PHẬT HỌC VẤN ĐÁP
Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG - Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên - Giảng tại Cư sĩ Lâm Phật giáo Singapore
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo đã giải thích cho chúng ta vấn đề này. Phật cùng ma là một, không phải hai. Giác ngộ rồi ma liền thành Phật; mê hoặc rồi, Phật biến thành ma. Cho nên, một niệm giác ngộ thì Phật ở tại tâm, một niệm vừa mê, thì ma ở tại tâm. Phật dạy bảo chúng ta phải thường giác ngộ. Một niệm vì chính mình, tự tư tự lợi, chính là ma, tâm này chính là tâm ma. Thay đổi lại ý niệm, vì xã hội, vì chúng sinh, tâm này chính là tâm Phật. Do đó làm thế nào đem cái ý niệm tự tư tự lợi chuyển đổi thành lợi ích xã hội, lợi ích chúng sinh. Đây là mấu chốt vô cùng quan trọng. Người có thể thay đổi được ý niệm, đương nhiên họ có thể đoạn ác hướng thiện.
Câu hỏi 2: Trong nhà có kiến, nếu không phun thuốc thì không cách gì ở được, còn nếu phun thuốc thì mắc tội sát sinh, không biết phải xử lý thế nào?
Vấn đề này rất nhiều người đang gặp phải. Kiến cũng là động vật, là chúng sinh hữu tình, chúng ta phải dùng thiện hạnh mà đối đãi. Thánh nhân thế xuất thế gian đều khuyên bảo “chân thành có thể cảm thông”. Chúng ta không thể tương thông được với những chúng sinh nhỏ bé này vì thành ý của chúng ta chưa đủ. Thành ý là gì? Tâm thanh tịnh chính là thành ý. Người xưa gọi “một niệm không sinh là thành”, tâm chúng ta có tạp niệm thì không thành, cho nên không thể tương thông được với loài kiến. Nếu như tâm chân thành thanh tịnh mới có thể tương thông, có thể mời kiến dọn nhà. Do đó chính mình phải đoạn ác tu thiện để cảm động được những chúng sinh nhỏ bé này. Xem trong Ấn Quang Đại Sư truyện ký, gian phòng của Ấn tổ những năm đầu cũng có muỗi, bọ chét quấy nhiễu. Thị giả của ngài giúp ngài thanh trừ, lão hòa thượng liền ngăn cản: “không nên, không cần phải thanh trừ”. Thị giả không hiểu liền thắc mắc. Ngài nói: “đức hạnh của chính ta chưa đủ, có chúng ở đây là sự nhắc nhở đối với ta”. Về sau khi lão hòa thượng 70 tuổi, gian phòng của ngài không tìm thấy con muỗi, con bọ nào.
Những động vật nhỏ khi đứng trước người chân chính tu hành, có đức hạnh, có thiện tâm, chúng cũng khởi lòng cung kính và không đến quấy nhiễu. Do đó, tu đức là phương pháp tốt nhất để hóa giải phiền não. Ở Singapore, Mỹ có một số vị đồng tu rất chăm chỉ thử nghiệm, nói với chúng tôi, có hiệu quả rất tốt, cho dù không hoàn toàn hết hẳn nhưng cũng giảm đi được rất nhiều. Điều đó chứng tỏ công phu tu hành của họ có tiến bộ.
Câu hỏi 3: Khi ngồi tĩnh tọa niệm Phật, tay bắt ấn như thế nào mới đúng?
Vấn đề bắt ấn không quan trọng. Bắt ấn là gì? Nhà Phật gọi thủ ấn chính là thủ ngữ, mọi người tâm tâm họp nhau. Xem tượng bàn tay đức Phật A Di Đà, đó gọi ấn Di Đà. Đặt hai tay ngang bằng, hai ngón cái đối nhau, quan trọng là thân tâm an ổn, tĩnh tọa nhiếp tâm Phật hiệu.
Câu hỏi 4: Tu pháp môn tịnh độ có phải là niệm Phật hiệu đến sau cùng, hay nghe toàn bộ kinh giảng?
Hoàn toàn lệ thuộc ở bản thân mỗi người. Mục đích của việc giảng kinh là giúp đoạn nghi sinh tín. Đối với tịnh độ, nếu không chút hoài nghi, đã có tín tâm vững chắc, thì kinh tụng hay không tụng, nghe hay không nghe cũng không quan hệ gì. Chỉ cần một câu Phật hiệu cũng thành công. Do đó, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, nếu có hoài nghi, tín tâm nguyện lực không kiên cố, cần thiết phải nghe, đọc nhiều kinh thì vấn đề liền được giải quyết.
Câu hỏi 5: Muốn cả đời theo lão hòa thượng để tu hành thì cần phải hội đủ điều kiện gì?
Đi theo không có nghĩa phải ở bên cạnh. Tất cả chúng ta đều đi theo Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, đi theo Bổn Sư A Di Đà Phật. Chỉ cần chúng ta không rời khỏi kinh điển, mỗi ngày đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ, chính là nghe Thế Tôn A Di Đà Phật khai thị. Chúng ta dùng tâm chân thành để nghe, dùng tâm thanh tịnh để đọc tụng, sẽ liền được khai ngộ. Đọc tụng nghe giảng mà không khai ngộ có nghĩa là lòng chân thành của chúng ta chưa đủ. Những bậc thánh hiền thế xuất thế gian đều nói “thành tắc linh”. Đạo giáo vẽ bùa, Phật giáo trì chú, phù chú rốt cuộc linh hay không? Điều đó hoàn toàn ở tâm người vẽ bùa trì chú. Nếu tâm họ thành, phù chú này liền linh, tâm không thành thì không linh. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn, phần chú giải của người xưa đã ghi rất rõ qua một ví dụ vẽ bùa. Từ một nét bút đầu vẽ đến cả đạo phù thành công, trong khoảng thời gian đó không chút vọng niệm, kết quả đạo bùa này linh. Niệm chú cũng vậy, chú ngữ từ đầu đến cuối không khởi một vọng niệm thì chú này liền linh. Niệm chú trong khi khởi vọng tưởng, thì chú này không thể linh. Do đó chú càng dài càng khó niệm. Thời khóa sớm của các tự viện đọc chú Lăng Nghiêm rất dài, trong thời gian đó mà không khởi vọng tưởng là điều vô cùng khó. Chúng ta đọc kinh, kinh dài hơn chú, nên người xưa mới nói: “Tụng kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm Phật”. Phật chỉ có sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Niệm liên tục sáu chữ này, không lọt vào một vọng niệm là điều dễ làm, cộng với tâm chân thành có thể cảm ứng.
Câu hỏi 6: Lưu thông buôn bán tượng Phật có bị coi là làm thân Phật ra máu không?
Mua bán tượng Phật hoàn toàn không có lỗi lầm. Làm thân Phật ra máu là phá hoại tượng Phật một cách cố ý. Hành động phá hoại tượng Phật một cách vô ý là lỗi, lỗi không cẩn thận, không phải tội.
Câu hỏi 7: Nhà một cô Phật tử gần bờ biển, chuyên nuôi trồng các loại hải sản. Sau khi học Phật, cô muốn đem bán hết số hải sản nhưng chồng cô không đồng ý. Vậy cô có bị nhân quả không?
Đích thực sẽ có nhân quả. Do đó phải nên niệm Phật tu hành thường xuyên. Vì những chúng sinh khổ nạn này mà hồi hướng. Đây chỉ là phương pháp bù đắp bất đắc dĩ.
Câu hỏi 8: Cái gì là từ nơi tâm mà khởi tu?
Nghe kinh thường xuyên phải nên biết vấn đề này. Đức Phật trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có nói: “Bồ Tát ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp”. Đây chính là từ nơi tâm mà tu, ngày đêm không gián đoạn, công phu hy hữu. Tâm địa lương thiện, lời nói và thân thể tự nhiên sẽ không thể tạo ác nghiệp được nữa.
Câu hỏi 9: Tôi bị quỷ ám, vậy phải làm sao?
Đích thực ở trong quỷ thì bị quỷ ám. Nếu trong lòng thanh tịnh, tâm hạnh lương thiện, quỷ sẽ không dám ức hiếp chúng ta. Quỷ nhìn thấy chúng ta cũng phải tôn kính, ủng hộ. Phàm hễ bị quỷ ám, thì chính mình nhất định cần phải giác ngộ hành vi, tâm địa bất thiện của chính mình. Vì có bất thiện, quỷ mới xem thường, đến ức hiếp chúng ta. Các hành giả niệm Phật, đương nhiên công phu không đến nơi cũng sẽ bị quỷ ám. Người niệm Phật, thường thường niệm Phật, khi gặp phải những tình huống này, tâm liền nghĩ đến Phật hiệu. Nếu gặp trong mộng, hãy niệm Phật, niệm danh hiệu Bồ Tát, quỷ liền rời khỏi lập tức.
Câu hỏi 10: Con người sống ở đời vì sao khổ đến vậy?
Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, thế tôn bảo Sa Kiệt La Long Vương quán sát những chúng sinh trong đại hải từ hình trạng, màu da, lớn nhỏ đều không giống nhau. Nguyên nhân gì tạo ra như vậy? Đó là đều do các thứ bất thiện của thân khẩu ý tạo nên.
Con người vì sao khổ đến như vậy? Chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật và đạo lý của nhân quả báo ứng. Trồng nhân thiện nhất định được quả thiện, tạo ác nghiệp nhất định chiêu quả khổ. Cho nên đức Phật dạy chúng ta phải viễn ly tham sân si. Khởi tham sân si là tạo ác nghiệp cực trọng, chiêu cảm đến quả báo. Nhiều người trên thế gian có phước báu. Phước báu đó là quả của tâm thiện, hành thiện tạo tác nghiệp thiện. Đức Phật đã dạy, đoạn ác tu thiện thì nghiệp báo có thể thay đổi. Tiên sinh Viên Liễu Phàm, triều nhà Minh, nhờ thông suốt đạo lý nhân quả này mà cả đời không những có thể chuyển đổi vận mạng chính mình mà còn cầu được tài, được con, và được công danh. “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” quả thực không sai.
Thế nhưng cầu nguyện có đạo lý của cầu nguyện. Như lý như pháp mà cầu, nhất định sẽ đạt. Vậy, thế nào gọi là như lý như pháp mà cầu? Chúng ta khởi tâm động niệm vì hạnh phúc của tất cả chúng sinh, không chỉ riêng lẻ vì chính mình. Chẳng hạn, chúng ta cầu tài vì mục đích giúp đỡ chúng sinh khổ nạn, lời nguyện cầu phát tài này là hợp lý, nên sẽ được cảm ứng. Còn cầu phát tài cho chính mình hưởng thụ sẽ không thể cảm ứng. Chư Phật bồ tát thành tựu việc thiện cho người, giúp người làm việc tốt, chứ không giúp người làm việc ác. Giúp tạo ác nghiệp, chỉ có ma, không phải là Phật.
Chúng tôi những năm đầu khi vừa mới ra giảng kinh, pháp sư Đức Dung ở Đài Loan thường đến nghe giảng kinh, hiện tại vị pháp sư này đã qua đời. Khi đó, một hôm ông hỏi chúng tôi: “pháp sư Tịnh Không, ngài thường hay nói ‘Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng’, bản thân tôi cảm thấy hoài nghi. Tôi đã từng hướng đến bồ tát Địa Tạng cầu xin một cái tủ lạnh, nhưng đã ba năm vẫn chưa có”. Chúng tôi liền hỏi ông ấy: “xin hỏi đạo tràng của thầy ở bao nhiêu chúng vậy?” Ông nói chỉ có một mình ông. Chúng tôi liền nói: “không cần thiết, nếu tôi là bồ tát Địa Tạng cũng sẽ không cho, vì chỉ có một mình ông thì không cần thiết”. Chúng ta vì đại chúng, thì sự mong cầu này là hợp lý, còn để một mình hưởng thụ mà mong cầu là sai.
Bản thân chúng tôi học Phật nhiều năm kiểm nghiệm xác xác thực thực “hữu cầu tất ứng”. Cái mong cầu của chúng tôi không phải là tủ lạnh, mà là kinh sách. Chúng tôi muốn đọc những kinh sách nào, chỉ cần trong lòng nghĩ đến, thì khoảng một hai tháng liền sẽ có người đưa đến, cảm ứng rất tốt. Chúng tôi nhớ được thời gian linh ứng dài nhất là nửa năm. Khi đó trong lòng chúng tôi muốn tìm một bộ Trung Quán Luận Sớ, chúng tôi nhờ người tìm giúp nhưng đến nửa năm mới tìm được, chân thật “hữu cầu tất ứng”. Chúng ta xuất gia vì muốn thâm nhập kinh tạng, vì để hoằng pháp lợi sinh, do đó kinh điển là sách tham khảo trọng yếu, quyết không phải là nhu cầu xa xỉ, cũng không vì chính mình, cho nên cảm ứng không thể nghĩ bàn.
Câu hỏi 11: Vì sao xướng tụng Phật hiệu càng lớn tiếng thì đầu càng bị đau nhức, lúc còn muốn nôn, lúc thì bỗng dưng chảy nước mắt? Có phải do còn vô minh ngu si, nghiệp chướng sâu nặng, mà chiêu cảm ra như vậy?
Ngoài khả năng mắc chứng bệnh đau đầu, đây cũng có thể xem là nghiệp chướng. Niệm Phật thường không những không bị đau đầu, mà càng niệm tinh thần càng tốt, càng hoan hỉ. Niệm đến pháp hỉ sung mãn, người niệm Phật có thể không buồn ngủ không mệt mỏi, thiền tông gọi là “thiền duyệt vi thực”, có nghĩa người niệm Phật trì tụng là ăn. Do đó chúng ta niệm Phật mà hiệu quả trái ngược thì phải phản tỉnh, kiểm thảo chính mình. Nhất định vì chúng ta tu không đúng pháp, hoặc lý luận không thấu triệt, trong lòng còn hoài nghi. Đối với pháp môn niệm Phật “tín hạnh nguyện” đều nghi hoặc, miễn cưỡng mà niệm, hoặc khổ sở mà niệm thì sẽ không có giá trị. Còn đạo lý thông suốt, niệm Phật tự nhiên sinh tâm hoan hỉ.
Câu hỏi 12: Niệm Phật có thể chuyển được định nghiệp hay không ?
Niệm Phật chuyển đổi được định nghiệp phải niệm đến lý “nhất tâm bất loạn”. Công phu cạn có thể chuyển được nghiệp thô trọng. Công phu sâu không những có thể chuyển được nghiệp vi tế mà đến định nghiệp cũng có thể chuyển. Bách Trượng đại sư thời xưa đã từng nói “bất muội nhân quả”, bất muội nhân quả chính là chúng ta chuyển được định nghiệp. Thế nhưng phải nên biết, không thể tiêu trừ định nghiệp, chúng ta chỉ có thể chuyển định nghiệp, chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh. Câu Phật hiệu đích thực hiệu quả như vậy.
Câu hỏi 13: Vì sao có lúc trong đầu có cảm giác như kéo tơ bóc kén, càng tịnh để niệm Phật thì hiện tượng này càng mãnh liệt?
Tình trạng này thuộc về nghiệp chướng. Nếu gặp phải tình huống này hoặc tương tự thì không nên lo sợ, phải tập trung tinh thần ý chí, càng chăm chỉ nỗ lực niệm Phật, liều mạng mà niệm, phải đột phá chướng ngại này. Chướng nạn có thể dựa vào gia trì oai thần bổn nguyện cuả Phật Bồ Tát, chúng ta thành tâm thành ý niệm sẽ được Phật lực gia trì. Lúc đó dù không thể tiêu trừ nhưng nghiệp chướng nhất định có thể giảm nhẹ.
Câu hỏi 14: Tín ngưỡng tôn giáo khác có thể tu tâm thanh tịnh và tâm chí thành không? Có thể thoát khỏi luân hồi không?
Tín ngưỡng tôn giáo khác cũng có thể được tâm thanh tịnh, cũng có thể được tâm chân thành nhưng không dễ dàng thoát khỏi sáu cõi. Trong kinh Phật giải đáp rất đơn giản, bởi vì chúng ta không mất đi cái “ngã”. Còn “ngã” là còn tự tư tự lợi, tâm tuy thanh tịnh nhưng không thuần tịnh, tâm tuy chân thành nhưng chân thành đó cũng phân ra rất nhiều đẳng cấp. Chúng ta chưa đạt đến đẳng cấp nhất định, cho nên chúng ta tu có thể được thiên đạo, có thể sinh thiên nếu tu tâm thanh tịnh, tu tâm chí thành; có thể đến cõi trời sắc giới, cõi trời sơ thiền, cõi trời nhị thiền, tam thiền, tứ thiền; tâm địa thanh tịnh hơn có thể sinh đến cõi trời tứ thiền nhưng chắc chắn không thể siêu việt sáu cõi luân hồi. Nếu dễ dàng vượt khỏi sáu cõi luân hồi, Thích Ca Mâu Ni Phật nhất định sẽ không đến thế gian. Phật đến thế gian này vì để giúp chúng sinh siêu việt sáu cõi. Rất nhiều tôn giáo nói về vũ trụ nhân sinh, nói được lẽ đương nhiên nhưng không thể nói được lẽ dĩ nhiên của nó. Hãy sơ lược lướt qua kinh luận của các tôn giáo khác sẽ hiểu rõ việc này.
Câu hỏi 15: Làm thế nào mới có thể đạt năng lực điều phục phiền não?
Khởi mong muốn dụng tâm hàng phục phiền não, ý niệm này là chánh niệm, là thỉ giác, chứng tỏ người đó bắt đầu giác ngộ. Phiền não từ tự tư tự lợi mà sinh ra, cũng đều từ sợ được sợ mất mà sinh. Chúng ta có thể buông bỏ tự tư tự lợi, mỗi niệm vì người khác thì phiền não sẽ liền được giảm, được mất của cá nhân không còn nữa. Hãy sống ở thế gian này một lòng một dạ vì đại chúng xã hội, vì tất cả chúng sinh mà phục vụ. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên là nhân vật điển hình, mỗi ngày từ sớm đến tối ông bận bù đầu bù cổ, không có phiền não vì tất cả sự bận rộn đều vì người khác, không phải là việc của chính mình. Thành quả viên mãn tất mang phước báu đến cho mọi người. Còn không thành công sau khi đã tận tâm tận lực, ông cũng hoan hỉ. Ở Singapore còn có một lão nhân 101 tuổi, chúng ta có thể gọi bà ấy là người thanh niên 101 tuổi. Cả đời bà đều vì sự nghiệp phước lợi xã hội, vì người già, người bệnh, người nghèo khổ phục vụ. Hiện nay bà vẫn đang dấn thân trong trạng thái vui vẻ khó ai bì. Bà không vì chính mình, cho nên không có phiền não, cuộc sống vô cùng hoan hỉ. Hiện tại bà niệm Phật A Di Đà cầu sinh tịnh độ, nếu bà không vãng sinh Tây Phương nhất định sẽ sinh thiên. Điều phục phiền não là chuyển đổi quan niệm, nếu ngày xưa tất cả vì chính mình thì hiện tại tất cả nên vì chúng sinh.
Câu hỏi 16: Trong quá trình tu hành học Phật, có nên dùng tâm thanh tịnh hoan hỉ để tu trì hay không? Học Phật càng nhanh sẽ càng thù thắng hơn không?
Tâm thanh tịnh hoan hỉ là tâm Phật, rất khó được. Khó ở chỗ “thanh tịnh”. Thanh tịnh là hoàn toàn không ô nhiễm. Ngay trong cuộc sống thường ngày, không bị ô nhiễm danh vọng lợi dưỡng, không bị ô nhiễm năm dục sáu trần, tâm chúng ta liền thanh tịnh, thanh tịnh đương nhiên là hoan hỉ.
Thanh tịnh và bình đẳng cũng là một, không phải hai. Nếu không bình đẳng, tâm chúng ta vĩnh viễn không thể thanh tịnh, vì tâm có cao thấp. Trong pháp bình đẳng được thanh tịnh, trong pháp thanh tịnh được đầy đủ bình đẳng, tâm hoan hỉ liền hiện tiền. Phật pháp thường nói “tùy duyên mà không phan duyên”. Tâm tùy duyên là thanh tịnh, là bình đẳng; tâm phan duyên thì không thanh tịnh, không bình đẳng. Ngay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta ăn bất cứ thứ gì cũng đều giống nhau, đều hoan hỉ, không lựa chọn. Còn nghĩ rằng thứ này ăn ngon, thứ kia ăn không ngon, như vậy tâm không thanh tịnh, không bình đẳng, không thể sinh hoan hỉ. Ăn ngon thì hoan hỉ, ăn không ngon thì không hoan hỉ, trong cái hoan hỉ này xen tạp không hoan hỉ, cho nên không thể thành tựu. Do đó chúng ta nhất định phải bình đẳng đối với tất cả mọi người, mọi việc, mọi sự vật, không hề dính mắc, không có phân biệt. Phương pháp tu học này, ngay trong một đời nhất định thành tựu.
Câu hỏi 17: Khi bị bệnh, niệm Phật rất tinh tấn, thế nhưng tâm không thể định. Uống thuốc cũng không hết bệnh, cho nên tâm nôn nóng muốn tự sát, phải làm sao?
Không nên tự sát, vì khi tự sát, phiền phức còn lớn hơn. Nên biết, tự sát là tội nghiệp không phải là giải thoát. Nếu tự sát có thể giải thoát thì Thích Ca Mâu Ni Phật hà tất phải xuất thế, phải dày công khó nhọc tu hành đến như vậy, ngài chỉ cần tự sát là xong. Rất nhiều người ở thế gian thường nói: sau khi tự sát, nếu muốn luân hồi đầu thai thì phải tìm thế thân. Như vậy có phiền não không? Nếu không tìm được thế thân, họ muốn đầu thai luân hồi cũng không có cách gì. Hơn nữa tự sát sẽ rất đau khổ, họ ở trong thân trung ấm cách mỗi một khoảng thời gian, hiện tượng tự sát của họ phải diễn lại một lần. Thần thức sau khi tự sát không ngừng lặp lại, ở nơi đó tự mình sẽ diễn lại cảnh tự sát, thống khổ dường nào.
Chúng ta phải nên hiểu rõ chân tướng sự thật này, tự cảm thấy nhân sinh rất khổ, đó là nghiệp báo, các thứ nghiệp bất thiện tạo thành. Cho nên chỉ cần đoạn ác tu thiện như trong quyển Liễu Phàm Tứ Huấn. Chúng tôi thường khuyên các đồng tu sơ học, khi vừa bắt đầu nên đem Liễu Phàm Tứ Huấn đọc qua ba trăm lần, mỗi ngày đọc một lần, cho đủ một năm. Khi đó ấn tượng của chúng ta sẽ rất sâu, chúng ta mới hiểu rõ đạo lý và sự thật của nhân quả báo ứng, liền biết làm thế nào để thay đổi vận mạng. Đại sư Ấn Quang cả đời đề xướng quyển sách này. Dụng ý của ngài muốn khuyên chúng ta nên nghĩ rộng hơn, đó là cứu vãn kiếp vận của hiện tại. Bộ sách không triết lý sâu xa khó hiểu, người thông thường chúng ta đều có thể hiểu, đều có thể thể hội. Nó là tập hợp tinh hoa của thánh nhân thế xuất thế gian, những ví dụ bên trong rất nhiều, chúng ta nên cố gắng học tập.
“Bị bệnh niệm Phật rất tinh tấn, nhưng tâm không định”. Tâm đã không định thì đó không phải là tinh tấn. Tinh tấn, tâm nhất định là thanh tịnh. Nếu uống thuốc mà bệnh không hết, đó là vì không có lòng tin đối với thuốc, đối với bác sĩ, đương nhiên đối với Phật lại càng không có lòng tin. Tín tâm là then chốt, nhà Phật thường nói “tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”, đạo lý này rất sâu, nó đích thực là chân tướng sự thật, thế xuất thế pháp đều từ tâm tưởng sinh.
Câu hỏi 18: Phật phóng quang có màu sắc gì? Đến khi vãng sinh thấy được ánh sáng màu gì thì theo Phật đi?
Ánh sáng của Phật phóng ra là viên mãn. Mở đầu kinh Địa Tạng, đức Phật phóng quang “đại quang minh vân”. Chúng ta thấy được màu sắc gì? Căn tánh, cơ duyên của mỗi người không giống nhau, cho nên mọi người nhìn thấy cũng đều không giống nhau, thậm chí nhìn sắc tướng của Phật, ánh sáng của Phật cũng không như nhau. Tâm tưởng không giống nhau, chẳng phải là tùy tâm tưởng sinh? Năm 1982 lần đầu tiên pháp sư Thánh Nhất ở Đại Dữ Sơn, Hong Kong trở về tổ quốc, đã đến bái thánh ở Phổ Đà Sơn. Họ gồm ba vị pháp sư đến Phổ Đà Sơn Triều Am động, lễ lạy bồ tát Quán Thế Âm. Lễ lạy đến nửa giờ thì bồ tát Quán Thế Âm thị hiện. Cả ba người đều rất vui mừng. Sau khi rời khỏi, họ đã hỏi nhau, bồ tát Quán Thế Âm thị hiện dáng vẻ thế nào? Pháp sư Thánh Nhất nhìn thấy sắc vàng, đội mão Tỳ Lô, giống như mão của bồ tát Địa Tạng, tay cầm tích trượng. Một vị pháp sư khác nhìn thấy bồ tát Quán Thế Âm mặc y phục trắng như hình vẽ thông thường mà chúng ta vẫn tôn tượng. Vị pháp sư thứ ba nhìn thấy là hình tướng một vị tỳ kheo, trên tay cầm tích trượng.
Hình tướng mà ba người nhìn thấy đều không giống nhau, hào quang cũng không giống nhau. Cho nên, không nhất định là nhìn thấy sắc gì, hào quang như thế nào. Đến lúc lâm chung, chúng ta nhìn thấy Phật A Di Đà sẽ rất rõ ràng, tường tận, đó là thật, không phải là giả. Ngay lúc lâm chung, nhìn thấy các vị Phật Bồ Tát khác đến tiếp dẫn, đừng đi theo họ, nhất định phải nhìn thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, mới nên đi theo. Đến khi đó dáng vẻ của Phật A Di Đà ra sao, chính mình liền biết được. Hiện tại chúng tôi không thể dự đoán trước. Nếu dự đoán nói trước thì quý vị không thể vãng sinh. Vì khi chấp mắc vào hình tướng đã đoán trước, chúng ta suốt ngày nghĩ tưởng, phiền phức xuất hiện. Đến lúc lâm chung, chúng ta sẽ được Phật Bồ Tát gia bị, tự nhiên sẽ nhận biết được rõ ràng minh bạch, không thể sai lầm.
No comments:
Post a Comment