Viết bởi Tuệ Dũng |
Sân si và hận thù là hai người bạn thân thiết với nhau. Lúc còn trẻ, tôi đã có mối quan hệ khá gần gũi với sự sân si. Thế rồi, dần dần, tôi đã tìm ra được rất nhiều điều bất đồng đối với nó. Bằng cách sử dụng lương tri, cộng với sự giúp đỡ của lòng từ bi và trí huệ, giờ đây tôi đã có lý lẽ mạnh hơn để đánh bại được sân si. Có lẽ có hai loại sân si. Một loại sân si có thể được chuyển hóa thành một thứ cảm xúc tích cực. Chẳng hạn, nếu một người có động cơ chân thực, đầy lòng từ mẫn, và quan tâm đến ai đó mà họ lại chẳng thèm chú ý gì đến lời cảnh báo về các hành động của mình, lúc đó chẳng còn có chọn lựa nào khác ngoại trừ phải sử dụng đến một loại vũ lực nào đó để ngưng những hành động xấu của người đó lại. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu mỗi cá nhân biết nỗ lực, thì anh hay chị ta đều có thể thay đổi được cả. Dĩ nhiên, sự thay đổi chẳng phải một sớm một chiều mà cần phải có nhiều thời gian. Để thay đổi và đối diện với các cảm xúc, điều cốt lõi là phải phân tích xem những tư tưởng nào là hữu ích, có tính chất xây dựng, và có lợi cho chúng ta. Tôi muốn nói đến những tư tưởng làm cho chúng ta trở nên an nhiên hơn, thoải mái hơn, và những tư tưởng mang đến cho chúng ta cái tâm an bình, chứ không phải những tư tưởng tạo ra sự bất an, sợ sệt và giận dữ. Bên trong cơ thể là hàng tỷ tỷ phân tử khác nhau. Cũng giống như vậy, có rất nhiều tư tưởng khác nhau, cùng đủ thứ loại trạng thái ý thức (mạt na thức) khác nhau. Việc có một sự quán xét thật rõ ràng thế giới nội tâm và có một sự phân biệt giữa các trạng thái ý thức có lợi và có hại là điều quả thật khôn ngoan đáng làm. Một khi có thể nhận ra giá trị của những trạng thái thiện hảo trong tâm hồn, bạn có thể làm tăng chúng lên hoặc củng cố chúng. Đức Phật đã dạy về các giáo lý của Tứ diệu đế và những điều này tạo thành nền tảng cho Phật pháp. Đệ tam đế chính là diệt đế. Trong khuôn khổ này, sự diệt có nghĩa là trạng thái tâm hồn, tức ý căn, thông qua sự tu trì và nỗ lực, đã chấm dứt hết thảy các cảm xúc tiêu cực. Đó là một trạng thái trong đó cá nhân đã đạt đến tâm hồn viên mãn, thoát khỏi hệ quả của những cảm xúc, những ý thức khác nhau mang tính chất tiêu cực và phiền não. Trạng thái diệt đích thực, theo Phật giáo, chính là chỗ trú, nơi nương tựa mà hết thảy các Phật tử đang tu trì muốn tìm đến. Lý do khiến người ta muốn tìm kiếm nơi nương tựa ở Đức Phật chẳng phải vì Đức Phật ngay từ đầu đã là một con người đặc biệt, mà vì Ngài đã nhận chân được trạng thái diệt đích thực. Nói chung, theo kinh điển Phật giáo, một cảm xúc hay một mạt na thức tiêu cực đều bị coi là “trạng thái gây nên sự rối loạn trong tâm trí của một người”. Những cảm xúc và ý thức mang đến phiền não này chính là những yếu tố không tạo nên hạnh phúc và gây ra sự xao động trong lòng chúng ta. Tại một hội nghị khoa học mà tôi đã tham gia, người ta đã đi đến kết luận rằng ngay các vị Phật cũng có cảm xúc. Từ đó, karuma (lòng từ bi), tức lòng thương xót hay lòng tốt vô biên, có thể được coi như một loại cảm xúc. Tất nhiên, cảm xúc cũng có thể là tích cực hay tiêu cực. Thế nhưng, khi nói đến sân si, là chúng ta có ý nói đến những cảm xúc tiêu cực. Các cảm xúc tiêu cực là những cảm xúc tạo ra loại tâm trạng khổ sở, bực bội, khó chịu, những điều mà về lâu dài sẽ gây ra những nghiệp quả nào đó. Những nghiệp quả đó cuối cùng lại dẫn đến sự tổn hại, tổn thương cho người khác, và điều này mang đến sự đớn đau hay thống khổ cho chính mình. Đây chính là những gì chúng tôi có ý muốn nói về các cảm xúc tiêu cực. Trong con đường tu tập của Phật giáo Mật tông có những phương pháp quán tưởng cho phép biến đổi tinh lực của lòng sân si. Đây chính là lý do tiềm ẩn đằng sau các vị hung thần. Trên nền tảng của động cơ, sự từ bi, trong một số trường hợp, có thể trở nên có ích, bởi nó mang đến cho chúng ta thêm sức mạnh, và cho phép chúng ta hành động nhanh chóng. Thế nhưng, sự giận dữ thường dẫn đến thù hằn, và sự thù hằn luôn luôn là tiêu cực. Lòng sân hận là mảnh đất nuôi dưỡng ác ý. Tôi thường phân tích sự sân si dựa trên hai cấp độ: cấp độ con người và cấp độ của Phật. Từ cấp độ con người, không cần dựa vào bất kỳ truyền thống tôn giáo hay ý thức hệ nào, chúng ta cũng có thể nhìn ra nguồn cội hạnh phúc của chúng ta: sự khỏe mạnh, tiện nghi vật chất và những bằng hữu tốt. Bây giờ, nếu xét từ góc độ sức khỏe thì các cảm xúc tiêu cực, như lòng sân hận chẳng hạn, đều hoàn toàn không có lợi. Trạng thái tinh thần của bạn phải luôn luôn giữ được sự tĩnh lặng, dẫu có sự băn khoăn, lo lắng nào xảy ra chăng nữa, bởi sống trên đời tất cả phải có chuyện đó thôi. Giống như ngọn sóng vậy, trồi lên khỏi mặt nước và hòa quyện trở lại với nước, những xao động này rất ngắn ngủi, cho nên chúng không ảnh hưởng đến thái độ, tâm trí bạn. Nếu bạn giữ được sự bình lặng thì huyết áp và v.v… sẽ ổn định, kết quả là sức khỏe của bạn sẽ khả quan hơn. Một số bạn thân của tôi bị huyết áp cao, nhưng họ chưa bao giờ bị lâm vào cảnh cận kề với những nguy hiểm về sức khỏe và họ cũng chưa bao giờ cảm thấy bị mệt cả. Qua bao năm tháng, tôi đã gặp được một số hành giả hết sức tuyệt vời. Cùng lúc đó, tôi cũng có những người bạn khác luôn thoải mái về mặt vật chất, thế nhưng, khi chúng tôi bắt đầu trò chuyện với nhau, sau mấy câu xã giao ban đầu, họ bắt đầu than vãn và buồn nản. Mặc dù sung túc về mặt vật chất, nhưng những người đó lại không có được tâm hồn tĩnh lặng hay thư thái. Kết quả là họ luôn luôn lo âu về chuyện tiêu hóa, chuyện ăn ngủ của mình, đủ mọi thứ! Do đó, rõ ràng sự bình yên của tâm thức là một yếu tố hết sức quan trọng để có sức khỏe tốt. Nguồn cội thứ hai dẫn đến hạnh phúc chính là từ các tiện nghi vật chất của chúng ta. Đôi lúc, khi tôi thức dậy vào sáng sớm, tâm trạng của tôi chẳng mấy thoải mái, nên khi nhìn vào đồng hồ của mình, tôi cảm thấy thật khó chịu. Thế nhưng một ngày khác, có lẽ do những điều đã trải qua ở ngày trước đó, tôi thức dậy với tâm trạng phấn chấn, vui vẻ và bình thản. Lúc đó, nhìn vào chiếc đồng hồ, tôi thấy nó thật đẹp xiết bao. Mà cũng chính cái đồng hồ đó chứ nào phải cái nào khác đâu? Sự khác biệt như vậy xuất phát từ thái độ tinh thần của chúng ta. Điều đó cho thấy, dẫu sự sử dụng các tiện nghi vật chất có mang đến sự thỏa mãn đích thực hay không cũng đều tùy thuộc vào thái độ tinh thần của chúng ta cả. Nếu tâm trí của chúng ta đang chứa đầy sân si, các sở hữu vật chất của chúng ta cũng gặp vận rủi. Xin kể lại theo kinh nghiệm của bản thân tôi, khi còn trẻ, tôi cũng thường hay ngồi sửa đồng hồ. Tôi đã cố gắng và đã thất bại nhiều lần. Đôi lúc tôi mất cả bình tĩnh và đập cái đồng hồ đó! Trong những lúc như vậy, sự giận dữ đã làm thay đổi hoàn toàn thái độ của tôi. Sau đó tôi cảm thấy hết sức hối hận với hành động của mình. Nếu mục tiêu của tôi là sửa chiếc đồng hồ, thì tại sao tôi lại đập nó vào bàn? Một lần nữa, bạn cũng có thể thấy thái độ tinh thần quan trọng ra sao để tận dụng được các tiện nghi vật chất cho sự thỏa mãn hay lợi ích đích thực của mình. Nguồn cội thứ ba dẫn đến sự hạnh phúc chính là các bằng hữu của chúng ta. Điều đó rõ ràng là, khi tâm hồn bạn tĩnh lặng, an nhiên, bạn chân thực và cởi mở, tuy có bất đồng rất lớn về ý kiến thật, nhưng bạn vẫn có thể biểu thị, bày tỏ trên bình diện con người. Bạn có thể gạt sang bên những ý kiến bất đồng ấy và giao tiếp như những con người với nhau. Tôi nghĩ đó là một cách để tạo ta những cảm giác tích cực trong tâm trí của người khác. Tôi nghĩ rằng có nhiều giá trị hơn trong tình cảm chân chất của con người, so với hiện trạng và v.v… Tôi chỉ là một con người thuần túy. Thông qua kinh nghiệm và kỷ luật tâm thức, một thái độ mới nào đó đã nảy sinh. Điều này chẳng có gì đặc biệt cả. Bạn, người mà tôi nghĩ là đang có một nền học vấn tốt đẹp và có nhiều kinh nghiệm hơn tôi, có nhiều khả năng hơn để làm thay đổi nội tâm của chính mình. Tôi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ, nơi chẳng có nền học vấn hiện đại hay hiểu biết sâu sắc về thế giới. Cũng vậy, từ năm 15-16 tuổi, tôi đã có một gánh nặng bất khả tư nghị rồi. Một người trong số các bạn tất sẽ cảm thấy rằng mình có khả năng rất lớn; và với sự tự tin cùng đôi chút nỗ lực, chuyện thay đổi là điều thật sự có thể được nếu bạn muốn. Nếu bạn cảm thấy không hài lòng cách sống hiện tại của bạn và gặp một số khó khăn, thế thì đừng nhìn vào những điều tiêu cực này. Hãy nhìn vào mặt tích cực, khả năng, và hãy nỗ lực. Cũng vậy, khi nào chúng ta còn giao tiếp với đồng loại, khi ấy thái độ tinh thần của chúng ta vẫn còn là điều hết sức quan trọng. Ngay cả đối với người không theo đức tin nào cả, chỉ là một con người chân thực đơn thuần mà thôi, cội nguồn tối hậu của hạnh phúc cũng vẫn ở thái độ tinh thần của chúng ta. Mặc dù bạn có sức khỏe tốt, nhiều tiện nghi vật chất và có mối quan hệ tốt đẹp với người khác, thì nhân duyên chính yếu của hạnh phúc cũng vẫn là ở bên trong bạn. Bây giờ, bạn có thể biết làm thế nào để giảm thiểu sự sân si. Trước tiên, điều quan trọng là nhận chân tính chất tiêu cực của những cảm xúc này, nhất là sự thù hằn, căm ghét. Tôi coi sự thù hằn là kẻ thù tối hậu. Về chữ “kẻ thù” này, tôi có ý muốn nói đến con người hay yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp gây hủy hoại cho lợi ích của chúng ta. Lợi ích của chúng ta chính là tạo được sự hạnh phúc tối hậu. Giờ đây chúng ta cũng có thể nói về kẻ thù bên ngoài. Đối với kẻ thù bên ngoài, chúng ta có thể trốn thoát hay lẩn tránh khỏi, đôi lúc thậm chí còn có thể đánh lừa được nó. Chẳng hạn, nếu có ai đó gây xao động cho sự bình an trong nội tâm của tôi, tôi có thể tránh thoát bằng cách đóng cửa phòng lại và ngồi tĩnh lặng một mình. Thế nhưng, tôi không thể làm được điều đó với lòng sân si! Dẫu tôi có đi đâu, nó vẫn luôn có mặt. Mặc dù tôi có khóa trái cửa phòng của mình thì sự giận dữ vẫn vào được bên trong. Trừ phi bạn dùng đến một phương cách nào đó, còn thì chẳng thể nào thoát khỏi nó được cả. Do đó, sân và hận – và ở đây tôi muốn nói đến sự giận dữ tiêu cực – xét cho cùng chính là kẻ hủy hoại sự bình an nơi tâm hồn tôi, do đó là kẻ thù đích thực của tôi. Một số người tin rằng việc đè nén cảm xúc là không tốt, rằng tốt nhất cứ để mặc nó lộ ra. Tôi nghĩ có những khác biệt giữa các cảm xúc tiêu cực khác nhau. Chẳng hạn, với sự thất vọng, mọi sự chán nản nào đó đã nảy sinh như là kết quả của biến cố đã qua. Đôi khi, nếu bạn che đậy những biến cố tiêu cực, như chuyện lạm dụng tình dục chẳng hạn, thì dù muốn dù không điều này cũng làm nảy sinh ra những vấn đề. Do đó, trong trường hợp này, cách hay nhất vẫn là bày tỏ nỗi đau và cứ để mặc nó. Thế nhưng, đối với sự giận dữ, nếu bạn không có một nỗ lực để làm giảm nhẹ nó, nó sẽ vẫn còn bám theo cùng với bạn và thậm chí còn tăng lên nữa. Khi ấy, ngay với những sự cố nhỏ bạn cũng sẽ lập tức giận dữ. Một khi bạn cố kiểm soát hay kìm nén cơn giận dữ, thì khi ấy dần dần ngay những biến cố lớn cũng sẽ không khiến bạn giận lên được. Khi sự sân si xuất hiện, có một kỹ thuật quan trọng giúp bạn giữ được sự an nhiên trong lòng. Bạn sẽ không trở nên bất mãn hay thất vọng bởi đây chính là nhân của lòng sân hận. Có một mối quan hệ tự nhiên giữa nhân và quả. Một khi những nhân và duyên nào đó đã hội tụ đầy đủ, thật khó lòng có thể ngăn được quả luân (tiến trình kết quả không đơm bông kết trái). Điều cốt lõi chính là biết quán xét tình huống, sao cho ngay từ bước khởi thủy người ta có thể đặt được dấu chấm hết cho tiến trình tạo quả đó. Khi ấy, nó không còn tiếp tục bước tới giai đoạn kế tiếp được nữa. Trong quyển sách viết về Phật giáo, Guide to the Bodhisattva Way of Life (Chỉ nam sống theo hạnh Bồ Tát), đại học giả Shantideva (Tịch Thiên) có nói rằng, điều hết sức quan trọng là phải đảm bảo không bị vướng vào một tình huống làm dẫn đến lòng bất mãn, vì bất mãn chính là hạt giống của cây sân si. Điều này có nghĩa rằng người ta phải có một cái nhìn nào đó đối với các sở hữu vật chất, bằng hữu của mình, và đối với các hoàn cảnh khác nhau. Các cảm xúc bất mãn, không vui, sự mất hy vọng, v.v… của chúng ta thật ra đều thuộc về hiện tượng cả. Nếu không có cách nhìn đúng, thì bất cứ chuyện gì cũng đều có thể gây cho chúng ta sự thất vọng. Thế nhưng, hiện tượng là một phần của thực tại, và chúng ta phụ thuộc vào các quy luật của sự hiện hữu. Do vậy, điều này mang đến cho chúng ta một lựa chọn duy nhất: thay đổi thái độ của chính mình, cách nhìn đối với vạn vật, hết thảy các hiện tượng đều có thể là bạn bè hay nguồn cội của hạnh phúc, thay vì trở thành những kẻ thù hay cội nguồn của tâm trạng thất vọng. Về phương diện nào đó, việc có một kẻ thù là điều hết sức tệ hại. Nó gây rối cho sự bình lặng trong tâm hồn và phá hỏng một số điều tốt đẹp trong ta. Thế nhưng, nếu chúng ta nhìn nó từ một góc độ khác, chỉ một kẻ thù không thôi cũng mang đến cho chúng ta cơ hội để hành tập sự nhẫn. Không ai khác mang đến cho chúng ta cơ hội để có được sự nhẫn. Bởi chúng ta đâu có biết hết con người trên Trái Đất này, do đó chúng ta ít có cơ hội để có được sự nhẫn. Chỉ những người chúng ta biết, những người đang gây ra nhiều điều phiền não cho chúng ta mới thật sự tạo cho chúng ta dịp tốt để hành tập sự nhẫn nại và khoan thứ. Shantideva nói rằng chính chủ tâm làm hại chúng ta khiến kẻ thù trở nên hết sức đặc biệt. Nếu kẻ thù không có chủ tâm làm hại chúng ta, khi ấy chúng ta sẽ không xếp người đó vào loại kẻ thù, va do đó thái độ của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hẳn. Chính chủ tâm của anh hay chị ta mới khiến người đó trở thành kẻ thù, và bởi chính vì thế, nên kẻ thù đã mang đến cho chúng ta cơ hội để hành tập lòng bao dung và sự nhẫn nhục. Do đó, kẻ thù chính thực là một ông thầy quý báo. Bằng cách suy nghĩ theo những dòng luận giải như vậy, bạn có thể dần dần làm giảm đi các cảm xúc tinh thần tiêu cực, nhất là lòng sân hận. Một câu hỏi khác là, nếu bạn vẫn luôn luôn khiêm tốn và người khác có thể lợi dụng bạn, bạn nên phản ứng ra sao? Điều này thật hết sức đơn giản: bạn nên hành động bằng trí tuệ hay lương tri, không có sự thù hằn hay giận dữ. Nếu tình huống cũng không tốt dẫn bạn đến quyết định cần phải có loại hành động nào đó, thì về phần mình, bạn có thể – không chút sân hận – có biện pháp để phản hồi. Thật thế, những hành động như vậy – vốn tuân theo trí tuệ chân chính chứ không phải sự giận dữ – rất hữu dụng trong thực tế. Một biện pháp chống lại được đưa ra trong sự giận dữ thường dẫn đến những sai lầm. Với sự không sân si, không hận thù, chúng ta có thể thủ đắc một cách hiệu quả hơn. Có một cách hành nhẫn khác vốn liên quan hữu thức đến việc gánh vác những khổ não của người khác. Tôi đang nghĩ đến những tình huống mà trong đó, bằng cách tham gia vào những hoạt động nào đó, chúng ta hiểu được những gian truân, khó nhọc và phiền trược mà mình phải chịu liên lụy trước mắt, nhưng trong thâm tâm chúng ta tin rằng những hành động này sẽ có một hệ quả ích lợi lâu dài. Do thái độ, sự cam kết lẫn lòng ước muốn tạo ra lợi ích lâu dài của chúng ta, nên đôi lúc tự chúng ta đứng ra đón nhận –một cách hữu ý và có cân nhắc – những gian khó và phiền lụy vốn phải vướng vào trong ngắn hạn. Tôi dám hoàn toàn chắc chắn rằng nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 này ít cười, có lẽ tôi sẽ chẳng có được mấy bạn bè ở khắp mọi nơi. Thái độ của tôi đối với người khác là luôn luôn nhìn họ ở bình diện con người. Trên bình diện đó, dẫu là tổng thống, nữ hoàng hay hành khất cũng chẳng có gì khác biệt, miễn là có sự xúc cảm thật lòng bằng một nụ cười trìu mến đầy tình người.
Trích: Trí Tuệ Ngời Sáng Trong Cuộc Sống Đạt Lai Lạt Ma Việt dịch: Huỳnh Văn Thanh |
Wednesday, March 23, 2011
Thái Độ Ứng Phó Với Sân Si và Cảm Xúc
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment