Đất nước có Cửu Long như chín con rồng ra biển thì Phú Yên cũng tự hào có sông Ba - con rồng kỳ vĩ và đơn độc, hùng tráng và lặng lẽ, nối biển xanh với đại ngàn hùng vĩ. Dòng sông quê hương là một dấu nhấn đầy ấn tượng trong sâu thẳm tâm hồn của người Phú Yên từ thuở nằm nôi đến lúc bạc đầu. Sông Ba gắn với những sự kiện nhiều chiều của tỉnh Phú Yên qua bề dày thời gian, chiều sâu cội nguồn và bề rộng nhân thế.
Phù sa sông Ba - Ảnh: HIẾU NGỌC |
Sông Ba chắt kiệt những giọt phù sa trải rộng màu xanh đôi bờ châu thổ để Tuy Hòa được mệnh danh là “vựa lúa miền Trung” - một giá trị mãi mãi không phai nhòa của nền văn minh nông nghiệp và vẫn còn lưu giữ giá trị hiện thực ấy trong chiến lược an ninh lương thực của thời kỳ công nghiệp hóa. Sông Ba đi vào thơ, ca, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh,... tạo một không gian văn hóa đặc trưng phả hồn vào giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của một vùng đất trên con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung
Không gian văn hóa ấy gắn liền với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác phi vật thể của nhân loại. Dòng sông chính và các phụ lưu cần mẫn tạo dựng và chuyên chở những giá trị văn hóa vượt không gian và thời gian, để lại cho thế hệ sau những bộ sử thi huyền thoại của các tộc người anh em trên địa bàn.
Lưu vực sông Ba với hơn một triệu người sinh sống luôn được các nhà hoạch định chính sách giành sự quan tâm nghiêm túc. Những chiến lược phát triển kinh tế xã hội của không gian lưu vực sông Ba đều tính đến tác động và giá trị lớn lao của dòng sông này, đặc biệt là trong chiến lược phát triển tăng tốc mang tính đột phá của tỉnh Phú Yên.
Những dự án hóa dầu, lọc dầu đồ sộ của vùng kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên đều dựa vào nguồn nước ngọt sông Ba và xa hơn, dự án Vân Phong cũng đặc biệt coi trọng giá trị nguồn nước sông Ba trong chiến lược phát triển.
Sông Ba là xương sống, là động lực để tạo dựng một tiểu vùng kinh tế đầy ấn tượng của Nam Trung bộ, là nơi những thuyền con bơi ra biển lớn, đối mặt với sóng gió thị trường thời hội nhập, là cửa ngõ của Tây Nguyên và những con đường xuyên Á ở Nam Trung bộ trong chiến lược liên kết vùng và hội nhập kinh tế ASEAN.
* * *
Về mặt địa danh, sông Ba còn gọi là sông Đà Rằng.
Người Chăm gọi sông Ba là sông Rarang, châu thổ sông Ba - đồng bằng Tuy Hòa - là vùng Rarang. Rarang là dòng sông lớn; Ra được biến âm Việt hóa là Đà - có nghĩa là lớn. Rang là con sông. Rarang hay Đà Rằng là con sông lớn. Quả thật vậy, Đà Rằng là con sông lớn nhất của vương quốc Chămpa cổ và cũng là con sông lớn nhất miền Trung.
Rarang (Đà Rằng) là dòng sông nối biển xanh với thượng nguồn, là gạch nối giữa đồng bằng và châu Thượng Nguyên của vương quốc Chămpa xưa
(Thủy Xá, Hỏa Xá - Tây Nguyên ngày nay). Bà con Ê Đê gọi sông Ba là Krôngpa (Krông: con sông, Pa: tên gọi).
Do giao thoa văn hóa Việt - Chăm, Việt - Ê Đê, sông Ba có hai tên gọi, từ đập Đồng Cam, nơi hợp lưu với dòng sông Hinh gần vị trí Thành Hồ (thành quân sự lớn nhất người Chăm ở Nam Trung bộ) - cửa ngõ châu Thượng Nguyên - trở về thượng nguồn được gọi là sông Ba (Krôngpa); từ đập Đồng Cam đến cửa biển được gọi là Đà Rằng (Rarang). Hai địa danh sông Ba và sông Đà Rằng cùng song song tồn tại như Mê Kông và Cửu Long ở Nam Bộ. Là con sông lớn nhất miền Trung, sông Ba dài hơn ba trăm cây số, bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Rô tỉnh Kon Tum. Sông Ba chảy qua huyện An Khê, Ajunpa (tỉnh Gia Lai) và chảy về biển Đông tại cửa Đà Diễn thành phố Tuy Hòa. Địa danh Đà Diễn bắt nguồn từ ngôi tháp Chăm cổ trên núi Nhạn thờ Thiên Y A Na (bà mẹ xứ sở - Việt hóa là Diễn Ngọc Phi). Tháp Thiên Y A Na hay Diễn Ngọc Phi chỉ là một và người Việt hay gọi ghép là tháp thờ “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi”. Bởi vậy, địa danh cửa biển Đà Rằng đối diện với ngôi tháp có tên là cửa Đà Diễn. Sông Ba có nhiều phụ lưu lớn, nhỏ. Đó là dòng sông Ajunpa bắt nguồn từ huyện Măng Giang (Gia Lai) hợp lưu với sông Ba tại thị xã Phú Bổn; sông Krông Năng Đăklăk), sông Cà Lúi (Phú Yên) cùng hợp lưu với sông Ba tại xã Krôngpa (Sơn Hòa - Phú Yên), Sông Hinh (KrongHing) bắt nguồn từ núi Mẹ Bồng Con (Vọng Phu) hợp lưu với sông Ba tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Ngoài ra còn có sông Con (Sơn Hà), sông Bơ (đổ ra sông Chùa) hợp lưu sông Ba ở hạ nguồn cuối dòng sông.
Trên dòng sông Ba, có nhiều công trình quốc kế dân sinh tầm vóc. Năm 1924, người Pháp xây dựng đập Đồng Cam với một hệ thống thủy lợi tự chảy, cung cấp nước tưới cho cánh đồng Tuy Hòa 25.000ha. Trên dòng sông Ba, người Pháp xây dựng cầu sông Ba (An Khê) trên quốc lộ 19, cầu Lệ Bắc ở Ajunpa (liên tỉnh lộ 7 - nay là quốc lộ 25), cầu Đà Rằng trên Quốc lộ 1A - cây cầu dài nhất miền Nam trước năm 2000.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Nhà nước ta xây dựng cầu Đà Rằng mới (2005) trên tuyến tránh Quốc lộ 1A, đang xây dựng cầu sông Ba trên tuyến dọc miền Tây Phú Yên, cầu Hùng Vương nối đôi bờ thành phố Tuy Hòa.
Sông Ba (và các phụ lưu) là dòng sông ánh sáng được các nhà khoa học quy hoạch xây dựng 9 công trình thủy điện với tổng công suất 657 MW tạo một sản lượng điện cho quốc gia 2847,8 triệu Kwh.
Dọc đôi bờ sông Ba là những nhà máy mía đường công suất lớn, chất lượng cao ở An Khê, Ajunpa, Sơn Hòa, Tuy Hòa,... là vùng nguyên liệu mía đường lớn nhất nước.
Dọc đôi bờ sông Ba là quốc lộ 25 (liên tỉnh lộ 7 cũ) và quốc lộ 29 nối Phú Yên với Gia Lai và Đăk Lăk. Người Pháp đã quy hoạch tuyến đường sắt lên Tây Nguyên dọc theo sông Ba nối Tuy Hòa - Buôn Mê Thuột và từ đó nối với Lộc Ninh - Sài Gòn. Những huyết mạch giao thông ấy đã và đang khởi động trong chiến lược phát triển đất nước.
Sông Ba đi vào lịch sử mở nước và giữ nước với dấu ấn con đường Tây tiến của dân tộc (thế kỷ XVII) ở Nam Trung bộ, chiến thắng Sông Ba - Trường Lạc bảo vệ vùng tự do Phú Yên trong chống Pháp và là dòng sông chứng kiến sự tháo chạy tán loạn của kẻ thù trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975.
* * *
Không phải ngẫu nhiên thầy Trần Sĩ - bậc đại thụ của ngành giáo dục Phú Yên chọn bút danh Đà Giang, cụ Đào Chuyên - người giỏi chữ Hán số một của tỉnh Phú Yên chọn bút danh Nựu Đà (núi Chóp Chài và sông Đà Rằng). Hai bậc danh sĩ đất Phú Yên nặng lòng và tự hào về dòng sông quê hương từ trong sâu thẳm trái tim đôn hậu. Sông Ba là nguồn cảm hứng vô tận của thơ, ca, nhạc, họa,... được khắc họa sắc nét qua câu chuyện “Thanh gươm ông Tú” trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, những “Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon” trong âm nhạc thời chống Mỹ... và nhiều tác phẩm có giá trị bền vững với thời gian.
Sông Ba lãng đãng chút sương khói Đường thi với những cánh buồm ngư phủ chìm ẩn trong sương ngược dòng trong mùa xuân biêng biếc, trải rộng trong nắng vàng xào xạc gió Nam cồ, e ấp trong trời thu thẳm thẳm và mênh mông sóng nước, cuồn cuộn trải phù sa cho đời trong mùa đông tím ngắt của quê nhà.
Thành phố trẻ Tuy Hòa trải rộng đôi bờ sông Ba đang thay da đổi thịt hàng ngày là kết tinh những giá trị kỳ vĩ của dòng sông trong chiều sâu cội nguồn.
Ngày xưa, Tô Đông Pha - nhà thơ đời Tống - bên Tàu - nhớ dòng sông quê Xích Bích (Xích Bích hoài cổ) đã từng cảm thán:
Đại Giang đông khứ
Lãng đào tận
Thiên cổ phong lưu
nhân vật
(Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Sông xưa đào thải hết anh hùng)
Sông Ba - Đà Rằng đâu phải là Xích Bích nhưng trong lòng tôi sừng sững một đại giang, bởi lẽ “kiếp dư nhân vật đào nan tận” (sóng không đãi hết người đã qua kiếp nạn - thơ Lương Khải Siêu), sóng nước sông Ba hiền hòa ngày đêm vỗ về chở che bao thân phận, chắp cánh cho những ước mơ bay cao bay xa và trong lòng những người xa quê như nhà thơ Phạm Cao Hoàng đã hơn một lần thổn thức nhớ sông quê trong chiều xuân xa xứ:
Chim ơi! Chim có về quê cũ,
Cho gởi lòng qua mấy bến sông.
BA ĐÀ RẰNG
No comments:
Post a Comment