Sunday, April 22, 2012

Quy định về nề nếp tác phong

Lời bàn: Bất kỳ phát biểu nào cũng phải mang tính xây dựng. Lời phát biểu có thể gay gắt, nhưng nội dung phải có. Tuyệt đối không lấy chuỵên nọ xọ chuỵên kia, lấy chuỵên bé xé ra to. Với tinh thần ấy, tui viết đôi lời bàn về một thông báo mà tui biết, cũng có nhiều khó chịu giống tui. 

Làm một giảng viên đã khó, làm một người thầy lại càng khó hơn. Như đã một lần, tui bàn sơ sơ về đạo làm thầy bị mất. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo hơi thiếu tầm nhìn, họ chấn chỉnh cái gọi là hình thức chứ chẳng phải vấn đề cốt lõi. Đọc sơ qua cái thông báo chấn chỉnh nề nếp tác phong, tui cảm thấy các bác hơi quá. Thầy cũ của tui cũng có bài châm biếm cái vụ này. Riêng tui, một cách nhìn khác được bàn sau đây.

Thiết nghĩ, cái hình tướng không làm nên một con người và đặc biệt ở đây là người thầy. 

Đến bây giờ, tui vẫn không hiểu, lý do gì mà giảng viên và kể cả sinh viên vào trường mà phải đeo bảng tên. Chúng ta đã biết, công nghệ thông tin ở Việt nam ở mức phát triển cao. Người dân nói chung phải hưởng trọn cái benefit từ công nghệ thông tin. Mỗi sinh viên hay giảng viên vào lớp chỉ cần có ID card mà thôi. Phần còn lại các vị lãnh đạo phải làm là xây dựng cơ sở hạ tầng. Nói đến đây, nếu các vị đổ lỗi cho đất nước còn nghèo, thì các vị đang phỉ báng chế độ đấy, phỉ báng sự lãnh đạo tài tình của đảng. Hehe. Các bác có thể bị ghép vào tội "lợi dụng sự tin tưởng của đảng mà chống phá nhà nước", đem ra xử theo điều 88. Tui nói vậy là có cơ sở. Database chứa thông tin của các sinh viên nằm ở phòng đào tạo, database chứa thông tin công nhân viên, giảng viên nằm ở phòng tổ chức. Khoa công nghệ thông tin chỉ việc làm một việc hết sức đơn giản là link vào đó mà kiểm tra. Vậy việc đeo bảng tên để làm gì? Do những việc đơn giản trên các bác không làm, tui có quyền suy diễn, gọi là tự diễn biến hòa bình vậy. Có thể các vị ôm cái database đó không muốn chia sẻ thông tin. Thời đại công nghệ thông tin, ai nắm nhiều thông tin người đó làm chủ thiên hạ. Quả thật câu nói đó không sai. Tui sẽ có bài phân tích sâu về câu nói ấy, ở đây không có chỗ để nói nhiều về chủ đề này. Tuy nhiên, cũng có nhiều cách làm mờ ám - không trong sáng khi xài cái database ấy. Do vậy, theo tui, các vị đang nắm hay là chủ quản cái database nên chia sẻ nó. Việc thứ hai, người tạo đường link là ai. Tui không hiểu cả một khoa công nghệ thông tin có tiếng là nổ rất dữ, thế mà một việc đơn giản thế mà lại không làm. Theo tui, các bác nên đóng cửa khoa nghỉ chơi. Vì sao nó đơn giản, chỉ cần một cái máy tính, một giao diện, một đường truyền internet, cần check ai, chưa đầy vài giây, kết quả hiện ra. Thậm chí, trong các đợt thi học kỳ, sinh viên quên đem thẻ sinh viên, ngay tại phòng thi, người giám thị có thể check được. Và để chắc ăn, trong vòng 24 giờ sau khi thi, chính sinh viên đó mang thẻ lên để confirm cái ID của em. Vậy thôi!

Một suy diễn tiếp nữa cho việc phải đeo bảng tên. Có nhiều vị cho rằng trường sẽ lộn xộn, khi có kẻ gian trà trộn vào. Nếu có, đây là một suy diễn mang tính phản động. Theo tui, police nên gô cổ cho vào tù. Một lực lượng bảo vệ trường nó chết dịch hết hay sao mà để ra cớ sự như vậy. Trường bỏ tiền ra thuê người làm việc kém hiệu quả. Tui vẫn nhớ như in, mỗi sáng, bảo vệ trường khép bớt 1/2 cửa, hai đồng chí bảo vệ rất hung hăng đứng dạng háng bên hai mép của 1/2 cửa, để làm gì? Soát bảng tên. Trường rảnh quá, người làm cũng rảnh quá, và cả một môi trường văn hóa quá rỗi hơi, để rồi xảy ra tình trạng văn hóa ăn xổi ở thì. Không có một hình dung nào đẹp hơn, cổng trường đại học sư phạm kỹ thuật tương đương cổng nhà tù. Đã thế, có một số sinh viên không đeo bảng tên, bảo vệ la lối, nói chung là rất om sòm. Trộm nghĩ, không đeo bảng tên, họ có đáng bị thế không? Các bác phải thành thật với chính mình. Một kỷ luật thép để chấn chỉnh con người, chứ không lợi dụng điều luật để làm chuyện bé xé ra to. Quên đeo bảng tên nên được xếp vào dạng quên thuộc phạm trù quên bình thường. Đừng nên tạo bão trong cốc nước như thế (Câu nói của gs Ngô Bảo Châu).

Cũng từ việc trên, trường của chúng ta mất rất nhiều đấy. Tui xin đưa một ví dụ đơn giản, các trường đại học trên thế giới là nơi mà khách tham quan rất nhiều. Và họ - những khách tham quan rất tự hào được đứng trước cổng trường, trước một khoa, một bộ môn, cạnh bên một giáo sư, một sinh viên .v.v. để chụp một tấm hình kỷ niệm. Và những tấm hình đó được chuyền tay nhau hoặc qua mạng xã hội, từ đó cả thế giới biết về trường, bạn bè hãnh diện (mày tới được trường đó rồi hả). Trong khi đó, trường ta thì sao? Có lần tui mời một người về coi cái khoa của mình. Ông Tây đó hỏi, trường mày có cho tao vô không? Tui ngạc nhiên hỏi sao thế. Ông mới nói, tao thấy trường ở Việt nam có vẻ không welcome lắm. Tui bỗng hình dung, phải chăng cái hình ảnh cổng nhà tù mang cái bảng Đại học sư phạm kỹ thuật làm ông Tây e sợ? Câu trả lời xin nhường lại các vị ban bệ của trường. Nói thêm một cái nữa, người thân của tui (ở quê vào thăm tui) chưa từng đặt chân vào trường, mặc dù rất thích. Trong khi đó, tui lại dắt họ vào các trường khác như đại học bách khoa, kinh tế, vì ở đó họ thoáng hơn, họ không sợ thù địch vào thăm trường. Còn ai đẩy nhân dân vào thế thù địch, câu trả lời đã tường.

Vấn đề thứ hai, ăn mặc đẹp, nam đeo cravat, nữ nên mặc áo dài, mang giày hoặc dép quai hậu. Cái này tui cũng đã bàn rồi ở đây. Ở đây, tui xin nói thêm, ở Tây, một tháng họ có vài lần ăn mặc formal, và đó là dịp đặc biệt. Họ coi trọng cái chất lượng làm việc lắm, cái hình thức theo quan niệm của họ là cái xoàng xĩnh. Còn Ta, chúng ta nâng quan điểm lên tột độ, ai có hình thức đẹp là con người tốt. Để kết cho vấn đề này, tui kể một chuyện vui. Ngày mới về trường, có một bậc trưởng thượng đáng kính đã về hưu hỏi: Tân, con quê ở đâu? Tui trả lời: Con ở Tuy Hòa, Phú Yên. Thầy mới oh, Tuy Hòa thầy biết, thầy về đó dạy nhiều. Thầy có comment, ở Tuy Hòa người dân rất tốt, để xe ngoài đường không mất. Thầy kề rất nhiều, và thầy có nói, người dân ở đó ăn mặc rất đẹp. Câu nói cuối cùng tui có vẻ không hài lòng lắm. Và tui có nói một câu: Tại dân quê con nghèo nên mới thích ăn mặc đẹp thế. Hehe. Dĩ nhiên trong muôn vàn cái đẹp ở mỗi con người, vẫn tồn tại một hoặc vài cái không đẹp trong họ. Chứ dưng mà đi cày mà bỏ đồ trong quần nhỉ? Hehé.

Đáng lý, tui sẽ phân tích vài cái trong việc áp dụng một số biện pháp chế tài. Vì trong cái thông báo mặc dù ghi quy định nề nếp tác phong, nhưng có vẻ lãnh đạo đang dồn việc của mình sang cho giảng viên một cách vô lý. Và hơn thế nữa, ngôn từ trong thông báo mang tính đe dọa, sặc mùi côn đồ (nhìn câu in đậm). Ở môi trường văn hóa, nói chuyện với nhau cũng phải nhẹ nhàng, lời chửi cũng biến thành thơ. Haha. Lãnh đạo mà ra thông báo hồ đồ như thế là không xứng đáng, làm gì thì làm phải có tính xây dựng.

Nguyên văn thông báo đây:
Kính chào quý Thầy Cô!
Thông báo 01: Quy định về việc phối hợp quản lý, sử dụng tòa nhà trung tâm. .....

Thông báo 02: Về việc nhắc nhở thực hiện quy định về nề nếp tác phong khi đến trường làm việc:

1/ Đối với cán bộ quản lý, CNV
- Trang phục chỉnh tề (Nữ nên mặt áo dài)
- Đi giầy hoặc dép có quai hậu
- Đeo cà vạt (đối với nam quản lý)
- Đeo bảng tên khi vào trường
- Bàn làm việc có bảng tên ghi họ tên, chức vụ.

2/ Đối với cán bộ giảng dạy (kể cả cán bộ thỉnh giảng)
a/ THẦY GIÁO:
- Trang phục chỉnh tề
- Đi giầy hoặc dép có quai hậu
- Đeo bảng tên khi vào trường
-Đeo cà vạt khi lên lớp

b/ CÔ GIÁO:
- Trang phục chỉnh tề (nên mặt áo dài)
-Đi giầy hoặc dép có quai hậu
- Đeo bảng tên khi vào trường

3/ Đối với học sinh, sinh viên tất cả các hệ
- Trang phục gọn gàng, nên đồng phục theo khoa
- Đi giầy hoặc dép có quai hậu
- Đeo bảng tên khi vào trường
- Nam bỏ áo vào trong quần
- Tác phong, lời nói có văn hóa.
..........
Phòng Tổ Chức Cán Bộ kiểm tra đột xuất đối với Cán Bộ quản lý, Cán bộ nhân viên, ...... 

Trong lớp sinh viên không mang bảng tên mà thanh tra giáo dục phát hiện thì giảng viên dạy lớp đó phải chịu trách nhiệm, .....

Hai thông báo này có dán ở bảng thông báo của giáo viên ở khu C và ở từng bộ môn đều có 02 thông báo này.
Trân trọng thông báo!

No comments: