Tuesday, July 5, 2011

PHÁ CHẤP TRƯỚC



Hỏi:
Pháp môn Tịnh-độ hay nhắc đến phá "Chấp-trước". Thưa, Chấp-trước có phải là chấp nê đến "Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến" phải không  ạ? Nếu vậy thì ý nghĩa của chữ "Chấp-trước" rộng quá và cao quá, không dễ gì mà buông xả được một sớm một chiều...
 
Trả lời:
Đúng vậy, nói chung, Chấp-trước là tất cả những thứ đó. Không những thế, mà còn hơn nhiều thế nữa, là cả một rừng chướng ngại cho người muốn vượt sanh tử luân hồi, chứ không phải là điều đơn giản như nhiều người thường lầm tưởng! 
 
Chấp-trước còn có những danh từ khác như: Kiến-Tư hoặc, phiền-não hoặc, nghiệp hoặc,  v.v...
 
Kiến-Tư hoặc nghĩa là Kiến-hoặcTư-hoặc.
 
Kiến-hoặc là những điều còn thô tháo như: Ngã kiến, Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến-Thủ kiến, v.v... Những tật đố, cạnh tranh, ganh tỵ, thị phi, tốt xấu, khen chê, thương ghét, v.v... đều là Kiến-hoặc hết. Kiến-hoặc tùy theo Nam-tông hoặc Bắc-tông mà có sự phân chia hơi khác nhau một chút, có tông phái nói có 88 phẩm, có phái nói tới 112 phẩm. (Không nên đi sâu vào đây, nhức đầu lắm!)
 
Tư-hoặc thuộc về ý niệm, tình cảm, những động niệm tế vi hơn ở trong lòng. Cũng tùy theo Nam-tông hoặc Bắc-tông mà Tư-hoặc cũng được phân chia khác nhau, các phái Nam-tông chia thành 10 phẩm, Bắc-tông chia thành 16 phẩm, có nơi chia ra đến 81 phẩm.
 
Chấp-trước là cái nhân tạo ra nghiệp sanh tử đọa lạc trong tam đồ lục đạo. Còn Chấp-trước còn nghiệp lục đạo. Người chưa phá được Chấp-trước thì không ra khỏi lục đạo. Hơn nữa, chính Chấp-trước là cái nhân tạo ra nghiệp sanh tử luân hồi, thành ra người Chấp-trước phải tùng theo nghiệp mà thọ báo trong tam giới chứ không thể chứng đắc, chưa thể thành đạo.
 
Chấp-trước là chướng ngại chính của hàng phàm phu. Còn Chấp-trước tức là còn phàm phu, chưa thể thành Thánh nhân được!
 
Người nào phá được Chấp-trước (cả Kiến-hoặc lẫn Tư-hoặc) thì mới thoát được sanh tử luân hồi, chứng đắc quả A-la-hán. Cửa ải này là mốc điểm then chốt phân biệt giữa phàm phu và Thánh nhân. Vô cùng khó khăn!
 
Đối với hạng phàm phu tục tử như chúng ta thì vấn đề phá Chấp-trước coi như vô phương giải quyết!
 
Nhiều vị Tổ Sư đức cao trọng vọng mà các Ngài vẫn phải than rằng: một vài phẩm Kiến-hoặc không phá nổi. Đây là sự thật, chứ không phải nói đùa.  
 
Chính vì vậy, khi tu hành chúng ta phải thật cẩn thận. Nếu sơ ý thì tu hành đến vạn kiếp cũng không thoát khỏi trần lao. Vì nên nhớ, đã là phàm phu thì khó có thể  mơ đến ngày phá hết nghiệp để thoát vòng sanh tử. Nhiều người sơ ý phát nguyện tu hành tốt để trả cho hết nghiệp. Nguyện như vậy nghe qua thì hay lắm, nhưng kết cuộc thì đời đời kiếp kiếp bị kẹt trong tam đồ, lục đạo. Tại sao? Vì Chấp-trước không thể phá được thì nghiệp chướng vẫn còn. Nghiệp chướng còn thì nó sẽ tìm cơ hội tăng trưởng. Một đời nhiều hơn một đời, làm sao thoát tam giới?
 
Trong kinh Đại-Tập, Phật nói: "Vạn ức người tu hành, khó tìm ra một người chứng đắc".  Câu này Phật cảnh cáo cho người tu hành mà không biết cách đó.
 
Như vậy, chẳng lẽ hạng người hạ căn như chúng ta đây dù có tu hành cũng thành vô ích sao? 
 
Không phải vậy đâu. Vẫn có cách cho tất cả mọi người được vững vàng thành đạo, miễn sao chúng ta quyết lòng nghe lời Phật dạy, coi kinh điển cho thật kỹ đừng sơ suất. Hãy thành tâm y giáo phụng hành, thì pháp Phật chắc chắn giúp ta liễu thoát sanh tử trong một đời này. Vì cũng trong kinh Đại-Tập, Phật có nói, "Người nào nương theo pháp Niệm Phật thì thoát luân hồi". Đây là chính lời Phật dạy. Như vậy pháp Niệm Phật thật là nhiệm mầu, quá vi diệu, có thể cứu được người tội chướng sâu nặng. Và đây chính là chìa khóa để thành đạo cho tất cả mọi người trong thời mạt pháp.
 
Phá Chấp-trước tức là đoạn nghiệp. Đoạn nghiệp có hai cách: Diệt-Đoạn  Phục-Đoạn.
 
Diệt-Đoạn là diệt cho sạch hết nghiệp chướng, như nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc, diệt cho hết rễ. Công phu này cần cho người tự tu tự chứng thành bậc tu Vô-Lậu. Rất khó! Chỉ có hàng Bồ tát, thượng căn thượng trí... mới làm nổi, còn người hạ căn phàm phu thì vô phương!
 
Một người căn tánh hạ liệt mà không tự biết khả năng của mình, muốn mong cầu diệt đoạn Chấp-trước cho đến nghiệp sạch tình không, thì thật là điều vọng tưởng, hão huyền, không thực tế! Nếu không quán xét kỹ căn cơ của mình là đâu mà liều lĩnh thực hành các pháp không hợp căn cơ, thì dù có tu hành cách nào đi nữa, sau cùng cũng đành luống công mà thôi!
 
Phục-Đoạn là cách phủ phục nghiệp chướng, chận nghiệp lại, đừng để nó hiện hành. Thông thường thì đây chỉ là cách hành trì của bậc tu Hữu-Lậu, trong tam giới. Nghĩa là cách tu không thoát vòng sanh tử.
 
Nói rõ hơn, Phục-Đoạn chỉ là thứ công phu có vẻ yếu đuối của hạng phàm phu, chỉ cố gắng kềm chế đừng cho nghiệp chướng tung hoành, giống như lấy đá đè cỏ, không cho cỏ ngóc đầu lên.
 
Công phu này không thể thành tựu được đối với người tự lực tu chứng, vì đè cỏ thì cỏ tạm thời không mọc được, nhưng mầm cỏ vẫn còn đó, nó sẽ len lỏi tìm cách chui ra. Một ngày nào khi có cơ hội thuận lợi, chắc chắn cỏ sẽ vượt lên. Không những thế, một khi đã vượt lên thì vượt rất mạnh, không cách nào cứu nổi! Cũng giống như đè nén cái lò xo, khi sức mình bị đuối rồi, không nén nổi nữa, thì cái lò xo sẽ bật lên và bật rất mạnh, lúc đó khó có gì kềm chống nổi.
 
Tuy nhiên Phục-Đoạn lại có hữu dụng và rất thuận lợi đối với người Niệm Phật cầu Vãng Sanh. Vì so với Diệt-Đoạn, thì pháp Phục-Đoạn đương thời dễ hơn rất nhiều, chỉ dùng câu Phật hiệu phủ lấp nghiệp chướng lại là được. Nói cho dễ hiểu hơn, mỗi khi nổi lên Chấp-trước, ghét thương, giận hờn, bực tức... thì đề khởi câu Phật hiệu, cứ cố gắng cất lời Niệm Phật lên thì tự nhiên phủ được cái mầm Chấp-trước.
 
Chỉ cần phủ Chấp-trước mà Niệm Phật cầu Vãng Sanh thì sau cùng được Vãng Sanh về Tây-phương. Đây là "Đới-nghiệp Vãng Sanh", chứ không phải diệt sạch nghiệp để chứng đắc. 
 
Đới-nghiệp là mang khối nghiệp đi Vãng Sanh về với đức A-Di-Đà. Ngài cho phép chúng sanh làm vậy, Ngài có cách cứu chúng sanh từ hàng phàm phu thành bậc Chánh-Giác bằng con đường này. 
 
Nên nhớ, chỉ có pháp Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ mới có phước phần đới-nghiệp Vãng Sanh. Vãng Sanh thì một đời thành tựu đạo quả.
 
Hỏi rằng, nếu phủ nghiệp không được thì làm sao? Hãy cố gắng phủ, phủ được tới đâu hay tới đó, phủ càng nhiều càng tốt. Đây là công phu của mỗi người phải tự lo lấy. Phủ trọn vẹn thì an nhiên tự tại Vãng Sanh, phủ nhiều thì thành công dễ, phủ ít thì khó khăn hơn cho chính mình ở lúc lâm chung. Muốn chọn cách nào thì chọn..
 
Muốn an toàn thì mỗi người tự cố gắng lên. Còn như muốn bị nhiều chướng ngại thì cứ tu lai rai, tu tà tà... Nếu cuối cùng bị nhiều trở ngại, mất phần giải thoát thì phải tự chịu lấy thôi, không trách ai được!
 
Giả như sợ rằng mình bận bịu công việc, công phu yếu, phủ nghiệp không được nhiều, đè nghiệp không mạnh... Nếu sự lo lắng này chân thành thì đây cũng là một điều hay. Vì có lo lắng như vậy mới cố gắng tu hành tinh tấn hơn, buông xả trần lao nhiều hơn, và cẩn thận chuẩn bị kỹ hơn cho ngày lâm chung của mình.
 
Chuẩn bị làm sao? Hãy kết nhóm với nhau, cỡ năm-mười người cùng tu chung với nhau, hỗ trợ nhau, quyết tâm Hộ Niệm cho nhau lúc bỏ báo thân. Đây là điều tối cần thiết, không thể thiếu, không thể lơ là xem thường được.
 
Niệm Phật và được Hộ Niệm cẩn thận, thì như chư Tổ nói, muôn người Niệm Phật muôn người được Vãng Sanh. Trong những năm qua ở Việt Nam rất nhiều người Niệm Phật và được Hộ Niệm đến khi xả bỏ báo thân để lại thoại tướng tốt đẹp, mà trước đây khó có cơ hội được thấy qua. Trong đó chắc chắn rất nhiều người đã có phước phần Vãng Sanh Cực-lạc. Thật bất khả tư nghì!
 
Thật sự, Hộ Niệm là đại cứu tinh cho tất cả mọi người. Đây là chỗ thù thắng nhất của pháp môn Niệm Phật, đã cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh Vãng Sanh về Tây-phương Cực-lạc, bất thối thành đạo Vô-Thượng.
 
Trở laị vấn đề Phục-Nghiệp để Vãng Sanh, đây là điều mà ai cũng có thể làm được. Nói cụ thể một chút cho dễ hiểu:
-Một là, ăn ở hiền lành, đừng nghĩ tới nghiệp nữa.
-Hai là, thành tâm Niệm Phật tha thiết cầu Vãng Sanh Cực-lạc.
 
Đừng nghĩ tới nghiệp chướng nữa để quên luôn cái duyên xấu đi. Cái duyên xấu hay duyên tốt đều từ chính cái tâm tạo ra.
 
Nghĩ điều xấu thì duyên với điều xấu, duyên với điều xấu thì tạo nên nhân xấu. Nhân xấu mới kết bè với nhân xấu cũ, tất cả dễ cùng khởi lên, làm cho chúng ta hứng chịu quả báo xấu.
 
Ăn ở hiền lành, làm thiện làm lành là tạo phước, tạo nhân tốt. Duyên tốt thì hợp với nhân tốt. Nhân tốt mới và nhân tốt cũ hiện hành, ta dễ hưởng quả báo tốt. 
 
Duyên xấu không có, thì nhân xấu cũng khó kết thành quả xấu. Trong lúc đó, chúng ta thành tâm niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ là tích cực phủ phục tất cả nghiệp duyên, đây là điều mà chúng ta cùng lúc tạo được vừa Nhân vừa Duyên vừa Quả Cực-lạc. Nhờ nhân duyên này cảm ứng đạo giao, hợp với đại nguyện của  A-Di-Đà Phật, Ngài sẽ ứng hóa tiếp độ chúng ta về Tây-phương. Được Vãng Sanh xong thì gặp Phật A-Di-Đà, chư Tổ nói gặp được A-Di-Đà Phật rồi thì lo gì mà không thành đạo.
 
Vậy thì, muốn một đời này khỏi bị nghiệp báo nó lôi cổ vào chốn tam đồ khổ nạn thì chúng ta hãy nên tu hành một cách hết sức căn bản: các việc ác không làm, các viêc thiện cố gắng làm, làm thiện nhưng đừng "Chấp-Trước" vào việc thiện nữa để giữ tâm thanh tịnh. Chính tâm hồn thanh thản, vui tươi ngày ngày Nệm Phật là điều tối quan trọng để giải thoát.
 
Cụ thể lại, bắt đầu từ nay, chúng ta hãy ăn ở hiền hòa, vui vẻ, tập buông xả nhiều một chút... 
 
Ví dụ, người hay cạnh tranh, ganh tỵ, ưa nói xấu nguời này, chửi người nọ... Đây là điều không tốt, là người không tốt! Nên tránh.
 
Chúng ta là người đang tập tu hành. Đang tu hành vì chính ta có nhiều lỗi lầm. Hiểu được như vậy, khi thấy người khác có lỡ lầm điều gì, thì hãy nên biết thông cảm, tha thứ cho họ. Người có tâm hồn như vậy thì Phật giáo gọi là người có lòng Từ Bi, Nho giáo gọi là đấng Trượng Phu Quân Tử, người thế gian gọi là người tâm tính rộng rãi.
 
Hòa Thượng Tịnh Không nói, dẫu cho một người đại xấu đi nữa, thì ít ra họ cũng có 10% tốt, hãy tiếp cận họ bằng 10% tốt đó. Như vậy, Ngài là người có lòng từ bi.
 
Còn chúng ta, hễ thấy ai làm điều gì, chưa biết là tốt hay xấu cũng lo chê trước, tìm cách nói xấu trước... Vậy thì, chính ta là người Chấp-trước quá nặng. Ta Chấp-trước nhiều quá, suy cho cùng vì chính ta là người xấu. Chấp-trước rất tổn hại cái đức của mình. Vậy thì, càng Chấp-trước càng xấu, không hợp với người tu hành.
 
Ấn Quang Đại Sư dạy: "Tồn Thành" là giúp cho người thành công điều thiện mỹ. Nếu ta làm được điều tốt thì hãy cố gắng làm, nếu làm không được thì cũng nên có tâm tán thán những điều tốt của người khác. Thành tâm tán thán sẽ chia được một phần phước báu của họ. Còn người cứ thấy ai làm bất cứ điều gì, chưa biết là tốt hay xấu cũng đều chê bai, đố kỵ... Thì ngài Ấn Quang nói, đây quả là hạng người tiểu nhân! 
 
Phá Chấp-Trước chính là phá bỏ những tật đố này vậy.
 
Vậy thì, một việc trước đây làm cho ta cảm thấy khó chịu, nay hãy coi nhẹ nó đi. Cái gì cũng coi nhẹ lại một phần thì ta cảm thấy thoải mái một phần, coi nhẹ hai-ba phần thì ta cảm thấy thoải mái hơn hai-ba phần. Cố gắng xem mọi việc đều nhẹ nhàng thì ta càng ngày càng vui hơn, tâm hồn an nhàn thanh tịnh.  Đây là ta đang tích cực phá Chấp-Trước đó.
 
Người thoải mái lúc nào khuôn mặt cũng tươi hơn, lòng từ bi thương người lớn hơn, tâm hồn vị tha hơn, dễ được cảm tình hơn, dễ kết được nhiều bạn lành hơn. Chính nhờ vậy mà sự nghiệp của họ hanh thông, dễ thành công hơn.
 
Đối với người Niệm Phật, sự thành công đại nhất là được Vãng Sanh Tây-phương Cực-lạc. Muốn được vậy thì không có gì bằng buông bỏ những tật đố tầm thường, ngày ngày Niệm Phật, phát tâm Vãng Sanh tha thiết.
 
Chắc ăn hơn nữa, hãy tạo một nhóm nhỏ cỡ 5-10-15 người, cùng một chí hướng Vãng Sanh hợp lại để Niệm Phật chung với nhau, hãy chuẩn bị Hộ Niệm cho nhau khi cần thiết. Được vậy, chắc chắn được Vãng Sanh, ai ai cũng được thành tựu đạo quả.
 
Chúc tất cả đều viên mãn đại nguyện. 
 
A-Di-Đà Phật
Diệu Âm

No comments: