Thông tin tác giả:
Trần Văn Dũng, Phòng Khoa Học - Hợp tác quốc tế, Trường Cao Đẳng Nghề Thanh Niên Dân Tộc Tây Nguyên.
Địa chỉ: Số 594, đường Lê Duẩn, Phường Ea Tam, Thành phố Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk.
Website: http://cdntaynguyen.edu.vn
********************************************************************************
Nhân sự kiện vừa hoàn thành công tác kiểm
định của Trường và một số người nêu thắc mắc về “tiêu chí ” và “tiêu chuẩn”,
tôi viết bài này tổng kết kinh nghiệm của bản thân về công tác kiểm định chất
lượng dạy nghề. Việc đảm bảo chất lượng là một chuyên ngành
lớn. Bản thân tác giả là “ngoại đạo” lại chưa được tập huấn công tác kiểm định
chất lượng, thời gian kiểm định ngắn không đủ thời gian đọc các tài liệu liên
quan, nên cũng không dám “múa rìu”, chỉ là ghi lại để hệ thống lại những suy
nghĩ của mình, mong có dịp tìm hiểu kỹ hơn.
1. Chất lượng và kiểm định
chất lượng.
a. Chất lượng
Khi chọn mua bất kỳ một sản phẩm nào, yếu
tố chúng ta quan tâm hàng đầu là “chất lượng”. Sản phẩm của giáo dục cũng không
phải là một ngoại lệ. Khi cần chọn trường để theo học, cần tuyển dụng nhân sự …
chúng ta đều quan tâm đến các trường “có chất lượng”. Việc phấn đấu nâng cao
chất lượng đào tạo bao giờ cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất của bất kỳ
cơ sở đào tạo nào, thế nhưng chất lượng vẫn là một khái niệm khó định nghĩa,
khó xác định, khó đo lường, và cách hiểu của người này cũng khác với cách hiểu
của người kia [2].
Luật giáo dục đại học 2012 quy định các tiêu chí phân tầng và xếp hạng trường đại học như sau (a) Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học; (b) Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; (c) Cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; (d) Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; (đ) Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học [1]. Đây là tiêu chí phân loại – xếp hạng (ranking) một trường đại học nói chung, chứ không phải riêng khía cạnh chất lượng đào tạo. Theo tài liệu tập huấn tự đánh giá trong kiểm định chất lượng các trường đại học do Bộ giáo dục ban hành thì có các quan điểm về chất lượng đại học như sau: Chất lượng được đánh giá bằng (1) đầu vào, (2) “Đầu ra”, (3) “Giá trị gia tăng”, (4) “giá trị học thuật”, (5) “kiểm toán”. Cần lưu ý rằng đây là cách thức để đánh giá chất lượng của một trường đại học, chứ không phải là khái niệm về “chất lượng”.
Đầu vào được hiểu là một trường đại học có
các sinh giỏi, đội ngũ cán bộ giảng dạy
uy tín, có nguồn tài chính cần thiết để trang bị các phòng thí nghiệm, giảng
đường, các thiết bị tốt nhất (gọi chung là nguồn lực) được xem là trường có chất
lượng cao [2]. Quan điểm này có thể dùng để đánh giá chất
lượng của một trường đại học trong một khoảng thời gian dài, trên 5 năm, tuy
nhiên khó có thể đánh giá các biến động của Trường trong thời gian ngắn hạn.
Một trường đại học có thể rất có uy tín, và chỉ có sinh viên loại giỏi mới thi
vào trường đó. Trong trường hợp chất lượng đào tạo của trường này giảm sút thì
trong 1-2 năm đầu, vẫn là các sinh viên loại giỏi lựa chọn thi vào trường này
và số điểm tuyển sinh đầu vào có thể không phản ánh đúng thực trạng của trường.
Quan điểm đầu ra chỉ đánh giá “đầu ra” của quá trình, đó là mức độ hoàn thành
công việc của sinh viên tốt nghiệp hay khả năng cung cấp các hoạt động đào tạo
của trường đó. Nếu một trường mà các sinh viên tốt nghiệp ở đó đều có thể dễ
dàng kiếm được việc làm với thu nhập cao hơn so với sinh viên tốt nghiệp ở các
trường khác hoặc so với các thanh niên cùng lứa tuổi nhưng chưa tốt nghiệp từ
bất kỳ trường nào, trong cùng điều kiện làm việc thì chắc chắn đó là một trường
có chất lượng cao. Một số ý kiến cho rằng cần đánh giá sự thành công của cựu
sinh viên ở nhiều khía cạnh khác nhau, như mức độ đóng góp vào quá trình phát
triển của xã hội ….. chứ không nên đơn thuần tập trung đánh giá thu nhập, vì
một số cựu sinh viên có thể có thu nhập không cao, nhưng đóp góp rất to lớn vào
quá trình phát triển của địa phương, ví dụ như các bạn làm trong lĩnh vực thiện
nguyện, hoặc các bạn làm trong các đơn vị nhà nước, lương được xếp theo hạng –
ngạch. Việc thu thập thông tin của cựu sinh viên nên được thực hiện thông qua
các dự án đánh giá độc lập, hoặc thông qua văn phòng hội cựu sinh viên. Nhược
điểm của phương pháp này là quá trình đánh giá quá phức tạp nên ít có tổ chức
đánh giá nào theo đuổi phương pháp này. Quan điểm về “giá trị gia tăng” nhấn
mạnh vào sự khác biệt về trí tuệ và cá nhân của sinh viên. Nếu một trường dạy
nghề cho trẻ mồ côi với kết quả là các em này có thể kiếm được việc làm với thu
nhập đủ sống là một trường dạy nghề chất lượng cao, tuy nhiên những trường hàng
đầu thế giới thì không thể lấy mục tiêu “Sinh viên tốt nghiệp có thu nhập đủ
sống” là mục tiêu phát triển của mình. Quan điểm về “giá trị học thuật” cho
rằng trường đại học nào có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ đông, có uy tín khoa học
cao thì được cho rằng là trường có chất lượng cao. Uy tín khoa học của đội ngũ
giảng viên thường được đo lường bằng số lượng ấn phẩm khoa học (giới học thuật
gọi là “bài báo”) đăng trên các tập san có uy tín cao, là những tập san có bình
duyệt (những tập san không bình duyệt thì không được tính). Tập san có uy tín
càng cao, thì bài báo càng có chất lượng. Một chỉ số khác để đánh giá một bài
báo chất lượng là dựa vào chỉ số trích dẫn (citation ratio), càng nhiều người
trích dẫn thì bài báo càng có giá trị. Số ẩn phẩm khoa học không những được
dùng để đánh giá một trường đại học mà còn dùng để đánh giá năng suất lao động của
đội ngũ GS, TS của trường, một GS, TS nhưng có ít công bố quốc tế là GS, TS
không có uy tín cao. Một số nơi còn đánh giá uy tín của một trường đại học
thông qua tổng kinh phí được cấp cho trường đó, chủ yếu là từ các dự án cấp cho
trường, hoặc tỷ lệ tổng số tiền / số giáo sư, tổng số tiền / số sinh viên; bởi
họ quan niệm, giáo sư có tiền thì mới tuyển được sinh viên (thông qua việc cấp
các suất học bổng thạc sỹ, tiến sỹ). Quan điểm “kiểm toán” nhấn mạnh đến quá
trình đào tạo, đầu vào và đầu ra chỉ là các yếu tố phụ. Nếu kiểm
toán tài chính
xem xét các tổ
chức có duy trì
chế độ sổ
sách tài chính
hợp lý không,
thì kiểm toán
chất lượng quan
tâm xem các trường đại học có thu thập đủ thông tin phù hợp và những người ra quyết định
có đủ thông tin cần thiết hay
không, quá trình thực hiện các
quyết định về chất
lượng có hợp lý và hiệu quả không. Quan điểm này cho rằng nếu một cá
nhân có đủ thông tin cần thiết thì có thể có được các quyết định chính
xác và do đó chất lượng đào tạo được bảo đảm
Tài liệu tập huấn của Bộ giáo dục [2] dẫn định nghĩa của Tổ chức Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học quốc tế về 02 định nghĩa về chất lượng giáo dục đại học là (!)Tuân theo các chuẩn quy định, (!!) Đạt được các mục tiêu đề ra. Theo cách tiếp cận thứ nhất, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá chuẩn cho tất cả các trường và phân loại các trường theo 3 cấp độ - chất lượng tốt, chất lượng đạt yêu cầu, chất lượng không đạt yêu cầu.
b. Kiểm định chất lượng
Mặc dù khái niệm về chất lượng giáo dục là
không thống nhất, tuy nhiên hầu hết các ý kiến đều cho rằng kiểm định chất
lượng là cần thiết. Điều 17 Luật Giáo dục quy định: “Kiểm định
chất lượng giáo dục là biện
pháp chủ yếu nhằm xác
định mức độ thực hiện
mục tiêu, chương
trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc kiểm định chất lượng giáo
dục được thực hiện định kỳ trong phạm vi
cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục.
Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và
giám sát” [2].
Ở các nước, có thể có nhiều công ty độc lập
chuyên về công tác kiểm định chất lượng và xếp hạng các trường đại học
(university ranking). Điều cần quan tâm ở đây là khi đọc bảng xếp hạng các
trường đại học, chúng ta cần biết: (!) Xếp hạng theo tiêu chí nào; (!!) Phương
pháp đánh giá và (!!!) Tổ chức nào đánh giá. Tiêu chí đánh giá khác nhau cho ra kết quả
khác nhau. Ví dụ, Trường CĐN TNDT Tây Nguyên là trường đào tạo nghề cho thanh
niên dân tộc lớn nhất Việt Nam. Điều này chỉ dựa vào tiêu chí đơn giản là “tổng
số học sinh dân tộc theo học tại trường” và nó sẽ không đồng nghĩa với việc đây
là trường lớn nhất Việt Nam hoặc có chất lượng dạy nghề cao nhất Việt Nam. Có
nhiều tiêu chí do một trường đại học hay một công ty tự đề ra và cố nhiên nó
mang tính chất thiên lệch. Ví dụ tiêu chí đánh giá của Đại học Giao thông
Thượng Hải (GTTH)[10] đánh giá cao trường đại học có Số cựu sinh
viên đoạt giải Nobel và Fields. Đây rõ ràng là một tiêu chí thiên lệch, vì thực
tế có rất nhiều giải thưởng khác có giá trị cao tương đương và đương nhiên bộ
tiêu chí này bị nhiều người chỉ trích [10]. Ví dụ thiên lệch này có
thể liên tưởng đến “ông tổ” của nó là vua Hùng Vương với vụ án nổi tiếng: Sơn
tinh – Thủy tinh: Một người ở vùng núi và một người ở vùng sông nước, nhưng đề
bài lại là toàn bộ những thứ có lợi cho Sơn tinh !!!. Tổ chức nào đánh giá cũng
là vấn đề quan trọng. Đương nhiên, tổ chức đánh giá có uy tín càng cao thì kết
quả cáng đáng tin cậy.
Ở Việt Nam hiện nay đã có bộ tiêu chuẩn
thống nhất của Bộ giáo dục dùng cho việc đánh giá các trường đại học [4]
và phổ thông, bộ tiêu chí của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dùng để đánh
giá các trường dạy nghề [5]. Tuy nhiên mức độ phù hợp của các bộ
tiêu chuẩn và tiêu chí này chưa được một tổ chức độc lập nào đánh giá. Đánh giá về bộ tiêu chuẩn của Bộ giáo dục GS.
Nguyễn Văn Tuấn cho rằng “đây là những tiêu chuẩn về quản lí giáo dục hơn là
những tiêu chuẩn về đào tạo cấp đại học” [5]. Cần có đánh giá
khách quan tính phù hợp của các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá này. GS. Tuấn
nêu vấn đề “Nếu một đại học với 10.000 sinh viên và có 20.000 đầu sách, và một
đại học với 30.000 sinh viên và có 35.000 đầu sách, thì làm thế nào để so sánh
theo tiêu chuẩn trên” [10]? TS. Dung cũng nhận định “một trường đại
học có 35.000 đầu sách mà sinh viên không đọc chưa hẳn đã hơn những trường đại
học có 30.000 đầu sách mà có biện pháp khuyến khích sinh viên đến tham khảo” [6].
Cần nói thêm rằng chỉ số 6.1.a của Bộ lao động quy định “Trung bình có 10-15
đầu sách/người học” được đánh giá là một chỉ số quá cao đối với một trường dạy
nghề. Một khía cạnh khác là khi quy mô sinh viên tăng, có nhất thiết phải tăng
số đầu sách theo tỷ lệ thuận với số
lượng sinh viên, hay chỉ cần tăng số lượng sách để đáp ứng nhu cầu của sinh
viên? Tôi nghĩ rằng tiêu chuẩn 3.7 của Bộ Lao động về vấn đề nghiên cứu khoa
học không phù hợp để đánh giá trường cao đẳng nghề, mà chỉ phù hợp để đánh giá
trường đại học. Tất cả những vấn đề này cần có những nghiên cứu chuyên sâu để
có kết luận chính xác.
Một vấn đề khác của kiểm định chất lượng đào tạo là định tính hay định lượng. Kiểm định nhằm mục đích xếp loại các trường đại học, và khi đã nói đến xếp loại người ta hình dung ra tính định lượng của bộ tiêu chí. Ví dụ, trường đạt 95 điểm được xếp loại cao hơn trường đạt 90 điểm, hay chỉ là xếp hạng theo 3 cấp độ như trên, và các trường cùng cấp độ là xem như bằng nhau? Tuy nhiên, Kim Dung, 2008 [6], lại cho rằng các hầu hết các tiêu chuẩn kiểm định đều thiên về định tính hơn định lượng.
Cuối cùng, việc kiểm định chất lượng nhằm mục đích giúp cho các cơ sở đào tạo rà soát lại quá trình đào tạo nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, theo mô hình sau đây.
Hình 1: Vị trí của tự đánh
giá trong kế hoạch nâng cao chất lượng trường
đại học, cao đẳng và trung cấp
chuyên nghiệp [7]
Câu hỏi khác cần đặt ra là liệu quá trình kiểm định có thực sự mang lại cải tiến về chất lượng trong các cơ sở đào tạo? Tác giả chưa có đủ số liệu để trả lời câu hỏi này, nhưng thiết nghĩ đây là câu hỏi thú vị cho những ai quan tâm đến kiểm định chất lượng đào tạo.
Tóm lại, do có nhiều quan điểm khác nhau về chất lượng đào tạo, và sự phức tạp khi xây dựng bộ tiêu chí đánh giá nên nhiều tổ chức không đánh giá trực tiếp chất lượng đào tạo mà đánh giá gián tiếp thông qua các yếu tố bảo đảm chất lượng đào tạo như nguồn lực (Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên), quá trình quản lý đào tạo …
2. Đạt chuẩn và Xây dựng thương
hiệu
Không khó để nhận thấy rằng cả Bộ giáo dục và Bộ Lao động đều đang từng bước “chuẩn hóa” hệ thống đào tạo. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là các trường nên cố gắng “đạt chuẩn” hay là xây dựng thương hiệu nổi tiếng? Nói một cách khác, đạt chuẩn thì đã có thương hiệu chưa?
Câu trả lời nằm ở chổ, tùy vào cách hiểu
“đạt chuẩn”. Có người hiểu rằng đạt chuẩn tức là chất lượng đào tạo đã tốt rồi,
có người lại hiểu đạt chuẩn chỉ là nấc thang thấp nhất trong quá trình vươn tới
đỉnh cao chất lượng – đạt chuẩn chỉ là giấy thông hành cho quá trình xây dựng
thương hiệu. Các trường đại học hàng đầu thế giới, như Oxford và Cambridge là
các hình mẫu về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nếu áp dụng hình mẫu này để đánh
giá các trường khác, thì đa số các trường đều bị quy kết là kém chất lượng [2-
trang 155]. Như vậy, một trường đại học có thương hiệu nổi tiếng thì các
chỉ số đánh giá của họ vượt xa các chỉ số đánh giá thông thường. Câu hỏi này
cũng tương tự như câu hỏi Tiến sĩ, sự bắt đầu hay kết thúc? được đăng tải gần
đây trên báo điện tử Vietnamnet [8]. Một số người coi bằng Tiến sĩ
là kết thúc của quá trình khoa bảng, một số người chỉ coi Tiến sĩ là điểm xuất
phát của chặng đường mới, chặng đường nghiên cứu khoa học. Một người có bằng
Tiến sĩ nhưng sau đó không có công trình nào được công bố, thì bằng Tiến sĩ đó
không có giá trị. Câu chuyện một vị Giá sư ở Phần Lan bị chất vấn về vấn đề
trong 5 năm gần đây không có công bố quốc tế là một ví dụ thú vị cho vấn đề này
[9].
Một vấn đề khác là ở đây là chúng ta nên
tiếp tục tập trung đầu tư các trường hoặc các khoa đã đạt chuẩn và cơ bản đã
xây dựng được thương hiệu tốt thành các trường hàng đầu hay là tập trung nâng
cấp các trường chưa đạt chuẩn để tất cả các trường cùng đạt chuẩn? Câu hỏi cần
được nghiên cứu một cách nghiêm túc bởi các nhà hoạch định chính sách, nhất là
trong bối cảnh nước ta đang phấn đấu xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc
tế, hoặc các trường dạy nghề đạt chuẩn quốc tế.
3. Bàn thêm về từ tiêu chí và tiêu chuẩn
Bộ tiêu chí đánh giá của Bộ Lao động gồm 09 tiêu chí, mỗi tiêu chí bao gồm nhiều tiêu chuẩn đánh giá và mỗi tiêu chuẩn gồm 03 chỉ số đánh giá. Bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục gồm 10 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn lại được đánh giá bằng các khía cạnh khác nhau, và có một số tài liệu gọi là tiêu chí. Vậy tiêu chí là gì và tiêu chuẩn là gì?
TS. Dung trích dẫn “Cơ quan Kiểm định Chất
lượng Giáo dục Đại học sử dụng khái niệm tiêu chí chứ không phải là tiêu chuẩn.
Giải thích cho việc sử dụng thuật ngữ "tiêu chí" thay vì "tiêu
chuẩn", những người chịu trách nhiệm chính của HLC giải thích rằng từ
‘tiêu chuẩn' gợi cho chúng ta đến những khái niệm về ‘chuẩn mực'
(standardization), các ‘tiêu chuẩn tối thiểu' (minimum standards), điều mà các
trường đại học thường không đánh giá cao trong một xã hội đa dạng và phức tạp
như Hoa Kì. Những tiêu chí của HLC cho thấy khuynh hướng tôn trọng sự khác
biệt, đa dạng cũng như tính hướng tới người học và hướng tới việc hoàn thành sứ
mạng, hướng tới tương lai của các cơ sở đào tạo giáo dục đại học.” [6].
Các định nghĩa từ các từ điển:
- Tiêu chí là “Tính chất, dấu hiệu để dựa vào đó
mà phân biệt một vật,
một khái niệm, để phê phán nhằm đánh giá.”
[11].
- Tiêu chí được định nghĩa là: "Tính chất, dấu hiệu đặc trưng để nhận
biết, xem xét, hoặc phân loại một vật, sự vật"
- Tiêu chuẩn (Standard): A level of quality, skill, ability or achievement
by which someone or something is judged, that is considered to be necessary or
acceptable in a particular situations (LONGMAN DICTIONARY OF CONTEMPORARY
ENGLISH) – tạm dịch “Mức độ về chất lượng, kỹ năng, khả năng, hoặc thành tựu mà
dựa vào đó để đánh giá một người hay một vật và đực xem là cần thiết hoặc chấp
nhận được trong điều kiện bình thường”. Với nghĩa này, thường dùng kèm với low/
high standard – Chất lượng kém / tốt.
- Tiêu chuẩn là từ gần nghĩa với
tiêu chí, trong phạm vi dùng để đánh giá, phân loại một vật, sự vật nhưng
thường tiêu chuẩn được dùng theo nghĩa được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền
– như bộ Tiêu chuẩn Việt Nam do Viện Tiêu
chuẩn Chất lượng Việt Nam (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường
chất lượng) và các bộ, ngành tổ chức xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Như vậy, tiêu chí là dấu hiệu đặc trưng để
“đánh giá” và “phân loại”. Như đã đề cập ở trên, chúng ta có thể đánh giá
trường CĐN TNDT Tây Nguyên là trường có quy
mô lớn nhất trong cả nước về đào
tạo nghề cho thanh niên dân
tộc. Một ví dụ khác, trong các cuộc thi hoa hậu, đều có phần thi ứng
xử. Như vậy, ứng xử là một tiêu chí để đánh giá cái đẹp, ngoài cái đẹp hình
thể. Điều này có cần thiết không tùy thuộc vào quan niệm của từng người, từng
cuộc thi, hay đẹp chỉ đơn giản là đẹp. Một ví dụ khác, công ty google luôn có
cách tuyển dụng nhân viên theo sự sáng tạo hơn là kiến thức. Một sinh viên có
thể có thành tích học tập đáng nể nhưng có thể sẽ không vượt qua cách tuyển
dụng này. Như vậy “sự sáng tạo” là tiêu chí đánh giá của google.
Theo ý kiến cá nhân của tác giả, tiêu chí
được dùng để đánh giá một vấn đề, một đối tượng nào đó. Ví dụ, khi đánh giá một
cơ sở đào tạo nghề, có cần đánh giá “khía cạnh” có chổ ở nội trú cho sinh viên
không? Khía cạnh đánh giá ở đây chính là tiêu chí. Do đó, điều dễ hiểu là Bộ
Lao động đánh giá các trường nghề bằng hệ thống các tiêu chí. Khi đã xác định
“khía cạnh” đánh giá rồi, thì cần xác định đánh giá như thế nào? – đó là các
tiêu chuẩn.
Còn vấn đề tại sao Bộ giáo dục lại dùng
tiêu chuẩn thay cho tiêu chí? Tác giả cho rằng vì đã xác định rõ “tiêu chí”
đánh giá ở đây là chất lượng đào tạo. có thể hiểu cấu trúc như sau.
Đánh giá trường đại học:
Tiêu chí 1
…
Tiêu chí i.
Tiêu chí i+1: Chất lượng đào tạo
Tiêu chuẩn 1.
Tiêu chí con 1
...
Tiêu chí con n
…
Tiêu chuẩn 10.
Tiêu chí i + 2.
Một khía cạnh khác, đó là mong muốn “chuẩn hóa” như đã đề cập ở phần trước, nên Bộ giáo dục mới sử dụng “Tiêu chuẩn” vì Tiêu chuẩn mang tính chất được công bố bởi các cơ quan có thẩm quyền.
4. Một số kinh nghiệm thực
hiện tự kiểm định
Kiểm định nhằm hai mục đích: (i) Đảm bảo với những đối tượng tham gia vào công tác giáo dục rằng một chương trình đào tạo, hay một trường khoa nào đó đã đạt hay vượt những chuẩn mực nhất định về chất lượng; (ii) Hỗ trợ trường liên tục cải tiến chất lượng[2 – trang 165]. Các nguyên tắc thực hiện kiểm định là (1) Độc lập, khách quan, đúng pháp luật; (2) Trung thực, công khai và minh bạch [13].
Do là một thông tin chính thống cung cấp với xã
hội về chất lượng đào tạo của một cơ sở đào tạo, nên yêu cầu tiên quyết là các
thông tin được cung cấp phải mang tính trung thực cao. Thực tế cho thấy tâm lý
“cái gì có lợi cho trường thì đưa vào” là khá phổ biến. Điều này vi phạm tính
trung thực trong quá trình thực hiện kiểm định. Ở một khía cạnh nào đó, nhiều
người vứt rác ra đường, nhưng bản thân chúng ta toàn quyền quyết định mình có
nên vứt rác ra đường không?
Chức năng của kiểm định là hỗ trợ trường liên tục cải
tiến chất lượng, do đó những đánh giá thuộc dạng “có / không” không có nhiều ý
nghĩa. GS. Tuấn nhận xét “Bất cứ trường đại học nào cũng có thể viết thành một
phát biểu mang tính sứ mệnh (statement of mission) rất dễ dàng, nhưng viết ra
được câu đó, cố nhiên, không có nghĩa là trường đại học đó có "chất
lượng."” [10]. Một ví dụ khác, chỉ số 5.5.c của Bộ LĐ-TBXH quy
định “Định kỳ thu thập ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, người học nhằm
tổng kết, đánh giá và phổ biến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy và học”, thì
việc thu thập vài phiếu “thu thập ý kiến” làm minh chứng là hoàn toàn vô nghĩa,
khi không đi sâu phân tích, đánh giá các ý kiến đó, áp dụng các ý kiến hay vào
thực tế và đánh giá kết quả mang lại. Đó là chưa kể đến việc nhiều bản khảo sát
rất sơ sài và được làm “lấy được”, nên người được khảo sát chỉ làm qua loa. Kết
quả thông tin nhận được là thông tin sai.
Tóm lại,
đạt chuẩn kiểm định là một vấn đề quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Vấn
đề chính là xây dựng trường thành một thương hiệu nổi tiếng, trong đó xử dụng
công cụ kiểm định như một công cụ bảo đảm chất lượng. Một sinh viên, có thể
xoay sở để có thể thi đậu tất cả các môn học và tốt nghiệp ra trường, nhưng
chính kiến thức – kỹ năng và thái độ của sinh viên đó sau khi tốt nghiệp mới là
yếu tố then chốt; cũng vậy một trường có thể đạt được kết quả kiểm định cấp độ
3 – cấp độ cao nhất, nhưng chính chất lượng đào tạo thực sự mới là yếu tố sống
còn.
Tài liệu
tham khảo.
[1] Luật giáo dục
đại học, ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2012.
[2] Bộ giáo dục,
Tài liệu tập huấn tự đánh giá trong kiểm định chất lượng các trường đại học,
2009
[3] GS. Nguyễn Văn
Tuấn, Xếp hạng đại học: cần minh bạch hóa phương pháp, http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/545-xep-hang-dai-hoc-can-minh-bach-hoa-phuong-phap
[4] Bộ giáo dục và
Đào tạo, Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày
01 tháng 11 năm 2007
về việc Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại
học.
[5] Bộ LĐ – TB- XH,
Quyết định số 02/2008/QĐ-BLĐTBXH, ngày 17 THÁNG 01 NĂM 2008 về việc Ban hành
quy định hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường cao đẳng
nghề.
[6] TS. Nguyễn Kim
Dung, Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐHSP Tp. HCM. Phản hồi bài "Tiêu
chuẩn chất lượng giáo dục" của GS. Nguyễn Văn Tuấn, http://www.ier.edu.vn/content/view/93/162/,
2008.
[7] Bộ giáo dục và
Đào tạo, Hướng dẫn tự đánh giá trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên
nghiệp, 2008.
[8] Báo điện tử
Vietnamnet.vn, Tiến sĩ, sự khởi đầu hay kết thúc?, 2012. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/94585/tien-si--su-khoi-dau-hay-ket-thuc-.html.
[9] Báo điện tử
Vietnamnet.vn, Nỗi buồn của một vị giáo sư, 2012. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/93575/noi-buon-cua-mot-vi-giao-su.html
[10] GS. Nguyễn Văn
Tuấn, Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học, 2010. http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/543-tieu-chuan-chat-luong-giao-duc-dai-hoc.
[12] Vũ Cao Phan, Chữ và nghĩa:
Về hai từ kinh điển và tiêu chí, 2008. http://www.ngonnguhoc.org/index.php?option=com_content&view=article&id=149:ch-va-ngha-v-hai-t-kinh-in-va-tieu-chi&catid=29:bai-nghien-cuu&Itemid=39
[13]
Bộ LĐ-TB và XH, Thông tư 42/2011/TT-BLĐTBXH, ngày ngày 29 tháng 12 năm 2011, về Quy định về quy trình thực
hiện kiểm định chất lượng dạy nghề.
No comments:
Post a Comment