Sunday, March 20, 2011

PHẬT TÁNH

 (Trích Thiền - D.T Suzuki)

Thích nữ Thuần Bạch dịch

Đức Phật buông bỏ hết dục lạc thế gian, vào rừng và học đạo với những bậc thầy lỗi lạc nhất vào thời đó. Nhưng sự học này là tri thức, tiếp thu bằng lý trí và không mang lại cho ngài lòng thâm tín về sự hiện hữu của thực tại. Do đó ngài không hài mãn về những cuộc thảo luận triết lý đó.

Ngài lui vào rừng tu khổ hạnh. Ngài nghĩ rằng khi chúng ta tham đắm vào thân, tâm trí sẽ quên mất mục đích. Và một tâm thức bận rộn và mê mờ không thể đạt đến mục tiêu. Vì thế ngài tiết giảm một cách tối đa những nhu cầu của thân. Ngủ thật ít, ăn thật ít và tiếp tục ngồi bất động trong những thời tọa thiền miên mật. Nhưng ngài đã không mãn nguyện. Vì nếu những nhu cầu của thân giảm thiểu từ từ thì sức khoẻ cũng theo đó giảm sút. Ngài không đứng dậy nổi khỏi chỗ ngồi vì đã quá kiệt sức. Chính trong sự sống mà con người đạt đến giác ngộ viên mãn. Do đó sự sống phải được bảo toàn đàng hoàng và điều này không thể thực hiện được nếu ta giảm thiểu những nhu cầu sống còn. Vì thế ngài ăn uống trở lại. Nhưng lòng khao khát đạt đạo vẫn duy trì. Ngài chưa biết đó là cái gì. Chỉ biết đó là một nỗi khao khát nội tâm. Sự học tri thức tỏ ra chưa đủ, cả đến sự ép xác cũng chưa đủ. Nhưng lòng khao khát vẫn còn đó. Ngài cảm thấy lo âu nhiều vì sự học tri thức cũng như khổ hạnh đã không thỏa mãn được nỗi khao khát đó. Ngài không biết phải làm sao. Ngài không còn biết phải tu trì cách nào. Ngài thôi không học theo lối tri thức nữa. Lãnh vực của trò chơi chủ thể và khách thể, sự phân hai này không thể nào đưa đến sự an tâm. Nếu chúng ta cố trở thành hoàn hảo về mặt đạo đức, ta sẽ đặt một bên là con người muốn có đạo đức toàn bích và bên kia là sự toàn bích. Như thế sự toàn bích sẽ không bao giờ đạt được. Vì khi chúng ta đạt đến một trình độ đạo đức toàn bích nào đó, từ trình độ này sẽ dẫn đến một trình độ cao hơn, toàn bích hơn nữa. Chúng ta sẽ không bao giờ toàn bích cả. Sẽ không bao giờ đạt được lý tưởng khi nào còn phân chia giữa người đi tìm sự toàn bích và chính sự toàn bích. Sự phân chia thực tại ra hai cái đối lập, chủ thể và khách thể, người nghĩ về một chuyện và chính chuyện đó, người đặt câu hỏi và chính câu hỏi … Sự phân chia đó, khi nào còn tồn tại, sẽ ngăn chặn mọi khả năng giác ngộ.
Lẽ dĩ nhiên, mọi điều trên chỉ là lý luận. Đức Phật thì không lý luận. Ngài chỉ cảm nhận một sự thôi thức nội tâm mà chưa rõ thực chất là gì. Ngài không còn hy vọng nữa. “Nơi mà không còn hy vọng là cơ may của chúa”. Người thiên chúa giáo nói như thế. Người thiên chúa giáo phân chia giữa chúa và con người. Do đó họ nói đến sự mất hết hy vọng là cơ may của chúa. Nhưng theo quan điểm của Đông phương trên sự vật, chúng ta không suy xét đến hiện tượng. Đức Phật không phí thì giờ trong những biện luận như thế. Ngài chỉ có khao khát và lòng khao khát này đã không được thỏa mãn chút nào. Khi trạng thái này xảy ra, ta ra khỏi ý thức thường tình và tính tương đối. Đức Phật chú tâm vào nỗi khao khát thúc bách này đến nỗi tự quên mình trong sự tham cứu. Sự tham cứu không còn cách nào tách rời khỏi ngài nữa. Ngài không còn cảm thấy khao khát nữa. Do đó ngài hiệp nhất với nỗi khao khát. Điều mà ngài tư duy lại chính là ngài và không còn là ý tưởng của ngài nữa.
Dĩ nhiên là ngài không nói ra mọi sự như tôi vừa nói. Chính tôi bình và giảng như trên. Khi trạng thái tâm thức này xuất hiện, tư tưởng đi đến sự bình đẳng, sự bình ổn, hay đúng hơn là một sự đồng nhất bản tính. Chữ bình đẳng ngụ ý đến tính đa dạng và tính hài hòa của vạn vật, nhưng trong trường hợp của đức Phật, không nên hiểu bình đẳng theo nghĩa đó. Bình đẳng là đồng nhất bản tính. Đồng nhất cũng không đúng nữa nếu ta muốn nói vật này đồng nhất với vật khác. Đối với Đức Phật, không có sự phân biệt giữa người tham cứu và đối tượng được tham cứu. Ngài hoà nhập vào bản tính tuyệt đối (Dùng thuật ngữ tư tưởng bình đẳng, tâm tịch tĩnh toàn mãn, hoặc tâm Bồ đề là để lý giải về tâm lý). hưng cần phải có một đột biến nào đó, tức là ngộ (satori) để thực hiện tâm thái trên. Do đó dù tâm thái đồng bản tính nằm sẵn trong mỗi người chúng ta, vẫn cần một sự thức tỉnh đột biến đặc biệt. Đó chính là thủy giác hoặc chứng ngộ. Và khi đã xảy ra, chúng ta nhận biết là chúng ta đang ở trong trạng thái giác ngộ, hoặc là bản giác. Vì thế khi đức Phật giác ngộ, ngài bảo lạ thay ai cũng có bản tánh của Như Lai. Mọi vật, không phải chỉ là loài hữu tình mà ngay cả đất đá vô tình, không chừa một ai … tất cả đều là Phật. Nhưng chúng sinh không tự nhận biết, phải cần đến thủy giác mới có thể nhận biết hiện trạng đó.
Một tăng hỏi thiền sư :
- Tôi có phật tánh không?
Sư đáp :
- Không
Tăng hỏi tiếp :
- Tôi nghe nói mọi vật đều có Phật tánh. Tại sao tôi lại không có.
Sư nhắc lại :
- Sâu bọ muôn thú cõ cây đất đá … tất cả đều có Phật tánh trừ ông.
Vị môn đệ thắc mắc :
- Tại sao tôi lại không
Sư trả lời :
- Vì ông khởi tâm hỏi
Câu hỏi chứng tỏ vị tăng không nhận biết mình đang có Phật tánh. Sự nhận biết tỉnh ngộ này là đột biến quan trọng nhất có thể xảy đến. Và chỉ xảy đến cho loài người. Như thế, chúng ta nói mọi vật, kể cả vật chất đều có sẵn Phật tánh, nhưng phải là con người mới hội được điều này.

No comments: