Có Bi Quan Không Khi Thấy “Đời Là Bể Khổ”
Trong cuộc sống, từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành cho đến ngày nhắm mắt, không ai là chưa từng nếm mùi vị của sự khổ đau. Khổ đau là một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống, không thể nào phủ nhận được. Sự thật này đã được đức Thế Tôn giảng rõ trong phần Khổ đế của giáo lý Tứ Thánh Đế, một bài giáo lý nền tảng của đạo Phật. Ở đấy đức Phật đã trình bày về nhiều vấn đề khổ đau: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, mong cầu không được là khổ, thương yêu mà phải xa nhau là khổ, ghét nhau mà gặp nhau cũng khổ… Đời là bể khổ. Chính vì vấn đề này mà có một vài người cho rằng: Đạo Phật là đạo bi quan, những người đệ tử của Phật là những người yếm thế. Lời nhận xét này có đúng không?
Theo nội dung của Khổ đế trong Tứ Thánh Đế thì ngay từ khi còn trong bào thai, thai nhi đã chịu không biết bao nhiêu sự hãi hùng, khổ sở, lúc thì như ở trong băng tuyết, lúc thì như ở trong nước sôi lửa bỏng, lúc thì như bị treo ngược. Đến khi sinh ra, do sức ép của cơ thể người mẹ và do sự thay đổi đột ngột của môi trường sống làm cho đứa bé đau đớn vô cùng. Lúc về già, thân hình tiều tụy, mắt mờ, tai điếc, da nhăn, lưng còm, ăn không ngon, ngủ không yên, khổ sở muôn bề. Khi bị bệnh cũng lắm điều đau khổ. Có một sự thật mà ai cũng sợ, nhưng không có ai tránh được, đó là sự chết. Nỗi ám ảnh về sự đau khổ của cái chết làm cho con người khủng hoảng trầm trọng. Cái chết nó cướp đi tất cả, phá vỡ tất cả những gì con người đã lao khổ gầy dựng trong suốt cuộc đời. Rồi mong cầu mà không đạt được cũng khổ, thương yêu nhau mà phải sống xa nhau cũng làm cho nhau nhớ thương sầu khổ, ghét nhau mà phải đối mặt nhau cũng khổ. Những nỗi sầu, bi, khổ, ưu não trong cuộc sống là khổ. Đấy là những nổi khổ đau luôn hiện hữu trong cuộc sống đã được đức Phật dạy rõ trong Khổ đế.
Nếu như đức Phật chỉ trình bày về khổ đau của cuộc sống không thôi thì đúng là hơi bi quan. Và như thế thì sự thấy biết của đức Phật cũng không khác gì lắm so với sự thấy biết của người thường. Hầu như mọi người đều nhận thấy được sự thực đau khổ của kiếp nhân sinh. Mục kích sự đau khổ ấy, cụ Nguyễn Du đã than:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Ôn Như Hầu thì ão não hơn:
“ Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo ngoài bến mê”
Và bi đát, da diết hơn:
“Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này
Tuồng huyễn hoá ai bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau”
Chao ôi, khổ quá, khổ quá đi thôi! Trước khổ đau của kiếp người, nhiều người chỉ biết than vãn, chán chường và thất vọng, không tìm được lối thoát cho mình. Đức Phật thì không như thế, Ngài không chỉ nhìn thấy sự thật khổ đau của kiếp người mà còn nhìn thấy được nguyên nhân dẫn đến khổ đau, chỉ ra cho mọi người biết con đường thoát khỏi khổ đau và chính Ngài đã cảm nhận, đã sống với niềm hạnh phúc chơn thường khi không còn khổ đau, không còn bị ràng buộc bởi những nhân tố đem đến khổ đau. Đức Phật dạy giáo lý Tứ Thánh Đế để giúp cho mọi người thấy rõ khổ đau của kiếp sống, đối diện với những nỗi khổ ấy và tìm cách thoát ra khỏi khổ đau chứ không phải nhìn thấy khổ đau rồi sinh chán nãn, than khóc, nhụt chí. Ngài như là một vị thầy thuốc, trước hết là chẩn đoán bệnh, thấy được các triệu chứng của bệnh, sau đó tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương pháp điều trị để giúp bệnh nhân lành bệnh. Với tinh thần như thế thì không thể cho là bi quan được.
Hơn nữa, những người học Phật thấy được sự đau khổ trong cuộc đời tức là đã mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, dám đối diện với sự thật, nhìn nhận sự thật khổ đau để chuyển hóa sự thật ấy. Đấy là việc làm của những con người có dũng khí, có trí tuệ. Một khi đã chuyển hóa được khổ đau, đã loại bỏ hết những nguyên nhân dẫn đến khổ đau thì sẽ không còn khổ đau nữa, khổ đau nhường chỗ cho niềm hạnh phúc hiện hữu. Như vậy, hạnh phúc không phải ở đâu xa, hạnh phúc cũng ở ngay trong cuộc đời này, ngay trong đời sống của chúng ta. Nếu biết sống thì chúng ta sẽ vui hưởng hạnh phúc, còn nếu không biết sống thì khổ đau sẽ đến với chúng ta.
Từ đó có thể khẳng định rằng, Phật giáo không bi quan cũng không lạc quan. Phật giáo chỉ nói lên sự thật, Phật giáo nhìn sự vật, hiện tượng một cách khách quan. Phật giáo không giả ru con người vào trong một thiên đường của người ngu, cũng không làm cho mọi người hãi hung, thất vía với đủ mọi thứ sợ hãi tưởng tượng và đủ mọi tội lỗi. Phật giáo chỉ nói cho mọi người biết một cách chân xác và khách quan về con người và thế giới mà chúng ta đang sống. Phật giáo chỉ bày cho mọi người thấy được con đường thoát ra khỏi khổ đau, đến được với sự an lành, hạnh phúc trong cuộc sống. Người nào đánh giá đạo Phật là bi quan, yếm thế thì quả thật họ là những người thiếu hiểu biết, chưa có cái nhìn đúng đắn và toàn diện.
Hơn nữa, nhìn thấy sự thật khổ đau của cuộc sống là sự nhìn nhận, là ý thức về cuộc sống chứ không phải là lối sống, là phương cách sống. Cho nên, nếu muốn đánh giá nó thì đánh giá trên phương diện đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp với xã hội mà thôi chứ không thể kết luận là bi quan hay lạc quan được. Đã là nhận thức thì không thể nói là nhận thức bi quan hay lạc quan. Vì nhận thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào trong đầu óc con người, sự phản ánh thì làm gì có phản ánh bi quan hay lạc quan, chỉ có thể là phản ánh đúng hay sai, trung thực hay không trung thực. Ở đây chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa nhận thức và lối sống của con người, không nên đánh đồng vấn đề nhận thức với vấn đề lối sống.
Qua đây cho chúng ta rút ra được một bài học giá trị, khi đánh giá hay nhận định một vấn đề gì thì cần phải hiểu biết một cách đầy đủ và chính xác về vấn đề ấy và phải có cái nhìn khách quan và tổng thể chứ không nên nhìn phiến diện, thiếu chiều sâu.
Minh Nguyên
Minh Nguyên
No comments:
Post a Comment