Luật nhân quả
Bố mẹ anh có đất rộng gần ngàn mét vuông. Anh lấy vợ, bố cho mảnh đất to phía ngoài đường đẹp để xây nhà cửa đàng hoàng. Anh chị nhà cao cửa rộng, không thiếu thứ gì, cứ tà tà mà tiến.
Em gái anh, bôn ba khắp nơi, chịu khó căn cơ tính chuyện làm giàu.
Nhưng rồi công việc làm ăn buôn bán bị đổ bể, em gái đành quay về nương nhờ bố mẹ, xin ít đất xây ngôi nhà nhỏ cho gia đình, con cái có chốn nương thân.
Chị tranh thủ tính toán mở cửa hàng kiếm thêm đồng ra đồng vào, mong gây dựng lại chút cơ nghiệp, nên cần ngoài mặt đường.
Bố mẹ thương con, đồng ý cắt cho mảnh đất ngay bên cạnh nhà anh. Anh khó chịu ra mặt. Đang yên đang lành khoảng không gian rộng lớn bị chặn lại đâm tù túng, bí bách. Tình anh em tay chân không thắng được tính ích kỷ cố hữu trong con người. Lại được vợ đứng sau hậu thuẫn, anh liền gây khó dễ trong quá trình em gái làm nhà, cho bõ tức.
Từ chuyện đổ đất cát, sỏi không được dây sang phía nhà anh cho đến việc cái cây nhà anh nằm chình ình đó cũng không được chặt, dù nó khá vướng víu trong việc gia cố nền móng căn nhà. Lại còn cái tường, cô em gái định xây ké vào tường nhà anh cho vững chắc và khỏi tốn kém, anh kiên quyết không chịu, buộc phải xây cách tường nhà anh 15cm, đang sẵn đất. Ai thấy cũng bất bình, vì vừa tốn thêm, vừa phi lý do có cái hang cho chuột qua lại, đám thợ khốn khổ không len vào nổi để chát tường gạch, thành ra cứ mưa là trong nhà cô em gái bị thấm nước. Anh mặc kệ!
Một thời gian sau con trai anh lập gia đình, anh tặng hai vợ chồng nó mảnh đất rồi giúp dựng nhà, anh sang thương lượng với hàng xóm xin được tựa một phần tường vào nhà họ, ông láng giềng nhất định không đồng ý. Vậy là anh ngậm bồ hòn làm ngọt, xây cách ra như nhà cô em gái ngày trước.
Bố anh đến nhìn rồi trầm ngâm nói với anh: "Không trách ai được cả. Con làm khó cho em gái mình thì giờ người đời tạo chướng ngại cho con. Chính con đã gây nên việc gai mắt ấy, luật nhân quả đúng cho muôn đời".
Anh im lặng, cúi đầu và nhớ lại việc năm nào, từng khiến anh nhức nhối:
Anh dạy tại một trường đại học trong tỉnh, đến kỳ sinh viên lại đi thực tập và viết bài để chuẩn bị bảo vệ tốt nghiệp. Anh được nhiều đồng nghiệp bày cách kiếm tiền. Khi các sinh viên mang bài đến nộp, nhờ thầy chỉ cho chỗ sửa, nay đến anh tìm cho một lỗi, mai đến lại thêm một lỗi khác. Thực ra anh có thể chỉ hết trong một lần cho sinh viên đó, song vì muốn kiếm thêm, anh buộc họ phải đến làm nhiều lần, chả lẽ họ "mặt mo" nỡ đến tay không. Túi anh dày lên từ đó.
Cho đến ngày anh quyết định nâng cao bằng đại học của mình cho kịp với xu thế, anh học cao học vào các ngày cuối tuần. Vừa học, vừa làm mãi rồi cũng đến ngày chuẩn bị tốt nghiệp, anh bị hành cho y hệt ngày nào anh đối xử với sinh viên. Quãng đường nào có gần, anh phải về Hà Nội học, cách nhà 70 km, mà phong bì biếu xén cũng không thể mỏng. Gặp đúng ông thầy "quái thai" bắt đi đi lại lại năm lần bảy lượt mới xong việc. Khi ấy anh mới thấm thía: "Trời gieo họa còn mong thoát, tự mình gieo tai hoạ khó thoát nổi vòng".
Bài học bố dạy hôm nay lại hiển hiện trong tim anh! Ngày mai, trước khi bắt đầu bài giảng mới, anh sẽ tặng các sinh viên của anh một buổi trò chuyện ngắn, khuyên họ hãy luôn giúp đỡ mọi người, có thể người đó không giúp lại được các bạn, nhưng sẽ có ai đó khác giúp bạn.
Và hãy nhớ, đừng cố tình gây khó khăn cho một ai! Cuộc sống còn dài, còn bao việc phải lo toan suy nghĩ, nên chia sẻ cho nhau, vấn đề sẽ nhẹ đi rất nhiều.
Theo TSL (Dân trí)
No comments:
Post a Comment