1/ Tác Phong Và Hạnh Kiểm
Nhà Phật gọi tác phong là oai nghi và tế hạnh.
Tác phong là hành vi cử chỉ, lời nói, cách ăn mặc hằng ngày. Hạnh kiểm là những tính hạnh nết na. Người có hành vi cử chỉ đúng đắn, nghiêm chỉnh, tính hạnh nết na hiền hòa, vui vẻ, nhã nhặn lễ độ thì được khen là đức hạnh tốt. Trái lại nếu người có hành động, cử chỉ thô tháo sỗ sàng, tính nết thô lỗ, hung dữ, xấu xa thì không ai muốn gần.
Oai nghi tế hạnh của người Phật tử được thể hiện trong những hành động như: Xá chào, lạy Phật, đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, uống, ngủ nghỉ v.v...
- Xá Chào
Khi gặp chư Tăng hay bạn đồng đạo, chắp tay xá chào như sau:
Đứng ngay thẳng, hai bàn chân khép lại theo hình chữ V, hai tay chắp ngang trước ngực, 10 ngón tay hướng lên. Khi chắp tay không được bọng giữa, các ngón tay không so le, không để ngang miệng, hai bàn tay không sà xuống.
Trước khi xá chào hai tay chắp trước ngực, trong khi xá toàn thân trên khom xuống một góc khoảng gần 60 độ, tay cũng xá xuống theo, kèm theo câu niệm “A Di Đà Phật.”
Không đứng xa quá 3 mét. Không đứng trên cao xá xuống, không ngồi xá, không vừa đi vừa xá, không xá một tay, không cầm vật trên tay xá, đang làm việc hoặc tay dơ bẩn không được xá, không xá theo kiểu mổ mổ.
Người Phật tử khi đến chùa và lúc ra về phải chào Thầy trụ trì.
- Lạy Phật
Khi nghe tiếng chuông thì lạy xuống, nghe dập chuông thì đứng dậy. Không đứng chính giữa chánh điện làm lễ. Không đi ngang qua chỗ người đang lễ. Không lên chỗ bục của chư Tăng hành lễ.
Khi chư Tăng đang ăn cơm, cạo tóc, đọc kinh, làm việc, kinh hành... đều không được làm lễ.
Tư thế khi lạy: Điều chỉnh thân nghiêm chỉnh, hai chân khép lại theo hình chữ V, hai tay từ tư thế chắp trang nghiêm trước ngực từ từ đưa lên trán, khom mình xuống, chống tay xuống đất xong ngửa hai bàn tay ra và trán chạm xuống đất ở giữa hai bàn tay. Toàn thân phải hạ sát đất, hai bàn chân duỗi ra, mông chạm sát trên hai gót chân. Đó gọi là “Năm vóc sát đất.”
Khi đứng dậy, tay phải chống đất, tay trái giữ tư thế chắp tay, từ từ đưa thân mình về vị trí ban đầu, đồng thời xá một xá.
Tư thế quỳ: Lưng phải ngay thẳng, đầu hơi cúi xuống, hai tay chắp ngay ngắn trước ngực.
- Tướng Đi
Người Phật tử phải đi khoan thai nhẹ nhàng, chững chạc, dù trong nhà hay ngoài đường lúc nào cũng phải giữ tướng đi cho ngay thẳng trang nghiêm nhưng không mất vẻ tự nhiên. Không được vừa đi vừa nhảy, không liếc ngó hai bên, hoặc hát nghêu ngao, không đi ưỡn ẹo, không đi nhón gót, không vừa đi vừa đưa tay lên xuống quá cao, không vừa đi vừa mặc hoặc cởi áo tràng.
Phải nhường bước cho người lớn đi trước. Không đi trước mặt Thầy, không đi ngang vai với Thầy, phải đi phía sau Thầy. Lên xe, phải nhường cho người già cả, yếu đuối lên trước. Đừng chen lấn, xô đẩy giành chỗ ồn ào làm mất tư cách của người Phật tử.
- Kinh Hành
Bước chân đúng theo tiếng niệm Phật, bước chân phải đặt xuống đúng ngay chữ “A” và chữ “Phật”, bước chân trái rơi vào chữ “Nam” và chữ “Đà.” Hai tay chắp trang nghiêm trước ngực, không lắc vai nghiêng mình, đầu hơi cúi, mắt nhìn xuống không nhìn hai bên. Đi nhiễu Phật theo chiều kim đồng hồ từ trái sang phải, khi xoay mình cũng xoay theo chiều kim đồng hồ.
- Tướng Đứng
Không đứng dựa tường, dựa ghế, dựa cột, không đứng khúm núm, không đứng chống nạnh ra oai. Khi đứng nói chuyện với chư Tăng nên đứng nghiêm chỉnh, hai bàn chân đặt theo hình chữ V, hai tay chắp hoặc buông xuống. Khi hành lễ, tụng kinh phải đứng ngay thẳng nghiêm chỉnh, hai tay chắp trước ngực. Không day qua day lại liếc ngó láo liên, không đi tới lui làm mất trật tự.
Không được đứng trên cao nói chuyện hay kêu gọi chư Tăng ở dưới thấp.
- Tướng Ngồi
Nếu ngồi trên ghế phải ngồi thẳng lưng, hai chân thòng xuống để ngay ngắn trên đất. Khi ngồi không ngoẹo đầu, ngoẹo cổ, không khom lưng, không dựa ngửa, dựa nghiêng, không ngồi úp mặt trên bàn, không ngồi chồm hổm trên ghế, không ngồi gác chân chữ ngũ, không ngồi rung đùi, không lắc lư hai chân, không gác chân lên ghế, lên bàn.
Khi tụng kinh, tọa thiền phải ngồi ngay ngắn, lưng thẳng như tường vách. Có hai cách ngồi:
- Kiết già: Bàn chân trái đặt lên đùi chân phải và bàn chân phải đặt lên đùi chân trái (kéo sát vào thân). Bàn tay phải đặt ngửa trên bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau.
- Bán già: Bàn chân trái đặt lên đùi chân phải hoặc bàn chân phải đặt lên đùi chân trái. Bàn tay phải đặt ngửa trên bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm nhau.
Đang ngồi tự do nếu thấy chư Tăng đi qua phải đứng dậy xá chào.
Không được ngồi nói chuyện khi chư Tăng đang đứng (hoặc ngồi thiền, niệm Phật).
Khi tiếp xúc với Thầy, Thầy cho phép ngồi mới ngồi, không được tự ý ngồi trước.
- Tướng Nằm
Khi nằm ngủ hay nghỉ ngơi, không nằm nghiêng bên trái, vì trái tim nằm về phía trái của lồng ngực, tim sẽ bị đè nén, máu không lưu thông được, dễ dẫn đến ác mộng, (có thể nằm ngửa với tư thế thân ngay thẳng, hai chân khép lại, tay đặt trên bụng hoặc duỗi thẳng, nên lấy mền che phần bụng dưới lại cho kín đáo). Không nên nằm sấp vì buồng phổi bị ép làm khó thở.
Nằm theo thế cát tường tức là nằm nghiêng bên phải, chân tay duỗi thẳng (giống tư thế Đức Phật nhập Niết bàn), đây là cách nằm an lành tốt đẹp, vừa trang nhã vừa có lợi cho sức khỏe.
- Tướng Ăn
Trong chùa khi ăn cơm phải cúng quá đường. Đại chúng mặc áo tràng, khi ngồi nhớ vén vạt áo tràng phía sau cho gọn gàng, lưu ý tay áo rộng đừng cho chạm vào thức ăn.
2/ Cách Thức Cúng Quá Đường
- Tay phải kiết ấn cát tường:
Ngón tay cái đặt lên ngón áp út co sát vào trong lòng bàn tay, ba ngón tay còn lại vươn thẳng lên. Tay trái: Ngón giữa và ngón áp út co lại, ba ngón còn lại vươn thẳng lên, tạo thành thế kiềng ba chân, đặt chén vào giữa. Tay trái nâng bát đưa lên ngang trán, tay phải kiết ấn đặt ngang miệng chén.
- Tam đề, ngũ quán:
Trước khi ăn ba muỗng và quán năm pháp, dùng hai tay nâng bát ngang trán, mỗi tay chỉ sử dụng ba ngón: Ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Sau đó để bát trên lòng bàn tay trái, tay phải cầm muỗng xúc ba muỗng cơm quán tam đề. Sau đó để muỗng trong bát, muỗng úp xuống quay về phía trước, bàn tay phải đặt dưới bàn tay trái, nâng bát ngang chấn thủy, thầm niệm ngũ quán.
Trước khi ăn cơm nên rửa tay sạch sẽ. Phải ngồi ngay thẳng vững vàng, chẳng nên cúi sát mặt bàn, áp mặt sát vào chén mà húp canh và cơm. Khi ăn chẳng nên ngậm cơm nói chuyện. Không gãi đầu làm bụi bay qua người khác, hay vào thức ăn. Khi nhảy mũi, bị sặc cơm phải quay ra phía sau tránh phun trúng người ngồi gần. Chẳng nên nhổ khạc, ợ ngáp ra tiếng, (khi ngáp phải lấy tay che miệng), hạn chế tối đa tiếng khua chén đũa, không hả miệng lớn lúc chờ đợi cơm, lúc xỉa răng phải che miệng lại. Trong cơm có sâu kiến phải kín đáo gắp ra chớ để người ngồi gần thấy. Trên bàn ăn có món ngon món không ngon, đừng sinh tâm tham, gắp món ngon nhiều, lấn phần người khác mà chê món dở. Cần món gì ngoài tầm tay, ra hiệu nhờ người khác chuyển giùm, chẳng nên gọi to nói lớn hoặc đứng dậy lấy thức ăn. Khi ăn không hà hít chắt lưỡi khen ngon chê dở, nên quán thức ăn để chữa bệnh ốm gầy. Khi uống nước nên rót ra bát, hai tay nâng bát lên uống chậm rãi. Ăn xong trước phải đợi mọi người cùng ăn xong, đứng dậy một lượt.
Sống trong gia đình hay trong chúng phải áp dụng đúng câu “Lợi hòa đồng quân”, nghĩa là phải chia nhường nhau hưởng dụng một cách công bình, không nên giành phần hơn.
3/ Cách Thức Thỉnh Tăng Và Cúng Dường
Phật tử có duyên sự muốn cung thỉnh chư Tăng hoặc cúng dường, trước hết phải thành tâm, mặc áo tràng, tay bưng khay lễ trên đặt phẩm vật cúng dường. Tác bạch thỉnh Tăng hoặc cúng dường theo đúng nghi lễ (lạy một lạy, đứng lên rồi quỳ xuống tác bạch, hoặc đứng trang nghiêm xá một xá rồi tác bạch). Sau khi chư Tăng đã nạp thọ, lạy ba lạy rồi lui ra.
Cúng dường Tam bảo là bổn phận của người Phật tử tại gia, nhằm góp phần hộ trì Tam bảo và hoằng dương Phật pháp. Khi cúng dường nên để tịnh tài vào một đĩa nhỏ đặt trên bàn, không nên cầm tiền trên tay hoặc nhét vào túi áo chư Tăng (thiếu lịch sự).
4/ Cách Mặc Y Phục
Người Phật tử nên mặc Y phục trang nhã, kín đáo vừa hợp tầm vóc, không quá chật hay quá rộng, không dùng những màu sắc sặc sỡ, bông hoa lòe loẹt, không mặc loại vải quá mỏng, không mặc Y phục kiểu cách kỳ dị, hở hang, khêu gợi.
Khi đến dự khóa tu Phật thất, tất cả đều phải mặc Y phục màu lam.
5/ Cách Giao Tiếp Với Mọi Người
Khi giao tiếp với ai phải giữ thái độ điềm đạm hoan hỷ, không nên quá niềm nở hoặc cười cợt lả lơi, phải thành thật ngay thẳng, nhu hòa khiêm tốn, không nói hớt, không dành nói, không đùa dai.
Khi nói chuyện với Thầy phải giữ lễ độ, đứng chắp tay hoặc đứng trang nghiêm, không nên cười giỡn hoặc nói lớn tiếng. Không kết tình cha mẹ, anh chị em với người xuất gia.
Khi gặp việc gì dù khó khăn rắc rối cũng phải giữ bình tĩnh ôn hòa, không tỏ vẻ cau có bực bội.
Phải biết giữ uy tín và danh giá của mình bằng cách không nói càn hứa ẩu. Đừng nói mập mờ để người ngộ nhận, rất có hại, phải biết lắng nghe và nói đúng lúc, nói đúng lý, không nói quá nhiều, không nói lớn lối khoe khoang, không nói chê bai, không nói đùa giỡn, không nói lời khích bác.
6/ Những Phần Phụ
- Khi lên chính điện cần lưu ý:
Khi vào lễ Phật, nếu đã có nhang cắm trong lư rồi không nên thắp thêm.
Không đứng trên chính điện mặc áo tràng.
Không tùy tiện đánh chuông, trống, mõ, khánh.
Không nên tranh giành chỗ ngồi.
Tay dơ bẩn không nên cầm kinh.
Khi ngáp phải che miệng.
- Bổn phận chúng trưởng:
Thường xuyên theo dõi săn sóc nhắc nhở chúng viên của mình như khi đau ốm, ăn ngủ phi thời, không giữ đúng oai nghi. Thường xuyên báo cáo lên Ban Tổ chức biết những việc cần thiết cũng như những điều không tự giải quyết được.
Ngoài ra khóa sinh phải sống đúng tinh thần Lục hòa. Không nên thấy lỗi người khác, phải thực sự đóng góp xây dựng để giúp đỡ người thiếu sót về phong cách đạo đức. Không nên bỏ mặc làm ngơ trước sự thiếu sót của người khác về mặt tác phong.
No comments:
Post a Comment