Ngày còn nhỏ, quê tôi cũng ăn tết Đoan Ngọ. Thú thực, tui cũng chẳng quan tâm tết Đoan Ngọ là của Tàu hay của Ta hoặc la làng là của ... Hàn Quốc xa xôi đâu đó. Lúc ấy, cứ đến ngày này, nhà nhà cúng lễ và cái không thể thiếu hoặc thiếu là mất hương vị tết là rượu nếp. Cái món này ngon, ngon bởi lẽ không cần uống mà ăn cũng được. Hehe. Chính vì vậy, nhiều lúc vì cảm nhận vị ngọt và mùi thơm của nếp mà tui cũng lỡ chén đến xỉn. Ngoài ra, bánh tro cũng là món bánh mang đậm bản sắc của quê hương. Thực tình mà nói, bánh được làm với thành phần không có gì đặc biệt, chỉ toàn nếp và nó được nấu với nước tro. Từ đó, tên bánh tro được gán. Tớ không rành lắm, nghe kể lại chứ bản thân chẳng được trực tiếp nhìn thấy. Tuy nhiên, bánh này ăn với đường hay mật thì ngon. Ngon vì nó được từ mùi hương của gạo. Mà cũng có thể ngon vì đói quá không có gì hơn nó. Cũng có thể lắm chứ! Cái đặc trưng của miền Trung quê tui trong ngày tết mùng năm tháng năm này là bà con, bao gồm già, trẻ, thanh niên đang tuổi hẹn hò dắt nhau ra bãi biển tắm. Cũng có nhiều cụ giải thích rằng, tắm vào ngày này sẽ sạch sẽ, và tiêu diệt các bệnh ngoài da. Cũng theo phỏng đoán của tui, những ngày lân cận ngày mùng năm tháng năm, nắng cháy da người, từ đó nhiều bệnh như rôm sảy chẳng hạn phát sinh; do đó, khi tắm biển, nước muối sẽ là thuốc sát trùng làm tiêu diệt virus gây bệnh. Tớ võ đoán thế, chẳng biết có đúng hay không. Nói chung, ngày này ở quê rất vui. Vui vì sự tụ tập rất đông người. Tui có cảm giác hàng vạn người từ miền núi xa xôi kéo xuống bãi biển từ sáng sớm. Biết bao hoạt động vui chơi mang đậm bản sắc dân gian được tổ chức ở đây. Hàng quán vội vàng dựng lên từ sớm để phục vụ chỉ một ngày. Có điều lâu lắm không về quê, cái cảm giác ngày tết mất dần trong ký ức, các hoạt động vui chơi đậm đà bản sắc không nhớ kỹ.
Cơm rượu (nguồn)
Bánh tro Phú Yên (nguồn)
Đó là cảm giác còn đọng lại lúc còn nhỏ. Từ ngày đi học, rồi ở lại trên đất miền Nam, tớ lại có cái nhìn và cảm nhận của mùng năm tháng năm ở miền Nam bộ. Có vẻ khác rất nhiều so với miền Trung, tết Đoan Ngọ miền Nam lại được gọi là tết diệt sâu bọ. Nhiều nhà làm bánh nậm, bánh ú. Hình như cái vụ này thường ở Bến Tre và các vùng lân cận. Vì có lần, tớ đã đi chơi mùng năm tháng năm ở đây. Thấy nhà nào cũng có làm các loại bánh này. Quê vợ tớ thường tổ chức đúc bánh xèo. Cái đặc trưng của bánh xèo Nam bộ là rau dùng kèm với bánh. Có rất nhiều loại rau được kể ra, nhưng tớ quên hết rồi. Hehe. Đặc biệt rau rừng là thứ gây dấu ấn đậm nét cho món bánh xèo Nam bộ. Những ngày này, các bạn ở Sài Gòn hay các vùng lân cận có thể tìm mua được các loại rau này. Tuy nhiên, một điều thú vị nữa là mùng năm tháng năm cũng là ngày các chàng đã hỏi vợ nhưng chưa cưới phải đi tết bố mẹ vợ. Tớ nhớ bởi vì nó đúng hoàn cảnh của tớ đấy. Thú thật, từ xưa đến giờ có biết đến vụ này đâu. Vì mới cưới vợ có một lần chứ chưa đến lần 2, 3, 4 and etc. Hehe. Ngày ấy, vợ hỏi có đi tết má không? Haha. Không biết nên không có tội. Mô Phật!
Bánh Ú (Youtube)
Bánh Xèo (Youtube)
Bánh Xèo (Youtube)
Dăm bảy năm sau, ngày tớ ở đất Korea, ngày mồng năm tháng năm cũng có tổ chức ở đấy. Hình như tết mùng năm tháng năm cũng là tết lớn ở đất Korea. Tuy nhiên, tớ không có những dấu ấn gì đặc biệt để ghi nhớ. Chỉ list ra đây cho đủ bộ. Các bác thông cảm!
Ngày mùng năm tháng năm là thế. Vui là rất vui. Ý nghĩa thì thật nhiều. Tuy nhiên, phải công bằng, mặt tích cực đã nêu, tiêu cực phải móc ra. Bởi bản chất của vấn đề luôn tồn tại hai mặt mâu thuẫn nhưng thống nhất. Các thầy triết học hay nói thế, tớ kể lại vậy, chứ tớ chả phải là triết gia!
Với vùng quê của tớ, nhà tớ sát bãi biển Tuy Hòa. Cứ hễ đến mùng năm tháng năm, có vài người phải chết đuối ở biển Tuy Hoà. Lý do rất đơn giản, bãi biển Tuy Hòa không giống như Nha Trang, Quy Nhơn; gần bờ biển cạn, ra một xíu lại sâu hoắm. Nhiều người bị sụp và không thể bơi vào được. Cũng có trường hợp nhậu xỉn rồi tắm nên không bơi vào được. Tuy nhiên, chuyện đó đáng buồn nhưng cũng chưa phải là vấn đề lớn. Chuyện lớn ở đây là đánh lộn. Cái vụ này không thể thiếu. Lý do vì gái, vì sự phân biệt làng xóm. Ở quê có một điều rất ngộ, trai làng này sang làng khác tán gái là bị chặn đánh. Làm như gái làng đó là của các bác không bằng nhỉ? Hehe. Và ngày mùng năm tháng năm, trai làng dắt gái xuống núi, trai gái vùng lân cận cũng kéo ra tụ tập nhậu nhẹt tưng bừng dưới bãi biển. Vui vẻ màn đầu, đau thương màn cuối. Tiệc tàn thì thế nào cũng có chuyện. Thế nên, cứ chiều tối ngày mùng năm tháng năm là người người la hét hoảng loạn, xe cấp cứu hú còi, xe cảnh sát dập dồn. Cái đau ở chỗ, ngày tết rất ý nghĩa như thế lại bị hoen ố bởi một chuyện rất nực cười - đánh lộn vì giành gái. Cái thân này còn chưa phải của mình huống chi là gái. Ối "xời"!
Gần đây, một chuyện đáng phàn nàn. Đó chính là chuyện tết Đoan Ngọ là tết Tàu hay tết Ta. Đã thế tụi Hàn xẻn cũng giành "Hàn Quốc cũng coi ngày 5 – 5 là ngày lễ theo truyền thống văn hoá của họ". Cho nên, tớ nói thực, cái tụi làm văn hóa nó hơi rảnh hơi. Tớ mà làm bộ trưởng bộ văn hóa 4T (tớ viết tắt cho nó gọn - các bác làm văn hóa đừng chửi tớ nhé, mất văn hóa lắm "đới". Hehe), tớ cho tụi làm văn hóa đi chăn vịt hết (*). Chứ để rảnh quá không có chuyện gì làm, lo ó om sòm. Cái tết nó tự nhiên ăn sâu vào con người vậy. Giành nhau của người này người nọ, nước này nước nọ làm chi. Hoá ra cái lũ này cũng chẳng hơn chắng kém gì cái đám choai choai giành gái quê tui. Đừng vội gán cho mình cái mác làm văn hóa mà hành xử ba sàm đến mức vô văn hóa!
P/S: (*) Cho tớ rút lại câu này nhé. Vì đơn giản tớ không bao giờ là bộ trưởng cái 4T đấy được. Thứ hai, nếu giả sử được là bộ trưởng, tớ làm thế thì mang tội. Thường các công ty muốn tuyển người, họ chọn người có ngoại ngữ. Trại vịt tuyển người cũng cần người có ngoại ngữ. Sợ rằng các nhà văn hóa không có ngoại ngữ - tiếng "Dzịt", làm sao chăn vịt được!
- Ngày hôm kia là thôi nôi của bé Út. Nhưng tuần sau mới đến sinh nhật của Út. Do đó, ba đợi đến đó rồi viết về Út, nhé!
No comments:
Post a Comment