Một tuần - 3 bức "tâm thư"
16/01/2009 09:06 (GMT + 7)
(TuanVietNam)- Đó là 3 bức thư của ba nhân vật ở những cương vị khác nhau và thật tình cờ, mỗi bức thư mang đến một thông điệp riêng qua góc nhìn của "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này.
Trợ cấp khoảng ba tháng lương cho người mất việc
Khi mối lo ngại về tình trạng thất nghiệp trong năm 2009 có thể sẽ tăng trên 5%, với khoảng 3 triệu người, ông Đặng Quang Điều (phó trưởng Ban chính sách KT-XH, Tổng Liên đoàn Lao động VN) đề xuất chính sách trợ cấp cho người lao động bị mất việc làm trong năm 2009 (khi chưa chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp):
Ông Đặng Quang Điều (Ảnh: Tuổi Trẻ)
"Làm sao mỗi người bị mất việc làm được trợ cấp khoảng ba tháng lương để đỡ khó khăn trong thời gian đầu bị mất việc làm". Nguồn tiền này sẽ lấy từ ngân sách nhà nước.
"Theo tính toán, trong năm 2009 có khoảng 150.000 lao động bị mất việc làm, ước tính trợ cấp trung bình ba tháng lương cho một lao động bị mất việc thì sẽ cần khoảng 900 tỉ đồng. Số tiền này không phải lớn lắm với ngân sách", ông Điều nói.
Bà Nguyễn Thu Hương, viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội, cũng nói lúc này rất cần đến "những chính sách an sinh xã hội để tạo ra “giá đỡ” cho người lao động" (Tuổi Trẻ, 2/1)
"Sử dụng cán bộ miễn là họ được quần chúng tôn vinh"
Ông Nguyễn Đình Hương (Ảnh: Tuổi Trẻ)
"Thật đáng trân trọng vẫn có quan điểm sử dụng cán bộ có đủ cả đức, tài, không phân biệt thành phần xuất thân, không phân biệt trong Đảng và ngoài Đảng, không phân biệt quá trình công tác dài hay ngắn, không phân biệt cấp ủy hay không cấp ủy, miễn họ là người được quần chúng tôn vinh thừa nhận, được đồng nghiệp đồng tình ủng hộ, mạnh dạn sử dụng họ đúng sở trường và kinh nghiệm của từng cán bộ".
Phát biểu của nguyên Phó ban Tổ chức Trung Ương Nguyễn Đình Hương sau Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) diễn ra từ 5 -13/1/2009.
"Cần tạo ra sự cạnh tranh trong cán bộ, tránh để lọt người có đức, có tài, tránh hiện tượng chạy chức, chạy quyền, khắc phục tệ thân quen cánh hẩu, cục bộ địa phương, cha làm quan đưa con vào lãnh đạo, dẫn đến sử dụng cán bộ không đủ tiêu chuẩn, uy tín thấp, làm việc kém hiệu quả, dân mất niềm tin". (VietNamNet, 14/1)
Những điều ông Hương nói thực ra là không mới, nhưng hy vọng có thể mới ở cách làm tới đây, trước hết trong các cơ quan công quyền.
"Tôi đề nghị Thủ tướng cho dừng triển khai các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên"
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Nội dung bức thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng để góp ý về việc thực hiện dự án bô xít tại Tây Nguyên.có đoạn: "Việc xác định một chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng. Tôi đề nghị Thủ tướng cho dừng triển khai các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và báo cáo Bộ chính trị chỉ đạo tiến hành các nghiên cứu vĩ mô cần thiết làm căn cứ cho mọi quyết định".
Đại tướng cho biết, từ đầu những năm 80, trong chương trình khảo sát bô-xít ở Tây Nguyên, các chuyên gia Liên Xô đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam không nên khai thác bô xít tại đây do tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư tại chỗ, và cả dân cư vùng Nam Trung bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không khai thác bô xít, mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp trên Tây Nguyên.
Nay cũng vậy, và theo Đại tướng, “chúng ta cần xem xét các dự án này một cách khách quan – cần đánh giá lại quy hoạch khai thác bô xít trên Tây Nguyên đến năm 2025”.
Trước những góp ý tha thiết của các giới khoa học, nhà hoạt động xã hội và những nhà cựu lãnh đạo tâm huyết như Đại tướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Chính phủ sớm tổ chức một hội thảo khoa học quy tụ rộng rãi các cơ quan, bộ ngành, giới khoa học, nhà đầu tư...để bàn thảo kỹ về dự án đang gây tranh cãi này, đồng thời có báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị.
Công luận hy vọng, Chính phủ sẽ sớm có quyết định đúng đắn đối với vấn đề này, như Thủ tướng đã từng quyết liệt bác dự án đầu tư nhà máy thép trị giá gâầ 10 tỷ USD ở vịnh Vân Phong vì dự án không đảm bảo về mặt môi trường.
"Chúng tôi phản đối việc những kẻ giết người không bị trừng phạt..."
SV Tăng Quốc Bình
"Chúng tôi phản đối việc những kẻ giết người không bị trừng phạt và phản đối việc giết hại những công dân vô tội kia chỉ vì màu da của họ. Nhưng, mặc cho bị phản đối, những kẻ ăn thịt người vẫn xuất hiện trên đường phố Moscow... Giữa tháng 12/2008, 5 công dân người Azerbaijan, Ukraine, Tajikistan và Kazakhstan đã bị giết hại trên các đường phố ở Moscow. Những vụ này đã gây sốc cho tất cả mọi người"..
Đó là những dòng mà thầy giáo dạy môn tiếng Nga Andrey Nicolaevich Gusev ở trường trung học số 1565 (Moscow) đã viết về nạn đầu trọc ở Nga và không ngần ngại chỉ ra những mặt yếu kém của xã hội Nga trong việc ngăn chặn những kẻ bị cho là " ăn thịt người" đó. Thành viên Hungmgmi đã dẫn lại ý này trên diễn đàn NuocNga.net, sau cái chết trên đất Nga của sinh viên Tăng Quốc Bình (sinh năm 1988, quê Hải Dương) vào ngày 9/1/2009.
18/1, bình tro hài cốt em Bình sẽ được đưa về VN. Ông Vũ Bá Mơ, cậu ruột em Bình, đã nghẹn ngào nói rằng: "Chúng tôi mong muốn được sống yên ổn. Nước Nga là một đất nước bình yên, nếu như không có những phần tử thuộc nhóm “đầu trọc” lộng hành như thế!”. (VietNamNet - 12, 15/1)
Cái chết của em Bình diễn ra sau khi sinh viên Vũ Anh Tuấn bị sát hại tại Nga cũng trong hoàn cảnh tương tự vào năm 2006 và nhiều sinh viên VN thoát hiểm trong gang tấc khác. Những kẻ thủ ác dù đã bị khởi tố, nhưng vẫn chưa bị trừng trị và chúng ta vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn...
“Tôi ký, tôi chịu!” và "Tôi cảm thấy rất băn khoăn khi ngày Tết đến..."
PTT Nguyễn Thiện Nhân
“Cần sớm có hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học để định hướng cho các địa phương. Vụ Giáo dục Trung học khẩn trương thực hiện nội dung này, tôi là người ký, tôi chịu trách nhiệm. Nếu không, cứ tranh cãi xem phải đổi mới thế nào, bánh xe lịch sử sẽ quay!”
Đó là quyết tâm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân về việc phải đổi mới phương pháp dạy học trong trường phổ thông.
Bộ trưởng khá "triết lý" khi nói rằng “Tri thức nhân loại không ngừng tăng, chỉ có thời gian học phổ thông là không tăng” để giải thích việc không thể chậm trễ khi đổi mới phương pháp giảng dạy. (Dân Trí, 9/1)
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã viết thư gửi lãnh đạo các địa phương về việc chăm sóc đội ngũ giáo viên: "Khi nhiều doanh nghiệp có thể thưởng hàng triệu đồng cho người lao động, thì gần một triệu thầy cô giáo mầm non và phổ thông không có thưởng Tết. Tôi cảm thấy rất băn khoăn khi ngày Tết đến..." (VietNamNet, 14/1)
"Thằng Quyền nó cứu bà mà chết hả con?..."
Cụ Trần Thị Đài (Ảnh: VNN)
Khi nghe hô hoán có lửa phát ra từ nhà bên cạnh, anh Võ Văn Quyền ở gần đó đã vụt chạy vào bên trong đám cháy. Anh lùng sục ở căn nhà kế cận đang mịt mù khói để cứu cụ Trần Thị Đài, 79 tuổi, bị kẹt trong đó và rồi bị ngất xỉu. Vợ chuyển anh tới bệnh viện và anh đã không qua khỏi.
"Thằng Quyền nó chết rồi hả con? Nó cứu bà mà chết. Sao ông trời không để bà chết thay nó. Nó còn trẻ mà”, cụ Đài nói trong hơi thở yếu ớt, chưa thể biết rõ số phận anh Quyền ra sao. Cháu Võ Văn Triết, đứa con trai của "người hùng trong biển lửa", sắp tới ngày thôi nôi vào 25 Tết này và bắt đầu một cái Tết vắng cha... (VietNamNet, 15/1)
"Đổ sữa trắng đường, trắng mương là tội ác"
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận xét thẳng thắn, việc các đại lý thu gom tại hai xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc và xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường ở tỉnh Vĩnh Phúc đổ sữa trắng đường, trắng mương là hành vi thiếu văn hoá, thậm chí, có thể coi là tội ác.
Ông Hoàng Kim Giao
Khi các DN, vì nhiều lý do đùn đẩy, không mua sữa cho dân, đặc biệt ở các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; vì thế, người nuôi bò sữa bị tồn quá nhiều hàng, có cho cũng không hết, nên "bước đường cùng" phải đổ bỏ.
"Hơn 4 tháng nay, từ khi có thông tin melamine từ Bộ Y tế, trạm đã phải bỏ đi tới 105 tấn sữa, vì Hanoimilk không thể thu mua hết", một đại lý tiêu thụ nữa cho biết. (VietNamNet, 14/1)
Còn nhớ, trong bài "Truyền thông nguy cơ và thông tin kiểu chiến dịch", Phát ngôn & Hành động ấn tượng ngày 3/10/2008 đã đưa ra cảnh báo của ông Hoàng Kim Giao: "Đừng để thông tin mập mờ về sữa làm nông dân vạ lây". "Nếu cứ tuyên truyền cắt khúc về tình trạng sữa nhiễm melamine thì sẽ gây nên những hậu quả khó lường...", ông Giao nói.
"Những người ấy là chúng tôi"
GS Trần Hữu Dũng (Ảnh: phusaonline.free.fr)
GS Trần Hữu Dũng viết trong bài khá dài với tiều đề "Thư cho một bạn trẻ" trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Xuân Kỷ Sửu 2009, với những dòng mở đầu: "Tôi không có “kinh nghiệm” hay lời dặn dò gì để truyền lại cho bạn, bởi vì tôi nghĩ mỗi thế hệ phải tìm một tương lai cho mình. Hơn nữa, dù nghĩ rằng chúng tôi (thế hệ trước các bạn) đã có nhiều cống hiến nhất định cho đất nước (chúng ta không bao giờ quên hàng triệu người thế hệ tôi, và trước nữa, đã hi sinh để mang lại độc lập, thanh bình và thống nhất cho tổ quốc), chúng tôi cũng đã có rất nhiều lỗi lầm, yếu kém...
Các bạn đang tiếp nhận một xã hội và một đất nước còn nhiều mảng tối, thậm chí có người sẽ nói là, về vài mặt, chúng có chiều đi xuống. Cụ thể, không ai có thể thành thực mà nói rằng nước ta có một nền giáo dục đáng hãnh diện. Và sông núi, ruộng đồng! Có ai dám nói rằng tất cả đều đẹp đẽ như xưa?
Để lại cho các bạn một nền giáo dục như thế, núi sông như thế, có lẽ là “tội” lớn nhất của những người mà trách nhiệm là chuẩn bị cho tương lai các bạn, là bảo quản giang sơn cho các bạn. Những người ấy là chúng tôi".
Và đoạn kết luận: "Cái nguy hiểm là chúng ta sẽ nản chí, chua cay, cho là mình không thể làm gì được nữa... Dù hiện tại có vẻ ảm đạm như thế nào (và thực sự thì nó không ảm đạm như bạn tưởng!), khó khăn ra sao, chúng ta phải giữ niềm tin, và tích cực cùng nhau thực hiện niềm tin ấy, vì đó là bổn phận của chúng ta đối với chính mình..."
Công Vinh ngã vờ ở phút 55
Công Vinh chơi tốt và ghi bàn trước khi phải rời sân (Ảnh: VNN)
Trận thắng giòn giã 3-1 của đội tuyển bóng đá VN trước Lebanon chỉ có một chút gợn duy nhất là cú ngã vờ của Lê Công Vinh khiến anh phải lĩnh chiếc thẻ vàng thứ hai và phải rời sân, sau khi đã cống hiến 1 bàn thắng.
Trước chiến thắng, người hâm mộ và đội tuyển đã không trách anh; cho dù như một số nhận định trên các trang báo thể thao là lỗi đó không đáng có và thực sự nên tránh (ít nhất Vinh cũng không có mặt trong trận gặp Trung Quốc tới đây).
Còn Công Vinh lý giải hành động đó để tự vệ chứ không phải "câu" phạt đền. “Tôi tâm niệm mình không phải là ngôi sao. Tôi cũng như tất cả các cầu thủ khác của đội tuyển, chỉ biết ra sân là đá hết mình, mọi hành động đều hướng tới lợi ích của đội. Nếu tôi có cố tình lĩnh thẻ, chắc sẽ phải ở tình huống khác, một pha phạm lỗi thô bạo chẳng hạn. Khoác áo đội tuyển luôn là vinh dự lớn của tôi, tinh thần anh em đang rất tốt, mình không được góp mặt là một nỗi buồn lớn”, anh nói
Phải nói "đôi chân vàng" Công Vinh đã chững chạc hơn rất nhiều cùng đội tuyển VN trong suốt thời gian vừa qua. Chiến thắng của VN trước Lebanon là lời khẳng định rõ ràng ngôi vô địch Đông Nam Á không phải bỗng dưng mà có và việc tăng 17 bậc trong bảng xếp hạng FIFA hứa hẹn cho một tương lai mới của bóng đá VN, cho dù vẫn xếp sau Thái Lan và Singapore trong khu vực Đông Nam Á...
-------------
* Phát ngôn & Hành động ấn tượng nhất (tuần từ 9/01 đến 16/01/2009): Việc viết một bức thư được coi là "hành động", nhưng những gì truyền tải trong thư, lại là "phát ngôn". Và tuần này, phần "ấn tượng nhất" chọn được tới 3 bức thư - của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và GS Trần Hữu Dũng - cũng là chọn cho cả phát ngôn và hành động!
Trước khi bàn đến câu chuyện về 3 bức "tâm thư" mà mỗi bức có một góc cạnh riêng thì chuyên mục thực hiện vào mỗi thứ sáu hàng tuần này nói về một điểm mới nho nhỏ trong năm 2009, đó là chọn ra nhiều hành động (tức là việc làm cả hay và dở cụ thể) hơn nữa, bên cạnh những phát ngôn, lời nói - như yêu cầu của đông đảo bạn đọc.
Bức thư góp ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gợi lại chuyện thực tế Đại tướng đã tham gia từ 20 năm trước ở Tây Nguyên, trong chương trình hợp tác đa biên với hội đồng tương trợ kinh tế của các nước theo phe xã hội chủ nghĩa, mà những kết luận về việc khai thác bô-xít rút ra từ đó, tới giờ vẫn còn nguyên gia trị.
Nay ở năm 2009, Đại tướng lên tiếng khi dự án đang được triển khai chính là vì “chúng ta cần xem xét các dự án này một cách khách quan – cần đánh giá lại quy hoạch khai thác bô xít trên Tây Nguyên đến năm 2025”. Nhế thế, câu chuyện bô-xít liên quan đến một vùng đất rộng lớn quả là câu chuyện quá dài...
Bức thư hay lời "tha thiết đề nghị" theo như nội dung của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là để " ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến" với các thầy cô ở khắp các vùng. Thế mới thấy đã bao năm rồi, khi những ngày Tết đến Xuân về, vẫn còn bao gia đình các thầy cô giáo không được vui... Đã có một thời, ngành sư phạm, nghề giáo trở nên "có giá", và điều ấy nhiều năm tới có lặp lại, cho sự đi lên của giáo dục nước nhà?
"Thư cho một bạn trẻ" của GS Trần Hữu Dũng để không chỉ các bạn trẻ đọc trong những ngày Xuân thì quả là ý nghĩa, vì nó hay và tấm thía, vì ít nhất cũng đã "phác" lên một bức tranh về tình hình thực tế mà chúng ta đang sống, từ "toàn cầu hóa và dân tộc tính" đến "Hai văn hóa" và những giá trị nhân văn".
Tóm lại, một điểm chung giữa ba bức thư là cái nhìn về tương lai. Đó là sự quan tâm đến môi trường sống, về "sự nghiệp trồng người" và thế hệ của ngày mai.
"Tôi mong rằng trong số các bạn đọc thư này hôm nay, rồi đây sẽ có người viết một bức thư như thế này cho một bạn trẻ khác, và nước Việt Nam – không, cả thế giới này – lúc ấy sẽ đẹp đẽ hơn, và bạn sẽ mãn nguyện về những đóng góp của bạn cho cuộc đời này, trong bất cứ lãnh vực nào mà bạn chọn lựa" - xin được dùng đoạn thư của GS Trần Hữu Dũng để thay cho lời kết tuần này.
*
Bùi Dũng (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment