, [tại vì] vừa hưởng thụ thì sẽ trụy lạc ngay. Phật dạy chúng ta phải ‘xả đắc’, những gì bạn ‘đắc’ được lại đem đi bố thí thì phước báo của bạn vĩnh viễn hưởng không hết. Trên phương diện hưởng thụ vật chất trong đời sống hằng ngày người có trí huệ chỉ cần đạt đến một mức trung bình thì liền biết đủ, họ bố thí những gì dư thừa cho chúng sanh khổ nạn, đây là hành Bồ Tát đạo. Cho nên tốt nhất là đừng nên tích chứa tiền tài mà [ngược lại] nên [phân] tán tiền tài. 21-90-41
Hỏi: Con trai của con có ý muốn chuyển thành người nữ, có người dạy con niệm kinh Ðịa Tạng, có người dạy con niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, có người dạy con niệm chú Tiêu Nghiệp Chướng, lại có người dạy con cúng ‘thuỷ sám’. Con niệm kinh Ðịa Tạng và Chú Ðại Bi hết mấy tháng và tụng kinh sáng tối theo công khoá của Tịnh Tông nhưng con trai của con vẫn không đổi ý. Xin hỏi con nên làm thế nào?
Ðáp: Ðây là chuyện riêng trong gia đình của bạn, người ngoài rất khó hiểu rõ hết sự việc, bạn phải nên tìm hiểu thêm về con bạn. Nếu con bạn muốn giải phẫu bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ, quan sát mọi phương diện, và thương lượng với con, sau đó mới quyết định.
Tụng kinh niệm Phật đích thực sẽ có cảm ứng, nhưng bạn làm quá nhiều, quá tạp, sẽ không có cảm ứng. Tại vì ‘[tâm] thành thì sẽ linh’, chân thành tức là tâm thanh tịnh; tâm càng thanh tịnh thì niệm Phật, niệm kinh, hoặc niệm chú đều linh. Nếu bạn chỉ niệm đại khái [qua loa] thì sẽ không linh, vì lúc niệm kinh lại nghĩ đến niệm chú, lúc niệm chú lại nghĩ đến niệm kinh, xen tạp thì sẽ không linh. Bất cứ loại kinh hoặc chú nào đều có hiệu quả như nhau, không nên làm quá nhiều, quá tạp. Cho nên [muốn] công phu thật đắc lực thì phải không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, như vậy mới có hiệu quả. 21-90-41
Hỏi: Ngày nay giấy [để in] rất nhiều và rất phổ biến, mỗi năm chúng ta làm công khoá cũng dùng rất nhiều giấy, đem giấy này để gói đồ càng nhiều, xin hỏi như vậy sẽ phải chịu quả báo và giảm phước không?
Ðáp: Hiện nay giấy [để in] so với ngày xưa thì không còn quý nữa, huống chi ngày nay sách vở báo chí đều dạy người ta ‘sát, đạo, dâm, vọng’, chánh thức khuyên dạy đạo đức cho người rất ít, cho nên giảm phước thì rất ít. Ngày xưa giấy đều dùng để viết chữ nghĩa truyền bá đạo lý của những người học theo thánh hiền, cho nên họ đối với ‘giấy’ rất tôn trọng, không liệng bậy, không đem đi chùi bàn ghế hay gói đồ. [Ngày xưa] Quý tiếc giấy [có chữ] này tức là tích phước đức.
Chúng ta nhất quyết không được hủy hoại giấy dùng để in kinh Phật hoặc vẽ tượng Phật, nếu không thì sẽ tổn phước. Phần lớn cách xử lý chung cho những tượng Phật hoặc kinh điển bị hư hoại rồi là đem đi đốt. Tốt nhất là đốt riêng trong những lò đốt nhỏ đặt trong các chùa; hoặc là đem đốt ở nơi đồng trống sạch sẽ ở ngoài trời, đốt xong đem tro chôn dưới đất, như vậy là có lòng cung kính. Nhưng phần lớn trong những đô thị, thành phố hiện nay, tuỳ tiện đốt đồ vật là phạm pháp vì vậy tốt nhất nên đem thiêu ở những lò đốt nhỏ trong các chùa. Nếu là những kinh điển thời xưa (sách đóng theo lối xưa, dùng chỉ khâu các tờ giấy xấp đôi, đóng thành sách) thì không thể đốt, những loại kinh sách này cũng phải có mấy chục năm, mấy trăm năm lịch sử. Nếu hư rồi vẫn có thể tu sửa lại được, có thể đem dán chỗ rách, rồi đem đóng lại như cũ. Ðây đều là những vật có liên quan đến lịch sử Phật giáo, chúng ta phải biết quý tiếc, không nên đem đốt. Ngày nay phần đông những sách in thông thường, không phải tác phẩm nghệ thuật, thiêu đốt thì không sao hết. Tượng Phật cũng vậy, nếu là tượng in thông thường, dùng lâu rồi thì có thể đem thiêu; nếu là tượng vẽ thì không được, nhất định phải dán lại, tại vì đó là tác phẩm nghệ thuật Phật giáo. Ngoài ra phải biết đừng dùng giấy có in chữ để gói đồ ăn, tại vì mực có chất độc, nếu đem gói những thứ không phải thức ăn thì được. 21-90-44
Hỏi: Có người nói dùng xâu chuỗi làm bằng ngà voi để niệm Phật, trải qua một thời gian sau những con voi này sẽ lại đòi mạng. Cho nên con không dám dùng và cũng không dám tặng cho người, xin hỏi con phải xử lý xâu chuỗi này như thế nào?
Ðáp: Bạn đem xâu chuỗi này cúng dường cho những vị lão hoà thượng. Chúng ta không có năng lực độ chúng nó (những con voi) thì để cho một vị có tu, có đức chơn chánh độ chúng; như thế thì tốt, như thế là có lòng từ bi.
Người học Phật không những không ăn thịt mà còn không mặc những đồ bằng da, tại vì làm tổn thương tánh mạng của thú vật rồi đem da làm quần áo và giày dép thì cũng giống như ăn thịt của nó. Nhưng trong ‘Bách Trượng Thanh Quy’ có nói những người trên 70 tuổi thân thể suy yếu, nếu không mặc áo bằng da thì không đủ ấm, có thể trình bày cho đại chúng biết: ‘Tôi cần phải mặc một áo choàng bằng da để giữ ấm’. Như thế thì được, đây gọi là khai duyên. 21-90-44
Hỏi: Chúng con thường không rõ sự khác biệt giữa ‘chủ đạo và phụ đạo’ (ra lịnh và giúp đỡ, chỉ dẫn); thường khi khuyên người làm việc thiện, khuyên đến cuối cùng rồi trở thành mệnh lệnh và dần dần đi đến dạy bảo, ra lịnh cho họ. Xin hỏi phải làm thế nào để tránh việc ra lịnh cho người khác?
Ðáp: Chỉ dẫn và giúp đỡ rồi dần dần biến thành điều khiển và khống chế người khác, nguyên nhân là tại chủ quan quá nặng. Còn một nguyên nhân nữa là tập khí phiền não, tức là tâm niệm muốn người khác phải làm theo ý mình. Người học Phật phải buông bỏ tâm niệm và hành động muốn khống chế, điều khiển người khác, như vậy mới hành Bồ Tát đạo được. Nếu lúc nào cũng có ý nguyện này quá mạnh thì sẽ gây chướng ngại nghiêm trọng cho việc tu hành của mình, hơn nữa sẽ không đạt được yếu tố ‘nhân hòa’. Ý niệm và hành động này đều không tốt, phải nên sửa đổi trở lại.
Nhà Nho dạy đức ‘khiêm tốn’, chỉ có khiêm tốn mới có thể phục vụ cho chúng sanh, mới có thể tu bố thí cúng dường. Nếu không biết khiêm tốn thì sẽ cống cao ngã mạn, làm gì cũng muốn chỉ huy người khác, dùng phương thức như ra lịnh để đối xử với người, tự mình không biết, nhưng trong lòng người khác sẽ sanh ra phản cảm rất lớn, như vậy là một chướng ngại to lớn đối với sự tu hành của mình. 21-90-44
Hỏi: Nơi sanh trưởng của con phần đông người ta sinh sống về nghề chài lưới, sát nghiệp rất nặng, xin hỏi làm thế nào kết duyên cho những người ở đó có thể học Phật?
Ðáp: Phải làm cho họ có thể nhận biết được lời dạy của đức Phật, hiểu được đạo lý của Phật pháp, giảng giải Phật pháp cho họ. Nếu không có người thuyết pháp, hãy đem phim Liễu Phàm Tứ Huấn trong CD về xóm chài lưới cho họ xem để họ học Phật; phim này giúp cho những người sơ cơ bắt đầu học Phật rất tốt, hãy từ việc này bắt đầu giúp họ. 21-90-45
Hỏi: Xin hỏi người đã kết hôn và chuẩn bị kết hôn nên chú ý những vấn đề gì khi học Phật?
Ðáp: Người đã lập gia đình hay chuẩn bị kết hôn nên thỉnh giáo những người lớn tuổi, họ sẽ đem những kinh nghiệm và bài học của họ trong quá khứ ra để dạy cho bạn. Khi kết hôn trước hết phải tìm hiểu hoàn cảnh sự việc rõ ràng, không những phải tìm hiểu về cá nhân của hai người, còn phải tìm hiểu về bối cảnh gia đình của hai bên nam nữ. Nếu gia đình trên ba đời đều tích đức thì con cái nhà này nhất định sẽ có phước, tổ tiên tích đức, con cháu đời sau nhất định phải phát đạt. Kế đến vợ chồng phải có mục tiêu phương hướng chung, đừng nên dùng cảm tình để xử sự. Cảm tình rất yếu đuối sẽ không thể đối đầu với thử thách; hiện nay mức ly dị trong xã hội cao như vậy cũng vì không để ý đến những nhân tố này.
Người học Phật tìm bạn để lập gia đình nhất định [cũng nên] tìm người cùng học Phật; thí dụ trong đạo tràng chúng ta tu Tịnh Ðộ, mục tiêu của chúng ta là tu tâm thanh tịnh; nếu hai người đều tu tâm thanh tịnh, cùng tu pháp môn giống nhau, có chung mục tiêu, chí hướng giống nhau thì tốt nhất. Người học Phật phải biết luôn luôn giữ tâm thanh tịnh, giữ thân thể thoải mái; thân tâm thanh tịnh mới có trí huệ, mới có thể giải quyết vấn đề.
Vợ chồng muốn xây dựng tương lai mỹ mãn nhất định phải đồng tâm, đồng đức, phải có chí hướng giống nhau. Sự kết hợp này dựa trên đạo nghĩa chứ không phải trên cảm tình; cảm tình [chỉ] là môi giới, phía sau nhất định phải có đạo nghĩa thì mới tốt; xem thường đạo nghĩa thì chỉ là hoa đàm vừa hiện thoáng nở thoáng tàn, hôn nhân không thể duy trì lâu dài. 21-90-45
Hỏi: Xin hỏi nếu bị người ta hiểu lầm thì có cần phải giải thích rõ ràng hay không? Làm sao biết được trong tình trạng nào mới cần giải thích?
Ðáp: Xem tình hình mới biết, có những sự hiểu lầm cần giải thích, cũng có sự hiểu lầm không cần giải thích. Nguyên tắc để chọn nên giải thích hay không là dựa trên sự lợi ích của đối phương (người hiểu lầm), có khi sự giải thích đối với người đó có ích, có khi không giải thích mới có ích cho người đó. Chỉ cần dựa trên nguyên tắc: ‘Không vì cá nhân của mình, chỉ vì đối phương’ thì sẽ không sai. 21-90-46
Hỏi: Khi học kiến thức thế gian [con] nghĩ rằng đây chỉ lãng phí thời gian, phải nên dùng thời gian để học Phật pháp. Nhưng khi học Phật lại không yên tâm, không buông bỏ được sự học kiến thức thế gian vì nó có thể [giúp mình] kiếm tiền duy trì đời sống. Vì thế kiến thức thế gian học không tốt, học Phật cũng không đi đến đâu, xin hỏi phải nên thế nào mới tốt?
Ðáp: Bạn nên học kiến thức thế gian cho xong để có một ngành nghề thích hợp, có thể giúp mình sinh sống và không cần phải bận tâm về vấn đề tiền bạc. Tuy nhiên đời sống không cần phải giàu có, có thể sống qua ngày là được rồi, như vậy mới có thể dốc toàn tâm toàn lực đi học Phật. Nhà Phật có nói: ‘Bánh xe pháp chưa lăn thì bánh xe ‘ăn’ phải lăn đi trước’ (Pháp luân vị chuyển thực luân tiên). Nếu đời sống thấp nhất của chúng ta cũng không lo được thì đâu còn tâm tư đầu óc gì để học Phật nữa. Cho nên các bạn đồng tu tại gia nhất định phải có đời sống [thu nhập] thấp nhất không bị trở ngại, cả nhà vui vẻ hòa hợp thì học Phật mới có kết quả tốt đẹp.
Ngày xưa đạo nghiệp của những người xuất gia được thành tựu nhiều, ngày nay thành tựu ít, đạo lý đều ở chỗ này. Ngày xưa cư sĩ cúng dường ruộng đất, sơn lâm cho người xuất gia, cho nên tự viện am đường đều có sản nghiệp. Tự viện đem ruộng đất cho nông phu thuê vì vậy có thâu nhập nhất định, họ không cần nhờ tín đồ, không cần làm ‘kinh sám Phật sự’ và không phải giao tế. Vì kinh tế không thành vấn đề nên tâm an, tu hành dễ thành tựu. Ngày nay khó khăn rồi, tự viện không có tài sản và thâu nhập cố định, tiền thâu nhập hoàn toàn nhờ vào kinh sám Phật sự và pháp hội cho nên đạo nghiệp tu hành của người xuất gia rất khó thành tựu. Chúng ta quan sát kỹ lưỡng, tại sao cư sĩ tại gia có thành tựu? Người tại gia có sự nghiệp, mỗi tháng có tiền thâu nhập cố định, vì thế tâm của họ dễ định và dễ thanh tịnh hơn người xuất gia.
Người xuất gia muốn như lý và như pháp tu hành trong hoàn cảnh ngày nay cũng vẫn có thể làm được. Nhưng người xuất gia thiếu lòng tin [và thường lo nghĩ về] vấn đề ‘phải nhờ vào gì để sinh sống?’, ‘có thể tin vào Phật Bồ Tát bằng đất bằng gỗ không?’, tự mình không có tín tâm nên rất khó. Nếu có lòng tin tuyệt đối và vững chắc đối với Phật Bồ Tát, một tí lo lắng cũng không có, cho dù chết đói cũng cam lòng. [Nếu vậy thì] Phật Bồ Tát sẽ lo lắng cho họ, lúc gặp khó khăn thật sự sẽ có người đến giúp đỡ, sẽ gặp được những duyên phận không thể nghĩ đến, đây là sự gia trì của Tam Bảo.
Chúng tôi không nắm chắc nguồn gốc của sự cúng dường về tài chánh vì chúng tôi không biết ai sẽ lại cúng dường, nhưng chúng tôi có một niềm tin: ‘niệm Phật chỉ để cầu vãng sanh Tịnh độ’. Nếu thật không còn nguồn cung cấp tài chánh, tâm của chúng tôi càng vững chắc hơn nữa, thật thà niệm Phật. Một ngày không có ăn thì niệm Phật một ngày; hai ngày không có ăn thì niệm Phật hai ngày, đến ba, bốn ngày thì vãng sanh rồi, chúng ta phải có niềm tin như vậy, đừng tham sống sợ chết. Trong ‘Tịnh độ thánh hiền lục’, vào đời nhà Tống pháp sư Oánh Kha ba ngày không ăn, không ngủ, nhất tâm niệm A Di Ðà Phật, A Di Ðà Phật liền tiếp dẫn ngài vãng sanh. Ðã có chuyện xảy ra như vậy chúng ta còn sợ gì nữa! Kinh A Di Ðà nói: ‘Nếu từ một ngày cho đến bảy ngày’, chúng tôi tin tưởng nên vĩnh viễn giữ tâm chân thành, thanh tịnh, nhất quyết không phan duyên bên ngoài. Nếu có người đem tiền lại cúng dường, số tiền này quá lớn, chúng tôi phải hỏi: ‘Tiền của bạn là từ đâu mà có? Người nhà biết không?’ Tiền tài cúng dường gọi là tịnh tài, nếu người nhà không biết thì sẽ phá hoại sự hòa thuận trong gia đình; nguồn gốc của tiền tài không chính đáng, hoặc là tiền mượn trả góp thì chúng tôi sẽ không nhận cúng dường. 21-90-46
Hỏi: Xin hỏi ‘phong thủy’ (fengshui) trong nhà và phần mộ của tổ tiên có ảnh hưởng đến con cháu hiện tại hay không?
Ðáp: ‘Nếu có thể chuyển cảnh thì giống Như Lai’. Nếu bạn không bị cảnh chuyển (bị hoàn cảnh ảnh hưởng, chi phối) mà có thể chuyển cảnh giới, thì bạn nhất định sẽ không bị phong thủy, phần mộ ảnh hưởng. Thí dụ khi tôi khen thì bạn vui mừng, khi tôi trách mắng thì bạn giận, tâm của bạn bị cảnh giới chuyển, thì bạn sẽ bị ảnh hưởng (bởi phong thủy), bạn sẽ có vận mạng, có phong thủy. Nếu tôi chửi bạn mà bạn không giận, khen bạn mà bạn không vui mừng, tâm của bạn thanh tịnh không bị cảnh giới bên ngoài lay động, vậy thì phong thủy sẽ không ảnh hưởng gì đến bạn hết. 21-90-46
Hỏi: Thương trường gian trá, làm tâm hồn của con bị rối loạn. Con không đành đi đòi tiền nợ người nghèo thiếu, nợ nần con thiếu người giàu thì con phải dốc sức trả, khổ hải vô biên, quay đầu không thấy bờ bến. Tuy là tại gia và xuất gia chỉ cách nhau một bước nhưng lại vô cùng xa xôi, con không thể khống chế. Xin khai thị cho con.
Ðáp: Hoàn cảnh của bạn như vậy tốt nhất nên đọc ‘Liễu phàm tứ huấn’ nhiều lần, [tôi] tin là sẽ đem lại rất nhiều chỉ dẫn cho bạn. Bất cứ làm ngành nghề gì trong thế gian, quay đầu lại phải từ trong tâm mà thay đổi. Lúc trước khi học Phật, lúc khởi tâm động niệm chúng ta đều tự tư ích kỷ; bây giờ học Phật rồi, hiểu rõ đạo lý rồi, không còn vì mình nữa, khi khởi tâm động niệm gì cũng vì xã hội, vì chúng sanh.
Người khác thiếu bạn nếu không đủ khả năng trả thì bạn nên bố thí, tích lũy công đức, như vậy cũng tốt! Còn tiền mình thiếu người khác nhất định phải trả, trong đời này không thể trả thì đời sau cũng phải trả. Nếu chúng ta quan sát kỹ lưỡng cũng có thể thấy sự trả nợ ở đời sau, có người sanh con rất dễ thương nhưng mới nuôi được vài tuổi thì nó chết mất, đây là thiếu nợ ít. Có người nuôi con đến khôn lớn, trao cả gia tài cho nó, nhưng nó lại không mấy quan tâm đến đời sống của cha mẹ, đây là thiếu nợ nhiều. Cho nên nhất định phải tin sâu nhân quả, thiếu nợ nhất định sẽ phải trả nợ.
Sự xuất gia và tại gia không dựa trên hình thức. Ðức Phật nói: ‘Phiền não là gia, sanh tử là gia, tam giới là gia’, bạn ‘xuất’ những thứ ‘gia’ này thì đúng. Có thể xuất gia này thì thân phận xuất gia hay tại gia không quan trọng. Người tại gia nếu có thể thoát khỏi cái nhà tam giới, nhà sanh tử, nhà phiền não thì không còn là người phàm mà là Phật tại gia. Lúc đức Phật Thích Ca còn tại thế có hai vị Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện thân phận Phật xuất gia, trưởng giả Duy Ma thị hiện thân phận Phật tại gia. Chúng ta thấy trong kinh Duy Ma Cật, ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, và các đại đệ tử khác khi gặp cư sĩ Duy Ma phải đảnh lễ ba lạy, nhiễu bên phải ba vòng, hành lễ giống y như lúc gặp Phật. Chúng ta có thể sánh bằng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên không? Quyết không thể nói xuất gia là lớn nhất, đạo lý này nhất định phải hiểu.
Vào năm đầu thời Dân quốc, đại đức Âu Dương Cánh Vô trong giới học Phật nói: ‘Phật pháp là sư đạo’, ‘Phật pháp không phải là tôn giáo, không phải triết học’. Phật giáo là sư đạo, trong sư đạo thì ông thầy lớn nhất, vì vậy nên phải tôn sư trọng đạo. Người xuất gia phải tôn kính thầy [của mình cho dù thầy là người] tại gia, phải đảnh lễ. Chúng ta xem trong 53 lần Thiện Tài đồng tử đi tham vấn các vị thiện tri thức, thiện tri thức là thầy giáo, trong nhóm thầy giáo này người xuất gia chỉ có 5 người, số còn lại toàn là thân phận tại gia, trong đó còn có phái nữ, đồng nữ tại gia. Khi Thiện Tài đồng tử gặp họ có khi nào không đảnh lễ ba lạy, nhiễu bên phải ba vòng hay không? Chúng ta một đời không thể thành Phật là tại phiền não đang thao túng, tập khí kiêu mạn quá nặng, cứ tưởng là mình cao quý hơn mọi người, thế nên gây ra chướng ngại cho đạo nghiệp của mình.
Rất ít người đời nay hiểu được lễ phép quy củ của học trò. Người thời xưa từ nhỏ đã học ‘Ðệ Tử Quy’ để biết đạo lý và quy củ phép tắc của người học trò. Khi làm học trò chúng ta phải biết đạo lý của học trò, như thế mới ‘sư tư đạo hiệp’ (đúng với đạo lý thầy trò), người thầy hết lòng dạy trò, học trò mới có thể học được đến nơi đến chốn. Ðời này chúng ta có thể thành tựu hay không then chốt là ở chỗ này. Nếu bạn có thể đọc và hiểu được ‘Ðệ Tử Quy’, tương lai có duyên thì mới có thể đi tham học với thiện tri thức, mới được sự từ bi dạy bảo của thiện hữu. 21-90-46
Hỏi: Không thể niệm Chú Lăng Nghiêm vì âm gốc của chú đã bị thất truyền. Xin hỏi có thể đeo Chú Lăng Nghiêm trên người không? Khi đi vào nhà vệ sinh hoặc khi tắm rửa cần phải cởi ra không?
Ðáp: Có thể đeo Chú Lăng Nghiêm, trong kinh Phật có nói như vậy. Tuy không thể niệm Chú Lăng Nghiêm, nhưng đeo trên người thì quỷ thần cũng sẽ cung kính. Khi vào nhà vệ sinh hoặc tắm rửa nhất định phải cởi ra, như vậy là để tỏ lòng cung kính đối với kinh chú. 21-90-46
Hỏi: Xin hỏi quan điểm của lão pháp sư đối với khuynh hướng truyền thống trọng nam khinh nữ trong lịch sử Phật giáo?
Ðáp: Bạn có quan điểm, nhưng tôi không có quan điểm gì hết. Người học Phật nên học theo cái nhìn của đức Phật; cái nhìn của đức Phật là bình đẳng, không những nam nữ bình đẳng, người và súc sanh bình đẳng, người và côn trùng, ruồi, kiến [càng] cũng bình đẳng. Chúng ta phải học cái nhìn này, quyết không được kỳ thị, tâm mới có thể bình [an] và [thanh] tịnh trở lại. Tâm không bình là chướng ngại, tức là ‘nghiệp chướng’. Kinh Phật nói với chúng ta lúc đức Thế Tôn còn tại thế, bốn giai cấp [trong xã hội] rất không bình đẳng, đức Thế Tôn đề xướng thế độ xuất gia, [khi xuất gia mọi người trong] bốn giai cấp đều bình đẳng với nhau, điều này chúng ta phải noi theo. Nguyên do của những việc không bình đẳng trong thế gian là vì nghiệp của chúng sanh tạo ra không giống nhau, nghiệp báo tạo thành hiện tượng không bình đẳng chứ không phải vốn sẵn có. 21-90-47
Hỏi: Ðệ tử đã đến tuổi kết hôn, cha mẹ thường hay đi cúng vái, coi bói, đoán quẻ để hỏi về vấn đề hôn nhân, xin hỏi phải làm thế nào?
Ðáp: Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta ‘Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức’. Vấn đề này không thể hỏi người khác, phải hỏi chính bạn, tự bạn phải lập sẵn ý định. Trong đời một người không thể không làm việc, ngành nghề nhiều quá, bạn chọn ngành nào, thân phận, vai trò gì? Xuất gia là một ngành trong số những ngành này, bạn phải suy nghĩ kỹ lưỡng, lựa vai trò nào thích hợp với bạn. Không chọn thân phận xuất gia thì có thể lập gia đình. Kết hôn đối với sự tu hành của mình không có trở ngại, vì người tại gia tu hành chứng quả rất nhiều, then chốt ở chỗ bạn tu đúng như pháp hay không, công phu đắc lực hay không, những việc này chúng ta có thể kiếm được bằng chứng trong sách chuyện những người vãng sanh gần đây. 21-90-47
Hỏi: Lúc còn nhỏ tuổi con đã có làm việc xấu vì vậy cũng đã muốn đi tìm cái chết. Sau khi học Phật con vẫn còn nghi này nghi nọ, cứ có cảm giác là có ai ở sau lưng chỉ điểm, vô cùng sợ sệt. [Con] nghĩ đến chuyện này không thể nào niệm Phật, đời sống vô cùng nặng nề, xin hỏi phải làm thế nào?
Ðáp: Căn cứ trên lời của bạn, đây đúng là ma chướng, cần phải có thiện tri thức chỉ dẫn để giải trừ gút mắc. Ở ngoại quốc gặp trường hợp như vậy có thể đi xem bác sĩ tâm lý, ở Mỹ có thể dùng thuật thôi miên để tháo mở. Ðời trước và đời này chúng ta gặp duyên khác nhau, nếu có thể thấy đầu đuôi câu chuyện rõ ràng, có thể hóa giải gút mắc này. Ðương nhiên Phật pháp còn cao minh hơn những bác sĩ tâm lý, còn thấu triệt vấn đề hơn nhiều, nhưng rất khó tìm gặp được thiện tri thức.
Nhà Phật nói tội nặng nhất như ngũ nghịch thập ác còn có thể sám hối được. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói vua A Xà Thế giết cha, hại mẹ, cùng với Ðề Bà Ðạt Ða phá hoại tăng đoàn, làm đủ hết tội ngũ nghịch thập ác. Lúc gần chết vua A Xà Thế thành tâm sám hối, niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, kết cục đã được vãng sanh, phẩm vị là thượng phẩm trung sanh. Dựa vào câu chuyện này chúng ta có thể hiểu rõ công đức không thể nghĩ bàn của sự sám hối. 21-90-48
Hỏi: Ông chủ [chỗ làm của con] thường làm chuyện xấu, chỉ vì ông đó là người chủ chúng con không tiện nói chuyện nên càng ngày ông càng tệ hơn. Nhưng con nghĩ nếu không nói ra thì cũng giống như cho ông ta cơ hội để ông làm thêm chuyện xấu. Mặt khác nghe người ta nói nếu mình nói thì ông còn ghét mình nhiều hơn nữa và có thể làm hại mình, không biết nên làm sao mới ổn?
Ðáp: Bạn không nên nói thì vẫn tốt hơn. Bạn có thể đem CD Liễu Phàm Tứ Huấn đem cho ông coi, để ông tự mình phản tỉnh giác ngộ, như vậy là tốt nhất. Nên dùng phương pháp gián tiếp mà không nên trực tiếp nói với ổng; nói trực tiếp sợ ông không dễ tiếp nhận, có thể gây hiệu quả trái ngược. 21-90-48
Hỏi: Con đảm nhiệm công việc quan trọng trong công ty, nhiều khi vì tranh giành một vài lợi ích nên làm việc trái ngược với [lời dạy của] Phật, trong tâm rất mâu thuẫn, xin hỏi những chuyện này có ảnh hưởng đến tu hành không?
Ðáp: Chúng ta kinh doanh buôn bán vì tranh lấy lợi nhuận, sự lợi ích này đáng tranh lấy, nhưng chúng ta lấy những lợi ích này làm gì? Trong Phật pháp có rất nhiều Bồ Tát làm nghề buôn bán, đây là Phật Bồ Tát ứng hoá trong thế gian và làm nghề này. Số tiền lời kiếm được không phải để một mình hưởng thụ mà để giúp đỡ chúng sanh khổ nạn, đây là cách làm của Bồ Tát, nếu bạn có thể làm như vậy thì đúng. 21-90-49
Hỏi: Học Phật muốn đạt đến cảnh giới ‘không tâm’, xin hỏi [đến] cảnh giới này có phải cũng không cần phải nỗ lực gắng sức làm việc nữa đúng không?
Ðáp: Nhà Phật nói cảnh giới ‘không tâm’ là không phải chuyện gì cũng không làm nữa, như vậy là sai. Cũng như chúng ta nói: ‘buông xả’, có người hiểu lầm rồi nghỉ việc trong sở, chuyện gì cũng không làm nữa, bây giờ không có tiền, đời sống gặp khó khăn, như vậy thì hoàn toàn hiểu sai câu này. Chư Phật Bồ Tát dạy chúng ta ‘buông xả’ là buông bỏ tâm tự tư ích kỷ, tâm ham muốn hưởng thụ lợi dưỡng, chứ không phải là buông bỏ công việc làm.
Ý nghĩa của chữ ‘vô tâm’ là ‘không có vọng tâm, nhưng có chân tâm’, ‘không có tâm ác, có tâm thiện’. Không phải cả chân tâm cũng không có, tâm thiện cũng không có, vậy thì biến thành người gỗ là sai rồi. Kinh Ðại thừa nói ‘vô tâm’ là ‘không có vọng tâm’, cũng là tâm không có vọng tưởng, không phân biệt, không chấp trước. Vô tâm là có tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi, tâm này là chân tâm; vô tâm là không có năm tâm đối ngược với năm thứ tâm nói trên.
Chúng ta dùng chân tâm để làm việc, không kể là ở ngành nghề nào, ở chức vụ nào cũng đều là việc làm của Bồ Tát. Chư Phật Bồ Tát đều ‘Học vi nhân sư, hành vi thế phạm’ (học làm thầy, hành động làm khuôn phép cho đời), làm gương tốt cho chúng sanh; chúng ta làm một gương tốt, mô phạm tốt cho những người làm chung ngành xem. Thí dụ nhất định phải dùng tâm chân thành để làm sự nghiệp kinh doanh của bạn, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, không vì lợi nhuận mà làm tổn hại chúng sanh. ‘Bồ Tát làm nghề buôn bán’ nhất định phải [mua bán] hàng thiệt, giá cả phải chăng, nếu thiệt vì kiếm tiền phải dùng tâm chân thành để kiếm tiền, nhất định sẽ kiếm được lời nhiều. Nếu dùng thủ đoạn lường gạt, thủ đoạn tội ác để kiếm tiền, số kiếm được này vốn đã có sẵn trong số mạng rồi. ‘Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định’ (Một miếng ăn một miếng uống cũng đều có định trước), cho nên nhất định không nên dùng thủ đoạn lường gạt để tìm cầu lợi nhuận. 21-90-49
6. GIÁO DỤC
Hỏi: Xin hỏi đi học ‘Lớp Phật Học [thường thức]’ tốt không?
Ðáp: Ði học những ‘Lớp Phật học’ này phải xem tình hình như thế nào, hiện nay phần đông đi học những lớp này chỉ học được một số Phật học thường thức. Nếu muốn biết thêm về Phật học thường thức thì lớp này có lợi ích cho bạn. Nếu không muốn biết thì cũng không sao; Phật pháp quý ở ‘chuyên tinh’, không quý ở ‘nhiều’, phải ‘đi sâu vào một môn, huân tập trong một thời gian dài’ thì mới đạt được lợi ích chân thật. Nếu học nhiều quá, tạp quá, trên số lượng là một chuyên gia Phật học, một học giả về Phật học, nhưng đối với việc liễu sanh tử, thoát luân hồi không có liên can gì hết. Cho nên bạn phải tự mình cân nhắc thứ nào quan trọng rồi tự mình lựa chọn. 21-90-03
No comments:
Post a Comment