Thursday, January 15, 2009

Đánh giá hay là chỉ giá mà không đánh - Trò nạt trẻ con

Trò đánh giá thầy: Cần thận trọng
Ở các nước tiên tiến, việc trò đánh giá thầy, từ lâu đã là một việc bình thường. Nhưng ở nước ta, đấy là điều mới mẻ, và vì thế cần phải bàn bạc, xem xét một cách thận trọng.

Bởi lẽ, có những điều thực hiện ở nước này tốt nhưng ở nước khác lại không tốt do không phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hoá…Vì thế mà tôi rất băn khoăn với một nội dung trong bản dự thảo chiến lược phát triển giáo dục, việc nâng chất lượng đội ngũ giáo viên được xem là giải pháp chiến lược có tính đột phá, trong đó có việc học sinh được đánh giá thầy cô giáo. Tôi rất đồng tình với quan điểm nâng chất lượng đội ngũ giáo viên là giải pháp chiến lược có tính đột phá, nhưng tôi băn khoăn với việc trò đánh giá thầy vì sự đánh giá của trò thường không khách quan và ít chính xác bởi những lí do sau đây:

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.
Thứ nhất, thầy cô nào dạy giỏi, dạy hay nhưng nghiêm khắc thì học sinh ghét và đánh giá là “dạy dở”, ngược lại thầy cô nào dạy chưa hay, chưa giỏi nhưng dễ tính, cho điểm dễ thì học sinh thương và đánh giá là “dạy tốt”.

Thứ hai, dù thực tế thầy cô có dạy chưa tốt các em cũng không dám đánh giá “dạy dở” vì một số lo ngại làm vậy là “bất nhẫn” với thầy cô quá, một số lại có tâm lý sợ bị “trù”, vì chúng ta chưa làm được cái việc là người học có quyền lựa chọn thầy cô cho môn học của mình, nhất là ở các trường công lập.

Thứ ba, sự đánh giá của người học, nhất là học sinh, thường rất cảm tính và thiếu chính xác. Cuốn sách nổi tiếng “Phẩm chất của những nhà giáo ưu tú” của KenBain cho thấy rõ điều này: Tác giả đã cho một diễn viên học thuộc một giáo án rồi lên lớp “nói lại như một cái máy” và giới thiệu đó là giáo sư nổi tiếng, kết quả là được đánh giá “dạy giỏi”.

Thứ tư, hệ luỵ từ những nguyên nhân của việc đánh giá không khách quan và thiếu chính xác là rất lớn. Nó không chỉ là sự bất công, mà còn gây buồn chán, thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng cho người thầy bị đánh giá sai.

Chưa bàn bạc kỹ, lấy ý kiến từ nhiều phía để cân nhắc hay-dở, thiệt-hơn, tính toán đầy đủ các hệ luỵ mà đã triển khai áp dụng thì không nên. Theo tôi, việc này cần phải thận trọng và nên làm thí điểm trước khi mở rộng áp dụng ra đại trà.
Phạm Được (Đà Nẵng)

LTS Dân trí - E ngại về kết quả đánh giá của học sinh đối với thầy giáo có bảo đảm tính khách quan và chính xác hay không như tác giả viết bài trên đây không phải là không có căn cứ. Đối với sinh viên đại học hay học sinh trung học phổ thông thì việc đó xem ra có phần thuận lợi, còn học sinh nhỏ hơn thì sao?

Vì vậy, cần cân nhắc có nên giới hạn về lứa tuổi và trình độ của học sinh bắt đầu từ lớp nào thì có đủ tư cách đóng góp ý kiến nhận xét về thầy cô giáo để bảo đảm tính khách quan và chính xác. Đấy là điều đáng quan tâm trong khi xây dựng quy chế đóng góp ý kiến của học sinh đối với thầy cô giáo.

Diễn đàn Dân trí mong tiếp tục nhận được những ý kiến trao đổi về vấn đề này.

No comments: