Một buổi đối thoại giữa các du học sinh và những người Việt thành đạt - Ảnh: Thục Minh |
Trăn trở
Mỹ Hương - tốt nghiệp ngành tài chính tại ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) hồi tháng 6.2009 và đang làm việc tại văn phòng Singapore của tập đoàn tư vấn rủi ro Control Risks (Anh), băn khoăn đặt câu hỏi: “Các cô chú có khuyên con nên trở về VN làm việc không?”. Mạnh Khôi, đang theo đuổi chương trình sau ĐH ngành Luật tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS), cũng đắn đo: “Em có thể đóng góp gì cho VN? Sau khi học xong, em nên ở lại Singapore làm việc hay về nước?”...
Câu hỏi tương tự gần như được lặp đi lặp lại trong 4 buổi đối thoại diễn ra gần đây giữa du học sinh VN với những bậc cha chú. Họ là những người Việt từng đỗ đạt ở những ĐH danh tiếng Âu - Mỹ, từng sống và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, rồi về an nghiệp tại Singapore và quây quần dưới một tập hợp trí thức có tên VN 2020, như: ông Võ Tá Hân - thành viên ban quản trị của Tập đoàn bất động sản City Development Ltd. (Singapore); ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Capital Intenational Inc, một công ty con của Capital Group Companies (Mỹ); luật gia Đặng K.Minh; chuyên gia tư vấn toàn cầu về chiến lược và quản trị doanh nghiệp Albert Antoine; tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng dạy tại NUS...
Thật ra, đối với những du học sinh được Singapore cấp học bổng, cơ hội làm việc và ổn định tại Singapore hay một quốc gia khác là khá dễ dàng. Sau khi tốt nghiệp và tìm được việc làm (một số du học sinh thuộc dạng bị buộc phải làm việc tối thiểu 3 năm tại Singapore và trả nợ một phần chi phí học tập trước đó), họ nhanh chóng nhận được thư mời trở thành đối tượng thường trú vĩnh viễn từ Chính phủ Singapore. Làm việc tốt vài năm, họ dễ dàng trở thành công dân của xứ đảo quốc sư tử.
Dù vậy, trong tâm thức người Việt, không mấy ai dễ dàng chấp nhận kiểu sống “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng”, trong bối cảnh mảnh đất chôn nhau cắt rốn còn xuất khẩu nhiều tài nguyên thô, cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ... như tiến sĩ Vũ Minh Khương nhận định. Đồng cảm với những trăn trở của lớp đàn em, anh Albert, một người mang cái tên Tây 100%, khẳng định: “Là người VN, trước sau gì chúng ta cũng đóng góp cho đất nước, bằng cách này hay cách khác”.
Những rào cản
Trong lúc khuyên thế hệ trẻ rằng hãy học tốt, hãy làm việc chăm chỉ và học hỏi kinh nghiệm, hãy đóng góp “bằng cách này hay cách khác”... thì chính các bậc cha chú cũng bế tắc khi phải trả lời câu hỏi: “Có nên về VN?”. Anh Albert quan sát thấy ở VN có một sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường lao động ở khu vực nhà nước. Đôi khi, việc tuyển người không tùy vào năng lực mà bằng các mối quan hệ... Điều đó khiến những tài năng được đào tạo ở nước ngoài cảm thấy thiếu tự tin. Mặt khác, cơ chế sử dụng “đúng người đúng việc”, phù hợp với năng lực, và chế độ lương bổng trong khu vực công của ta còn nhiều điều bất hợp lý, nên những người có năng lực, được đào tạo bài bản dễ cảm thấy nản chí và rút lui sau một thời gian làm việc.
Nhưng ông K.Minh thì cho rằng khu vực tư nhân và “có yếu tố nước ngoài” là nơi mà tài năng có đất dụng võ. Ông nêu trường hợp luật sư Lê Hoài Nam, người tốt nghiệp ngành luật tại Mỹ, làm việc cho hãng luật Shearman & Sterling tại New York và Singapore. Khi trở về VN, ông Nam tham gia Trung tâm trọng tài quốc tế VN, và được ngân hàng đầu tư Nomura (Nhật Bản), văn phòng tại VN, chọn vào một vị trí công tác chiến lược. Ông K.Minh cho rằng trong trường hợp này có yếu tố may mắn, và dẫn lời ngôi sao truyền hình Oprah Winfrey: “May mắn là sự gặp gỡ giữa sự chuẩn bị và cơ hội”.
Song, xét cho cùng, nếu những tài năng được đào tạo bài bản ở nước ngoài, khi trở về VN phải chờ đến “may mắn” trong khu vực ngoài quốc doanh như ông K.Minh đơn cử, thì chúng ta nhất thiết phải xem lại chính sách nhân lực của mình. Trong lúc Singapore mở rộng cửa cho tài năng nước ngoài như lãnh đạo của họ khẳng định trước công chúng, và nước Mỹ thịnh vượng như ngày nay là “nhờ vào trí tuệ của người nhập cư có tài năng” như nhận xét của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, mà VN còn chưa có một cơ chế để thu hút người giỏi đang phân tán nơi này nơi kia là một điều đáng để suy nghĩ.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
No comments:
Post a Comment