'Bản nháp', 'lỗi kỹ thuật': Trách nhiệm xã hội của Bộ GD-ĐT
- Dù là thực sự hay bao biện với "lỗi kỹ thuật" gửi "bản nháp" có điều cấm trường tư đào tạo ngành luật, báo chí, sư phạm để đưa lên mạng lấy ý kiến dư luận, những người có trách nhiệm quản lý giáo dục đại học có lẽ phải giở lại "Vở bài tập Đạo đức lớp 1" để thực hành "bài tập số 4" (Em hãy cùng các bạn đóng vai về chủ đề "Cảm ơn, xin lỗi").
Thí sinh sau buổi thi ĐH môn văn kỳ thi năm 2009. Tại kỳ thi này, yêu cầu học sinh viết bài nghị luận xã hội về "tính trung thực". Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nguồn cơn "lệnh suýt cấm"
Tháng 10/2009, xã hội chấn động vì thông tin ngành giáo dục cho phép trường đại học Phan Thiết dù không đủ điều kiện tuyển sinh nhưng đùng một phát vẫn có khoảng 500 sinh viên nhập học. Sau vụ bùng nhùng này, Bộ GD-ĐT quyết áp một loạt giải pháp để chấn chỉnh những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đại học.
Ngày 23/2/2010, Bộ công bố bản dự thảo về một số điều kiện và hồ sơ mở ngành đại học, cao đẳng với mục đích là siết chặt hơn nữa các điều kiện mở ngành. Quy định về điều kiện giảng viên khá cụ thể và chặt chẽ. Tuy nhiên, "lạc" vào bản quy định có nhiều tiến bộ này lại là một điều khoản vừa không logic (với các khoản của điều 2), vừa gây ngỡ ngàng: "không cho phép các trường ngoài công lập đào tạo luật, báo chí, sư phạm".
Vẻn vẹn một dòng, nhưng lệnh cấm này lập tức dấy lên bao câu hỏi: có phải đào thêm hố sâu ngăn cách phân biệt đối xử công tư, có phải mất kiểm soát chất lượng, có phải tư duy giáo dục lại đi lùi 20 năm trước,v.v...? Không một lời giải thích nào được đưa ra để lý giải cho dòng dự thảo này cũng như lý giải cho loạt "lệnh cấm miệng" với một số ngành được cho là nhạy cảm đang mặc nhiên tồn tại từ khi có hệ đào tạo ngoài công lập được mở đến giờ.
Bản dự thảo, nếu trở thành chính thức, sẽ là một lực cản không chỉ cho số ít các trường ngoài công lập đã dạy và đang có ý định đào tạo những ngành này mà cho số đông những nhà đầu tư sắp và sẽ "rót tiền" vào giáo dục hay đơn giản chỉ là chi tiền cho con em mình ăn học. Bởi hằn sâu trong tâm thức của những nhà quản lý, hố ngăn cách trường công trường tư khó lòng xóa nổi.
Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet chiều 26/2, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, Bộ chưa bao giờ có chủ trương cấm trường ngoài mở các ngành đào tạo luật, sư phạm và báo chí. Bản dự thảo có sơ suất về lỗi kỹ thuật nên khi đưa lên mạng để lấy ý kiến đóng góp đã quên "cắt" dòng văn trên. Vụ Giáo dục Đại học đã nhận trách nhiệm về soạn thảo văn bản, đồng thời giải thích đã gửi nhầm "bản nháp" khi đưa lên mạng.
Cách giải thích này đặt ra hai tình huống.
Cúi đầu và phủi tay
Nếu đây là "lỗi kỹ thuật" thuần túy vì sơ suất đưa bản nháp lên trang thông tin chính thức của Bộ thì hành động này thực sự là phép cộng cho thói quan liêu và cách làm việc cẩu thả, lẫn lộn giữa "bản nháp" và "yêu cầu chuẩn mực" với những chính sách quan trọng ảnh hưởng tới cả một nền giáo dục.
Không những thế, nó còn là phép trừ in đậm cho những nỗ lực của Bộ GD-ĐT trong quá trình thực hiện những điều sơ đẳng của quá trình mở "một cửa trên mạng" để "chung tay cải cách thủ tục hành chính" (ô chữ nhấp nháy trên trang mạng thông tin chính thức của Bộ này).
Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, trang mạng của Bộ đang làm được việc sắp trở thành lệ tốt là đưa các dự thảo văn bản chính sách lên để xin ý kiến dư luận. Thế nhưng, với "cải cách nửa vời" đưa dự thảo nhưng là... bản nháp thì hệ lụy gây ra cũng nguy hiểm không kém gì những chính sách "đùng một cái" ban bố mà không hỏi ý dân kỹ lưỡng.
Trong những ngày đầu năm 2010, hãng xe nổi tiếng của Nhật Toyota đã phải thu hồi xe do lỗi kỹ thuật của chân ga. Ban đầu, người ta phủi tay trước trách nhiệm, nhưng khi sự việc loang ra rộng, Chủ tịch Toyota và các cộng sự cao cấp chẳng những phải xin lỗi khách hàng mà còn phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vì những tai nạn chết người do lỗi kỹ thuật của xe gây ra.
Cách xử lý vừa chậm chạp vừa né tránh trách nhiệm của Toyota đã làm suy sụp niềm tin mà khách hàng đặt vào thương hiệu này. Theo báo chí phương Tây, cách xử lý khủng hoảng đáng thất vọng này phản ánh sự thất bại chung trong cách điều hành doanh nghiệp ở Nhật. Đó là duy trì hệ thống tôn ti trật tự chặt chẽ, người lớn tuổi được tôn kính, cấp dưới hầu như không dám báo lên cấp trên những thông tin không đẹp, thông tin không đến được cấp có thẩm quyền hoặc bị vo tròn để làm vừa lòng lãnh đạo. Với "lỗi kỹ thuật" này, giá cổ phiếu chẳng những đã giảm ngay khoảng 30 tỉ đô la Mỹ mà danh tiếng Toyota sau bao năm gầy dựng chất lượng của hãng này cũng đang tan dần.
"Lỗi kỹ thuật" trong cung cách quản lý đại học" có thể không gây ra những tai nạn chết người ngay lập tức như lỗi của những chiếc xe ô tô đắt tiền, nhưng lại dẫn tới những cái chết ngắc ngoải hay hiện trạng "sống dở chết dở" của nhiều "cơ thể giáo dục" khi bị vân hành lệch chuẩn dưới bàn tay cẩu thả và vô trách nhiệm của những người điều hành.
Nhưng cũng giống như khía cạnh tiêu cực trong lối duy trì doanh nghiệp ở Nhật, nếu tiếp tục quản lý giáo dục theo nếp "một chiều", cấp dưới không dám báo tin xấu hoặc "vo tròn thông tin" để báo lên lãnh đạo thì nguy cơ đối diện với khủng hoảng và hàng loạt "lỗi kỹ thuật" ngày càng hiện diện gần và những mất mát khi tạo ra những sản phẩm nhân lực đầy lỗi cho xã hội còn khó đong đếm hơn nhiều con số 30 tỷ USD của Toyota.
Dẫu sao, dù là miễn cưỡng, trong chuỗi "sự cố lỗi kỹ thuật", Toyota cũng đã duy trì lối hành xử thường thấy của người Nhật khi gây ra sự cố là cúi đầu xin lỗi.
Còn với "lỗi kỹ thuật" gửi bản nháp của một dự thảo quan trọng, nếu chưa kịp giở lại "Vở bài tập Đạo đức lớp 1" để thực hành "bài tập số 4" (Em hãy cùng các bạn đóng vai về chủ đề "Cảm ơn, xin lỗi"), thì những người có trách nhiệm soạn thảo văn bản có thể học cách làm của đồng nghiệp ở Cục Quản lý Đào tạo nước ngoài khi tiếp thu góp ý cho dự thảo về "quản lý du học sinh" cách đây 2 tháng: xin lỗi về cách làm việc còn chưa thống nhất trong nội bộ, tiếp thu ý kiến, điều chỉnh những nội dung bất hợp lý và tiếp tục chỉnh sửa.
"Vụng chèo vụng cả chống"
Với thực tế từng có trong 20 năm điều hành hệ thống đại học ngoài công lập bằng cách "lệnh cấm miệng" với một số ngành nghề được cho là "nhạy cảm" dễ dẫn tới suy đoán về một "kịch bản" "vụng chèo khéo chống": Bộ GD-ĐT thay vì dứt hẳn "lệnh cấm" thì ngược lại dự định "chính thức hóa" bằng một văn bản nhà nước.
Nếu như vậy, việc quy cho "lỗi kỹ thuật" có lẽ là minh chứng hùng hồn nhất cho một khảo sát của Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục rằng "càng học lên cao, ý thức đạo đức của HS càng đi xuống". Khảo sát đó chỉ ra tỷ lệ "nói dối tăng dần" từ tiểu học lên trung học cơ sở và trung học phổ thông là 22% - 50% - 64%...
Nó cũng góp thêm những cái lắc đầu thất vọng trước những nỗ lực của Chính phủ khi đưa hàng loạt đề án "xã hội hóa" vào trường phổ thông như: dạy tham nhũng trong trường học, dạy ý thức thượng tôn pháp luật trong trường học.v.v...
Nó cũng góp phần sáng tỏ những hoài nghi bấy lâu về cung cách giáo dục "nói một đằng, làm một nẻo" đang phổ biến và đẩy lùi đi cái nguyên tắc giáo dục muôn đời là "nêu gương bằng hành vi đúng".
Nó cũng tự tố cáo về "lối điều hành trên giấy" với các từ ngữ "trách nhiệm xã hội" chứa đầy trong văn bản quản lý của giáo dục đại học. Từ Nghị quyết đổi mới giáo dục đại học của Chính phủ năm 2005, đến Nghị quyết ban cán sự Đảng của Bộ GD-ĐT đầu năm 2010 và mới nhất là Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ mới đây đều nhấn mạnh, một trong những khâu đổi mới quản lý giáo dục đại học là "phân cấp quản lý" mà giải pháp cụ thể là "giao quyền tự chủ đồng thời yêu cầu các trường phải chịu trách nhiệm xã hội". Có lẽ, trước khi đòi hỏi các cơ sở đào tạo đại học có "trách nhiệm xã hội" thì Bộ GD-ĐT cần phải nêu gương trước bằng việc thực hiện cho được những điệp khúc trong các văn bản của Ban cán sự Đảng và Chính phủ.
"Vedan giáo dục"
Chưa hết, hành động "vụng chèo vụng cả chống" này còn bổ sung thêm vào "lỗi hệ thống" đã tồn tại lâu nay: Thay vì nhận lỗi thì đùn trách nhiệm cho thuộc cấp bằng lỗi đơn giản là "lỗi đánh máy" hay "lỗi kỹ thuật".
Cuối năm 2008, sau trận lụt lịch sử ở Hà Nội, người dân Hà Đông đã toán loạn vì tin đồn vỡ đê mà sau này được phân trần rằng do lỗi đánh máy từ một văn bản chỉ đạo của UBND thành phố. Những ngày đầu khi Hà Nội vừa sáp nhập với Hà Tây, thông tin Thủ đô bỗng trở thành "địa phương có số người mù chữ cao nhất nước" cũng đã được đính chính "do lỗi đánh máy" (dù một năm sau ngày hợp nhất, qua một kỳ tuyển sinh, những vùng trũng giáo dục lù lù xuất hiện làm đau đầu những nhà quản lý). "Lỗi kỹ thuật" cũng tái xuất khi lãnh đạo một tờ báo giải thích đó là nguyên nhân cho một bài báo thông tin chưa đúng về chủ quyền đất nước. "Lỗi đánh máy" còn hiện diện một lần nữa trong vụ tai tiếng trao giải thưởng nhầm về môi trường nhầm cho Vedan - công ty đã góp phần không nhỏ phá hoại môi trường ở Việt Nam.
Diễn ra vào cùng thời điểm (tháng 10/2009), tai tiếng lùm xùm không khác nhau mấy, nhưng cách hành xử của "Vedan môi trường" và "Vedan giáo dục" - vụ trường ĐH Phan Thiết khi đó lại hoàn toàn khác nhau. Trong chuỗi sự cố về trao giải thưởng nhầm của Vedan môi trường dù có chi tiết đổ lỗi đánh máy, nhưng Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế đã khá "cứng tay" với thuộc cấp của mình khi mạnh dạn cảnh cáo, cho tạm đình chỉ chức vụ các Vụ trưởng, Vụ phó, Cục phó trách nhiệm liên đới liên quan, còn đơn vị tổ chức giải thưởng nhầm đã có thư xin lỗi người tiêu dùng cả nước.
Trong khi đó, ở vụ lùm xùm ĐH Phan Thiết - được phát hiện là tuyển sinh thiếu nhiều điều kiện - thì được Bộ GD-ĐT hành xử khá nực cười bằng việc cấp tốc cử đoàn thanh tra, cấp tốc báo kết quả "phủ nhận" (và Trường ĐH Phan Thiết cũng cấp tốc trang bị bàn ghế mới để "che mắt" thanh tra) trong khi việc cần cấp tốc nhất là truy trách nhiệm cụ thể thì...chẳng thấy đâu.
Mở cửa truyền thông, khép lề báo chí?
Bộ GD-ĐT hiện đang có kế hoạch lập Vụ Thi đua và Truyền thông, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 3 tới. Khoan hãy bàn tới chuyện thêm một cơ quan mới để thúc thêm các phong trào và "chống nhiễu" truyền thông cho ngành liệu có cần thiết hay không, nhưng rõ ràng, ngành giáo dục đang nhận thấy sức mạnh của truyền thông trong công tác giáo dục của mình.
Tại hội nghị tổng kết năm học cũ và triển khai năm học mới ở Đà Nẵng hồi cuối tháng 7/2009, bên cạnh những ngôn ngữ tổng kết nhàm chán như thông lệ, lần đầu tiên, người đứng đầu ngành giáo dục đã đúc kết 4 bài học khá thấm thía, trong đó nói rằng sở dĩ giáo dục đang được xã hội nhìn chưa đúng là bởi ngành chưa nhuyễn các bài học, trong đó, có bài học "đồng bộ" và "chủ động thông tin". Bô trưởng cũng căn dặn lãnh đạo các Sở phải biết nghe những lời nói trái tai và truyền kinh nghiệm "đại biểu Quốc hội không sai, chỉ có chúng ta chưa làm cho họ hiểu đúng".
Trong khi "trống đang đánh xuôi" thì ở bộ phận soạn thảo một chính sách quan trọng là đào tạo ra nguồn nhân lực cho ngành truyền thông lại đang thổi ngược kèn.
Cái lối trên một đằng, dưới một nẻo cũng chẳng phải riêng có ở lãnh đạo bậc đại học. Tháng 4/2009, trong một hội nghị tổng kết phong trào giáo dục "hai không", anh phóng viên đã ngót 40 tuổi, kinh nghiệm hơn 10 năm "đeo đuổi trong mảng với không ít giải thưởng về lĩnh vực báo chí giáo dục", đã không khỏi sốc vì thói quen "bề trên" của một lãnh đạo vụ mầm non. Đó là khi giải lao, anh ra hỏi để cho rõ thông tin mà bà phát biểu trong hội nghị thì nhận được cái trừng mắt và lời hậm hực "hỏi để làm gì" thay vì một lời giải thích.
Nhưng có lẽ, mọi sự "bất nhất" cũng không tự dưng mà có. Bài học "đồng bộ" mà người đứng đầu ngành đặt ra có lẽ chưa quan trọng bằng bài học "đồng lòng" mà chính những người có trách nhiệm ở 49 Đại Cồ Việt phải học thuộc hơn bao giờ hết, dù đã viết mòn trang trong vở đạo đức lớp 5 của trẻ 11 tuổi. Có lẽ, trước khi làm truyền thông với xã hội, nội bộ ngành trước hết cần phải truyền thông với chính mình.
- Hạ Anh
No comments:
Post a Comment