Càng thần thánh hoá là càng xa Bác
"Chúng ta cũng thấy một khuynh hướng là thần thánh hóa Bác Hồ, nhưng càng thần thánh bao nhiêu càng xa vời bấy nhiêu. Chính con người thực của Bác mới vĩ đại, càng thực càng vĩ đại".
Con người càng thật càng vĩ đại
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bác đã mất hơn bốn chục năm rồi, cuộc đời họat động cách mạng của Bác thật vĩ đại,phong phú, nhưng chắc vẫn còn nhiều thông tin, tư liệu chưa được công bố, giới thiệu chính thức . Gần đây có 1 số thông tin của 1 số website, 1 số nhóm người cố tình công kích, bôi nhọ, làm giảm uy tín của Bác nhưng chúng tôi thấy hình ảnh của Bác vẫn không bao giờ phai nhòa, tuyệt đại đa số người dân Việt nam đều kính yêu Bác. Ngày kỉ niệm sinh nhật 120 của Bác, trong trái tim người Việt Nam vẫn dấy lên một tình yêu thương khôn tả.
Vậy trách nhiệm của chúng ta trong vấn đề này như thế nào? Chúng ta sẽ công bố những tư liệu, những thông tin chưa được biết về cuộc đời hoạt động của Bác hay sẽ đấu tranh như thế nào với những thông tin xuyên tạc của những người thiếu thiện chí kia? Đến nay đã 41 năm từ khi Bác mất. Các nhà sử học có ý kiến gì không?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Ở đây có 2 mặt của vấn đề. Thứ nhất, không biết quan điểm ông Lê Mậu Hãn thế nào, còn chúng tôi có một cái tạm gọi là nguyên tắc: Một là sử học phải nói lên sự thật, tất nhiên sự thật phải do mình nắm bắt được, có tư liệu và phương pháp... nhưng không phải sự thật nào cũng có thể nói ra. Chỉ có điều đã nói ra thì phải nói sự thật, đừng nói sai sự thật. Cái chỗ mà nhiều người nghĩ rằng tại sao các nhà sử học lại nghĩ rằng có những điều chưa thể nói ra là bởi vì ở đây chúng tôi nghĩ rằng không có khách quan nào là tuyệt đối cả mà nó luôn có tính mục đích mà sức mạnh lớn nhất của sử học là cái tính ngụ ngôn của nó, nó đóng góp gì cho sự phát triển ngày nay? Đó là chưa nói đến những vấn đề về khoa học, khoa học phải nói đến việc có đầy đủ bằng chứng...
Bản thân tôi mong muốn là mọi điều được bộc lộ ra hết nhưng điều đó phải đòi hỏi 1 quá trình. Vì thế các vấn đề lịch sử luôn gắn với vấn đề chính trị nên những vấn đề như ông Nguyễn Anh Tuấn nói như xuyên tạc... là những điều khó tránh trong cuộc sống bình thường. Nếu chúng ta công khai ra, có đấu tranh, có trao đổi, có tranh luận, phản biện với nhau nhưng đôi khi là ngại phức tạp, không muốn đặt ra công khai để có những cuộc tranh luận được gọi là sòng phẳng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc trong Bàn tròn trực tuyến trên VietNamNet (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Cùng với thời gian, chúng ta sẽ tiếp cận những điều đó một cách đầy đủ hơn vào một ngày nào đó. Và đương nhiên điều nhà báo nói cũng đặt ra trách nhiệm người làm sử và những người quản lí xã hội, ví dụ như vấn đề tư tưởng, văn hóa, khoa học thì chúng ta phải tự tin, phải mạnh dạn.
Bản thân mỗi con người có thể là 1 kho tàng vô tận những giá trị mà nếu chúng ta không khai thác thì chúng ta sẽ đánh mất đi 1 phần giá trị ấy. Hơn nữa nó cũng tạo ra những khoảng tối khiến người ta hiểu khác đi về đời sống con người. Nhưng đứng trên mặt cơ bản nhất thì phải nói là hình tượng Hồ Chí Minh thực sự có sức sống, có sức thuyết phục. Không phải chúng ta mà bạn bè chúng ta cũng công nhận, Còn có 1 bộ phận nào đó thì đó là điều khó tránh trong đời sống.
PGS Lê Mậu Hãn (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
PGS Lê Mậu Hãn: Sự thật luôn là sự thật nhưng việc trình bày sự thật khách quan, đúng đắn bao nhiêu, có lợi cho dân tộc là một việc rất cần thiết. Tôi muốn nói là người viết sử nước mình coi chừng người viết sử nước ngoài viết sử nước mình nhiều hơn nước mình.
Tôi cũng xem chỗ này chỗ khác trên mạng, nói xấu cụ Hồ mặt này, Đảng cộng sản mặt kia. Chúng ta nên kệ họ nhưng kệ họ không có nghĩa là chúng ta để cho họ nói, chúng ta nghiên cưú chính diện và thế giới chứng nhận cụ Hồ như thế nào thì chúng ta cũng đã biết.
Nguyên tắc của tôi là tư liệu thật chính xác thì tôi nói, tôi không thể nói khi không có bằng chứng. Chính nhà sử học sẽ phạm sai lầm nếu không căn cứ trên một văn bản cụ thể (một dữ liệu cụ thể). Chúng ta không cần phải tranh cãi nhiều bởi thực tiễn này đã được các nhà khoa học trên thế giới thừa nhận.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ngay cả ông Ngô Đình Diệm chưa bao giờ dám nhạo báng hoặc là phỉ báng, hạ thấp nhân cách Bác. Hoặc chính quyền Sài Gòn trước đây, khi Bác mất, họ cũng không có những câu hay bài phát biểu xúc phạm đến Bác.
ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ là không nên dùng chữ "dám", không phải là "dám". Nếu chính trị thủ đoạn thì họ có thể dám làm mọi chuyện. Nhưng có lẽ một sự thuyết phục nào đó của Bác và bản thân họ cũng nhận thức được.
Những chính khách có thể rất khác nhau về lợi ích, hệ tư tưởng nhưng cũng có những giá trị chung. Tôi cho là những người đó cũng có một lương tri nhất định.
Một tờ báo kể lại khi Bác Hồ sang Ấn Độ có người phỏng vấn Bác là ông Ngô Đình Diệm như thế nào. Bác đáp: Đây không phải là chỗ để tôi nói xấu ông ấy, ông Ngô Đình Diệm có cách yêu nước theo kiểu của ông ấy. Đấy là một các ứng xử rất thông minh của các chính khách thực sự.
Tôi cho là đấy cũng có giá trị chung của xã hội. Vì thế tôi nghĩ rằng chúng ta càng tự tin bao nhiêu thì chúng ta càng làm cho mọi người nghiên cứu về Bác Hồ nhiều bấy nhiêu, con người càng thật thì tôi cho rằng càng vĩ đại. Chúng ta cứ nghĩ rằng Bác Hồ phải như mình muốn chứ không phải là Bác Hồ như Bác có. Thực ra tôi là người nghiên cứu chưa sâu nhưng tôi thấy Bác Hồ như là Bác thật thì tôi lại còn thấy vĩ đại hơn là nhiều điều mà chúng ta nghĩ rằng có thể vĩ đại hơn cả sự thật.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Lệ Hà hỏi có hay không có tình trạng có người ca tụng và hô Bác muôn năm to nhất, đọc nhiều những điều hay về Bác nhất, nhưng với vị trí và trách nhiệm của mình trên thực tế đã làm được bao nhiêu trong khi Bác rất ghét nói suông và thói đạo đức giả. Phải chăng đó là do chúng ta chưa học Bác đến nơi đến chốn, giữa nói và làm chưa ăn nhập với nhau, khiến niềm tin của dân giảm sút?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Những niềm tin, giá trị tinh thần trong đời sống xã hội hết sức quan trọng, nhất là chúng ta được kế thừa một di sản của Bác Hồ gắn liền với thực tiễn và lịch sử cách mạng Việt Nam trong những năm qua, sống động, có sức sống to lớn. Nhưng trong khi đó, cuộc sống thay đổi rất nhiều, nên tôi nghĩ học Bác không phải là bắt chước Bác mà phải tiếp tục những tư tưởng của Bác, cũng như Bác tiếp thu tư tưởng của thiên hạ vận dụng vào Việt Nam, đưa những giá trị nhân loại vào đời sống.
TBT Nguyễn Anh Tuấn (bìa phải) với hai vị khách mời Dương Trung Quốc và Lê Mậu Hãn (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Nhưng ngược lại, chúng ta cũng phải thấy đời sống đang thay đổi nhiều. Chắc Bác chẳng mong muốn ai cũng đi mãi chiếc dép lốp, cuộc sống đi lên, đời sống phải tốt hơn. Thế nên khó nhất là vận dụng những tư tưởng, kể cả những bài học tấm gương của Bác, phải gắn chặt với thực tiễn đời sống, đặc biệt của thế hệ trẻ, hôm nay. Để thấy rằng con người của Bác không phải quá xa vời mà rất gần gũi.
Chúng ta cũng thấy một khuynh hướng là thần thánh hóa Bác Hồ, nhưng càng thần thánh bao nhiêu càng xa vời bấy nhiêu. Chính con người thực của Bác mới vĩ đại, càng thực càng vĩ đại.
Làm sao có thể học và làm theo thần thánh?
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta phải trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt , trong thông tin tuyên truyền đôi lúc phải thần thánh hóa để Bác là ngọn cờ hiệu triệu toàn dân tộc, nhưng giai đoạn đó đã lùi xa. Vậy theo ông chúng ta có cần nghiên cứu sâu và xem xét để làm sao thấy được Bác bình dị trong đời thường thế nào? Thực tế thì nhiều bạn đọc, nhiều thanh niên trẻ rất yêu mến kính trọng Bác nhưng họ thích nhìn Bác trong đời thường, không phải quá xa để họ không bao giờ với tới.
ĐBQH Dương Trung Quốc: Có lẽ đây là khiếm khuyết của bộ máy tuyên truyền của chúng ta, có thể trong đó có cả tôi và thầy Hãn đây, về cách làm cho hình tượng của Bác đi vào đời sống con người.
Tôi cũng băn khoăn, có một bộ phận người Việt Nam trong và ngoài nước, khi nhìn nhận lại tư tưởng của Bác thì họ không cảm nhận được, nhưng chính người nước ngoài lại có cái nhìn rất xác đáng. Bởi vì họ có sự so sánh với các nền văn minh khác, với các thần tượng khác của các thời đại khác nhau, nên họ thấy được giá trị lâu dài. Còn cách chúng ta tuyên truyền để công chúng tiếp nhận đôi khi quá khuôn vào một công thức mà không thấy bản thân mỗi người là khác nhau.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Ví dụ trong những bài Bác viết về giáo dục thiếu nhi, Bác phê phán rất nhiều việc chúng ta làm cho đám trẻ già đi, lão hóa quá sớm khi nhồi nhét cho chúng quá nhiều những điều xa lạ với tuổi tác và tâm lý của chúng. Bác đi vào những vấn đề rất tinh tế của đời sống.
Vấn đề ở đây là làm thế nào để hình tượng Hồ Chí Minh như một di sản văn hóa bền vững, đi vào đời sống. Đây là một bài toán cần quan tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay các bạn trẻ đang có rất nhiều thần tượng của thời đại hôm nay có thể lấn át những thần tượng mang tính truyền thống của dân tộc.
PGS Lê Mậu Hãn: Tổ chức học tập cụ Hồ là cần thiết. Nhưng phải chăng chúng ta mới chỉ học để biết, và người tuyên truyền nhiều khi cũng nói quá lời, thần thánh hóa.
Có người nói học Bác Hồ khó quá, Bác là lãnh tụ cao, tôi là dân bình thường học thế nào, nhưng học không phải để làm tất cả. Hôm qua Giám đốc Đại học Quốc gia cũng hỏi tôi: Trong nhà trường, giáo dục sinh viên học tập theo Bác Hồ thế nào? Tôi nói: Bác Hồ không có bằng cấp cao nhưng Bác Hồ tự học và học rất thông thái, những giá trị nhân loại tổng hợp trong óc cụ. Bây giờ nhà trường vận động sinh viên học cho giỏi, học từ người thông thái để đóng góp cho xã hội, đất nước, đưa dân tộc tiến kịp toàn cầu chính là học Bác. Khi vận động được tất cả sinh viên tôn trọng việc học và học được giỏi thì đấy chính là thắng lợi của học tập tư tưởng HCM.
Một con người có tầm nhìn lớn
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có lẽ thời gian cũng dài rồi, chúng ta đến phần cuối cùng là về Bác và thời đại, những tư duy của Bác gắn với thời đại là bài học cho chúng ta ứng xử ngày hôm nay, trong đó hiểu đúng thời đại, thấy thời cơ, thách thức, tạo ra thời cơ chứ không chỉ chờ thời và dùng thời, biến thách thức thành thời cơ chứ không chỉ tránh và vượt thách thức. Đó là những mệnh đề mà nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết lại về Bác. Các ông có ý kiến gì xung quanh mệnh đề này và chúng ta đã học được gì từ Bác ở điểm này?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Trước hết, Bác gắn với một sự nghiệp rất cụ thể của một thời đại rất cụ thể, không gian cụ thể không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà còn đối với nhiều sự nghiệp chính trị lớn hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng cái lớn của Bác là do tầm nhìn, trải nghiệm của Bác mà tư tưởng của Bác rất hiện đại, không chỉ gắn với thời đại lúc đó.
Hiện nay có một vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội đó là vấn đề người sống tranh đất với người chết. Ngay từ thời đó Bác đã nghĩ đến chuyện hỏa thiêu, sau này còn có điện táng. Điều đó cho thấy Bác đã nghĩ rất xa.
Trong một cuộc nói chuyện với đoàn kiến trúc sư năm 48, Bác đặt ra một mục tiêu, nhiệm vụ rất quan trọng là làm sao cho người nông dân có nhà của chính mình. Bởi vì Bác luôn nghĩ người nông dân là người hy sinh nhiều nhất, đóng góp nhiều nhất cho cách mạng nhưng lại ít được quan tâm nhất. Đương nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng cần quan tâm đến đô thị, hiện đại hóa... Ngay từ hồi đó Bác đã nêu vấn đề này nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn nhiều lúng túng với kiến trúc nhà ở của người nông dân.
TBT Nguyễn Anh Tuấn (bìa phải) với hai vị khách mời Dương Trung Quốc và Lê Mậu Hãn (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Tôi nghĩ là cái lớn của Bác là Bác có một tầm nhìn, vì thế, tôi nghĩ rằng, khi học tập Bác Hồ thì phải tìm được cốt lõi của nó, cốt lõi từ động cơ cho đến phương pháp tư duy. Làm sao con người đó có thể đạt được những điều đó.
Chúng ta có thể rút ra bài học to lớn, không phải là sự rập khuôn máy móc mà là khai thác để nó trở thành giá trị chung, đóng góp vào con đường phát triển của Việt Nam hiện nay.
Đương nhiên tôi nghĩ là rất biện chứng đời sống, Bác cũng là con người có những hạn chế và như thầy Hãn nói Bác cũng có những trách nhiệm lịch sử nhất định. Trên thực tế Bác cũng đã cũng đã có những hạn chế cả về nguyên lý lẫn cách hành xử của Bác. Những tinh thần, tư tưởng ấy phải trở thành bản lĩnh của con người hiện đại mà trước hết của những người lãnh đạo hiện đại nếu muốn tiếp tục đưa dân tộc ta theo con đường của Chủ tịch HCM.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bác đã lãnh đạo, cống hiến phần dân tộc của mình vào thời đại và hoàn thành nghĩa vụ với thời đại chúng ta đang sống, đóng góp với thời đại, nhân loại, đề nghị các nhà sử học làm rõ vấn đề này . Đảng ta hôm nay đã làm được gì ở khía cạnh này ?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Không phải ngẫu nhiên mà mệnh đề nghe rất mộc mạc đơn giản: Không có gì quý hơn độc lập tự do - không chỉ là hiện thực của Việt Nam mà tôi thấy rất nhiều dân tộc trên thế giới đều chia sẻ tư tưởng ấy. Tôi nghĩ rằng hiện thực phong trào dân tộc trong đó vai trò, tấm gương của Việt Nam, của chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận được sự khẳng định trên thế giới. Và càng đi sâu vào vấn đề lịch sử, càng nghiên cứu sâu càng sáng tỏ.
Tôi lấy thí dụ cụ thể như trách nhiệm chiến tranh Việt - Pháp năm 46 là ở đâu? Đương nhiên bộ máy tuyên truyền của bên này đổ cho bên kia. Nhưng rõ ràng cùng với thời gian, nghiên cưú tất cả các tài liệu thì người ta phải thừa nhận rằng cụ Hồ là người mong muốn hòa bình, muốn giữ quan hệ Việt - Pháp phát triển trong thời đại mới. Nhưng lại có thế lực này, thế lực khác thúc đẩy, buộc chúng ta phải cầm súng đấu tranh.
Ngay cả cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam cũng vậy. Tôi là người ngồi chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ông Mc. Namara, câu đầu tiên và câu cuối cùng được hỏi đi hỏi lại là có cơ hội nào bị bỏ lỡ không? Một câu hỏi rất giống câu hỏi của Xanh-tơ-ny trong cuốn sách viết về cuộc chiến tranh Việt - Pháp trước đó gần 30 năm. Đến bây giờ người ta phải thừa nhận rằng từ những hiện tượng như vụ tàu Maddox là họ dựng lên đến việc một số chính giới muốn thúc đẩy chiến tranh vì những lợi ích toàn cầu, vì những quan niệm chiến tranh hệ tư tưởng.
Hình ảnh trong Bàn tròn Trực tuyến diễn ra trên VietNamNet ngày 18/5/2010 (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Đôi khi chúng ta chỉ e ngại đôi chút sợ chạm chuyện này chuyện kia. Và theo quan niệm tập quán của nước ta, tôi thấy rất ít người đưa ra những quan điểm trái chiều ngược lại. Họ muốn đi sâu hơn nữa, chi tiết hơn nữa theo cách nhìn của họ, tôi cho rằng đó là chuyện rất bình thường trong công tác nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là về tiểu sử của một con người có tầm vóc lớn như cụ Hồ.
Mong ước của chủ tịch HCM vẫn còn nhiều điều dang dở
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Những vấn đề về dân tộc, dân chủ, thời đại, tư tưởng lớn của Bác, những hành trang, giá trị của Bác cũng như niềm tin của Bác để lại cho chúng ta niềm tin, là hành trang để Đảng chúng ta đi tiếp trong chặng đường mới, để xác định con đường đi , tương lai của dân tộc. Trước khi kết thúc, hai vị có cảm nhận, ước vọng gì trong dịp kỉ niệm lần thứ 120 năm ngày sinh của chủ tịch HCM ?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Nếu nhìn toàn bộ lịch sử, chúng ta cũng là lớp người được can dự vào lịch sử ấy thì phải nói rằng chủ tịch HCM là một nguồn lực, tôi không đề cập đến giá trị tinh thần, thực sự là động lực cho sự phát triển của đất nước. Rất tiếc rằng dân tộc chúng ta phải trải qua quá nhiều thử thách. Và tất cả mong ước của chủ tịch HCM vẫn còn nhiều điều dang dở.
Nên đối với riêng chúng tôi - những người làm nghề lịch sử, có điều kiện nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ hơn cùng với sự quan tâm của toàn xã hội - sẽ còn tiếp tục khai thác được rất nhiều bài học có ích cho sự nghiệp chung, không chỉ trong những trang sử mà ngay cả trong đời sống xã hội. Mong sao mọi người đều đến với chủ tịch HCM với "thực bụng" của mình thì chúng ta sẽ tìm thấy ở đó những kho tàng rất lớn. Đừng bao giờ đến với chủ tịch HCM như một công cụ. Như vậy chúng ta sẽ làm mất đi rất nhiều giá trị mà chúng ta đang được thừa hưởng.
PGS Lê Mậu Hãn và nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Mỗi dân tộc có quyền tự chọn lựa mô hình, con đường như thế nào đó là tùy từng dân tộc, chúng ta nên tôn trọng. Nắm vững nguồn cơ ấy với hiện thực, biện chứng thì chúng ta sẽ thành công và ngược lại ta gặp thất bại.
Trong thực tiễn lịch sử miền Bắc năm 1954 và từ 75, cả nước đã tăng cường đổi mới và đó chính là điều để ta phải suy nghĩ và chắc hẳn mọi người suy nghĩ. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, suy nghĩ thì phải có tổ chức, còn trách nhiệm suy nghĩ ấy hơn ai hết phải là các cơ quan, những bậc mà dân giao cho cầm quyền đất nước. Như anh Quốc nói, phát huy trí tuệ của toàn dân, đồng thuận thì sẽ tạo nên sức mạnh. Tôi hi vọng không chỉ ngày hôm nay, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh 120 của Chủ tịch HCM mà chúng ta sẽ còn tiếp tục làm những việc đó. Tôi nhớ một vị Đại tướng bên cạnh Bác Hồ cũng đã nhắc đến điều này. Hãy giữ vững ngọn cờ ấy cho hôm nay và mai sau.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cám ơn các vị khách mời, cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi. Có lẽ các vị khách mời đã kết hộ cho bàn tròn trực tuyến hôm nay. Nếu chúng ta thật sự, thực tâm đi theo tư tưởng của người, thực sự kính yêu người thì cần hiểu hiểu đúng, làm đúng những gì Người đã làm, đã dặn dò và để lại cho chúng ta. Dân tộc Việt nam tự hào có một lãnh tụ kiệt xuất như Bác Hồ. Xin trân trọng cám ơn các vị khách mời và xin được kết thúc bàn tròn trực tuyến hôm nay!
No comments:
Post a Comment