Saturday, January 17, 2009

Thêm một cái tát thẳng vào mặt bộ Giáo Dục

Sinh viên còn chưa sống đẹp

16/01/2009 17:20
Nhiều SV thiếu ý thức trau dồi học hỏi để sống tốt hơn -ảnh:Hải Yến

Xả rác ra đường, không nhường chỗ cho người già và phụ nữ mang thai trên xe buýt, thờ ơ trước những số phận kém may mắn... là những chuyện có thật trong một bộ phận giới trẻ, trong đó sinh viên (SV) chiếm không ít.

Vì thế ông Biện Chương Dương, người có tham luận về văn hóa xe buýt của SV khẳng định hiện nay nhiều SV đã áp dụng “chiến thuật 3 không” một cách triệt để. Đó là “không thấy – không nghe – không biết” khi đi trên xe buýt, cũng như khi tham gia giao thông, sinh hoạt nơi công cộng... Tất cả cũng nhằm mục đích có được một chữ “không” khác nữa: không mất chỗ!

“Nhật ký đi đường”

“Lão thạc sĩ” ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” chuyên nghiên cứu về phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh đã hài hước kể lại “nhật ký đi đường” của mình tại hội thảo “Sinh viên và những giá trị đạo đức – nhân văn trong nếp sống văn minh đô thị” do Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM phối hợp với chuyên ngành Tâm lý học trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 14.1: “Tôi đi từ nhà ở Hóc Môn xuống Bình Thạnh bằng xe lam. Trên xe có 8 em nữ sinh cấp hai, em nào cũng mặc áo dài trắng rất tươm tất và dễ thương, khi tôi chuẩn bị bước lên xe tất cả các em đều cúi gằm mặt xuống và coi như không biết, không thấy. Cho tới khi anh tài xế la lên “nhường chỗ cho bà già với chứ” thì một người đàn ông lớn tuổi ngồi trong xe đứng dậy”.

Hành trình của thạc sĩ Oanh được tiếp tục bằng cảnh đi bộ trong một con hẻm, suýt nữa bà đã hứng phải nước bọt của người đàn ông phun ra từ trong nhà, đi được vài bước thì bà lãnh trọn một tàn thuốc của anh chàng đi xe máy và thêm vài bước nữa thì gặp đứa trẻ đang ngồi trên tay mẹ tè vồng ra đường xém bay vào mặt bà. “Bệnh đái đường đã được “giáo dục” từ bé như vậy” – Thạc sĩ Oanh đùa dí dỏm.

Nói về thực trạng việc lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn trong định hướng lối sống của SV TP.HCM hiện nay, TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn đã tiến hành nghiên cứu trên 873 SV tại các trường ĐH-CĐ, kết quả cho thấy giá trị được xếp cuối cùng là “vì lợi ích cộng đồng”, “biết chấp nhận người khác” và “hy sinh”, chứng tỏ ý thức “mình vì mọi người” của SV còn rất thấp.

“Cái tôi của SV quá lớn, lợi ích cá nhân đã được đặt lên trên lợi ích cộng đồng. Sự ích kỷ cực đoan này cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều SV cư xử thiếu ý thức nơi công cộng” – Thạc sĩ Oanh nhận xét.

Sống đẹp từ khi còn... con nít

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tứ - khoa Tâm lý giáo dục trường ĐH Sư phạm TP.HCM nêu một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên trong giới trẻ là quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội ngày nay khá lỏng lẻo do cha mẹ không có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc con cái. Bên cạnh đó, sự thiếu gương mẫu của người lớn cũng có tác động không tốt tới sự hình thành nhân cách trong con trẻ. Một đứa bé được lớn lên trong môi trường (gia đình, xã hội) còn nhiều bất cập ắt sẽ biến thành những công dân chưa thực sự trân trọng những giá trị đạo đức và nhân văn.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh cũng kể lại chuyện cách đây hơn 40 năm khi bà có dịp đi công tác ở Nhật, bà được chứng kiến cảnh các em học sinh băng qua đường một cách trật tự và ý thức. “Trên lề đường có những cái hộp như hộp đựng dù, trong đó có những cây cờ. Một học sinh đi đầu tiên lấy một cây cờ ra và giơ cao lên, các em đi sau cũng tập trung lại rồi cả nhóm cùng băng qua đường. Tất cả xe hơi đều dừng lại đợi đến khi các học sinh đi qua mới tiếp tục lăn bánh. Sang tới nơi, em cầm cờ lại cất cây cờ vào một cái hộp khác cũng được đặt ngay bên đường”. TS tâm lý học Tô Thị Ánh cũng kể thêm chuyện khi đi công tác ở Tiệp Khắc (cũ), vừa bước lên toa xe điện thì có 7 – 8 bạn trẻ lập tức đứng dậy nhường chỗ...

Tham gia hội thảo, SV Nguyễn Minh Lý – Học viện Hành chính quốc gia nói có nhiều bạn SV thiếu ý thức không phải do cố ý, họ vẫn không đồng tình với những hành vi xấu, tuy nhiên lại không phản ứng gay gắt hoặc vẫn hồn nhiên vi phạm.

Hiện nay, Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, Nhà văn hóa Thanh niên vẫn thường tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ... nhằm chuyển tải nội dung giáo dục tư tưởng đạo đức nhân văn, lối sống văn minh cho bạn trẻ. Tuy nhiên, không phải SV nào cũng hứng thú tham gia. Điều đó chứng tỏ không ít SV từ lâu đã bị thiếu hụt trong cách nghĩ, cách ứng xử nhưng vẫn không tự mình học hỏi, trau dồi để sống tốt hơn.

Mỹ Quyên

No comments: