Sunday, May 2, 2010

Bắt đầu đúng hướng

Đưa giáo lý nhà Phật vào trại giam

(Dân trí) - Với mong muốn giúp các phạm nhân chuyển hóa từ gốc rễ những bế tắc, điều chỉnh lại những nhận thức sai lầm, trong 2 ngày 30/4 và 1/5, Đại đức Thích Nhật Từ đã nói chuyện với khoảng 5.000 phạm nhân tại trại giam Phú Sơn 2 (Thái Nguyên).
Để ý thức rõ cảnh giới của chính mình
Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay có một ý nghĩa đặc biệt đối với các phạm nhân ở trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an. Đó không chỉ là việc công bố quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đợt I năm 2010, mà nơi này đã vinh dự được đón tiếp Đại đức - Tiến sỹ triết học Thích Nhật Từ - Phó Hiệu trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM và Đại đức Thích Nguyên Thành - Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Thái Nguyên.
Đại đức Thích Nhật Từ đang thuyết giảng tại phân trại số 4 - trại giam Phú Sơn vào sáng 30/4
Thượng tá Nguyễn Xuân Trường - Bí Thư đảng ủy, Giám thị trại giam Phú Sơn 4 cho biết: từ nhiều ngày trước, khi được thông báo sẽ có buổi giảng pháp, nhiều phạm nhân đã rất phấn khởi, háo hức chờ đợi bởi họ cũng đã từng được Đại đức Thích Nguyên Thành đến nói chuyện vào đầu năm ngoái.
Và lần này, thông qua Đại đức Thích Nguyên Thành, lãnh đạo trại giam đã mời Đại đức Thích Nhật Từ, người có kinh nghiệm giảng giải sâu sắc với hi vọng các phạm nhân sẽ có sự nhận thức và chuyển biến tốt hơn nữa.
Trong suốt 2 ngày 30/4 và 1/5, Đại đức Thích Nhật Từ đã đi hết cả 6 phân trại thuộc trại giam Phú Sơn 4 để thuyết giảng cho khoảng 5.000 phạm nhân. Có khi chỉ từ những câu chuyện rất đời thường, thậm chí chỉ là những bài hát, Đại đức Thích Nhật Từ đã khéo vận dụng giáo lý của Đức Phật thành một bài nói chuyện đạo đức nhẹ nhàng, sâu lắng.
Theo vị Đại đức, ở những trung tâm, trại giam không có sự luyện tập để chuyển hóa tâm thì sau khi hết thời hạn tù, nhiều anh em phạm nhân dễ tái phạm. Nhiều lúc nó như một bản năng, nhiều lúc lại như một sự bế tắc.
Bởi vậy, sự chuyển hóa nội tại sẽ giúp người ta vượt qua được sự bế tắc, qua được những cạm bẫy và họ cũng ý thức rõ được cảnh giới của chính mình, qua đó có ý thức rõ hơn cho chính mình và cho cộng đồng xã hội.
Các cháu nhỏ đang sống cùng mẹ trong trại giam đã được Đại đức hỏi thăm và tặng quà
Phạm nhân Bùi Thị Kim Thành (42 tuổi) ở phân trại số 4 đang chịu án 18 năm tù vì tội buôn bán chất ma túy xúc động cho biết: “Buổi giảng giáo lý nhà Phật thực sự rất có ý nghĩa và bổ ích với tôi, mang đậm tính nhân văn. Nó giúp tôi “ngộ” ra được chữ tâm và hai chữ “dừng lại”, từ đó giúp tôi nghĩ tới việc cải tạo tốt, hướng thiện mong được hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước”.
Hay như phạm nhân Phan Đăng Tuấn (55 tuổi) ở phân trại số 3, bị án tù 17 năm 6 tháng vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng chia sẻ: “Đây là lần thứ hai chúng tôi được nghe nhà sư giảng đạo. Bắt đầu từ những câu chuyện rất bình thường nhưng trong tôi là một phạm nhân cảm thấy tĩnh tâm lại, không bị vướng mắc nữa”.
Đạo nào cũng giáo dục con người đến cuộc sống tốt
Đại đức Thích Nhật Từ cho biết: Việc đưa thiện và các giáo lý vào trong các trại giam là công việc mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã được phổ biến ở nước ngoài. Mục đích của sự gắn kết này, thứ nhất là hỗ trợ cho những người làm công tác pháp luật để giúp các phạm nhân dừng lại những động thái phạm tội trong xã hội.
Mặt khác, năng lực của thiền giúp cho các phạm nhân chuyển hóa từ gốc rễ những bế tắc, những nhận thức sai lầm, từ đó họ điều chỉnh lại những nhận thức sai lầm.
Đại đức đang dạy cho các phạm nhân cách thiền...
... và nhiều phạm nhân đã làm theo
Sự luyện tập này làm cho phạm nhân cảm thấy lạc quan yêu đời, sau khi hết thời hạn “gỡ lịch” trong các trại giam, họ sẽ trở thành một con người hoàn toàn mới và cơ hội tái trở lại với đời sống quá khứ hầu như không đáng kể.
“Do đó, việc phối kết hợp để đưa các giáo lý vào trong trại giam không chỉ có ý nghĩa đạo đức rất lớn đối với các phạm nhân mà còn giúp cho công tác an ninh xã hội và các phương diện khác phát triển một cách rất tốt đẹp” - Đại đức nói.
Đây cũng chính là điều mà các cán bộ quản lý trong trại giam muốn hướng tới. Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, công tác cải tạo giáo dục phạm nhân là một chức năng, một nhiệm vụ lớn.
Từ con người phạm tội để trở thành một con người có ích trong xã hội gạt bỏ những lỗi lầm, những tư tưởng tiêu cực để về xây dựng với gia đình, cộng đồng là tiêu chí cuối cùng của Đảng và Nhà nước đề ra.
“Việc giáo dục phạm nhân cần có nhiều hướng tác động để cho họ được làm mới lại cuộc sống. Đạo pháp và đạo đời rất gần nhau. Theo tôi, đạo nào thì cũng giáo dục con người hướng đến cuộc sống tốt, đến chân - thiện - mỹ, giúp con người từ lỗi lầm trở về thành con người có ích cho xã hội…” - Thượng tá Trường lý giải.
Lan Hương

1 comment:

Anonymous said...

Việc này đã được thực hiện nhiều, và đã đạt được những kết quả khả quan - việc chúng ta suy nghĩ là tại sao chúng ta chưa thể áp dụng nó rộng rãi ở Việt Nam? Cán bạn có thể xem thêm link:
http://thuvienphatphap.com/diendan/showthread.php?4701-Thi%E1%BB%81n-vipassana-trong-nh%C3%A0-t%C3%B9

hoặc search google với từ khóa "thien vipassana trong tu"