Saturday, December 11, 2010

Nỗi cô đơn của tuổi trẻ và việc giáo dục lý tưởng

nỗi cô đơn của tuổi trẻ

và việc giáo dục lý tưởng

hôm nay?

Nguyên Cẩn

Gần đây, phong trào EMO hay gọi nôm na là “thiền Emo” đang bùng nổ trong giới thanh niên khi các em tụ họp và cười khóc theo ý mình, nhất là khóc vì các em quan niệm cứ “khóc cho trút hết cảm xúc bất an, bất mãn, buồn phiền trong đời sống. Emo phải chăng là viết tắt của từ “emotional”. Năm 2006 đã xảy ra ba vụ tự tử tập thể và hàng chục vụ tự tử cá nhân gây xôn xao dư luận. Có nhiều nguyên nhân: thi hỏng, gia đình lục đục, tình duyên dang dở,… mà kết quả là các em tìm quên trong ma túy, rượu chè, quan hệ bừa bãi. Kết quả điều tra ở một số trường THPT tại Hà Nội cho thấy một kết quả đáng quan ngại: trong 546 học sinh được phỏng vấn, có đến 96% lo lắng, băn khoăn ở những mức độ khác nhau:

Tuổi trẻ và nỗi cô đơn

27,75% các em tuổi teen gặp khó khăn trong quan hệ với người khác (gia đình, bè bạn,

thầy cô…).

20% bối rối về các vấn đề của bản thân (đạo đức, ước mơ, lý tưởng, tương lai…)

Và, 85% cho rằng chịu sức ép quá lớn từ gia đình vì các em cho rằng bố mẹ đặt kỳ vọng quá lớn vào các em và luôn muốn các em trở thành xuất sắc mà không quan tâm đến sức khỏe cũng như điều kiện tâm lý và khả năng trí tuệ từng em.

54,7% cho rằng cha mẹ không hiểu gì về con cái và cá biệt có đến 17, 6% hoàn toàn mất niềm tin vào cha mẹ (!)

Thật ra, trong thế kỷ trước, lớp thanh niên ngày ấy cũng có những cảm xúc cô đơn:

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏgiống nòi khinh,

Bể vô tận sá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy lênh đênh.

Những lời thơ thời đất nước còn chìm trong vòng nô lệ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương không biết có còn tạo ra ít nhiều cảm xúc trong chúng ta hay không? Có thể phần nào thông cảm cho một lớp thanh niên mới lớn lên vào đời, bơ vơ tìm lý tưởng sống.

Nỗi muộn phiền ấy được lặp lại trong những thập niên 60, 70 thế kỷ trước, sự cô đơn của tuổi trẻ ở miền Nam ngày ấy lại được khắc họa như nhà văn Cung Tích Biền có lần tâm sự:

“Tôi là một gã người không có tầm quan trọng trong một tập thể, như chính tôi là một cá thể. (Buồn Nôn-La Nausée-Jean Paul Satre) Nhưng tôi là Ai. Thế nào là cái - tôi - hiện hữu. Hãy ngồi xuống đây trong buổi chiều này, đêm nay. Tôi treo cổ tôi một thực thể tuyệt đối tự do trong tuyệt diệt buồn nôn… là núi đồi tuyệt vọng giữa mùa đời bơ vơ mục ruỗng.” (Hiện Sinh, Một thời kỷ niệm – Cung Tích Biền)

Để rồi khi nói đến tuổi trẻ hôm nay, sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta nghe ông đối chiếu và so sánh:

“Có một khác biệt nào giữa tuổi trẻ thời hiện sinh với tuổi trẻ hôm nay? Tuổi trẻ hôm nay sống trong một xã hội phần nào ổn định… Trong thế giới - cũng - đành - ngồi - lại - với nhau, đóng mác an toàn này, tuổi trẻ đã mò mẫm những đòi hỏi mang tính siêu hình, những thức ăn trừu tượng, những tra vấn tâm linh. Nó thực dụng: phải có, phải cần và đủ: bằng cấp, công ăn việc làm, xe cộ, nhà cửa, điện thoại cầm tay. Chúng có thật. Là hiện thể bè bạn. Được tôn vinh như một… ân huệ thiêng liêng lập dựng hạnh phúc, thỏa đáng phận người. Tuổi trẻ không có quyền điên. Đã mất tăm những lựa chọn, tra vấn đại loại: “Tôi là ai trong gương soi.”(Bài đã dẫn - Cung Tích Biền)

Vậy thì, chân dung nào cho tuổi trẻ hôm nay, lý tưởng nào cho thế hệ trẻ hôm nay của chúng ta có thể nương vào, noi theo, hướng tới? Hãy khoan nói đến những mỹ từ mà thanh niên cảm thấy hình như chỉ có trên… tường: “Mình vì mọi người”.

Thực trạng đang diễn ra hôm nay đang cần phải cảnh báo về một lối sống hết sức thực dụng, một nhân sinh quan vị kỷ và nếp sống suy thoái đạo đức, không chỉ nơi giới trẻ mà còn ở những kẻ có địa vị, chức phận trong xã hội, dù có người vội bĩu môi: “Chỉ một bộ phận thôi!” Nhưng xin thưa: Cái bộ phận ấy chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thì chắc ai cũng ngại phải trả lời. Một vài con số thống kê lạnh lùng như tuổi quan hệ tình dục hiện nay là 14.2, 23% học sinh biết yêu, hơn một triệu ca nạo phá thai trong cả nước hàng năm, mà trẻ vị thành niên chiếm 20%… Thực tế có thể con số ấy còn cao hơn. Gần đây, các tin tức trên báo chí ầm ĩ với việc đã có hơn 20 “động lắc” bị phát hiện (*8 ở Hà Nội và 14 ở Tp. HCM), tạm giữ hàng ngàn thanh thiếu niên thuộc đủ mọi giới, sinh viên học sinh, nhân viên, con các đại gia, các quan chức. Phóng sự trên báo Tuổi Trẻ còn mô tả cảnh sống bầy đàn của họ như những người nguyên thủy sau khi “cắn” thuốc. Có bao nhiêu “gã cùng tử” đã và đang lao mình trong bóng tối của tội lỗi?

Lý tưởng thanh niên trong thời đại mới?

Thế thì câu hỏi đặt ra là: Lý tưởng thanh niên hôm nay là gì? Tại sao họ lại sống “hiện sinh” hơn cả những người hiện sinh? Hay đúng hơn, sống theo kiểu mà người xưa gọi là “tuý sinh mộng tử”, sống không hay mà chết cũng chẳng biết. Khi mà người tuổi trẻ đánh giá nhìn nhận lý tưởng của mình qua sự thành công trong cuộc sống: việc làm, lương bổng, quyền lực, xe cộ, áo quần mà bỏ quên đi sự trau giồi đạo đức, thanh lọc tâm linh…, khi mà “Trai thời trung hiếu làm đầu; Gái thời tiết hạnh là câu trau mình” (Nguyễn Đình Chiểu) bị xem là cổ hủ, lạc hậu thì có nghĩa gì cho việc bàn về những giá trị đạo lý truyền thống?

Thế nên, có thể đã muộn chăng khi chúng ta phải nhìn nhận lại việc xây dựng CON NGƯỜI MỚI đang gặp phải những bất cập, không đáp ứng yêu cầu của một cuộc sống mới đúng với bản vị NGƯỜI.

Con người mới ấy phải hội đủ tư chất sống tự chủ, tỉnh thức và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Một con người có khả năng gột rửa những bệnh thái tâm lý, những yếu kém về thể chất, luôn tinh tấn trau giồi tri thức và nhận thức, mang một nhân sinh quan vững vàng, một thế giới quan lành mạnh.

Nói tóm lại, anh ta phải có khả năng vượt lên chính mình, làm một thắng nhân (self-made

man) đúng nghĩa hay theo tinh thần drala (vượt qua kẻ thù - ở đây là vô minh và ái dục) của các chiến binh Tây Tạng.

Những việc theo chúng tôi cần phải làm ngay:

1/ Chỉnh đốn giáo dục gia đình và học đường

Nơi đấy con trẻ phải nhìn ra những tấm gương về lối sống, về nhân cách, nơi cha, nơi mẹ,

nơi thầy, nơi cô dù giàu dù nghèo. Nơi đấy con trẻ phải học, phải tập kỹ năng biết yêu thương và quan tâm đến người khác, biết trân trọng mồ hôi và công sức của cha mẹ mình, biết tôn quý kiến thức truyền dạy trong nhà trường, biết giá trị của đồng tiền kiếm được bằng sự lao nhọc của tâm hồn và thể xác. Đã có khi nào chúng ta đặt câu hỏi: Thần tượng của tuổi trẻ hôm nay là ai? Không gì buồn bằng một cuộc đời thiếu thần tượng để yêu quí, để hướng về, để mơ mộng và làm điểm tựa cho hoài bão của mình. Có thể khi còn bé đó là cha mẹ, là thầy cô, lớn lên là những danh nhân, những Edison, Bill Gates, Hemingway, hoặc Heidegger, Krisnamurti hoặc John Lennon, Elvis Presley hoặc Péle, Ronaldo… Nhưng cũng thật buồn khi thần tượng lại là những ca sĩ, diễn viên tầm thường về tài năng nhưng bệnh hoạn về nhân cách, và đấy là điều mà chúng ta không khỏi quan ngại hôm nay.

2/ Đưa môn Công dân giáo dục đổi mới một cách triệt để vào giảng dạy

Qua đó gợi lại lòng tự hào chân chính về những giá trị bản thân và những giá trị vĩnh cửu trong cuộc đời: sự trung thực, lòng yêu đồng loại, lòng ái quốc, sự bảo tồn môi trường sống, ý thức giữ gìn di sản…

3/ Tổ chức việc giáo dục một cách tự nhiên, không gò ép

Thông qua hoạt động trong khu phố, sinh hoạt ngoại khóa trường học, các nhóm hướng đạo sinh, tổ chức đội, đoàn. Phải tổ chức các phong trào không mang tính hình thức để tuổi trẻ thâm nhập cuộc sống, biến mục tiêu của cá nhân và đoàn thể thành một. Chỉ một

phong trào Mùa hè xanh như hiện nay là quá ít (!).

4/ Thiền Nội Quán

Cơ bản hơn, phải chủ động khơi gợi những phương pháp nội quán, quay về quán xét tâm hồn mình để giới trẻ tập tu dưỡng, cảm nhận nghiêm túc về mọi mặt của cuộc sống riêng chung, đánh giá quá khứ, chiêm nghiệm hiện tại và hoạch định tương lai. Từ những suy tư sâu xa về tâm linh, những người trẻ nếu được học, được dạy dỗ về nguyên nhân phát sinh các loại ái dục, khao khát, bám víu vào những khoái lạc vật chất, thì họ sẽ hiểu vô minh là nguyên nhân trong quá khứ và ái dục là nguyên nhân trong hiện tại. Họ sẽ hiểu tùy thuộc nơi ái mà phát sinh Thủ (Upadana), cố bám lấy vật ham muốn. Nói theo Đạt-lai Lạt-ma thì: “Ngay cả khi bạn có cả thế giới dưới chân bạn, các bạn cũng không cảm thấy đủ. Tham muốn thì không bao giờ đã cơn. Và hơn nữa trong sự chạy tìm không cùng này, có biết bao nhiêu là chướng ngại, thất vọng, khó khăn và khổ đau! Dục vọng quá độ không chỉ không thể thỏa mãn, nó là một thứ dày vò khổ sở.” “Cái khiến cho chúng ta khổ đau không đến từ bên ngoài mà từ tâm thức riêng của chúng ta… Không một niềm vui nào có thể có được chừng nào chúng ta chưa là chủ nhân của tâm thức mình.” (Từ Tâm, Minh triết và Tri kiến - Kindness, Clarity and Insight - Dalai Lama).

Cũng theo Đạt-lai Lạt-ma: “Khi những phiền não vừa khởi sanh, phải cực kỳ tỉnh thức và trả những ý niệm này trở về trong không gian tự nhiên của tâm thức để chúng tiêu tan như những đám mây tụ và tán trong bầu trời. Sự chấm dứt chúng làm tắt đi những xung động tác hại theo sau. Như Milarepa đã hát: ‘Dầu cho chúng khởi sanh, chúng khởi sanh trong hư không, dầu cho chúng tan biến, chúng tan biến vào hư không’” (Sách đã dẫn- Dalai Lama).

Geo.W. Poland, một bác sĩ người Canada, có cơ duyên tham gia một lớp học thiền tại Ấn Độ trong 10 ngày đã nhận thấy nếu áp dụng phương pháp thiền nội quán vào việc cai nghiện ma túy và giáo dục những tù nhân sẽ đem lại những kết quả khả quan: giúp họ kềm chế cơn giận dữ, cải thiện lòng thương với người khác. Không chỉ ở Ấn Độ mà ngay ở Đức, Mỹ và Úc, người ta cũng bắt đầu thử nghiệm phương pháp này. Trong khám đường Tihar ở ngoại ô New Delhi, người ta đã thành lập trung tâm tọa thiền lấy tên là Tihar đạo tràng.

“Cơ sở của bất cứ xã hội lành mạnh nào luôn luôn phải là sự lành mạnh của các thành viên sống trong xã hội đó. Chỉ khi nào mỗi cá nhân đều có cái tâm thanh tịnh an lạc thì chúng ta mới có thể kỳ vọng xã hội có an tường và hài hòa.” (Geo Poland)

Chỉ khi trí tuệ thay thế vô minh và khi chứng nghiệm ý nghĩa đích thực của cuộc sống trong tỉnh thức, người trẻ hôm nay mới có thể mạnh mẽ tự mình đi tới trước.

Vâng, nói như Đại sư Goenka:

“Mỗi buổi sáng ánh mặt trời xua đuổi bóng tối của ban đêm… dù là quá khứ, hiện tại hoặc vị lai… Tương tự như vậy, ánh sáng của nội quán xua đuổi bóng tối của vô minh và

đau khổ, bất kể thời gian hay không gian. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên rằng ánh sáng của nội quán hay trí huệ đã chứng tỏ hết sức cần thiết cho thế giới hôm nay.” (Diễn văn khai mạc Hội thảo về Thiền Nội Quán và sự thiết yếu của nó đối với thế giới ngày nay - tháng 4/1994 tại New Delhi)

Trong tinh thần ấy, hãy mạnh dạn nắm lấy tay những người bạn trẻ, giúp họ xa khỏi đám mây mù dục lạc, xa bóng tối vô minh hướng về một ban mai, thức dậy với trái tim trong sáng không còn chấp thủ, lòng như đóa sen vẫn thơm ngát từ dưới bùn đen vươn cao trong bầu trời quang đãng.

“Khi sen hồng vừa nở, Nụ đời ơi thơm quá!” (Trịnh Công Sơn)■


No comments: