Sunday, July 17, 2011

Tuy Hoà - giấc mơ “cửa ngõ” Tây Nguyên

“Qua Tuy Hoà có gì để nhớ?/ Em đa tình - con mắt Phú Yên!/ Ở nơi ấy biển trời sóng vỗ/ Thực dịu hiền để muốn ở thêm...” (Nguyễn Khôi). Theo ThS Nguyễn Quang Trung Tiến – Đại học Khoa học Huế - trong các đô thị trẻ, TP.Tuy Hoà (Phú Yên) đang ngày càng khẳng định vị thế của mình và vươn lên mạnh mẽ để hợp thành hệ thống đô thị hiện đại trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và hướng đến “cửa ngõ” Tây Nguyên phát triển bền vững.

Tình đất, tình người

Chiều núi Nhạn, gió xào xạc hàng cây phượng vĩ, gió lồng lộng, cái gió “chuyên cần mà phóng túng”. Đứng dưới chân tháp Nhạn cổ kính, rêu phong, soi bóng lung linh xuống dòng sông Chùa xanh biếc, chị Hồ Thị Mai Hoa - cán bộ Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 - thích thú nói với tôi: “Như một thói quen, chiều nay tôi cùng với nhiều người dân Tuy Hoà lại đi dạo bộ trên núi Nhạn để cùng ngắm cảnh sông nước hữu tình.

Đến Phú Yên và chỉ đứng duy nhất ở núi Nhạn này, bạn dễ dàng nhận ra địa thế của một vùng đất “địa linh nhân kiệt” với sự hiện hữu của tháp thiêng (tháp Nhạn), núi thiêng (Đá Bia), dòng sông thiêng (sông Ba – Đà Rằng). Từ đây, bạn phóng tầm nhìn về chiếc cầu Đà Rằng dài nhất miền Trung trên quốc lộ 1A bắc qua sông Ba; xa xa những đám mây mềm mại như những tấm voan mỏng vắt qua đồi, núi Đá Bia; và dòng sông Ba như con rồng thiêng, đầu gối thượng nguồn xanh ngút ngàn, đuôi lượn qua trảng cát trắng phau giao nhau với núi Chóp Chài như con rùa khổng lồ vươn ra biển lớn.

Thế long quy tạo vượng khí cho vùng đất Tuy Hoà. Mùa này, những ngư phủ căng cánh buồm để thuyền trôi dọc trên sông Ba lãng đãng sương khói trông giống như bức tranh thuỷ mặc. Sông Ba mang nặng những giọt phù sa màu mỡ bồi đắp cho đôi bờ châu thổ những cánh đồng lúa trù mật, xanh ngút mắt, để Tuy Hoà được mệnh danh là “vựa lúa miền Trung”. Tháp Nhạn, Đá Bia, sông Ba, cánh đồng lúa Tuy Hoà được xem là biểu tượng đặc trưng của vùng đất Phú Yên và là niềm tự hào của người dân đất Phú”.

Phú Yên đối với chị Mai Hoa như là duyên nợ. Chị sinh ra và lớn lên ở TP.Việt Trì (tỉnh Vĩnh Phú, nay là tỉnh Phú Thọ) - một TP công nghiệp nằm ở ngã ba sông Hồng nổi tiếng với món cá anh vũ đặc sản. Năm 1979, chị theo gia đình vào sinh sống ở Tuy Hoà. Đến với Phú Yên đã 32 năm, ngần ấy thời gian chưa phải là dài so với một đời người, nhưng mảnh đất nơi chị lập nghiệp đã để lại nhiều dấu ấn khó phai. Chị bảo, nhờ làm quản lý thư viện của trường, chị có điều kiện nghiên cứu rất kỹ về đất và người Phú Yên.

Một góc TP.Tuy Hoà nhìn từ cầu Hùng Vương.
Một góc TP.Tuy Hoà nhìn từ cầu Hùng Vương.

Đó là một tiểu quốc Hoa Anh xưa (trải dài từ đèo Cù Mông đến đèo Cả) tồn tại vào giai đoạn 1471-1578, khi Lương Văn Chánh vào đánh thành Hồ. Cái tên Phú Yên có trong bản đồ nước Việt được thành lập năm 1611 dưới triều Chúa Nguyễn Hoàng. Trải qua 400 năm hình thành và phát triển (1611-2011), Phú Yên với hơn 80 vạn dân gồm 30 dân tộc anh em (Kinh, Hoa, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Tày, Nùng...) đã tạo nên một nền văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng.

Vùng đất nơi đây vẫn còn dấu tích cư trú của người Hoa, Chăm và Việt; vốn phong phú tài nguyên thiên nhiên: “Giậm chân xuống đất rùa bò lổm ngổm như đá cuội; vục tay xuống sông, cá vào đầy lòng tay; gạc nai nhiều như củi khô...” hấp dẫn lưu dân phương xa từ biển Đông vào, từ đồng bằng Bắc Trung Bộ đến, từ miền núi phía tây bắc sang. Nơi đây đã - đang xảy ra hiện tượng hoà huyết, giao thoa đậm đặc văn hoá, ngôn ngữ giữa các tộc người; hình thành các trung tâm định cư liên hoàn ven dòng sông Ba...

Chị Hoa tâm sự: “Ở đây, môi trường sống trong lành, với cây lá, hoa cỏ xanh ngát quanh năm. Trên con đường quen thuộc mỗi ngày đi qua, tôi luôn bắt gặp những người dân đất Phú thật thà, chất phác, thân thiện và mến khách. “Quê hương mỗi người chỉ có một”, nhưng với riêng tôi, tôi đã coi Phú Yên như quê hương của chính mình, bởi đến với Phú Yên tôi đã có tất cả...!”.

Thành phố trẻ năng động

Mặt trời xuống núi. TP.Tuy Hoà rực sáng bên tháp Nhạn. Một TP với những phố mới, khu dân cư mới, nhà nhà mới mọc lên san sát, trải dọc sông Ba và vươn dài ra bờ biển. Bất cứ ai từng đến Phú Yên từ trước những năm 1995, nay có dịp trở lại đều ngỡ ngàng về một Tuy Hoà mới. Quả thật, Tuy Hoà vốn nhỏ “như lòng bàn tay”, nhưng chỉ sau mấy năm từ thị xã lên thành phố (5.1.2005), Tuy Hoà bỗng “thoát xác”. Những khu nhà xập xệ, nhàu nhĩ không còn nữa; đồi cát gần biển, bãi dương, nghĩa địa... giờ lên phố. Những công trình xây dựng đồ sộ mọc lên, nhà cao tầng xuất hiện ở nhiều nơi trong phố. Bao năm gắn bó với mảnh đất Tuy Hoà (Phú Yên), doanh nhân K.V.S.R. Subbaiah - người Ấn Độ - nói: “Đô thị của các bạn còn rất trẻ và đẹp tuyệt vời, hội đủ nhiều yếu tố “thiên thời địa lợi” có núi, có sông, có đồng và có biển để phát triển to đẹp hơn!”.

Đi trên đại lộ Hùng Vương – xương sống của TP - mọi người sẽ bắt gặp những khu đô thị mới, hiện đại như FBS, Hưng Phú..., cùng hàng loạt biệt thự, khách sạn như Kaya, Hùng Vương... Ở phía tây thành phố, khu du lịch Thuận Thảo khá đẹp và hút khách. Quốc lộ 1A ngày nào giờ đã biến thành con đường nội ô luôn tươi màu sắc hoa và lung linh ánh điện khi đêm về. TP cũng đang mở rộng về phía nam sông Ba.

Những bụi tre xoã bóng ở dọc dài sông Ba ngày nào, giờ đã nhường chỗ cho con đường Bạch Đằng ven sông rất thơ mộng. Chiếc cầu Hùng Vương hiện đại nối đôi bờ sông Ba qua TP.Tuy Hoà mới khánh thành trước Tết Tân Mão. Bên sóng biển vỗ mênh mang, tàu thuyền ra vào cảng phường 6 tấp nập. Tỉnh đã xây dựng hoàn thiện thêm nhiều công trình để phục vụ đại lễ 400 Phú Yên và Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011. Nhờ vậy, TP.Tuy Hoà thêm nhộn nhịp, đêm rực rỡ ánh đèn lồng đủ màu sắc.

Giấc mơ “cửa ngõ” Tây Nguyên

Thành phố Tuy Hoà không những được chỉnh trang to đẹp hơn, mà còn đang mở rộng đến tận cảng Vũng Rô để mai này trở thành đô thị lớn trong khu vực. Một sự kiện làm nức lòng dân, đó là việc xây dựng dự án kỳ vĩ vùng kinh tế động lực Nam Tuy Hoà gồm 20.730ha (trong đó khu đô thị Nam Tuy Hoà hiện đại rộng 350ha) với các tuyến đường lên Tây Nguyên để làm “cửa ngõ” lưu thông các loại hàng hoá với Tây Nguyên, góp phần hình thành mạng lưới giao thông đường bộ trong trục tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự khẳng định: Khu kinh tế (KKT) Nam Tuy Hoà sẽ hình thành một đô thị hiện đại cùng hàng loạt dự án lớn như trung tâm giao thương quốc tế, lọc hoá dầu, đường hầm Đèo Cả, cảng hàng không Tuy Hoà, KCN Hoà Tâm... Có thể nói, vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hoà đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, khi KKT Nam Phú Yên và KKT Vân Phong (Khánh Hoà) nằm cận kề nhau cùng bước vào hoạt động. Đây được xem là hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch của khu vực Nam Trung Bộ và là một đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam.

Từ KKT này, Phú Yên sẽ hình thành thêm một tuyến quốc lộ mới lên Tây Nguyên (quốc lộ 29) dài trên 280km, sẽ rút ngắn cự ly so với hiện nay khoảng 60km. Đây sẽ là trục ngang xương sống nối liền 5 tỉnh vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Hiện một nhà đầu tư đã lập hồ sơ đăng ký đầu tư trục lộ giao thông này. Ngoài ra, dự án về tuyến đường sắt từ KKT Nam Phú Yên - Buôn Ma Thuột đã được Xí nghiệp TVTK công trình giao thông đường sắt (thuộc Cty TVTK giao thông vận tải Phía Nam) thiết kế hoàn chỉnh với chiều dài 160km và sẽ sớm xây dựng tuyến đường sắt này trong giai đoạn 2016-2020, mở ra cơ hội lớn cho vùng đông bắc Campuchia, Nam Lào và một phần Thái Lan gần hơn với biển.

Đêm. Cùng tôi rời tháp Nhạn uy nghi, trầm mặc, chị Mai Hoa bày tỏ nỗi niềm: “Người dân Phú Yên vốn cần cù, giàu nghị lực, sống có lòng nhiệt huyết, có lý tưởng và có tinh thần tập thể... Họ đem trí tuệ, sức sáng tạo, khát vọng đóng góp sức mình viết tiếp những trang sử đương đại trên quê hương đất Phú. Tôi tin, mai này Phú Yên sẽ ngày càng phát triển giàu đẹp, trù phú, yên bình, sánh vai với các tỉnh trong khu vực và giấc mơ “cửa ngõ” Tây Nguyên sẽ sớm trở thành hiện thực!”.

Phát hành bộ tem kỷ niệm 400 năm Phú Yên

Ngày 31.3, Bộ Thông tin - Truyền thông, TCty Bưu chính Việt Nam và UBND tỉnh Phú Yên đã công bố chính thức phát hành bộ tem kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611 – 2011) nhằm giới thiệu cảnh sắc thiên nhiên, truyền thống lịch sử cũng như vẻ đẹp của người dân Phú Yên đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Bộ tem gồm 1 mẫu, có khuôn khổ 60x25mm, với giá bán 2.000 đồng, được thể hiện bằng ngôn ngữ hội hoạ, giới thiệu nhiều địa danh đã trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia như: Gành Đá Đĩa, núi Đá Bia, đền thờ Lương Văn Chánh, tàu không số Vũng Rô, thành An Thổ, địa đạo Gò Thì Thùng... Dịp này, Bộ TTTT cũng đã tổ chức Liên hoan tem bưu chính miền Trung - Tây Nguyên tại Nhà văn hoá Lao động tỉnh Phú Yên từ ngày 31.3 – 2.4.

L.P

Lưu Phong

No comments: