Tuesday, November 16, 2010

Đọc và suy ngẫm

Bài viết này lấy từ thư viện Hoa Sen. Đọc qua rồi post lên đây. Quan điểm thể hiện như tiêu đề "đọc và suy ngẫm". Một lời nói thì có ngàn kiểu nghe khác nhau. Hơn nữa, muốn cho người nghe hiểu thì người nói phải vận dụng cả ngàn cách để diễn giải. Và đặc biệt hơn, người nghe ở đây là đủ mọi tầng lớp, thì người nói phải vận dụng triệt để mọi cách nói, và thậm chí chuyển từ những ngôn ngữ chuyên ngành thành những cái gọi là "nôm na" nhất. Và tất yếu cũng sẽ có sai sót nếu đứng về khía cạnh chuyên môn soi vào. Do đó, đọc và suy ngẫm là thế. Điều cốt lõi của đạo Phật trong việc truyền bá là làm cho người dân hướng thiện và loại bỏ cái ác. Do đó, không nhất thiết phải công kích nhau như vậy.
LIÊN QUAN ĐẾN
BÀI GIẢNG “LUẬN VỀ NIỆM PHẬT”

Của HT. Thích Thanh Từ

Lời Ban Biên Tập:

Trong những ngày vừa qua ban biên tập Thư Viện Hoa Sen có nhận được thư của Cư sĩ Trần thị Hoa Trắng, Trần Thị Hương Tràng, Nguyễn Chinh, Sư cô Thích nữ Huyền Trân, thầy Thích Thông Dung và một số thư khác do cư sĩ Trần thị Hoa Trắng chuyển tới yêu cầu Thư Viện Hoa Sen “…xóa tên hòa thượng Thích Thanh Từ và các tác phẩm của hòa thượng trong trang Thư Viện Hoa Sen cho đến khi hòa thượng Thích Thanh Từ trả lời một cách đúng đắn vấn đề nêu trên; và chính thức yêu cầu giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về việc nầy.”

Vấn đề nêu trên” mà cư sĩ Trần thị Hoa Trắng đề cập đến là việc Hòa thượng Thích Thanh Từ giảng về Pháp Môn Niệm Phật trong Khóa Hư Lục của vua Trần Thái Tông. (xin xem nguyên văn bài giảng của thầy trong TVHS: Luận về niệm Phật)

BBT TVHS đính kèm thư của cư sĩ Trần thị Hoa Trắng dưới đây thể theo lời yêu cầu của cư sĩ và sư cô Thích nữ Huyền Trân, đại diện “một nhóm tăng ni tại một tu viện quê mùa, hẻo lánh tại VN”. Riêng về việc yêu cầu TVHS “xóa tên hòa thượng Thích Thanh Từ và các tác phẩm của hòa thượng trong trang Thư Viện Hoa Sen..” BBT TVHS rất tiếc không thể làm được vì:

(1) TVHS là một thư viện Phật giáo điện tử, là nơi truyền bá Phật Pháp cho toàn thể Phật tử cũng như không Phật tử thuộc mọi trình độ và căn cơ khác nhau.

(2) TVHS không lệ thuộc bất cứ ai và tổ chức giáo hội cũng như tự viện nào.

(3) Một lời giảng của vị thầy này có thể thích hợp với một số Phật tử nhưng có thể không thích hợp với một số Phật tử khác do căn duyên mỗi người mỗi khác nhau.

(4) Con người, bao gồm cả quý thầy đạo cao đức trọng, chưa thành Thánh Tăng cũng vẫn có sơ suất khó tránh khỏi và họ cũng đang trên đường tu tập.

BBT TVHS cũng không quên chân thành cảm ơn cư sĩ Trần Thị Hoa Trắng, Thích nữ Huyền Trân, thầy Thích Thông Dung và quý cư sĩ đã tín nhiệm TVHS mà đặt vấn đề quan trọng này trước công luận. Có thể nói đa số Phật tử Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước tu theo pháp môn Niệm Phật.


Lá thư đạo
Giữ lại kinh A Di Đà như cứu lửa cháy trên đầu
(Cư sĩ Trần thị Hoa Trắng)

Kính gởi quý Phật tử, chư tăng, chư ni, chư tôn đức và ban biên tập Thư Viện Hoa Sen,

Một hành giả hiểu được kinh luận thì có thể biết rằng thiền có trong tất cả những oai nghi khác như thiền hành, thiền tọa, cả hai hành và tọa, hoặc chẳng hành cũng chẳng tọa. Người học sâu hơn thì còn biết đến cả “Tùy Tự Ý tam muội” của Tổ Tuệ Tư v.v... Tuy nhiên, đối với những người già cả không biết chữ để tụng đọc kinh, xem xét luận; những người đau bệnh không thể hành thiền, tọa thiền...; những người bận rộn việc sinh nhai, vất vả quanh năm không dám đặt lưng xuống ván quá lâu để nghỉ ngơi, thì những người ấy chỉ mong cầu pháp môn nào dễ thực hành nhất, tức pháp môn niệm Phật. Nếu như bỏ ra ngoài pháp môn niệm Phật thì hóa ra những người ấy không có phần trong gia tài chung của chư Phật đã khai mở ra hay sao?. Nếu quý Phật tử đi về vùng quê nghèo khó, ngay cả những vùng đất không quá xa thủ đô, quý vị cũng có thể gặp trên đường những cụ già như đã nói trên. Những cụ già nầy có thể là cha tôi, có thể là mẹ chị, có thể là người láng giềng cặm cụi suốt đời vun xới luống rau tươi. Nếu như họ vô phần thì có lý nào pháp Phật chỉ dành cho lớp người nhờ phước báu mà có được kiến thức, biết đọc, biết nghe Cd, biết phân tích lời thuyết giảng, nhất là có tiền mua được video, cassette, Mp3...

Nói như vậy không có nghĩa rằng pháp thiền không phải là pháp môn thù thắng. Chính đức bổn sư Thích Ca xưa kia từng tọa thiền dưới cội cây, chứng đạo dưới ánh sao mai..

Nếu như vậy thì vì lý do gì hòa thượng Thích Thanh Từ, viện trưởng thiền viện Trúc Lâm tại Đa Lạt Lâm Đồng lại đành lòng tuyên bố những lời như sau:

“Còn niệm là còn sanh, hết niệm là vô sanh. Còn rước là còn sanh, không ai rước là vô sanh. Vô sanh là gì? Là Niết Bàn. Mục đích chúng ta tu là đạt đến vô sanh, là Niết Bàn, nên tu đến vô niệm là được vô sanh. Ngay đời này nhập Niết Bàn còn hơn là về Cực Lạc phải mất thời giờ tu đến thời gian sau mới được vô sanh, được Niết Bàn. Như vậy là chúng ta tu tắt... Còn đón rước là còn lệ thuộc, còn bị sanh.”

(Khóa Hư Lục, lời giảng của hòa thượng trong chương Luận Về Niệm Phật).

Tôi vẫn chưa nghĩ ra ý hòa thượng Thích Thanh Từ dùng trong câu “còn rước là còn sinh, không rước là vô sinh” là gì?. Hòa thượng định nghĩa thế nào là “sinh” và “vô sinh”?.

Một chỗ khác, trong băng “Xả”, hòa thượng Thích Thanh Từ nói:

“Bây giờ thầy thí dụ, thầy dạy quý vị tu, nguyện chết sanh về cõi Cực Lạc, nhưng mình tu như vậy tới gần giờ chết cũng còn hồi hộp: Chưa biết cõi Cực Lạc ở chỗ nào? (có tiếng cười). Mình quyết định tới đó mà không biết nó ở chỗ nào đây nè! Có hồi hộp không. Rồi lo cái nữa đó, nếu mà Phật không rước mình thì sao (nhiều tiếng cười phụ họa).

Một đoạn khác, hòa thượng nói: “Bởi vậy cho nên thầy mới nói, có nhiều cái mà thầy không bằng lòng. Cũng như nói được sanh về Cực Lạc rồi thì sáng sáng mình đi lượm hoa, đi cúng dường mười phương chư Phật, về ăn cơm trưa, khỏe ghê. (tiếng cười). Sao không chịu ghé ta bà giùm một chút, nói cho con cháu nó hay (nhiều tiếng cười ngất). Đi không được đã đành, mà đi được dễ dàng như vậy, tại sao lại nỡ không báo cho bà con nó biết, nó tu với mình?”.

Một nữ Phật tử nói:

“...con không chịu vậy đâu, tại vì con phải trở xuống dương gian nầy để giúp đỡ người nầy, người kia, chớ về trển mà cứ mỗi lần thiền duyệt thực, pháp hỷ thực thì...”

Hòa thượng Thích Thanh Từ nối lời:

“...thì ích kỷ quá!

Một đoạn tiếp theo, hòa thượng nói:

“Bởi vậy tu Phật cũng có nhiều cái, mình biết có những pháp chỉ để an ủi người lớn tuổi, người ta không làm được cái nầy thì lấy cái kia cho người ta làm. Rồi mình lấy làm cái chung, thành nhiều cái nó mất ý nghĩa. Phật đâu có nguyện sanh về cõi Cực Lạc!”.

Chỗ nầy hòa thượng muốn nói về “Tứ tất đàn” tức thế tục tất đàn, vị nhân tất đàn, đối trị tất đàn, và đệ nhất nghĩa tất đàn. Ý nghĩa của các tất đàn nầy cũng không ra ngoài hai pháp lý và hành. Nếu hòa thượng hiểu đúng câu nói của chính hòa thượng là “người ta không làm được cái nầy thì lấy cái kia cho người ta làm” thì hòa thượng đã không bài bác pháp môn Tịnh độ. Đó là nói ở cấp bậc phương tiện, còn như nói đến đệ nhất nghĩa đế thì trong một danh hiệu Phật chứa muôn vạn pháp môn thù thắng. Thứ hai, đây không phải là những pháp “chỉ để an ủi người lớn tuổi.”

Còn rất nhiều chỗ mà lối giảng nầy bàng bạc, thí dụ, một vị tăng đọc câu hỏi của một Phật tử viết thư yêu cầu hòa thượng Thích Thanh Từ trả lời giúp câu hỏi của con anh ta là một đứa bé 5 tuổi, rằng bây giờ Phật tử niệm Phật, vậy thì trước kia Phật niệm ai mà thành đạo. Khi vị tăng đọc xong câu hỏi thì cả thiền đường cười ngất, ngay đó hết băng; để mặc ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Tôi không muốn liệt kê thêm vì mất nhiều thì giờ.

Tôi không hề mong mỏi điều gì cho cá nhân tôi ngoài việc kêu gọi các người con Phật hãy nắm cho chặt, hãy giữ cho vững trong tay quyển kinh A Di Đà. Khi lòng người lung lay thì kinh mất chứ không một ai có thể tiêu diệt được bản kinh do Phật tự thuyết ra, kể cả ma vương. Tất cả chúng ta là con Phật, dù khôn dù dại, dù sang dù hèn, dù thiện dù ác, dù thánh dù phàm, dù tăng sĩ hay cư sĩ,... tất cả đều là con Phật. Ở đây, tôi chỉ nói lên sự thực chứ không khơi dậy lòng tức giận, ghét hờn.

Tôi mong rằng hòa thượng Thích Thanh Từ sẽ vì tình thương rộng lớn của người tu sĩ chưa phai mờ như buổi sơ phát Bồ đề tâm, mà sẽ đứng ra chính thức sám hối chư Phật, xin lỗi Phật tử trong và ngoài nước về những việc trên. Nếu chúng ta đặt lòng từ bi không đúng chỗ, thương hòa thượng giờ đây già yếu, không nở nào làm cho hòa thượng phiền lòng, thì thử hỏi rằng đó có phải là một tình thương chân thực chúng ta dành cho hòa thượng hay chỉ là sự mềm yếu của cảm giác?. Có thể rằng một thời gian thư thả sau khi thuyết giảng như trên, hòa thượng có thể đã chứng được những lời hòa thượng nói trong bài “Đến nhà”. Tuy nhiên, những người Phật tử trước kia và ngày nay còn tin theo hòa thượng, chắc gì đã thấy được “trúc biếc, hoa vàng” như hòa thượng, vì mải mê làm việc cực khổ để nuôi gia đình. Ước gì hòa thượng nghĩ đến họ mà rủ lòng thương, thú thực với họ lỗi lầm của chính bậc thầy của họ. Hẳn nhiên, chúng tôi không cần lời xin lỗi của hòa thượng, nhưng để một lần nữa, gióng lên tiếng chuông kêu gọi người Phật tử đừng quên lời Phật Thích Ca đã dạy rằng khi Ngài thuyết kinh A Di Đà, mười phương chư Phật đều phát diệu âm tán thán công đức bất khả tư nghì của Đức Thích Ca.

Tôi xin yêu cầu Thư Viện Hoa Sen, là một cơ quan truyền bá Phật pháp, xóa tên hòa thượng Thích Thanh Từ và các tác phẩm của hòa thượng trong trang Thư Viện Hoa Sen cho đến khi hòa thượng Thích Thanh Từ trả lời một cách đúng đắn vấn đề nêu trên; và chính thức yêu cầu giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về việc nầy.

Kính bút,

Trần thị Hoa Trắng

Ngày 30 tháng 10 năm 2010


Trần thị Hoa Trắng

Tên viết xuống nhưng có bao giờ biết mặt
Như loài hoa kín đáo nở trong đêm.
Tiếng em kêu rực rỡ mặt trời lên
Trên giải đất cuộn mưa tràn, thác lũ.
Tay em thắp đuốc hồng muôn năm cũ
Giữa thôn làng hiu quạnh tiếng chuông lơi
Tiếng em kêu thảng thốt sợ kinh rơi
Vào hố thẳm của muôn lòng xa lạ.
Thư em viết như âu sầu, như buồn bả
Như khẩn nài kể chuyện một tờ kinh,
Có bao giờ tôi sẽ được gặp em.

Thích nữ Huyền Trân

11-05-2010 08:53 22

No comments: