- Trong hai ngày (24 và 25/10) tại TP.HCM, TS.BS Phạm Tỵ, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Bình Định, kiêm Trưởng khoa Ngoại Thần kinh đã vào thăm khám cho hơn 10 bệnh nhân đã từng ra Bình Định để phẫu thuật điều trị bệnh động kinh.
Một trong số các bệnh nhân đó là chị Phan Thị Bạch Yến con gái của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS.BS Phạm Tỵ về những dư luận đang được “đồn thổi” về anh.
Tôi không quan tâm xuất thân bệnh nhân
Nhiều nơi đã từ chối điều trị cho con gái của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, người bị bệnh gần 50 năm mà họ đã “bó tay”, kể cả nước ngoài. Có phải anh thích “chơi nổi”?
Khi chữa bệnh, cứu người tôi không quan tâm bệnh nhân của tôi xuất thân từ đâu mà tôi chỉ quan tâm là bệnh nhân mình bị bệnh gì và tôi có thể làm gì để giúp họ khỏi bệnh.
BS Tỵ đang đi dạo cùng chị Bạch Yến |
Trước khi nhận lời phẫu thuật chữa bệnh cho chị Bạch Yến, tôi đã thăm khám và nghiên cứu kỹ bệnh của chị và tôi tin rằng tôi có thể chữa cho chị, mặc dù kết quả 100% thì không dám nói nhưng có thể đạt được 80%. Kết quả bây giờ các bạn đã gặp và nói chuyện với chị Bạch Yến một cách thoải mái.
Tại sao kết quả không phải là 100% mà chỉ có 80%?
Chị Bạch Yến là một trong những bệnh nhân động kinh có thời gian điều trị bệnh lâu nhất, 46 năm (vì trung bình thì bệnh nhân sống 20 - 30 năm).
Chị Bạch Yến bị bệnh từ năm 4 tuổi nhưng qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh thì chị không bị tổn thương cục bộ mà bị vắng ý thức, co giật toàn thân, dùng thuốc chống động kinh (độc bảng A) gần 50 năm nên cũng bị tác dụng phụ của các loại thuốc depakile gây rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu của bệnh nhân…
Nhưng tôi tin rằng tôi chữa được cho chị, tuy kết quả không đạt được 100% chỉ khoảng 80%, vì trong khoa học khó có thể nói trước điều gì. Cũng may mắn là ca phẫu thuật này thành công. Đặc biệt là với ca của chị Bạch Yến. Chị được mổ ngày 26/6/2009 và xuất viện ngày 22/8.
Dân tỉnh lẻ
TS.BS Phạm Tỵ, sinh năm 1965, quê quán Bình Định, bảo vệ luận án Tiến sĩ. năm 1998. Năm 1995-1996, năm 2000 và năm 2004-2005 du học tại Pháp, năm 2006 làm giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Bình Định đến nay. |
Nghe nói Bệnh viện Bình Định đã gắn camera theo dõi buồng bệnh của con gái của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải?
Đúng là có chuyện đó, nhưng đó chỉ là để bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân chứ hoàn toàn chúng tôi không có ý gì khác.
Sau phẫu thuật cho chị Bạch Yến khoảng 4-5 tuần, thì tại tỉnh Bình Định dư luận “xôn xao” là con gái bác Sáu đã về lại TP.HCM và hết hy vọng rồi, bị liệt nằm 1 chỗ đang hấp hối, chồng đang ôm khóc thảm thiết trên gường… do BS Tỵ mổ thất bại.
Tôi và các đồng nghiệp trong bệnh viện rất ngạc nhiên và thấy có gì đó không ổn nên đã “bí mật” gắn camera để bảo vệ bệnh nhân, chứ không dám chuyển bệnh nhân đi chỗ khác hay thông báo cho gia đình bác Sáu biết, sợ gia đình lo lắng và mọi chuyện lại phức tạp lên.
Tôi thấy bác Sáu (tên thường gọi thân mật nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) gọi đùa anh là “dân tỉnh lẻ” sao anh liều khi dám nhận lời điều trị cho con gáí bác ấy, hay để anh nổi tiếng?
Ồ! Đúng, tôi là dân tỉnh lẻ mà, nhưng tôi cũng được đào tạo bài bản tại các trường danh tiếng trong và ngoài nước đấy chứ.
Không chỉ có như vậy, bệnh viện chúng tôi cũng có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác chuyên môn của chúng tôi như hệ thống định vị mổ sọ não, kính hiển vi phẫu thuật, máy chụp MRI, CT… Nhưng tôi chữa bệnh cứu người chứ không phải vì danh tiếng.
Chỉ khuất phục trước lương tâm của mình
Nhưng tôi thấy anh “nổi tiếng” đấy chứ vì được “lên báo” và Bộ Y tế quan tâm?
Thật sự chuyện “lên báo” hay Bộ Y tế quan tâm không làm tôi buồn. Tôi chỉ buồn cho “đồng nghiệp” tôi, một người cũng rất giỏi chuyên môn nhưng đã không góp ý hay trao đổi thẳng với tôi về chuyện phẫu thuật thần kinh chức năng này mà lại đi gửi đơn thẳng lên Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng như cung cấp thông tin không chính xác cho báo chí.
BS Tỵ chụp hình lưu niệm với gia đình nguyên Thủ tướng |
Ngay sau đó tôi về nước và tổ chức hội thảo cũng như làm tường trình gửi cho Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tất cả các thông tin về 55 bệnh nhân mà tôi đã phẫu thuật điều trị.
Ngày 10/10 tôi tổ chức hội thảo về phẫu thuật thần kinh và đã có gửi thư mời, fax và điện thoại cho “đồng nghiệp” đã gửi đơn cho Bộ đến tham dự để đóng góp ý kiến, tuy nhiên, vị này không đến tham dự.
Vậy, bây giờ Bộ Y tế có cấm anh phẫu thuật chữa động kinh nữa không?
Hoàn toàn không có chuyện đó. Nhưng tôi tạm thời không làm mà chúng tôi tập hợp và nghiên cứu lại tất cả những ca chưa được như ý để tìm ra những hạn chế, nhằm khắc phục và hoàn thiện hơn cho những ca mổ sau này.
Nhưng cũng nghe nói là anh sẽ ra nước ngoài sống sau vụ này?
Xin khẳng định là tôi vẫn ở lại Bình Định làm việc, chứ không đi định cư như những lời đồn đại. Nếu đi thì tôi đi từ lâu rồi không phải đợi đến bây giờ. Người quân tử chỉ biết khuất phục trước lương tâm của mình mà thôi. Do vậy, những tin đồn không làm cho tôi gục ngã.
Xin cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục mang đến nhiều niềm hạnh phúc cho người bệnh.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Con gái tôi đã gần bình phục sau gần 50 năm mắc bệnh động kinh. Gia đình đã cho chạy chữa khắp nơi từ Nam ra Bắc, ra nước ngoài, thậm chí là chữa cả các thầy lang nhưng gần 50 năm bệnh tình của con gái tôi vẫn không khỏi mà ngày càng nặng hơn. Đến nay, sau hơn 3 tháng, con gái tôi đã khỏi được 80%, thi thoảng còn những cơn động kinh nhẹ thoáng qua nhưng cháu ăn uống tốt, tăng được 7 cân và khỏe mạnh bình thường chứ không như một số lời đồn thổi rằng cháu bị hôn mê hay chết. Tôi rất lấy làm buồn lòng vì những thông tin thiếu tính khách quan vừa qua". |
- Bùi Hương (thực hiện)
No comments:
Post a Comment