Nhà báo - nhà giáo và dư luận
Cách đặt vấn đề của một số nhà báo lại quá to tát khiến cho người đọc nhầm tưởng. Chỉ xin nhà báo cẩn trọng khi dùng con chữ để nếu có gặp nhau mà phân xử, chúng ta không phải khó khăn tranh luận làm sáng tỏ đúng sai.
Có thực sự phải dùng từ "tiêu cực"
Gần đây, VietNamNet có một cuộc khảo sát nhỏ về vai trò của nhà báo, với câu hỏi đặt ra, liệu nhà báo có đang quá đà khi liên tục đưa các thông tin tiêu cực trong giáo dục? Và từ đó, người ta cảm thấy đạo thầy trò bị "xuống cấp". Tôi không đưa ra ý kiến, chỉ xin dẫn ra một vài ví dụ nho nhỏ và bình luận của tôi, một người không làm cả nhà báo lẫn nhà giáo.
Ở đây, chúng ta phải làm rõ với nhau cái gọi là "tiêu cực" trong giáo dục. Nhìn rộng và và nếu công bằng, quả thực, môi trường sư phạm vẫn là môi trường trong lành hơn cả, so với những ngành khác. Tôi không khẳng định chắc chắn toàn bộ, nhưng thiết nghĩ, liệu tất cả các vấn đề nhà báo đưa thông tin lên mặt báo có thực sự đến mức phải dùng từ "tiêu cực" hay không?
Một ví dụ về vụ việc cách đây vài năm tại Trường THCS NL thuộc một quận mới thành lập của Hà Nội khi đó. Tôi nhớ rõ vì mình có quen biết với đội ngũ giáo viên của trường này. Một ngày, khi mở tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nước, thấy đưa tin tiêu cực là không thi vẫn có điểm ở môn Mỹ Thuật. Đọc trên báo thì rõ ràng thấy cách đưa tin khá "đao to, búa lớn".
Có thể nói, nhà trường vẫn là môi trường trong sạch nhất trong xã hội. |
Rồi tôi được biết, buổi sáng báo phát hành, buổi chiều lập tức đoàn thanh tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận ập ngay về trường, kiểm tra giấy tờ, sổ sách. Những cuộc họp hội đồng kéo dài lê thê đã diễn ra. Câu hỏi vẫn cứ xoay đi xoay lại là: Có thi học kỳ hay không? Hay là thi hai tiết chuyển thành một tiết ? Rồi lời tường trình của thầy hiệu phó chuyên môn không có sự thống nhất... Và kết luận của thanh tra là có sai phạm, kỷ luật được thi hành.
Ban giám hiệu "bị giải thể" (hiệu trưởng xin nghỉ hưu, hai hiệu phó điều chuyển công tác). Nhưng cái ít người quan tâm là số phận của của thầy giáo trẻ kia ra sao sau cái án kỷ luật? Đó là chấm dứt hợp đồng lao động, không được thi công chức khi kỳ thi đã đến gần (có mình thầy dự thi), thậm chí, hợp đồng làm thêm của thầy với bên Thành đoàn Hà Nội cũng bị chấm dứt. Cái thời điểm đó, gần như mọi cánh cửa tương lai đóng lại trước mặt thầy giáo trẻ này.
Xin nói thêm, hoàn cảnh của thầy giáo đó không lấy gì làm khá giả: Bố thương binh, đi làm bảo vệ thêm, thầy giáo này vừa ra trường, dạy môn Mỹ thuật, môn học mà theo quy định là chỉ đánh giá đạt hay không đạt, rất nhẹ nhàng, không như mấy môn văn hóa. Kỷ luật này làm tôi băn khoăn rất lâu, liệu sai phạm có đến mức kỷ luật nặng như vậy không?
Câu nói của thầy giáo trong buổi họp cuối cùng của hội đồng: "Các cô không có con" làm day dứt biết bao nhiêu con người. Thầy giáo đó ra đi trong lời ong tiếng ve về sự bất đồng nội bộ của trường. Ở đây, nhà báo đã gần như là người "góp gió vào bão", để bão "đánh" tơi tả một trí thức trẻ... Liệu nhà báo năm xưa có suy ngẫm gì khi biết hoàn cảnh của người thầy giáo nọ hay vẫn tự tin, hả hê vì thành tích được coi là "chống tiêu cực".
Xin các nhà báo "công bằng"
Gần đây hơn, một vụ việc khác cũng có vai trò của nhà báo và nhà giáo đã diễn ra ở Trường THCS xã NT của huyện LN, tỉnh HN. Thầy giáo D có "phương pháp sư phạm" là tất cả lớp phải chịu trách nhiệm liên đới khi có bạn không học bài, cán bộ lớp cũng phải chịu đòn nếu trong lớp có bạn không học bài.
Và nhà báo đã góp mặt, đã phanh phui vấn đề. Rõ ràng, ở đây, việc thầy giáo dùng hình phạt cứng nhắc và phi sư phạm như trên là vi phạm nguyên tắc đạo đức, giáo dục. Việc làm này của nhà báo hoàn toàn chính xác, cần thiết. Nhưng nhà báo lại không lường trước được những hậu quả đi quá phạm vi giáo dục: Làng xã trở nên náo động. Vì sao ? Vì dân cư ở đây không đồng thuận quan điểm của nhà báo.
Nội dung vụ việc được tóm tắt như sau: Sau khi nhà báo có bài phản ánh, chính quyền địa phương lập tức can thiệp, có kết luận và xử lý kỷ luật theo hình thức rất "truyền thống"- cách chức hiệu phó và điều chuyển thầy giáo sang trường khác. Nhưng điều này lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt của một bộ phận nhân dân trong xã vì thầy giáo này nổi tiếng dạy giỏi, nghiêm khắc, thương yêu học trò. Và thế là tình hình trở lên căng thẳng.
Trong những ngày bị đình chỉ công tác, thầy giáo chỉ ở trong phòng, còn học sinh, phụ huynh thì kéo đến cửa phòng thầy giáo khóc lóc, ồn ào. Không khí trường học hết sức chán nản và bi quan, nội bộ giáo viên thì căng thẳng. Sau khi phòng công bố quyết định kỷ luật, nhiều vị phụ huynh đã kéo nhau lên xã đòi phục chức cho thầy giáo, đề nghị thầy ở lại.
Thầy D cũng có nguyện vọng ở lại, dạy học trong xã, không điều chuyển. Tình hình căng đến độ Chủ tịch UBND huyện phải về đối thoại trực tiếp với dân, đưa ra những lời hứa thì không khí phản ứng của dân mới dịu nhẹ đi đôi chút, ý định của dân thuê xe đi tụ tập khiếu nại cấp trên mới bị dẹp yên.
Ở đây, có lẽ, nhà báo đã không lường hết được những diễn biến phức tạp của tình hình sau khi đăng bài báo. Điều này cũng không phải là hiếm gặp trong những năm gần đây. Nhiều bài báo đã gây xáo động dư luận xã hội nói chung, và có phần gây xáo trộn ngành giáo dục. Rõ ràng ở đây, lỗi không thuộc về nhà báo, mà cái chính là quan điểm của một bộ phận nhân dân trong xã.
Việc nhỏ thành không yên ả
Thậm chí, cũng cần nói là các hành động phản ứng thái quá của một số phụ huynh cũng góp phần đẩy cho không khí trở lên ngột ngạt. Một vụ việc nho nhỏ của ngành giáo dục, thông qua kênh phương tiện thông tin đại chúng, đẩy dư luận địa phương thành ra không còn yên ả. Có lẽ, nhà báo cần tế nhị, và cách xử lý của nội bộ ngành giáo dục cũng cần tế nhị, nhưng phải "cương quyết, khôn khéo".
Một bài học khác cũng lớn không kém là trường hợp "người hùng chống tiêu cực" một thời. Thành tích của thầy giáo đó là không thể phủ nhận. Nhưng đằng sau đó, cũng còn biết bao vấn đề mà chính nhà báo vì mải bênh vực mà dường như quên mất. Ngôi trường của giáo viên này lại thành một "điểm nóng" vì chính những đơn kiện của thầy, rồi thanh tra đi, thanh tra lại, mặc dù nội dung tố cáo khẳng định rất nhiều cái không có cơ sở.
Rất nhiều vấn đề cực kỳ nhỏ nhặt khác của nội bộ ngành giáo dục như chuyện xếp thời khóa biểu, sắp xếp lịch thi, chuyện đánh lỗi của đề thi nội bộ nhà trường... Đó toàn là những nội dung cực kỳ bình thường và các trường chắc chắn có can thiệp nếu phát hiện có lỗi vì tất cả đều có quy chế lập (ra đề) và cơ chế soát lỗi. Nhưng tất cả lại lên báo. Nó quá nhỏ nhặt, quá vụn vặt để lên trang của những tờ nhật báo có số lượng phát hành cực lớn.
Hơn nữa, cách đặt vấn đề của một số nhà báo lại quá to tát khiến cho người đọc nhầm tưởng. Chỉ xin nhà báo cẩn trọng khi dùng con chữ để nếu có gặp nhau mà phân xử, chúng ta không phải khó khăn tranh luận làm sáng tỏ đúng sai.
Nhà báo và nhà giáo cần có mối quan hệ khăng khít mật thiết. Nhà báo phản ánh đầy đủ các mặt của nhà giáo, khen có, và chê có. Nhưng cũng xin nhà báo công bằng, đừng trở thành "cơ chế" góp gió để thành bão.
No comments:
Post a Comment