Wednesday, February 25, 2009
NSND Thế Anh: Danh dự chỉ như que diêm...
NSND Thế Anh là ai? Là một câu hỏi rất dễ được trả lời về mặt thông tin chung chung, vì ông đã quá nổi tiếng, với bất kỳ ai có quan tâm một chút về sân khấu và điện ảnh đều có thể đưa ra câu trả lời của riêng mình.
Ví dụ: ông tốt nghiệp hạng ưu - khoa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên vào năm 1964, cùng với những tên tuổi đã thành trụ cột của sân khấu - điện ảnh thời kỳ đầu của điện ảnh Việt Nam như Ngọc Hiền, Trần Tiến, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Lê Hùng, Thanh Tú…
anh-Mythuat.jpg
NSND Thế Anh (ảnh: Mỹ Thuật)
Tuy nhiên, bản chất của người nghệ sĩ thường được gắn với hai cặp từ “cô đơn” và “sáng tạo”. Sáng tạo thì rõ rồi, vậy liệu Thế Anh khi bước vào tuổi thất thập cổ lai hy có cô đơn hay không? Chúng tôi đã gõ cửa “tâm tư” của ông về chuyện này.
Không đi diễn - Không có nghĩa là cô đơn
- Nhiều người nói rằng, là nghệ sĩ mà không được đi diễn, không được nhập vai thì rất cô đơn, lẻ loi. Ông trở lại khá nổi bật với vai Hoàng đế Minh Mệnh trong vở Tả quân Lê Văn Duyệt (KB: Phạm Văn Quý, ĐD: NSND Doãn Hoàng Giang) sau nhiều năm im hơi lặng tiếng. Vậy quãng thời gian nằm im đó, ông có thấy cô đơn không?
- Tôi không có thời gian để cô đơn! Và tại sao tôi phải cô đơn chứ khi vấn đề không đi diễn, không đi đóng phim cũng là chuyện bình thường với một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tại sao tôi gọi đây là vấn đề? Vì đã là nghệ sĩ chuyên nghiệp, mình phải biết được vai nào hợp, vai nào không để mà quyết định có nhận hay không.
Nghệ sĩ chuyên nghiệp thì không thể cứ gặp vai nào cũng đóng. Phải biết rằng tôi đã qua thời kỳ bon chen ấy từ lâu rồi, tôi không thể chạy xin vai, không thể đua tranh việc kiếm danh, kiếm tiền với các thế hệ nghệ sĩ mới vào nghề, hoặc trẻ hơn.
Là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, cũng phải nhớ thêm một điều rằng: Nghệ thuật thì vô biên và thời gian thì vĩnh cửu, riêng bản thân của mình thì hữu hạn, tại thế của một đời người rất ngắn ngủi, đừng có quá tham. Không ai có thể lột da sống đời để giữ cái ngai vàng hư ảo, vốn mong manh và tạm bợ.
anh-Mythuat1.jpg
NSND Thế Anh (trái) vai Vua Minh Mệnh trong vở Tả quân Lê Văn Duyệt
- Nói vậy chứ khi ông “dời đô” từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống (năm 1976), để lại sau lưng khoảng 60 vở diễn trên sân khấu, nhiều người đã tiếc cho cái sự nghiệp ấy. Hẳn ông cũng đã rất dằng co khi đưa ra quyết định này?
- Bây giờ mà nói lại câu chuyện thời ấy thì quả là hơi cũ và cũng không được sòng phẳng, vì sau hơn 30 năm sinh sống ở Sài Gòn, xa cái thời mà gần như tuần nào cũng đi diễn tại các sân khấu ở phía Bắc, mình đã quá đủ tỉnh táo để suy xét lại cái quyết định ấy.
Con người ta sống ở đời là sống với các khoảnh khắc không thể nào lặp lại được, nên khi chọn ra đi, thì tôi ra đi - thế thôi. Khao khát lớn nhất của tôi là luôn tìm được những vai diễn khác lạ, trên sâu khấu hay trong phim cũng được, tôi rất ghét biện minh hay ngồi à ơi về những câu chuyện - những thành tích đã qua.
Nhiều phóng viên cứ hỏi tôi những câu chuyện cũ, những vai diễn thành danh, vì nguyên tắc nghề nghiệp của họ, tôi phải tôn trọng và trả lời, chứ Thế Anh ngày hôm nay mà cứ nói chuyện Thế Anh ngày hôm qua thì chán lắm.
Bước vào năm 2000, tôi đã tiến gần đến U70 (tuổi mà nhiều người chọn lối sống nghỉ ngơi hoàn toàn) mà vẫn còn lò mò vào các phim truyền hình như Giao thời, Dốc tình, Hoa dã quỳ, Xin lỗi tình yêu, Tiếng cuốc đêm khuya…rồi các phim nhựa, các vở kịch. Rõ ràng tôi đâu có “bỏ” nghệ thuật ra đi như nhiều người lầm tưởng, tôi vẫn muốn làm công việc này cho đến hơi thở cuối cùng.
Còn hơi thở ấy tạo hoá và ông trời cho mình đến bao nhiêu, đến bao lâu thì tôi không bao giờ thắc mắc. Tuổi của tôi bây giờ, người đời xưa và sách Luận ngữ của Khổng Tử cũng đã viết: “Lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” (tạm hiểu là ở cái tuổi 60 thì nghe thuận tai hết với những chuyện thị phi, còn ở tuổi 70 thì thuận theo cái lòng mình muốn mà không phạm vào các quy củ).
anh-Mythuat3.jpg
anh-Mythuat4.jpg
Đời của người nghệ sĩ đều có cái thời của mình, ham hố hay níu kéo cũng chẳng có ích gì. Tôi biết mình đã chọn lựa đúng và đến bây giờ vẫn luôn đi đúng hướng. Còn cái ham muốn mãi mãi là: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc” - 30 tuổi lập thân, 40 tuổi hết nghi ngờ, thì ai cũng có, nhưng khi cái tâm mình đã về với thân thể của mình, phải biết dẹp bỏ những tiếc nuối vô ích đó.
- Ít đi đóng phim - diễn kịch, theo ông đó là quy luật không thể chối cãi được. Vậy những rảnh rỗi, ông thường làm gì?
- Tôi tuổi con cọp (Mậu Dần) nên luôn chọn tư thế nằm chờ, khi con mồi đến thiệt gần thì mới vồ, mà đã vồ thì phải trúng. Nói như chị Kim Cương: “Làm nghệ sĩ là trời hành”, không có vai thì sợ thiên hạ quên mình, mà có vai không hợp thì cũng chẳng dám nhận, vì sợ thiên hạ chê mình.
Mà nhiều khi thiên hạ khen mình, mình cũng không cần, họ yêu quý vai diễn của mình là quá đủ rồi. Tôi sẵn sàng nằm chờ một vài năm, khi có vai phù hợp thì mới nhận, vì ngoài chuyện nghề nghiệp ra, tôi đã hết bị áp lực bởi cái danh, cái lợi, cái tình.
Nói sợ người ta không tin, chứ dù nằm chờ, tôi cũng ít khi thấy mình cô đơn, “nhàn cư” hay rảnh rỗi. Tại sao phải cô đơn khi xung quanh mình có quá nhiều điều cần phải học, thời gian lấy đâu ra mà buồn.
Ví như chuyện học tiếng Anh hay học phần mềm xử lý ảnh (Photoshop), nghệ sĩ biết hai điều này khá tốt, vì cả hai đều giúp ích khá nhiều cho việc tạo tác “hình ảnh” của mình, trong công việc cũng như trên báo.
Lúc trước có nhiều người hỏi tôi rằng tại sao tôi hay được mời vào vai các sĩ quan Pháp, không phải vì tôi cao to đâu, mà vì tôi nói được tiếng Pháp, tôi học nó từ nhỏ. Rồi tiếng Hoa, tiếng Đức nữa…làm phim chuyên nghiệp mà biết thêm hai thứ tiếng này thì thật lý tưởng, vì điện ảnh cũng có lịch sử quá tuyệt ở hai ngôn ngữ này.
Nếu tôi có thời gian, tôi sẽ đi học thêm tiếng Hoa, tiếng Đức, nhưng ở tuổi này, học thêm tiếng Anh cũng đã thấy cả một biển trời khó khăn rồi, hôm trước học hôm sau quên, dù lúc nào có thời gian tôi cũng học. Rồi Internet nữa, thế giới bây giờ giống như một cái chợ thu nhỏ, cái gì cũng “trực tiếp” hết, mình có thể dễ dàng tham dự cùng cái chợ này, vậy thì chả có việc gì phải buồn nữa.
theanh7.jpg
theanh8.jpg
Poster từ xưa đến nay đều được ông sưu tầm
Quy luật sinh tử thường tuân theo quy tắc chậm dần đều, phù du là cuộc đời, thậm chí cuộc đời thì vốn vô tình và bạc bẽo, vậy thì mình u sầu làm gì.
- Ở trên ông nói mình “đã hết bị áp lực bởi cái danh, cái lợi, cái tình”. Trên hành trình chống lại cái hư vô và nỗi cô đơn của kiếp người, nhiều người chọn cái danh và tái định nghĩa lại cái danh. Nói khác đi, chính cái danh đã làm cho con người ta bất tử hay có thể sống cùng thời gian trong một quãng đường dài, khi thể xác này đã tan biến. Ông quan niệm như thế nào về cái danh?
- Có một câu ngạn ngữ nói đại ý rằng: Cái danh sẽ chế nhạo những người cứ chăm chăm theo nó. Còn thi sĩ Nazim Hikmet (1901-1963) thì viết: “Nếu chúng ta không đốt lửa lên thì làm sao biến bóng đêm trở thành ánh sáng”.
Đã là nghệ sĩ, như con thiêu thân, đèn sân khấu đã bật thì “phải chơi” - chơi bằng cả cuộc đời mình; chơi không cần phải so đo chuyện danh lợi. Phải nhớ một điều rằng, quanh mình còn có bao nhiêu người cùng chơi đấy, nhưng liệu đã có mấy người có danh. Vì vậy, cái danh là thứ rất phù phiếm và ta không thể chạy theo nó.
Cái nghề diễn thì gần như không thể có kinh nghiệm cố định, bởi mỗi vai diễn là một cuộc đời, mình phải trải nghiệm lại từ đầu. Cho nên chuyện già - trẻ, nổi tiếng hay vô danh…cũng không quan trọng bằng việc tâm, lực và sở kiến của người diễn viên thế nào, đến đâu. Theo tôi, là nghệ sĩ thì trước hết phải có tri thức, không có đủ tri thức thì không làm được việc.
Còn cái khiếu, hay cái duyên, cái thần…mà họ tạo ra được trong vai diễn, ấy thì trời cho. Nhưng có khi trời cho rồi nhưng thấy người diễn viên không chịu tu luyện, hàm dưỡng tiếp tục…thì trời cũng sẽ lấy lại. Tất cả đều nhàm chán, chỉ có tri thức thì luôn luôn hấp dẫn và mới mẻ. Tri thức làm nên danh dự. Mà danh dự của mình cũng chỉ như que diêm, đốt cái là hết ngay nên phải biết giữ gìn cái danh dự đó. Danh dự cũng chính là đạo đức của nghề nghiệp, chứ không phải cứ khư khư giữ cái danh tiếng vốn hào nhoáng, nguỵ tạo.
- Trong nhà của ông có hàng ngàn poster phim và sân khấu, trong đó có hàng trăm poster phim mà ông đã đóng. Khi đi giữa chúng, ngoài cảm nhận về vinh quang của mội thời tuổi trẻ, ông thấy được điều gì từ bộ sưu tập khổng lồ này?
- Khi mới giải phóng, nếu tôi đi buôn thì bây giờ đã có thể có giàu có rồi, chứ đâu phải làm thân ở nhà trọ của bố mẹ. Cuộc đời mỗi người đã có một cái khuôn vô hình định sẵn, muốn khác đi cũng khó lắm. Nhìn lại hàng trăm poster và hàng nghìn bức ảnh của bản thân, tôi chỉ nghiệm ra một điều giản đơn rằng: Mình vốn dĩ là một diễn viên, cuộc đời mình vốn là những khuôn hình và những thước phim định sẵn. Và đó cũng là mục đích và chân lý của cuộc đời, chẳng có gì phải hối tiếc cả.
theanh32.jpg
Hàng ngàn poster lớn nhỏ được ông sưu tầm một cách thích thú
theanh3.jpg
Khách đến nhà sẽ được ông dẫn tham quan và chỉ dẫn từng chi tiết hay của poster
Những người không thích nghi thì hay chạnh lòng - thương chuyện cũ, nhớ chuyện hôm qua, còn tôi thì cứ đi, chẳng thích ngồi trong ghen tỵ, so đo. Ở cái tuổi của tôi bây giờ, nếu bước ra sân khấu khán giả chỉ vỗ tay 10 cái, trong khi các bạn trẻ được vỗ tay 1.000 cái, ấy cũng là chuyện thường tình. Giữ cho được 1 tiếng vỗ tay, nhiều khi cũng không dễ, nhưng không phải vì thế mà mình bất chấp để níu giữ.
Cuộc đời tôi có bốn hồi
- Nhìn lại một lượt các vai diễn của ông, người quan sát thấy anh chàng Thế Anh điển trai thường được sánh vai với các người đẹp, có thể kể đơn cử như Lê Vân, Như Quỳnh, Diễm My, Thu Hà, Hiền Mai…, mà nghe đâu các người đẹp cũng có cảm tình với ông. Điều này có thật không?
- Con người khác cái máy ở chỗ luôn có tình cảm đa dạng và luôn luôn có thể thay đổi - mà thay đổi nhiều là đa tình. Nếu con người chỉ có một thứ tình cảm, tôi cho rằng loài người đã có thể diệt vong, nên đa tình là chuyện thường tình. Tuy nhiên, cái tình trong phim, trên sân khấu khác với cái tình thật ở ngoài đời.
Tôi có đời sống của gia đình mình, người ta có đời sống riêng của họ, xấu tốt hay hạnh phúc gì đó miễn bàn, quan trọng là phải biết giới hạn. Con người văn minh là phải biết tôn trọng những giới hạn.
Sở dĩ có hờn ghen giận dỗi, có chiến tranh cướp phá…là do các giới hạn bị rạn nứt hoặc sụp đổ. Ngay cả Robinson mà vượt quá giới hạn cho phép của đời sống thì anh ta đã không còn sống để quay về đất liền.
- Trong phim Không nơi ẩn nấp (trước 1975) ông vào vai một tên biệt kích nhảy ra Bắc và trá hình vào hàng ngũ bộ đội, nhờ đẹp trai nên lợi dụng được trái tim của một nữ bí thư thanh niên xung phong.
Trong phim Đêm hội Long Trì thì ông vào vai quốc cửu hoang dâm vô độ. Trong vở Tả quân Lê Văn Duyệt mới đây thì ông được bủa vây bởi toàn người đẹp. Nếu nói về cái sự đa tình và cả cái duyên của ông với các nhân vật nữ, ông nghĩ bí quyết của mình nằm ở chỗ nào?
- Ngày trước, người ta nói với tôi nhờ đẹp trai mà đa tình - dù là chỉ đa tình trong nghệ thuật. Tôi cho rằng nhận định đó hoàn toàn sai, vì nhân vật luôn do kịch bản và đạo diễn quyết định, vấn đề còn lại phụ thuộc vào quá trình nghiên cứu lý lịch nhân vật của diễn viên.
theanh43.jpg theanh5.jpg
Vào vai Hoàng đế Minh Mệnh thì tôi phải biết được đây là vị vua giỏi, thích canh tân và thực tế là đã có rất nhiều đóng góp cho triều Nguyễn. Về đời tư, vị vua này có sáu trăm cung tần mỹ nữ, làm vua chừng hai mươi năm mà có tới 142 người con.
Trong vở Tả quân Lê Văn Duyệt, lớp diễn của nhân vật này khá ít, nếu tôi không làm rõ nét được hai đặc điểm này thì xem như vai diễn không thành công. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng sau đêm tổng duyệt nói với tôi rằng: “Ông này là vua đa tình”, tôi thấy nhận xét này sắc sảo, nên tôi tự ứng biến vào vai diễn của mình vào hướng đó.
Tôi biết mình đã già rồi, thiếu cái sự hấp dẫn thời trai trẻ là đương nhiên, nhưng bù lại thì tôi có thừa sự phân tích để nhấn nhá, làm cho nhân vật được sống cuộc đời của chính nó. Cái duyên hay sự đa tình của tôi luôn ở chỗ này, chứ không phải ở chỗ tuổi tác.
Thọc sâu - leo cao - đi xa là bằng tri thức + kinh nghiệm + tay nghề, chứ không bằng sự hào hoa, đa tình, đẹp trai. Ai cũng có một thời oanh liệt, nhưng phải biết rằng không có gì cổ lỗ bằng những thành tích của ngày hôm qua. Cái nghề diễn viên luôn bạc bẽo, như người Mỹ thường nói: “live today, dead tomorrow (sống nay, chết mai) - cho nên mình phải chủ động với chính mình.
- Có khi nào sự đa tình trong nghệ thuật theo ông ra ngoài đời sống hay không?
- Thiên hạ nói về tôi thế nào, chắc các bạn cũng đã nghe và biết, tôi không bàn chuyện họ nói đúng hay sai, nay bạn hỏi nữa đề làm gì. Tôi là dân chuyên nghiệp, nên luôn có tôn chỉ và mục đích trong công việc.
Với các tình huống cụ thể, nhiều khi phải biết nhục với chính mình thì mới làm việc được. Thiên hạ phê bình thì cứ phê bình, vì đó là cái quyền của họ, tôi cũng có cái quyền của mình, nhiều khi họ không hiểu công việc mà họ phê bình bằng tôi.
Ví dụ một vở kịch, bọn tôi tập 2-3 tháng mới xong, họ xem chừng 2-3 tiếng và chỉ xem có một lần, cũng khó mà tin họ đã hiểu hết vấn đề. Tôi luôn muốn rành mạch chuyện nghệ thuật và đời sống, bởi mọi sự nhập nhằng đều dẫn đến chuyện không hay và đáng tiếc.
Sự đa tình trong nghệ thuật có thể chưa làm nên tên tuổi của Thế Anh, nhưng chắc chắn một điều là thiên hạ biết đến chuyện Thế Anh đa tình trong nghệ thuật nhiều hơn chuyện đa tình ở ngoài đời. So sánh thiệt hơn theo lẽ thường tình, bạn cũng đủ biết tôi sẽ trả lời hay không.
- Một cuộc đời đa tình và không cô đơn - như ông tự nhận, nhưng không nói ra, thì có thể bị mỗi nỗi sợ nào đó chi phối hay không? Từ khi mới vào nghề đến bây giờ, hẳn là ông sẽ thấy cuộc đời của mình có nhiều giai đoạn?
- Tôi sợ nhất là khi các đạo diễn giao cho các vai diễn mà chưa đọc kịch bản thì mình đã hình dung ra rồi. Tôi cũng sợ người xem khi chưa xem đã phán vai này của Thế Anh sẽ khá lăng nhăng, dê xồm, vai kia của Thế Anh là này nọ. Tôi sợ, vì tính bất ngờ không còn, và cũng sợ vì bị những định kiến kiểu đó.
anh-Mythuat2.jpg
"Thiên hạ phê bình thì cứ phê bình, vì đó là cái quyền của họ, tôi cũng có cái quyền của mình, nhiều khi họ không hiểu công việc mà họ phê bình bằng tôi"
Còn khi đã xem xong, muốn chê muốn khen thế nào cũng được, vì hay/dở, đẹp/xấu, thích/không thích là lẽ thường tình. Tôi nói mình đa tình trong nghệ thuật, vì khi diễn chung với các bạn nữ, tôi luôn tìm cách để nâng họ lên, chăm chút cùng họ từng chi tiết, từng cử chỉ để tạo ra các mảng, miếng trông như thật.
Quan điểm của tôi là nước lên thì bèo lên, phải làm sao để mỗi phân đoạn, mỗi lớp diễn là một tâm trạng - mà kinh nghiệm cho thấy, diễn tâm trạng khi yêu cũng rất khó khăn, vì nó cần sự kết hợp của cả hai người. Vậy nên, nếu khen tôi đa tình trong nghệ thuật, thì cũng hãy khen những bạn diễn của tôi như thế.
Còn cuộc đời tôi chia ra mấy giai đoạn ư, có lẽ chia làm 4 hồi, như trong tiểu thuyết chương hồi: Hồi hộp; Hồi xuân; Hồi đó và Hồi kèn. Ai cũng biết cuộc đời nên giữ ở cái hồi xuân, với sức sống và sự vồ vập, nhưng không dễ. Tuy nhiên, nếu chỉ sống trong hồi hộp (lo lắng), hồi đó (kể lể) thì nên chấp nhận hồi kèn (đám ma) đến thiệt sớm.
Trên lĩnh vực sân khấu, Thế Anh có các vai diễn tiêu biểu trong: Nila - cô bé đánh trống trận, Đôi mắt, Chuông đồng hồ trên điện Kremli, Anh Trỗi, Hoa anh túc, Khúc thứ ba bi tráng, Vụ án Eroxtrat, Đại đội trưởng của tôi, Othello, Bài ca Điện Biên, Người cha thô bạo, Hòn đảo thần Vệ nữ… Sau Nổi gió và Mối tình đầu, Thế Anh còn vào vai chính của những bộ phim khác như: Đường về quê mẹ, Không nơi ẩn nấp, Ngày lễ thánh, Tự thú trước bình minh, Hồi chuông màu da cam, Vụ án hồ con rùa, Ngoại ô, Người trong cuộc, Vĩnh biệt chân trời cũ, Gánh xiếc rong, Tình xa, Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du… Thế Anh quả là người chịu chơi, để kỷ niệm hai vai diễn được yêu thích nhất, ông đã đặt tên hai con trai là: Nguyễn Thế Phương (theo tên trung uý Phương trong phim Nổi gió (1965) và Nguyễn Thế Duy (vai Ba Duy trong Mối tình đầu (1977).
Theo Hiền Hoà
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment